Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hàn Quốc : Giới trẻ không muốn hy sinh vì việc làm nữa

Đăng ngày:

Một làn sóng ngầm mạnh mẽ đang làm thay đổi giới trẻ Hàn Quốc. Ngày càng có nhiều người trẻ không muốn « hy sinh tất cả » để làm việc.

Ảnh chụp màn hình phim truyền hình nhiều tập «Giám đốc Kim» do hãng KBS sản xuất.
Ảnh chụp màn hình phim truyền hình nhiều tập «Giám đốc Kim» do hãng KBS sản xuất.
Quảng cáo

Trong nhiều thập niên, người dân Hàn Quốc đã chấp nhận tất cả để tái thiết đất nước, để có được sự phát triển kinh tế « thần kỳ ». Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu này trong những năm 80-90 của thế kỷ trước. Thế nhưng, giới trẻ Hàn Quốc ngày nay lại không biết đến những năm tháng khó khăn của cha anh, rồi thời kỳ « huy hoàng » với tăng trưởng hai con số.

Giờ đây, họ cảm thấy ngột ngạt : học hành thi cử triền miên, cạnh tranh nghề nghiệp liên tục, tất cả chạy theo tiền tài, địa vị xã hội, rồi những vụ tai tiếng, tham nhũng của giới chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn. Giới trẻ Hàn Quốc không chấp nhận những ràng buộc cứng nhắc, cổ hủ, sự lệ thuộc theo kiểu « gia trưởng » cũng như áp lực ngày càng nặng nề trong công việc.

Theo ghi nhận của thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul, mối quan hệ ở nơi làm việc đang từng bước thay đổi, tại một đất nước mà trong thời gian dài, quan niệm hy sinh tất cả vì công việc đã từng được coi là chuẩn mực.

« Hàn Quốc là một trong số các nước có thời gian làm việc nhiều nhất trên thế giới. Ngày làm việc kéo dài vô tận : một số doanh nghiệp lớn còn có cả nhà nghỉ để nhân viên ngủ qua đêm. Và chuyện làm việc hai ngày cuối tuần không phải là hiếm. Bí quyết của tăng trưởng kinh tế ngoạn mục tại Hàn Quốc từ 5 thập niên qua, đó là nhiều thế hệ đã hy sinh cuộc sống cá nhân cho công việc và mỗi năm họ chỉ có vài ngày nghỉ trong suốt cuộc đời làm việc của mình.

Thế nhưng, thế hệ trẻ Hàn Quốc ngày càng ít chấp nhận kiểu làm việc vô độ, bất kể giờ giấc, những xỉ vả lăng nhục hàng ngày ở nơi làm việc, quan hệ lãnh đạo-nhân viên cứng nhắc hoặc bắt buộc phải đi uống rượu với cấp trên, vào buổi tối, sau khi hết giờ làm việc, khi cấp trên ra lệnh… trong bối cảnh công ăn việc làm ngày càng bấp bênh và nguy cơ bị sa thải bất kỳ lúc nào ngày càng lớn.

Theo một cuộc thăm dò gần đây, 83% giới trẻ Hàn Quốc cảm thấy u uất, suy nhược tinh thần ở nơi làm việc ! »

Hạ bệ tư tưởng « Khổng giáo »

Đối với giới trẻ Hàn Quốc, một trong những nguyên nhân tạo ra sự ngột ngạt xã hội, đó là sự thống trị của Khổng giáo. Nhà báo Juliette Morillot, trong bài viết « Giới trẻ Hàn Quốc muốn hạ bệ tư tưởng Khổng giáo », trên trang mạng Asialyst, hồi cuối tháng 12/2016, nhận định hệ tư tưởng này đã kiến tạo và gần như trở thành nền tảng xã hội ở cả hai miền Nam - Bắc Triều Tiên.

Chính quyền quân sự độc tài Park Chung-Hee đã dựa vào Khổng giáo để có được sự « ngoan ngoãn » và « tận tụy » của người dân trong công cuộc tái thiết Hàn Quốc. Còn Kim Nhật Thành cũng khai thác tư tưởng này để xây dựng « thiên đường Bắc Triều Tiên ».

Khổng giáo được du nhập vào Triều Tiên vào khoảng thế kỷ XIV trong bối cảnh tham nhũng và rối loạn tàn phá vương quốc Cao Ly (Goryeo), áp đặt một cơ cấu xã hội chặt chẽ và cứng nhắc, sự tôn trọng bề trên (con cái đối với bố mẹ, bố mẹ đối với tổ tiên, nhân viên đối với ông chủ, học sinh đối với thầy giáo, nhân dân đối với chính phủ). Đạo Khổng giờ đây trở thành kẻ thù tệ hại nhất của giới trẻ Hàn Quốc. Xin nhắc lại là trong vụ đắm tàu Sewol năm 2014, hầu như các nạn nhân được cứu sống là những học sinh dám không tuân lệnh thầy cô ở lại trong ca-bin trong lúc con tàu đang chìm dần.

Vâng lời một cách mù quáng, hối lộ, đề cao bằng cấp thay vì có đầu óc phê phán và lập luận, nhấn mạnh tầm quan trọng quá mức của đại học, gia đình, tôn giáo, tất cả những điều này đã trở nên lỗi thời. Con thuyền Hàn Quốc đang chìm dần và các quá khứ nặng nề đó không còn là tấm gương để giới trẻ Hàn Quốc tự soi vào và chấp nhận nữa, đối với họ, đó là « Hell Choson – Địa ngục Hàn Quốc ».

Vẫn theo Frederic Ojardias, giờ đây sự phản kháng của giới trẻ được thể hiện rõ qua các sinh hoạt văn hóa bình dân, mà hai ví dụ cụ thể nhất đang thịnh hành tại Hàn Quốc là bộ phim truyền hình nhiều tập « Giám đốc Kim » và truyện tranh « Dị ứng nơi làm việc ».

« Ngày càng có nhiều bộ phim truyền hình nhiều tập quan tâm đến chủ đề này. Bộ phim mới nhất là « Giám đốc Kim », trên đài truyền hình quốc gia KBS : đó là câu chuyện một nhân viên có ý đồ đánh lừa công ty của mình để sau đó sang Đan Mạch sống, nơi có Nhà nước phúc lợi !

Ở đây, người ta ước mơ có được những điều kiện làm việc như ở châu Âu và rất nhiều người Hàn Quốc tìm cách ra nước ngoài làm việc.

Truyện tranh rất ngộ « Dị ứng nơi làm việc » đã tái bản tới 6 lần kể từ khi được xuất bản lần đầu cách nay hai tháng. Trong truyện, người ta thấy những nhân viên trẻ bề ngoài tươi cười, năng động nhưng trên thực tế, họ chỉ mơ ước được nghỉ việc và nói ra bốn sự thật cho các ông chủ ghê rợn của họ.

Thực ra, những câu chuyện mỉa mai về những trái khoái trong đời sống doanh nghiệp thì vẫn có, nhưng trong truyện tranh này, thì chính bản chất của việc làm bị chỉ trích và được trình bày như một sự phi lý và tha hóa. Tờ Thời Báo Hàn Quốc, trong một bài viết dài về chủ đề này, cũng ghi nhận là có rất nhiều cuốn sách có chủ đề hướng dẫn làm thế nào để từ chức, thôi việc ».

Giấc mơ trời Âu

Bộ phim ăn khách « Giám đốc Kim » chỉ là hư cấu nhưng phản ánh phần nào thực tại xã hội Hàn Quốc. Theo một số thẩm định, thì có tới 90% giới trẻ Hàn Quốc mong muốn xuất ngoại, ra nước ngoài làm việc và sinh sống. Rất nhiều người đã sang châu Âu, châu Mỹ hoặc Úc. Họ chấp nhận các công việc không liên quan gì đến đào tạo ban đầu và bằng cấp của mình, để có được giấy phép làm việc, có được môi trường bình yên cho gia đình.

Cô Ikja, hai bằng tiến sĩ, lịch sử và kinh tế, được trang mạng Asialyst trích dẫn, cho biết : « Tôi đã sang Đan Mạch để sống. Tại Hàn Quốc, sau khi có bằng tiến sĩ, tôi đã mất hai năm không có việc làm và cuối cùng thì được việc làm thư ký. Cái nhìn khinh miệt của người khác nặng nề đến nỗi tôi phát ốm mỗi khi nghĩ đến chuyện phải ra đường.

Tại Đan Mạch, khi ra phố, tôi có thể mặc quần jean, không cần trang điểm. Tôi không muốn phẫu thuật thẩm mỹ cho dù bố mẹ tôi khuyên nhủ rằng nên làm để kiếm được tấm chồng và việc làm. Tại đây, ở Copenhague, tôi làm việc trong một cửa hàng bán bánh. Lương tôi thấp. Nhưng ở đây, tôi thực sự được sống cuộc sống của mình, tôi có thể hít thở được. Ở Hàn Quốc, tôi có cảm giác ngày càng bị nghẹt thở ».

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tại Hàn Quốc đã tăng liên tục trong nhiều năm qua. Theo Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế - OCDE, trong năm 2016, con số thất nghiệp của giới trẻ Hàn Quốc là 10,7%, cao hơn so với năm 2015 là 10,5%. Đây cũng là mối đau đầu của chính phủ Hàn Quốc. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, một trong những biện pháp giảm bớt thất nghiệp của giới trẻ là lĩnh vực công tăng cường tuyển dụng. Thế nhưng, biện pháp này vẫn không « hấp dẫn » đối với giới trẻ.

Vẫn theo Frédéric Ojardias, một cuộc « cách mạng thầm lặng » của giới trẻ Hàn Quốc đang diễn ra. Họ muốn đoạn tuyệt với quá khứ và cuộc « cách mạng » này trong dài hạn có thể làm lay chuyển thị trường lao động Hàn Quốc.

« Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung hay Hyundai vẫn là những doanh nghiệp mà giới trẻ có bằng cấp tìm cách xin vào nhiều nhất, do mức lương cao cũng như sự hãnh diện trong xã hội khi làm việc cho những tập đoàn này. Thế nhưng, đồng thời, người ta cũng nhận thấy ngày càng có nhiều người trẻ từ chối lựa chọn con đường nghề nghiệp như vậy.

Ví dụ, sự từ chối này được thể hiện rõ qua số lượng các công ty khởi nghiệp gia tăng một cách ngoạn mục từ vài năm qua : tự lập công ty trở thành một xu hướng thời thượng, trái ngược với trước đây, sự lựa chọn này vốn bị xã hội khinh dễ, coi thường. Rất nhiều người trẻ có bằng cấp muốn tự mình làm chủ công ty của mình.

Một nữ chủ nhân công ty vừa và nhỏ gần đây cho biết bà đã tiếp nhiều người trẻ đến xin việc, đó là những người từ chối trở thành những « chiến binh cho các tập đoàn lớn », họ quan tâm đến chất lượng công việc, muốn được giới chủ lắng nghe và muốn có một sự cân bằng giữa đời sống riêng tư và công việc. Đó là những điều không tồn tại cách nay 10 năm. Có thể nói, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra và làm lay chuyển môi trường việc làm tại Hàn Quốc. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.