Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Bangladesh : Khi vợ cắt trụi đầu để tránh bị chồng tra tấn

Đăng ngày:

Mái tóc là thứ mà phụ nữ thường tự hào. Nhưng ở nhiều nơi, người ta sẵn sàng dùng chính mái tóc ấy để chà đạp lên niềm kiêu hãnh của họ. Quảng cáo của một hãng dầu gội đầu Bangladesh hồi cuối tháng 3/2017 đã thu hút hàng triệu người coi. Quảng cáo gây xúc động, bởi đã điểm đúng vào nỗi nhức nhối trong gia đình hàng chục triệu người Bangladesh. Tạp chí Thế Giới Đó Đây giới thiệu.

Đoạn video gây chú ý tại Bangladesh
Đoạn video gây chú ý tại Bangladesh Ảnh chụp youtube
Quảng cáo

Đoạn băng quảng cáo nói về một cảnh thường nhật trong một tiệm cắt tóc ở Bangladesh. Người thợ làm đầu đã vô cùng ngạc nhiên khi một thiếu nữ với mái tóc tuyệt đẹp cứ yêu cầu cắt ngắn, cắt ngắn hơn nữa.... Người thiếu nữ hài lòng với mái đầu mới, trước khi bật khóc... 

Ở Bangladesh, mái tóc không chỉ là biểu tượng của sự quyến rũ, người ta ví mái tóc đối với nữ giới như chiếc bờm sư tử.

Theo một thống kê của chính quyền, hơn hai phần ba phụ nữ Bangledesh từng bị chồng hành hạ, nhưng chỉ có khoảng 2% dám lên tiếng tố cáo, vì sợ hãi. Một nửa trong số họ không được chăm sóc.

Chính quyền Bangladesh đã quy định phạt tù sáu tháng đối với các thủ phạm bạo hành gia đình. Trước mắt, Liên Hiệp Quốc khuyến cáo tăng số lượng thẩm phán để xét xử các khiếu kiện. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vấn đề cơ bản vẫn là nạn tảo hôn. Hơn một nửa phụ nữ Bangladesh phải lấy chồng trước 18 tuổi.

Nhà tù Nga đội sổ châu Âu

Nga cũng là quốc gia mà tình trạng bạo hành gia đình rất nghiêm trọng. Riêng trong năm 2015, đã có khoảng 7.500 phụ nữ thiệt mạng vì lý do này. Trong khi đó, chính quyền Nga đầu tháng 2/2017 vừa thông qua luật “phi hình sự hóa” bạo lực gia đình. Luật được Giáo Hội Chính Thống Giáo ủng hộ, bị giới bảo vệ nhân quyền lên án vì nương tay với những kẻ vũ phu.

09:07

Mời nghe TẠP CHÍ THẾ GIỚI ĐÓ ĐÂY 8/4/2017

Tránh cho những kẻ bạo hành gia đình phải vào tù, nhưng chính quyền Nga lại khắc nghiệt hơn với các tù nhân. Một báo cáo về nhà tù của Hội Đồng Toàn Châu Âu (gồm 47 quốc gia) (1) mới ra cho biết nước Nga đứng đội sổ trong bảng xếp hạng. Bà Olga Romanova, phụ trách hiệp hội « Nhà tù ở Nga », nhận xét :

« Báo cáo này không khiến tôi ngạc nhiên chút nào. Nước Nga vốn đứng đầu châu Âu về số lượng tù nhân, và tình trạng giam giữ hết sức tồi tệ, tù nhân không được chăm sóc y tế, vi phạm nhân quyền nặng nề, do đó tỉ lệ tử vong rất cao.

Tù nhân mãn hạn tù trở về nhà với nhiều bệnh tật, như lao, Sida… Hơn nữa trong nhà tù nước Nga, hoàn toàn không có các trợ giúp ‘‘tái hòa nhập’’. Các nhà tù là nơi tạo ra tội phạm ».

Cần phải làm gì để thay đổi ?

« Cần thay đổi chính sách về tội hình sự, không hình sự hóa một số vi phạm nhỏ, ví dụ như một đứa bé lần đầu tiên đánh cắp một chiếc máy tính sẽ phải trả tiền phạt, chứ không thể bị bỏ tù năm năm.

Một đặc điểm nữa là hệ thống nhà tù ở nước Nga được tài trợ căn cứ theo số lượng tù nhân. Vì vậy, các nhà tù không quan tâm đến việc giảm số lượng tù nhân. Chính hệ thống này phải thay đổi…. Trên thế giới, hiếm còn nước nào mà hệ thống nhà tù còn do quân đội quản lý như ở Nga. Hệ thống nhà tù hiện nay đã được đổi tên, nhưng bản chất Goulag (tức hệ thống trại tập trung thời Liên Xô) vẫn còn nguyên.

Bên cạnh đó, đây là một hệ thống khép kín, hoàn toàn không có việc hệ thống này bị kiểm soát của Nhà nước…. Các tù nhân không dám tố cáo, vì bị đe dọa tra tấn ».

Người phụ trách hiệp hội Nhà tù ở Nga giải thích thêm là trong các nhà tù, các y bác sĩ chỉ là những kẻ thừa hành. Nếu lãnh đạo nhà tù không cho phép chữa trị một ai đó, để ăn hối lộ hay vì một lý do khác, thì các y bác sĩ sẽ phải làm theo. Phụ nữ là những người bị đày ải nặng nề nhất, và đa số phải cam chịu.

Bà Olga Romanova lên án một luật mới của Nga, ra hồi tháng 12/2016, trao thêm nhiều quyền hành cho nhân viên nhà tù. Theo bà, trước khi có luật này, các tù nhân, và những người bảo vệ, còn có cơ hội bảo vệ quyền của họ, dù rất nhỏ, nhưng sau luật này thì không thể.

« Félicité » : Niềm tự hào của phụ nữ châu Phi

Một bộ phim tuyệt vời vừa ra mắt công chúng Pháp hồi tuần trước. Giới phê bình chào đón « Félicité », phim của đạo diễn Pháp gốc Senegal Alain Gomis đoạt giải Gấu Bạc Berlin 2017 và Kim Bản Vị của Liên Hoan Điện Ảnh Yennenga, được coi là phần thưởng cao quý nhất của điện ảnh Châu Phi.

RFI tiếng Pháp có bài giới thiệu (2). Nhân vật Félicité là ca sĩ, kiêm vũ nữ tại một quán bar ở thủ đô Conggo (do tài tử không chuyên Veronique Tshanda Beya Mputu thủ vai). Cuộc đời cô đổi hướng, khi con trai đột ngột bị tai nạn xe. Félicité phải ngược xuôi khắp thành phố để đòi nợ, van xin, kiếm từng đồng một, với hy vọng kịp gom đủ tiền cho con phẫu thuật…

Khắp nơi là một không khí bức bối, hỗn loạn, bẩn thỉu, nghèo đói khốn cùng, lừa đảo, tham nhũng tràn lan… Nhưng, hòa trong nhịp điệu của ban nhạc Congo nổi tiếng Kasai Allstars, phim như một lời mời gọi thăng hoa, để phát hiện ra vẻ đẹp của đời sống thường ngày, cái mà người đời thường ngoảnh mặt.

Nhà phê bình Isabelle Regnier (3) ví bộ phim gần như một bức họa « lập thể », nơi tâm hồn đa sắc của người phụ nữ bình dân Félicité đồng vọng với xã hội Congo.

« Hát để không bị chết chìm » đó là nhận xét mà nhà phê bình Thomas Sotinel (4), người nhiều năm gắn bó với Congo, dành cho một bộ phim, mà bên kia cuộc sống sôi động và hỗn tạp, phảng phất một cõi tâm linh.

Thực phẩm độc hại : Hai biện pháp theo dõi mới

Thực phẩm giả mạo độc hại, kém chất lượng là một hiểm họa hàng đầu của thế giới đương đại trong bối cảnh tự do thương mại không đi kèm với đủ các cơ chế cho phép kiểm soát chất lượng hàng hóa. Nỗi sợ thực phẩm giả ám ảnh người dân Canada, đặc biệt là tỉnh Quebec, nơi có đến 84% người dân lo sợ hàng giả, ngay cả đối với các mặt hàng sản xuất tại địa phương. Ngày 04/04, các chuyên gia về thực phẩm giả mạo có cuộc hội thảo tại Quebec, để bàn về các biện pháp kiểm soát hàng giả.

Thông tín viên Pascale Guéricolas từ Québec cho biết,

« Các phương pháp này đang còn trong giai đoạn thử nghiệm. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trong bối cảnh xảy ra vụ thịt ngựa giả thịt bò hồi 2013 ở Anh Quốc. Các nhà nghiên cứu Anh đã đưa ra ý tưởng sử dụng một mô hình tin học để dự báo, vốn được hoàn thiện sau trận sóng thần Indonesia năm 2004. Cụ thể là dựa trên các dữ liệu động đất dưới đáy biển.

Về thực phẩm, hàng ngày giữa các nước có hàng chục nghìn sản phẩm được trao đổi, mỗi sản phẩm mang một mã vạch với nhiều thông số. Có thể xác định được khối lượng trung bình và giá cả của mỗi loại hàng hóa. Năm này sang năm khác, các số liệu được tích lại. Mọi thay đổi đột ngột, theo hướng tăng vọt hay sụt xuống có thể là một chỉ dấu báo động.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhờ việc đưa ra ánh sáng các dấu hiệu bất thường qua phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ này, giới chuyên gia về tội phạm thực phẩm có được các thông tin cảnh báo. Ví dụ như, các đồ thị được lập ra trên cơ sở các dữ liệu cho thấy, có nhiều thông số cho phép dự đoán được vụ bê bối thịt ngựa, ba tháng trước khi bùng phát.

Một số chuyên gia gợi ý sử dụng các phương tiện khác, để tái lập niềm tin của người tiêu thụ đối với ngành công nghiệp thực phẩm. Những người này chủ trương minh bạch thông tin về thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày.

Công nghệ tin học BlockChains (tạm dịch là « Chuỗi khối ») cho phép làm điều này. Nhờ ở công nghệ Chuỗi khối, bạn có thể biết được nhiều thông tin chi tiết về một chiếc đùi gà mua ở siêu thị đầu phố chẳng hạn. Ví dụ như liều kháng sinh đầu tiên được nhà chăn nuôi sử dụng, cho đến nguồn gốc của thức ăn cho con vật này trong những tuần đầu tiên, cho đến địa chỉ của lò mổ… Kiểu dữ liệu được mã hóa này không thể làm giả được ».

----

(1) Trang của Hội Đồng Toàn Châu Âu về tình trạng nhà tù

(2) Xem bài « ''Félicité'', le magnifique film d’Alain Gomis sort en salle ». 

(3) và (4) Le Monde, 28/03/2017. 
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.