Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Ấn Độ : Sông Hằng có quy chế "thể nhân vị thành niên" !

Đăng ngày:

Tại Ấn Độ, sông Hằng và Yamuna từ bao đời nay được người Hindu xem như là những dòng sông thiêng liêng có thể gột rửa mọi tội lỗi cho những ai tắm trên sông. Nhưng điều nghịch lý là hai con sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhằm bảo vệ hiệu quả hơn hệ sinh thái của hai con sông này, một tòa phúc thẩm ở bang Uttarakhand, nằm trên dãy núi Himalaya, vừa mới công nhận quy chế là thể nhân – như một người sống cho hai dòng sông thiêng liêng.

Một đoạn sông Hằng, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ
Một đoạn sông Hằng, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ Wikimedia by Flickr
Quảng cáo

Đây là lần đầu tiên có một phán quyết như vậy tại Ấn Độ. Thông tín viên Sébastien Farcis, tại Ấn Độ cho biết điều gì đã khiến tòa phúc thẩm bang này ra quyết định như vậy :

« Để xử lý một vụ việc thường được đề cập đến theo hướng tâm linh, các thẩm phán ở bang Uttarakhand đã lập luận theo lô-gích đơn giản : Họ cho rằng người Hindu coi sông Hằng là thiêng liêng, thậm chí sông này còn được gọi là Đức Mẹ và có khả năng gột rửa các tội lỗi cho những ai tắm trên sông.

Các thẩm phán bổ sung rằng một số thần tượng tôn giáo đã có quy chế là thực thể có trách nhiệm về mặt pháp lý, có khả năng sở hữu tài sản và bất động sản. Vì vậy, theo các thẩm phán, do sông Hằng và sông Yamuna thiêng liêng bị ô nhiễm khủng khiếp, đã đến lúc cấp quy chế tương tự cho hai con sông này : tức là quy chế thể nhân vị thành niên, cần phải được bảo vệ, chống lại mọi hành động làm tổn hại đến sự toàn vẹn thân thể của thể nhân.

Và do con sông là trẻ vị thành niên, các giám hộ Nhà nước đã được chỉ định để bảo vệ trẻ. Quả thực là tình hình rất nghiêm trọng : sông Hằng đã bị bạc đãi vì phải tiếp nhận hàng tấn nước bẩn không được xử lý thanh lọc từ 29 thành phố lớn, nước thải có thủy ngân của các xưởng thuộc da, cũng như xác người đang phân hủy được ném xuống sông để người chết được đến cõi Niết Bàn. Con sông này ô nhiễm đến mức có thể gây ung thư nếu ta tắm ở đó. »

Đương nhiên, các nhà tranh đấu môi sinh vui mừng khi thấy một tòa phúc thẩm nhắc lại rằng con sông là một bộ phận cơ thể sống. Điều này gây ấn tượng mạnh và thừa nhận là cần phải chấm dứt khai thác quá mức các con sông này như xây thêm các đập mới làm giảm dòng chảy và thúc đẩy nhanh tiến trình hủy hoại con sông. Và như thế họ có thể sử dụng việc công nhận về mặt pháp lý quy chế con sông để chống lại các dự án như vậy.

Nước đã qua sử dụng : Vàng đen mới của năng lượng bị lãng phí

Một đoạn ống dẫn nước thải.
Một đoạn ống dẫn nước thải. wikipedia

Thế giới nói nhiều về năng lượng tái tạo từ mặt trời, từ gió… nhưng lại lãng quên một nguồn năng lượng khác rất gần gũi với chúng ta : Đó là nước đã qua sử dụng.

Một báo cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra rằng 80% lượng nước sử dụng được thải ra mà không qua xử lý hàm chứa một mỏ quặng nguyên nhiên liệu. Một sự lãng phí to lớn ! Bởi vì nếu được tái xử lý tốt, nguồn nước bẩn thải ra cống rãnh đó có thể cung cấp đến ¼ lượng chất phốt-pho để chế biến phân bón cho nông nghiệp, hay là kem đánh răng và nước giặt quần áo.

Hay hơn nữa là khi thu gom nguồn năng lượng hóa học được tích trữ trong các chất hữu cơ của nước đã qua sử dụng, người ta có thể chế tạo ra khí ga sạch, một nguồn năng lượng tái tạo.

Chẳng hạn như tại Nhật Bản, thành phố Osaka với 20 triệu dân, mỗi năm sản xuất ra 6.500 tấn nhiên liệu rắn sạch khi cho tái chế bùn tại các trạm xử lý nước. Đương nhiên, đối với một quốc gia đang phát triển, chi phí để thiết lập một công nghệ chế biến nước đã qua sử dụng này là còn quá cao.

Nhưng báo cáo của Liên Hiệp Quốc lưu ý là vẫn có nhiều giải pháp xử lý khác ít tốn kém hơn. Ngoài việc tạo ra năng lượng, các biện pháp xử lý nước thải đó còn có thể cho phép tái sử dụng những nguồn nước bẩn để tưới tiêu chẳng hạn, đồng thời giảm thiểu được việc sử dụng những nguồn nước sạch, đang ngày càng trở nên khan hiếm. Một công đôi ba chuyện phải không quý vị !

Sản xuất điện « sạch » và Bảo vệ môi trường : Một phương trình khó

Quạt điện gió tại Tây Ban Nha.
Quạt điện gió tại Tây Ban Nha. DR

Nói về phong điện, Hà Lan và Đan Mạch đã lên kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo được bao quanh bởi các máy phát điện gió ở Biển Bắc. Một thỏa thuận về dự án khổng lồ này đã được các công ty khai thác mạng lưới điện Đan Mạch Energinet và Tenne T Hà Lan ký kết tại Bruxelles, ngày 23/03 vừa qua nhân diễn đàn năng lượng tại Biển Bắc. Các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm nguồn tài chính để thực hiện dự án vào năm 2050. Từ Copenhague, thông tín viên Fabien Vallée, cho biết thêm thông tin về dự án :

« 7.000 máy phát điện gió bao quanh một hòn đảo rộng khoảng bằng một sân bóng đá. Có diện tích bằng nước Qatar, khu vực đặt máy phát điện gió này nằm ở « dải Dogger », một dải cát rộng lớn ở giữa Biển Bắc, sâu 20 mét dưới mặt nước biển.

Có ba lý do để chọn nơi này : Thứ nhất là vùng biển này không sâu lắm, việc lắp đặt máy phát điện sẽ dễ dàng hơn và đỡ tốn kém hơn. Thứ hai là gió thổi rất mạnh, điều kiện lý tưởng để khai thác năng lượng gió và cuối cùng là khu vực này nằm lọt thỏm giữa nhiều nước châu Âu. »

Từ đảo nhân tạo này, nơi đặt trung tâm tiếp nhận điện từ các máy phát điện gió, điện sẽ được chuyển tải sang Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Anh, Na Uy và Bỉ, cung cấp năng lượng cho 80 triệu người. Tổng giá trị công trình ước tính là một tỷ đô la.

Mục đích của dự án là nhằm cung cấp điện giá rẻ hơn, đồng thời giúp Liên Hiệp Châu Âu đạt được mục tiêu giảm lượng phát thải khí CO2 xuống bằng mức của năm 1990, theo như lời ông Torben Nielsen, giám đốc kỹ thuật của công ty Energinet. Tuy nhiên, theo anh Fabien Vallée, một số hiệp hội môi sinh lo ngại về tác động của dự án này đối với môi trường.

« Đảo nhân tạo sẽ được xây dựng trong vùng Natura2000, tức là khu vực được bảo vệ, nơi sinh sống của nhiều chủng loại động vật, cũng như nhiều loài cá, động vật có vú dưới biển. Đây cũng là nơi tạm nghỉ, kiếm mồi của một số loài chim, vốn đang bị đe dọa bởi hiện tượng biến đổi khí hậu và tình trạng đánh bắt hải sản quá mức. » 

Các quan chức phụ trách dự án cho biết là họ sẽ tiến hành các nghiên cứu để giảm thiểu tác động tiêu cực, nhưng một số hiệp hội, như Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên – WWF, một tổ chức bảo vệ môi trường, vẫn phản đối việc xây dựng đảo nhân tạo. Họ cho rằng dự án này là vô ích, thậm chí nguy hiểm vì có quy mô xâm lấn quá lớn.

Loài nhện, những kẻ háu ăn hữu ích

Dân gian thường ví những ai xấu xa với loài “nhện độc”. Nhưng sự ví von này chắc cũng không ngoa. Bởi vì, quý vị có biết rằng, mỗi năm, loài nhện có khả năng tiêu thụ đến hơn 400 triệu tấn côn trùng, tương đương với lượng tiêu thụ thịt và cá của loài người.

Theo một công trình nghiên cứu đăng trên tờ The Science of Nature, được Le Figaro ngày 21/3/2017, trích dẫn lại, từ bấy lâu nay, giới khoa học nghi ngờ về khả năng này của loài nhện. Để có thể rút ra kết luận trên, các nhà khoa học thuộc trường đại học Bâle, Thụy Sĩ và đại học Lund, tại Thụy Điển đã thực hiện một mô hình mẫu kết hợp hai phương pháp nghiên cứu, dựa trên nhiều giả thuyết.

Phương pháp thứ nhất dựa vào « nhu cầu thức ăn của một con nhện tùy theo trọng lượng cơ thể, đi kèm với những gì người ta đã biết trong các nghiên cứu khoa học trước đó về sinh khối trên một mét vuông của loài động vật này. »

Theo quan sát, trung bình một con nhện tiêu thụ mỗi ngày một khối lượng thức ăn tương đương từ 10-20% trọng lượng cơ thể của chính nó. Về phần mật độ loài nhện trên một mét vuông, lưu ý là ở đây chỉ đề cập đến loài nhện sống trong rừng hay cánh đồng, con số dao động từ 130 đến 1000 cá thể tại một số khu vực. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra con số ước tính là sinh khối tổng thể của loài nhện ở khoảng 25 triệu tấn.

Phương pháp đánh giá thứ hai dựa vào số lượng con mồi đo được trong khuôn khổ nghiên cứu thực nghiệm, bất kể đó là các loại côn trùng rơi trong lưới nhện hay là thu được trong các bẫy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. Wikimedia

Vẫn theo các nhà khoa học, nghiên cứu này cho phép hiểu rõ được vai trò chủ yếu của loài nhện trong việc cân bằng hệ sinh thái cũng như là khả năng chống chọi tốt hơn so với các loài côn trùng, mà số lượng đã giảm đi đáng kể trước việc con người sử dụng ồ ạt các loại thuốc diệt côn trùng. Một sức chống chọi có thể được giải thích bằng chính khả năng tự di chuyển, nhất là việc để tự cuốn theo các luồng khí nhờ đó chúng có thể di chuyển hàng chục km.

Với khám phá này, rõ ràng nhện đích thị là kẻ thù số một của các loài côn trùng, một loại thuốc trừ sâu « tự nhiên và sạch » nữa. Nhưng quý vị cũng đừng quên rằng, nhện lại là món ăn rất ngon đối với khoảng từ 3.000 – 5.000 loài chim. Biết đâu một ngày không xa, nhện sẽ lại là một món ăn « ngon » nằm trong danh sách thực đơn vốn dĩ đã rất dài của loài người !!!

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.