Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Con Đường Tơ Lụa: Trung Quốc đưa tuyên truyền đến tận đầu giường

Thượng đỉnh tại Bắc Kinh về Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc trong hai ngày 14-15/05/2017 đã bế mạc. Theo ghi nhận của phóng viên hãng tin Pháp AFP tại Bắc Kinh, để tuyên truyền về sáng kiến này, Trung Quốc đã dùng đến một phương thức được cho là khá tinh xảo : Đó là kể lại những câu chuyện về Con Đường Tơ Lụa qua sách hay video mà người ta đọc hay xem trước khi ngủ. Đối tượng tuyên truyền là cả trẻ em lẫn người lớn, trong nước cũng như ngoài nước.

Công trình nghệ thuât ''Cầu Vàng trên Đường Tơ Lụa' của nghệ sĩ Shu Yong, mừng thượng đỉnh tại Bắc Kinh, về đề án Một Vành Đai Một Con Đường - OBOR. Ảnh ngày 10/05/2017.
Công trình nghệ thuât ''Cầu Vàng trên Đường Tơ Lụa' của nghệ sĩ Shu Yong, mừng thượng đỉnh tại Bắc Kinh, về đề án Một Vành Đai Một Con Đường - OBOR. Ảnh ngày 10/05/2017. Reuters
Quảng cáo

Theo Joanna Chiu, phóng viên AFP tại Bắc Kinh, đó là những câu chuyện như trong một đoạn video, người ta thấy một người Mỹ kể cho đứa con gái vào lúc đi ngủ, câu chuyện về ông Tập Cận Bình ký đề án Con Đường Tơ Lụa Mới với một chương trình đồ sộ về hạ tầng cơ sở.

Hai ngày trước cuộc họp thượng đỉnh quy tụ gần 30 lãnh đạo thế giới, truyền thông nhà nước ồ ạt đưa lên trang mạng một loạt video ca ngợi kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường ( One Belt One Road – OBOR) của Tập Cận Bình. Các clip video nhắm vào người nước ngoài hơn là người bản xứ, đã xuất hiện trên Facebook, Twitter, YouTube, bình thường bị cấm ở Trung Quốc.

Báo Anh Ngữ China Daily đã đưa lên mạng những mẫu chuyện của Erik Nilsson, một nhà báo Mỹ làm việc cho tờ báo nhà nước này, kể cho con gái mình nghe trước khi đi ngủ câu chuyện về đề án này.

Trong câu chuyện đầu tiên, ông Nilsson sử dụng một tấm bản đồ và hình ghép Lego để giải thích rằng đề án hàng tỷ đô la này sẽ giúp chuyển hàng hóa vòng quanh thế giới dễ dàng hơn như thế nào. Trước khi tắt đèn ông còn nói với cô con gái : « Đó là ý của Trung Quốc nhưng giờ đây nó thuộc về thế giới ».

Trong một email gởi đến AFP, Erik Nilsson giải thích ông đã phát triển khái niệm này với đồng nghiệp Trung Quốc, dựa trên kinh nghiệm bản thân ông, thường nói chuyện với con gái về những chuyến đi làm việc của ông.

Loạt chuyện về Vành Đai và Con Đường, theo ông, rất tự nhiên vì đó là cung cách mà ông và con gái nói chuyện trước khi ông bắt đầu một chuyến đi làm việc. Và ê kíp của ông tin là phương thức này giới thiệu được một cách dễ hiểu một đề án rất phức tạp để mọi người, Trung Quốc cũng như nước ngoài, đều hiểu.

Phát huy quyền lực mềm

Đề án con đường tơ lụa mới này của ông Tập Cận Bình nhằm mục tiêu gắn Châu Á với Châu Âu, Châu Phi qua một hệ thống khổng lồ bao gồm đồ sộ đường sắt, đường bộ và đường biển.

Các nhà phân tích xem đây là nỗ lực phát huy quyền lực mềm của Trung Quốc, chộp lấy chiếc áo khoác toàn cầu hóa, trong lúc mà nước Mỹ lại trở thành hướng nội thời Donald Trump với chính sách « America Fisrt ».

Một phim hoạt hình khác, tựa đề « Bon voyage, Whisky », nói đến hành trình 20 ngày trong tháng Tư của một chai Whisky, lái một chiếc xe lửa chở hàng đầu tiên nối liền Anh Quốc và Trung Quốc. Mắt của Whisky biến thành hình quả tim, khi nhìn thấy một lọ vitamin mặc váy hồng trên chiếc xe lửa China Railway Express. Và cả hai kết thúc hành trình ở một phòng ăn một gia đình Trung Quốc.

Trong lúc đó, một clip nhạc tập hợp trẻ em, có vẻ là từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, hát ca ngợi và bày tỏ lòng « biết ơn » đối với kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường đã mang lại tương lai cho mọi người.

Theo hãng tin Pháp AFP, giới phân tích nhận thấy là các video được tung ra nhằm hai mục đích : Một mặt là đáp trả những lời chỉ trích là kế hoạch là nhằm phát triển thị trường xuất khẩu Trung Quốc hơn là tạo cơ hội đầu tư cho các nước ngoài. Một mặt khác thì đó cũng là nỗ lực hầu thuyết phục dân chúng nước ngoài là chủ trương này, nếu thực hiện được, sẽ tốt cho mọi người.

Một chuyên gia về truyền thông, Nicole Tamacs, trường đại học Tây An-Giao Thông-Liverpool, cho rằng các video này không dành riêng cho trẻ em. « Khái niệm ‘chuyện kể cho con lúc lên giường (bedtime story)’ có lẽ chỉ là cách để ‘làm dịu đi’ hay xóa bỏ cảm giác bị đề án OBOR tấn công hay đe dọa ».

Phóng viên AFP ghi nhận đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng yếu tố người nước ngoài trong các video tuyên truyền cho một chương trình của chính phủ. Năm 2015, truyền thông nhà nước đã đưa lên một video nhạc nước ngoài sống động để nói về kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của chính phủ.

Manya Koetse, chuyên gia nghiên cứu về trào lưu xã hội Trung Quốc giải thích : « Đây là phong cách hiện nay của các truyền thông Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng ra khán thính giả khắp nơi. Cách tuyên truyền hiện nay không còn như vào năm 1997, mà đi theo trào lưu thời đại với video trên mạng, trên mobile, nhạc và lời phù hợp với con người thế hệ hiện tại.’ Và Bắc Kinh « muốn cho thấy vai trò của Trung Quốc trên thế giới trong tư cách như một nhà lãnh đạo hài hòa, giúp toàn thể thế giới trở thành một nơi phồn thịnh hơn. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.