Vào nội dung chính
MỸ- TRUNG QUỐC- IRAN

Mỹ trừng phạt nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cộng tác với Iran

Ngày 24/03/2017 chính quyền Mỹ thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào 30 tổ chức và cá nhân thuộc 10 quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, bị cáo buộc cộng tác với các chương trình phát triển vũ khí của Iran và Bắc Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) tiếp kiến chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/03/2017.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) tiếp kiến chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/03/2017. REUTERS/Thomas Peter
Quảng cáo

Theo AFP có tổng cộng 9 doanh nghiệp, tổ chức và công dân Trung Quốc bị trừng phạt vì « chuyển giao các yếu tố nhạy cảm cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran ». Các biện pháp trừng phạt nói trên nằm trong khuôn khổ một quy định mới của chính quyền Mỹ trong lĩnh vực chống phổ biến vũ khí, có tên gọi tắt là INKSNA, nhắm vào Iran, Bắc Triều Tiên và Syria.

Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, « việc phát triển công nghệ tên lửa của Iran làm gia tăng căng thẳng tại khu vực ». Washington cáo buộc Teheran hỗ trợ quân sự cho các lực lượng nổi dậy Houthis theo hệ phái Shia tại Yemen.

Hoa Kỳ đã dỡ bỏ phần lớn các trừng phạt chống Iran, sau khi quốc tế đạt được một thỏa thuận với Teheran về chương trình hạt nhân hồi tháng 7/2015, tuy nhiên Washington vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Ngoài 30 tổ chức và cá nhân nói trên, còn có 19 tổ chức và cá nhân khác bị trừng phạt vì bán cho hoặc mua của Iran, Bắc Triều Tiên và Syria các thiết bị, dịch vụ hay công nghệ bị Mỹ cấm. Kể từ khi lên nắm quyền, tổng thống Donald Trump muốn siết chặt các trừng phạt đối với Iran.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên

Về tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, tân chính quyền Mỹ và Trung Quốc đã bày tỏ lập trường chung là tiếp tục hợp tác, nhân chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ Tillerson tới Bắc Kinh hôm Chủ nhật trước, 18/03. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc thực thi nghiêm túc đến đâu nghị quyết của Hội Đồng Bảo An trừng phạt Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân tên lửa là một vấn đề còn để ngỏ.

Theo giới quan sát, chế độ Bình Nhưỡng sở dĩ có thể tiếp tục phát triển được chương trình bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo một phần là nhờ nguồn tài chính có được thông qua các công ty Bắc Triều Tiên làm ăn với Trung Quốc. Chưa kể các nghi vấn về vấn đề chuyển giao công nghệ tên lửa, hạt nhân.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.