Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Sự phục hồi của chiến lược vùng ảnh hưởng

Báo Le Monde ngày 21/3/2017 cho rằng bất đồng Mỹ-Trung trong hồ sơ các quần đảo đang tranh chấp khẳng định « sự phục hồi của chiến lược vùng ảnh hưởng », bởi vì thế giới ngày nay bị chi phối, giằng xé bởi các cường quốc và mỗi cường quốc tìm cách chiếm giữ và thống trị một vùng ảnh hưởng của mình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ngoại trưởng Mỹ Tillerson, ngày 19/03/2017, tại Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ngoại trưởng Mỹ Tillerson, ngày 19/03/2017, tại Bắc Kinh. Reuters
Quảng cáo

Mở đầu bài viết, tác giả Gaïdz Minassian nhận xét dường như chính quyền Donald Trump muốn ngăn cản Trung Quốc chiếm lĩnh các đảo ở Biển Đông. Cho dù căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã giảm một nấc liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp, nhưng theo báo Le Monde, nếu nghĩ rằng các phát biểu của Washington về hồ sơ này chỉ mang tính khiêu khích, thì quả là suy nghĩ thiển cận, nếu không thì cũng là đánh giá sai lầm.

Thực ra, realpolitik – chính sách thực dụng - hồi sinh trong bối cảnh thế giới bấp bênh và xuất hiện xu hướng co cụm, bảo hộ, còn chủ đề « vùng ảnh hưởng » không phải là điều gì mới. Chiến lược này có cội nguồn từ học thuyết Monroe. Ngay từ năm 1823, James Monroe, vị tổng thống thứ 5 của nước Mỹ, đã định ra một nguyên tắc chủ chốt cho chính sách ngoại giao của nước này : « Nước Mỹ của người Mỹ ». Gần hai thế kỷ sau, các nền tảng của học thuyết này lại được cập nhật và học thuyết chủ quyền tối thượng đang thắng thế trong nhiều chính đảng và mở rộng, củng cố nền tảng trong xã hội dân sự.

Thế nhưng, theo Le Monde, nếu như trong thế kỷ 19, phương Tây là cái nôi của học thuyết chủ quyền tối thượng, thì ở thế kỷ 21 này, không phải Hoa Kỳ và châu Âu giương cao chủ thuyết Monroe, mà lại là các cường quốc đang trỗi dậy, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Brazil, Nam Phi… Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu, do các trục trặc nội tại mang tính cơ cấu, không tạo dựng được vùng ảnh hưởng ở phía nam và phía đông. Còn Hoa Kỳ của Donald Trump thì đưa ra nhiều tín hiệu trái ngược nhau, lúc thì co cụm, lúc thì mở cửa.

Do vậy, có thể rút ra ba bài học vào thời điểm tái cấu trúc địa chính trị. Thứ nhất, việc phục hồi tái dựng các vùng ảnh hưởng khác với các mô hình xưa kia. Vào thế kỷ 19, các cường quốc co cụm, ngày nay, dưới tác động của toàn cầu hóa và các hệ lụy xuyên quốc gia, các cường quốc đang trỗi dậy áp dụng chiến lược « quyền lực mềm », mở rộng lợi ích của mình ra xa hơn, ở bên ngoài khu vực các nước láng giềng.

Bài học thứ hai là các cường quốc đang trỗi dậy sử dụng vùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn việc phổ biến các giá trị phổ quát của phương Tây, và như vậy, có nguy cơ tạo dựng một thế giới riêng khép kín của họ. Các nước này hợp tác với nhau nhằm đưa ra một thông điệp là thời thống trị của phương Tây đã qua.

Bài học thứ ba, nếu như các cường quốc đồng thuận với nhau trong việc phân chia thế giới thành các vùng ảnh hưởng, thì các nước nhỏ khác, như Ukraina, Gruzia hay cộng đồng người Kurdistan đang muốn có một quốc gia riêng, sẽ ra sao ?

Nếu như các quốc gia nhỏ được hưởng lợi nhiều do chiến tranh lạnh chấm dứt và nhờ tiến trình toàn cầu hóa, vậy thì giờ đây, nhân danh điều gì mà các nước này lại một lần nữa bị làm nhục chỉ vì chủ nghĩa dân tộc của các cường quốc đang trỗi dậy và bị bỏ rơi bởi thái độ vô liêm sỉ của phương Tây ?

Washington vấp phải hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công du châu Á từ 16 đến 19/03/2017 và theo báo Le Monde, « Washington vấp phải hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên » bởi vì các tham khảo, trao đổi của ông Tillerson với các đồng nhiệm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã không làm rõ hơn chính sách của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên.

Tại Nhật Bản, ông Tillerson hứa hẹn có một cách tiếp cận mới để đoạn tuyệt với 20 năm thất bại trong hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên. Sang đến Hàn Quốc, ngoại trưởng Mỹ lớn tiếng đe dọa là chính sách « kiên nhẫn chiến lược » đã qua và thậm chí, ông còn đe dọa không loại trừ một giải pháp nào. Thế nhưng, khi sang đến Trung Quốc, ông Tillerson lại tỏ ra bớt « phiêu lưu » hơn, cho dù Bắc Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm một động cơ tên lửa vào đúng lúc ông đang ở Bắc Kinh.

Theo báo Le Monde, ông Tillerson có nhận xét đúng, tuy muộn màng : sự thất bại của Mỹ trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên trong hai thập niên qua. Sự thất bại này không phải là do chính sách « kiên nhẫn chiến lược » của chính quyền Obama đối với Bình Nhưỡng, mà còn do chính sách đối đầu mà chính quyền George Bush đã thực hiện từ năm 2002 và đã dẫn đến tình trạng bế tắc hiện nay : Bắc Triều Tiên trên thực tế là một cường quốc hạt nhân và việc sở hữu vũ khí răn đe này được ghi trong Hiến Pháp Bắc Triều Tiên.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào vượt qua được sự bế tắc này ? Giải pháp quân sự không phải là điều gì mới mẻ cả, chính quyền Bush đã nhiều lần đe dọa Bắc Triều Tiên và giờ đây giả thuyết này lại được nhắc đến trong các nhóm gây áp lực thuộc đảng Cộng Hòa.

Nếu giải pháp can thiệp quân sự bị gạt bỏ do gây ra nhiều hậu quả, cụ thể là Bắc Triều Tiên có thể trả đũa tấn công Seoul và các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc, thì chỉ còn hai khả năng : hoặc là chấp nhận sự tồn tại một siêu cường hạt nhân mới hoặc là đàm phán. Thế nhưng, ít có khả năng là Bắc Triều Tiên chấp nhận từ bỏ vũ khí răn đe mà họ đã trả giá đắt để có và được coi là phương tiện chủ chốt để bảo đảm sự sinh tồn của chế độ.

Báo Le Monde trích dẫn nhận định của William Perry, nguyên bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ (1994-1997), cho rằng, hiện nay, cách duy nhất để giảm nguy cơ đối đầu là cần phải đàm phán về việc « đình chỉ » sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, Bình Nhưỡng cam kết không bán và phát tán công nghệ hạt nhân, đổi lại, Bắc Triều Tiên có được bảo đảm về an ninh và hợp tác kinh tế. Chuyên gia này nhấn mạnh : « Từ nhiều năm qua, đây không phải là thỏa thuận mà Hoa Kỳ tìm cách đạt được, thế nhưng, đây là giải pháp duy nhất có tính thực tế để tránh một hành động quân sự ».

Nam – Bắc Triều Tiên : Triển vọng nối lại đối thoại ?

Cũng liên quan đến hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, báo Le Monde cho biết « Ứng viên tổng thống Hàn Quốc nhiều triển vọng chủ trương đối thoại » với Bình Nhưỡng.

Ông Moon Jae In, ứng viên tổng thống thuộc đảng Minju (đảng Dân Chủ, thành phần chính trong phe đối lập), hiện có số người ủng hộ cao nhất theo các cuộc thăm dò dư luận, đề nghị cách tiếp cận theo hướng chính sách « Vầng thái dương », được áp dụng từ 1998 đến 2008, dưới thời hai tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun. Cụ thể là thực hiện chính sách nhân đạo, thúc đẩy trao đổi kinh tế và văn hóa, qua đó tạo lòng tin cho Bắc Triều Tiên và hướng tới việc mở cửa nước này.

Ông Moon Jae In cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phe bảo thủ Hàn Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên chỉ làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. Ông đề nghị một chính sách hội nhập kinh tế và khởi đầu với việc mở cửa trở lại khu công nghiệp Kaesong, bị đóng cửa sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân vào tháng Giêng 2016.

Syria : Nếu kẻ thắng cuộc không phải là Nga… ?

Liên quan đến tình hình Syria, chuyên gia Gerard Chaliand, trả lời phỏng vấn báo Le Figaro có cho rằng « kẻ chiến thắng thật sự tại Syria chính là Iran ». Theo ông, chế độ Hồi giáo này chứng tỏ khả năng có một nỗ lực liên tục và gắn kết chặt chẽ để đạt các mục tiêu địa chính trị. Thành công có được đó là nhờ vào sự gắn kết chặt chẽ trong giới tăng lữ thuộc hệ phái Shia.

Giới tính thứ 3 : Công nhận hay không, một chủ đề cấm kỵ ?

Tại Pháp, việc công nhận giới thứ ba vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, theo Libération, ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu có thêm ô thứ ba trong mục giới tính trên giấy khai sinh. Đối với nhiều người được sinh ra mà không hẳn là đàn ông cũng không phải là phụ nữ, thì vấn đề hộ tịch « là cả một cuộc chiến pháp lý đầy nhọc nhằn » để được xã hội công nhận. Libération đã có dịp trao đổi với nhiều nhân chứng, như trường hợp của Gaetan Schmitt.

Được giáo dục như là một con trai, nhưng ông đã nhanh chóng nhận ra là ông không hề giống bao bạn bè đồng lứa. Nay đã 66 tuổi, ông đã yêu cầu tòa phá án đổi mục giới tính trong hộ tịch. Đối với ông, « được công nhận là giới tính trung, tôi làm điều này không chỉ vì tôi, mà cho cả những người khác nữa ».

Cần sa : Thị trường thảo dược đầy hứa hẹn

Cần sa chứa đầy nhiều tính năng y học và thị trường tiềm tàng cũng đầy triển vọng. Đây là những gì các nhà nghiên cứu Israel tin tưởng. Theo nhật báo công giáo La Croix, Israel đang đi đầu trong việc nghiên cứu lĩnh vực này. Nhờ vào điều kiện khí hậu thuận lợi, Israel là một miền đất lý tưởng cho việc cấy trồng các giống cây cần sa dùng trong trị liệu.

Rock’n’roll mất người đỡ đầu

Chuck Berry, tay chơi ghi-ta, ca sĩ kiêm sáng tác nhạc người Mỹ qua đời hôm thứ Bảy 18/3 tại Saint Charles (Missouri). Le Monde dành hẳn một trang báo để tưởng nhớ người đi tiên phong trong dòng nhạc rock’n’roll. Ông ra đi để lại một gia tài đồ sộ, kinh điển, về dòng nhạc này trong số đó có cả bản Johnny B.Goode, được xem như là một trong những bản nhạc ca ngợi thể loại âm nhạc này. Ông cũng giao phó lại cho hậu thế một điệu nhảy, duckwalk, vốn từng làm tạo nên danh tiếng cho ông trên các sàn diễn. Tuy nhiều lần có xích mích với tư pháp, nhưng người nhạc sĩ này từ những năm 1970 đã được dựng tượng, xem như là một huyền thoại sống cho dòng nhạc rock’n’roll.

Pháp: Khởi động chiến dịch tranh cử

Với cuộc tranh luận đầu tiên giữa 5 trong số 11 ứng viên tổng thống được cho là có tỷ lệ cử tri ủng hộ nhiều nhất theo các thăm dò đã chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2017. Đây cũng là chủ đề chính trên các trang nhất báo Pháp.

Nhật báo Le Monde vì ra chiều tối hôm trước nên chưa thể đề cập đến buổi tranh luận tối qua, nhưng đã chú ý đến « Nỗi lo âu của các ngân hàng đối phó với hệ quả của việc đảng Mặt Trận Quốc Gia FN có tỷ lệ ủng hộ cao ». Ngược với Anh Quốc, các ngân hàng Pháp không muốn tin vào khả năng chiến thắng của bà Marine Le Pen và tránh mọi tiếp xúc với đảng này. Các ngân hàng Pháp cũng lo ngại hiện tượng rút vốn ồ ạt nếu như đảng này ngay từ vòng một bầu cử thu được 35% số phiếu. Tuy chỉ là một vài hiện tượng nhỏ, nhưng một số khách hàng lo lắng nhất đã bắt đầu chuyển một phần cổ phiếu của họ ra bên ngoài nước Pháp.

Le Figaro trên trang nhất thở phào cho rằng : « Cuối cùng cuộc tranh luận cũng đã khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống ». Cả năm ứng viên tối qua lần đầu tiên đã có thể đối chiếu các quan điểm của họ về những vấn đề cơ bản và làm nổi bật từng chi tiết một liên quan đến những chủ đề xã hội và kinh tế.

Có thể nói, « cuộc tranh luận trên truyền hình tối qua là căng thẳng » theo như ghi nhận của nhật báo kinh tế Les Echos. Mỗi ứng viên cố gắng bảo vệ vị thế mà họ đưa ra. Nói tóm lại, như khẳng định của Libération, « Như vậy là cuộc tranh cử đã bước vào phần khó nhất ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.