Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tăng nghỉ hộ sản, một bông hồng « có gai » tặng phụ nữ Ấn Độ

Đăng ngày:

Chính phủ muốn hào phóng với phụ nữ, nhưng liệu các doanh nghiệp có ủng hộ ? Đây sẽ là một phép thử mới cho chính quyền New Dehli. Vì muốn nối gót các quốc gia Bắc Âu, trở thành một trong những nước « ưu ái » nữ giới, một dự luật cải cách cải thiện đáng kể điều kiện sinh sống và làm việc cho phụ nữ vừa được thông qua, theo đó, thời gian nghỉ hộ sản đã được tăng gấp đôi.

Phụ nữ Ấn Độ trong một làng quê. Ảnh minh họa.
Phụ nữ Ấn Độ trong một làng quê. Ảnh minh họa. REUTERS/Danish Siddiqui
Quảng cáo

Từ New Dehli, thông tín viên Sébastien Farcis giải thích :

« Biện pháp chính là kéo dài thời gian nghỉ sinh con : từ 12 tuần lên thành 26 tuần, tức gần 6 tháng và trong thời gian này, doanh nghiệp phải chi trả toàn bộ lương cho người mẹ. Như vậy, Ấn Độ, cùng với Na Uy, Thụy Điển hay Anh Quốc, là một những quốc gia hào phóng nhất thế giới đối với các bà mẹ trẻ. Xin nhắc lại, nước Pháp cho phép 16 tuần, còn tại Mỹ, phụ nữ sinh con không hề được quyền nghỉ mà vẫn hưởng lương.

Tuy nhiên, biện pháp mới này, chỉ được áp dụng khi sinh hai đứa con đầu. Từ đứa con thứ ba trở đi thì thời gian nghỉ chỉ còn 12 tuần. Đây là một cách để hạn chế các gia đình có nhiều con, tại một quốc gia có dân số quá cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp có từ 50 nhân công trở lên thì phải mở hoặc tài trợ cho việc quản lý một nhà trẻ ở gần đó. »

Cũng theo thông tín viên Sebastien Farcis, quy định mới này sẽ áp dụng cho những doanh nghiệp có từ 10 công nhân trở lên và cho những phụ nữ nào có hợp đồng lao động dài hạn. Đây rõ là một tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, do phần lớn những người lao động đều làm trong các lĩnh vực không chính thức, kết quả là chỉ có 10% phụ nữ trong độ tuổi lao động được hưởng biện pháp tiến bộ xã hội này. Tức là chỉ có khoảng 1,8 triệu phụ nữ.

Thế nhưng, nhiều người lo ngại biện pháp hào phóng này có thể gây ra hậu quả ngược lại. Theo luật mới, chính doanh nghiệp, chứ không phải là quỹ bảo hiểm xã hội, phải chi trả toàn bộ lương cho lao động nữ trong suốt thời gian họ nghỉ hộ sản. Trong khi đó tại đa số các nước châu Âu, thậm chí cả châu Phi, quỹ bảo hiểm xã hội ít nhất cũng đóng góp một phần vào khoản chi trả này.

Do đó, với việc kéo dài thời gian nghỉ hộ sản, phụ nữ rất có thể hứng chịu nhiều hơn tình trạng phân biệt đối xử khi tuyển dụng. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy một phần tư số phụ nữ trẻ đang làm việc ở thành thị đã phải nghỉ việc sau khi sinh đứa con đầu tiên.

Ấn Độ : Khi người chết đi đòi sự sống

« Hãy kiên nhẫn để trở lại trần gian ! » Thoạt nghe tưởng như chuyện đùa, nhưng đấy lại là những câu chuyện có thật tại Ấn Độ. Tại xứ sở đông dân thứ nhì thế giới, luôn có những câu chuyện lạ kỳ ngoài sức tưởng tượng. Người dân « thấp cổ bé họng », không tiền đút lót buộc phải biết xây dựng lòng kiên nhẫn (ít nhất là phải chục năm) để có thể xin được một tấm giấy thông hành đi từ cõi chết trở lại dương gian.

Tạp chí M (báo Le Monde) số ra cuối tuần 11-12/3 thuật lại hành trình bà Dheera Jee Devi, nay đã 80 tuổi, phải mất đến hơn 12 năm để thuyết phục chính quyền rằng giấy khai tử bà là giả. Bà cho phóng viên tạp chí biết là đã phải làm đủ mọi cách để chứng minh rằng bà « chưa bao giờ chết ». Từ việc trưng các giấy tờ tùy thân, tìm cách phạm một tội gì đó để bị kết án, tham gia bỏ phiếu bầu cử, nhưng tất cả đều vô ích.

Sự việc bắt nguồn từ cái chết của chồng bà. Chỉ vì muốn giành đất đai thừa kế, cô em chồng đã hối lộ quan chức địa phương làm một giấy khai tử giả. Oái oăm thay là, người em đó chỉ bỏ có 20 đô la để có được tờ giấy, nhưng bà Devi thì phải mất hết cả gia sản để chứng minh điều ngược lại. Tạp chí M lưu ý là trường hợp bà Dheera Jee Devi chỉ là một trong số vô vàn các vụ như thế tại Ấn Độ.

Thế mới biết chiều đi đến cửa tử thần thì dễ, chẳng cần giấy phép. Nhưng để có giấy phép thông hành đi chiều ngược lại không phải là điều dễ dàng chút nào. Nếu còn sống, Alfred Hitchcock, bậc thầy phim kinh dị có lẽ cũng nên đến Ấn Độ một chuyến để học hỏi kinh nghiệm vậy!

Tê giác: Nạn nhân của giới giàu có Trung Quốc và Việt Nam

Nhưng có lẽ bi thảm nhất là số phận của loài tê giác châu Phi. Ngày thứ Sáu 10/3, hải quan sân bay Bangkok phát hiện 20 sừng tê giác, với tổng trọng lượng lên đến 50kg, trong hành lý của hai phụ nữ Thái Lan. Điều đáng ngạc nhiên là hai người phụ nữ Thái Lan này đã trốn chạy được trong lúc hải quan đang kiểm tra hành lý và hiện giờ vẫn không chưa tìm ra tông tích của họ. Đây là vụ bắt giữ sừng tê giác lớn nhất, chưa từng có tại Thái Lan. Món hàng này trị giá khoảng 4,5 triệu euro.

Theo các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, từ nhiều thập niên qua, Thái Lan là một trong những nơi trung chuyển của đường dây buôn lậu các bộ phận động vật quý hiếm và đôi khi cả các động vật còn sống hoặc đã bị giết chết. Trong đa số trường hợp, những mặt hàng lậu này được chuyển đến Trung Quốc và Việt Nam.
Từ Bangkok, thông tín viên RFI Arnaud Dubus cho biết nạn buôn lậu này được tổ chức ra sao :

« Các nước xuất xứ những mặt hàng cấm này chủ yếu là các quốc gia châu Phi, nhất là Kenya, nhưng cũng có cả Nam Phi, Ethiopia và Cộng Hòa Dân Chủ Công Gô. Hàng được chuyển đến các nước như Trung Quốc, Việt Nam, nơi mà nhiều người vẫn tin rằng các bộ phận thi thể động vật quý hiếm đó rất tốt cho sức khỏe con người hoặc nâng cao khả năng sinh lý.

Thái Lan nằm ở ngã tư của Đông Nam Á, có hai sân bay quốc tế, là điểm tiếp nhận hàng hóa từ châu Phi tới. Các hàng hóa này sau đó được chuyển đến Trung Quốc và Việt Nam, thông thường bằng đường bộ qua ngả Lào. Những kẻ buôn lậu thuộc nhiều loại quốc tịch như châu Phi, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và đặc biệt là cả người Lào tham gia chỉ đạo một số đường dây buôn lậu. Chúng tận dụng cơ hội vì chính quyền Lào không hề chú ý tới nạn buôn lậu này. »

Trung Quốc : « Đắt hàng » nghề bảo mẫu

Nhìn sang Trung Quốc, quốc gia có dân số đông nhất thế giới, việc xóa bỏ chính sách mỗi gia đình chỉ một con dường như đang có một tác động tích cực, chí ít trên lĩnh vực thị trường lao động. Thông tín viên Heike Schmidt, tại Bắc Kinh, cho biết vì sao.

« Để khắc phục tình trạng dân số già đi quá nhanh, Trung Quốc đã quyết định chấm dứt chính sách kế hoạch hóa gia đình, tức là mỗi gia đình chỉ có một con, vốn được áp dụng từ 4 thập niên qua.

Kết quả là tỷ lệ trẻ sơ sinh tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2000. Có tới 18 triệu trẻ sơ sinh tính đến năm 2016, trong đó, hơn một nửa là các gia đình đã có ít nhất là một con. Do vậy, các trường dậy nghề trông trẻ sơ sinh có rất nhiều người đăng ký theo học. »

Theo một cán bộ phụ trách một trường dậy nghề, thì trước đây, mỗi lớp chỉ có 15 học viên. Nay sĩ số mỗi lớp tăng gấp đôi. Rất nhiều phụ nữ quyết định đổi nghề, bởi vì có lương cao hơn. Sau khi được đào tạo, một người trông trẻ sơ sinh có thể có thu nhập tới 1200 euro mỗi tháng, cao hơn nhiều so với lương một cán bộ bậc trung. Và có rất nhiều thông báo tìm người trông trẻ sơ sinh. Không chỉ trông trẻ sơ sinh, nhu cầu tìm người chăm sóc cả mẹ lẫn con trong thời gian nghỉ hộ sản cũng tăng vọt. Các gia đình khá giả, luật sư, bác sĩ thường muốn thuê người chăm sóc trẻ sơ sinh, được đào tạo cẩn thận.

Nghề trông trẻ sơ sinh giờ trở thành một nghề có tương lai tại Trung Quốc. Ước tính mỗi năm, quốc gia này có thêm ba triệu trẻ sơ sinh. Như vậy là mục tiêu giảm thất nghiệp mà thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra trong Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc (Quốc Hội) có hy vọng thực hiện rồi. Chỉ có ông bà là cảm thấy buồn rầu lo âu vì « thất nghiệp » !

Với Disney, một chút « đồng tính » cũng khó lắm…

« Người Đẹp và Quái Thú » một câu chuyện cổ tích tình cảm đẹp lãng mạn khiến bao trái tim thiếu nữ phải thổn thức mơ màng từ bao đời nay. Không biết là đã có bao nhiêu phiên bản phim màn ảnh rộng cũng như là hoạt hình ra đời. Thế nhưng phiên bản năm 2017 này có nguy cơ không được phép ra mắt công chúng ở một số khu vực chỉ vì một cảnh quay thoáng chút tư tưởng « đồng tính ».

Chuyện hai người thương nhau cũng lẽ thường tình, nhưng vấn đề ở đây lại là hai người cùng giới tính. Nhân vật Lefou trong « Người Đẹp và Quái Thú » phiên bản 2017, gợn chút thắc mắc về giới tính và tình cảm của mình. Giả như anh ấy có tình cảm với Gaston thì sao ? Đó cũng là những gì đạo diễn Bill Condon giải thích khi trả lời phỏng vấn tạp chí Anh Quốc « Attitude », dành cho giới đồng tính. Nhưng theo thông tín viên Margaux Bédé tại Singapore, bấy nhiêu đó thôi cũng đủ gây ra một cuộc tranh cãi.

« Một cuộc tranh cãi, mà người ta có thể nói là đang lan rộng trên thế giới. Vụ việc được bắt đầu từ Hoa Kỳ, hôm 04/3 vừa qua, khi một giám đốc rạp chiếu bóng ngoài trời, thuộc bang Alabama, trên trang Facebook của mình thông báo là sẽ không cho phát bộ phim vì lý do ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.

Một tuần sau đến lượt Nga nối gót. Một nghị sĩ cực kỳ bảo thủ đã yêu cầu cấm chiếu bộ phim này. Nhưng cuối cùng, chính quyền Nga vẫn cho phép đối với các khán giả trên 16 tuổi. Về phần Malaysia, chính quyền nước này quyết định kiểm duyệt cảnh quay tranh cãi đó.

Chủ tịch Hội Đồng Kiểm Duyệt Malaysia, ông Abdul Halim Hamid cho nhật báo The Star biết là bộ phim vẫn được phép chiếu nhưng chỉ « bị kiểm duyệt một phần nhỏ ». Kết quả là : hãng Disney đã dời ngày ra mắt công chúng Malaysia mà không ấn định rõ ngày nào ».

Về phần quốc gia láng giềng Singapore, Margaux Bédé cho hay tuy không bị cấm đoán, nhưng giới tăng lữ Cơ Đốc giáo đã lên án Disney đã đi lệch với những « giá trị lành mạnh và chủ chốt ». Tại đảo quốc nhỏ bé này, Giáo Hội có một tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực giáo dục và xã hội.

Mặc dù không đề cập đến yếu tố « đồng tính » trong phim Người Đẹp và Quái Thú, nhưng đây vẫn là chủ đề nhạy cảm. Tại Singapore, hiện tượng đồng tính nam vẫn bị cấm đoán. Tuy những năm gần đây có rất ít các án phạt, nhưng nếu có, người bị kết án có nguy cơ lãnh đến 2 năm tù giam.

Ảnh quảng cáo phim «Người Đẹp và Quái Thú », của hãng phim Disney (2017).
Ảnh quảng cáo phim «Người Đẹp và Quái Thú », của hãng phim Disney (2017). allocine.fr

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.