Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Hàn Quốc đi tìm một mô hình kinh tế mới

Đăng ngày:

Hàn Quốc đã sang trang thời đại Park Geun Hye, có 60 ngày để chuẩn bị bầu lại tổng thống. Tai tiếng chính trị ở Seoul hy vọng sớm được khép lại, khủng hoảng kinh tế thì chưa : vụ « Choigate » đánh trúng vào những gì đã làm nên phép màu kinh tế Hàn Quốc. Trên đây là phân tích của chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, bà Juliette Morillot.

Logo của tập đoàn Samsung
Logo của tập đoàn Samsung REUTERS/Kim Hong-Ji
Quảng cáo

Tăng trưởng tại nền kinh tế thứ tư châu Á đang khựng lại. Mô hình phát triển dựa trên sự cấu kết giữa Nhà nước và các đại tập đoàn - Chaebol, bị khủng hoảng. Tiêu thụ nội địa bị tê liệt. Xuất khẩu bị hàng Nhật và Trung Quốc cạnh tranh. Hiệp định tự do mậu dịch song phương với Mỹ có nguy cơ bị xét lại. Đó là những thách thức lớn chờ đợi chính quyền sắp tới ở Seoul.

Vụ tai tiếng « Choigate », không chỉ dẫn đến hậu quả là bà Park Geun Hye mất chiếc ghế tổng thống mà còn kéo theo nhiều tập đoàn tên tuổi của Hàn Quốc, những cột trụ của kinh tế nước này - từ Samsung đến Hyundai, từ LG đến Lotte hay công ty vận tải đường biển Hanjin - vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu.

Tai tiếng chính trị, liên hệ mật thiết giữa tổng thống họ Park với người bạn thâm niên là bà pháp sư Choi Soon Sil nổ ra tháng 10/2016, đúng vào thời điểm Seoul liên tục giảm dự báo tăng trưởng. Ngay cả những dự phóng lạc quan nhất cũng chỉ hy vọng tổng sản phẩm nội địa Hàn Quốc năm nay tăng được từ 2,4 đến 2,6 % thay vì 3 % như đã loan báo trước đây.

Kinh tế Hàn Quốc bị đình trệ : tiêu thụ nội địa bị chựng lại vì nợ nần chồng chất của các hộ gia đình, một trong những hậu quả trực tiếp của hiện tượng dân số bị lão hóa. Trao đổi mậu dịch chiếm 85 % GDP toàn quốc, dù vậy, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 giảm 13,5 % so với hồi 2014.

Hiện nay Seoul đã ký gần 20 hiệp định tự do mậu dịch thương mại song phương với các đối tác, trong đó quan trọng nhất là với Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và cả Trung Quốc. Ba thị trường này, theo thứ tự mua vào 20 %, 14 % và 9 % hàng xuất khẩu của xứ Hàn - căn cứ vào thống kê của phòng Thương Mại Hàn Quốc năm 2016 - .

Từ 2004 đến 2016, Trung Quốc và Hồng Kông liên tục là hai thị trường quan trọng bậc nhất của hàng xuất khẩu Hàn Quốc. Nhưng Trung Quốc đang trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các tập đoàn xứ Hàn, kể cả về các sản phẩm cao cấp. Thặng dư thương mại của Seoul với Bắc Kinh đang từ 60 tỷ đô la năm 2014 giảm xuống còn 40 tỷ trong tài khóa 2016.

Với Mỹ, Seoul thở phào nhẹ nhõm khi tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh khai tử hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng không có gì bảo đảm là chủ nhân Nhà Trắng để yên cho hiệp định thương mại song phương Mỹ -Hàn (KorUs) hiện hành từ năm 2007. Hiện tại, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Seoul.

Nhưng bên cạnh những khó khăn chồng chất vừa nêu, khủng hoảng chính trị kéo dài trong nhiều tháng tại Seoul và tai tiếng về mối liên hệ giữa tổng thống Park Geun Hye với bà bạn Choi Soon Sil đã làm lộ rõ một xã hội Hàn Quốc đang ruỗng nát vì tăng trưởng kinh tế thần kỳ, vì những đại gia đình được coi là cột trụ của mạng lưới công nghiệp Hàn Quốc, vì mối liên hệ nguy hiểm giữa các đại công ty và những chính quyền liên tiếp.

Cách nay đúng 10 năm, chủ tịch tập đoàn xe hơi Hyundai Chung Mong Koo từng bị tuyên án ba năm tù vì tội tham nhũng và gian lận thuế để rồi được chính tổng thống Lee Myung Bak ân sá.

Trước khi công luận Hàn Quốc rúng động vì hình ảnh ông chủ tương lai của Samsung, Lee Jae Yong bị còng tay và hộ tống vào nhà giam, thân phụ của Yae Yong là Lee Kun Hee mùa hè năm 2008 từng lãnh án ba năm tù vì tội trốn thuế để rồi ngót một năm sau đó con trai của sáng lập viên tập đoàn Samsung được tổng thống Hàn Quốc « tha tội ».

Hàn Quốc cần một cuộc cải tổ sâu rộng trên nhiều mặt

Trả lời ban Việt ngữ đài RFI, chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, Juliette Morillot, đồng tác giả cuốn « 100 câu hỏi chung quanh Bắc Triều Tiên – La Corée du Nord en 100 questions », nhà xuất bản Tallendier, cho rằng Hàn Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng trên nhiều phương diện và không dễ đoạn tuyệt với quá khứ đã được gắn liền với các đại tập đoàn Chaebol.

« Kinh tế Hàn Quốc thực sự bị chấn động vì tai tiếng chính trì lần này bởi vì vụ bê bối đó liên hệ trực tiếp đến những gì đã làm nên niềm tự hào của một quốc gia, của một dân tộc. Đó là phép lạ kinh tế Hàn Quốc.

Từ hàng chục năm nay, chính xác hơn là từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và chiến tranh Triều Tiên, cả cỗ máy kinh tế của Hàn Quốc dựa cả vào các đại tập đoàn Chaebols, như Samsung, Hyundai ... Giờ đây, xã hội Hàn Quốc đòi phải có một thay đổi thực sự và mối liên hệ giữa chính quyền với những đại tập đoàn công nghiệp đã lỗi thời.

Câu hỏi đặt ra là liệu Hàn Quốc có đủ sức để tiến hành một cuộc cải tổ hay không. Trước mắt, không có gì chắc chắn là Seoul sẽ đạt được mục tiêu đó, bởi vì, liên hệ giữa các hoạt động kinh tế và xã hội Hàn Quốc hết sức sâu đậm ».

RFI : Tai tiếng tham nhũng liên quan trực tiếp đến người bạn thân và cũng là cố vấn của tổng thống Park Geun Hye nổ ra vào lúc kinh tế Hàn Quốc bị chựng lại, tiêu thị nội địa tăng rất chậm. Thậm chí các tập đoàn nước này gặp khó khăn, như trường hợp của hãng vận tải đường biển Hanjin hay bản thân tập đoàn Samsung. Cũng chính vì vậy mà dân tình càng khó nhắm mắt làm ngơ với mô hình kinh tế vốn có từ những năm 1945-1950 ?

« Đúng như vậy. Phải nói là khủng hoảng chính trị đã nổ ra vào lúc gần hết các lĩnh vực kinh tế từng làm nên phép là kinh tế của Hàn Quốc đều đang xuống dốc. Từ ngành công nghệ đóng tàu cho đến vận tải đường biển, từ lĩnh vực công nghệ hóa dầu cho đến ngành luyện kim đều đang phải đối mặt với khủng hoảng và đang đứng trước quá nhiều ẩn số.

Mô hình kinh tế của Hàn Quốc đã đụng phải giới hạn của chúng và điều đó buộc quốc gia bắc Á này phải đi tìm một mô hình phát triển khác. Mô hình đó là gì ? Tôi không chắc rằng kinh tế Hàn Quốc nhanh chóng phục hồi.

Chị vừa nói đến tiêu thụ nội địa bị chựng lại. Cần biết rằng cả một tầng lớp trẻ ở xứ này đang bất bình vì thất nghiệp gia tăng, họ cũng chán ngán những áp lực quá lớn trong xã hội. Tôi nghĩ Hàn Quốc cần nhiều thời gian để chuyển hướng, và ngoài vế kinh tế, thì quốc gia này còn cần có một cuộc cải tổ thực sự sâu rộng cả về mặt xã hội nữa. Tất cả những điều đó đòi hỏi rất nhiều thời gian ».

Chaebol và mối quan hệ nguy hiểm với chính quyền

RFI: Bà nói đến trường hợp của Hàn Quốc cần đi tìm một mô hình kinh tế mới, vậy mô hình đó là gì ?

« Nói đến Chaebol, người ta liên tưởng ngay đến những tập đoàn khổng lồ, từng do một vài gia đình rất lớn gây dựng. Chỉ vài gia đình này kiểm soát toàn bộ mạng lưới công nghiệp của một quốc gia, bao hàm đủ mọi khâu, từ sản xuất hàng hóa, cho đến các dịch vụ ngân hàng, hay bất động sản. Thế rồi thế hệ đi sau các nhà lãnh đạo những tập đoàn đó ngày càng có khuynh hướng bành trướng, để hiện diện ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau, từ đóng tàu đến điện tử, từ màn ảnh tivi đến khâu phân phối, vận tải …

Chính sách đa dạng hóa các hoạt động đó lại càng đẩy các đại tập đoàn này vào thế cạnh tranh khắc nghiệt hơn, và các Chaebol Hàn Quốc dễ bị tấn công hơn. Tuy nhiên, do là những công ty quá lớn, các tập đoàn này chi phối quá nhiều đời sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc. Những gia đình như của dòng họ Lee, chủ nhân Samsung có ảnh hưởng cực kỳ lớn với giới lãnh đạo ở Seoul cũng như là trong công luận.

Hình ảnh người thừa kế Lee Jae Yong bị còng tay vừa qua, được chiếu đi chiếu lại trên màn ảnh tivi là một cú sốc lớn đối với người dân Hàn Quốc. Nó làm mất đi tất cả niềm tin của dân chúng đối với một công ty uy tín như Samsung. Dư luận nhận thấy rằng, đã đến lúc phải xét lại mối liên hệ giữa các tập đoàn Chaebol với chính giới, và xã hội Hàn Quốc cần có một cái nhìn mới về các hoạt động kinh tế.

Cần nhắc lại là dưới thời cố tổng thống Park Chung Hee, tức thân phụ của bà tổng thống vừa bị truất phế, chính quyền đã che chở không biết bao nhiêu cho các đại tập đoàn để cùng nhau đem lại ‘phép lạ kinh tế cho đất nước’. Mối liên hệ có lợi cho cả đôi bên đó là chìa khóa của phép lạ kinh tế biến Hàn Quốc thành nền công nghiệp phát triển thứ tư của châu Á.

Sự kết cấu đó, từ thời của nhà độc tài Park Chung Hee đã được duy trì qua nhiều đời tổng thống để tồn tại cho tới đời tổng thống của bà Park Geun Hye.

Tôi cũng xin nói thêm là thân phụ của tổng thống vừa bị truất phế được xem là người đặt viên đá đầu tiên cho phép lạ kinh tế Hàn Quốc nhưng bên cạnh đó còn phải kể đến rất nhiều hy sinh xương máu khác. Cũng từ mối liên hệ mật thiết giữa các chaebol và chính quyền này mà đã dẫn tới xì căng đan chính trị hiện nay ở nhiều cấp độ khác nhau ».

RFI : Vào đầu tháng 5/2017 Hàn Quốc bầu lại tổng thống, ưu tiên của chính quyền mới, trong địa hạt kinh tế phải là thúc đẩy trở lại con tàu kinh tế, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các Chaebol như vừa nói. Bên cạnh đó thì Hàn Quốc còn phải thận trọng với các đối tác thương mại chính của mình từ Mỹ đến Nhật Bản và nhất là Trung Quốc...

« Đây là một trường hợp cực kỳ nan giải, bởi vì Hàn Quốc đang đứng trước một ẩn số : với Donald Trump ở Nhà Trắng, Mỹ có thể xét lại thỏa thuận tự do mậu dịch song phương ký kết với Seoul. Trong khi đó thì cả về mặt kinh tế, thương mại lẫn chiến lược, Hàn Quốc lại trong tình huống nhậy cảm với hai nước láng giềng sát cạnh là Nhật Bản và Trung Quốc. Cả hai cùng là những mối cạnh tranh với công nghiệp Hàn Quốc.

Nhật Hàn vốn có mối hiềm khích từ quá khứ chiến tranh, Tokyo Seoul lại có tranh chấp chủ quyền ở đảo Dokkdo/Takeshima. Với Trung Quốc, mọi việc đang trở nên gay go hơn với dự án xây dựng hệ thống lá chắn THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Như đã biết Bắc Kinh đang tìm mọi cách trừng phạt các công ty Hàn Quốc hoạt động tại Trung Quốc, điển hình là các vụ trả đũa nhắm vào hệ thống phân phối Lotte. Các hoạt động trong lĩnh vực giải trí của Hàn Quốc cũng bị tẩy chay, thế rồi Hàn Quốc là một địa điểm du lịch được người Trung Quốc ưa chuộng, nhưng với dự án THAAD, Bắc Kinh từ chối cập visa cho du khách Trung Quốc sang Hàn Quốc, gây thiệt hại không ít cho ngành du lịch của nước này. Thật khó để tách bạch vế kinh tế, thương mại và địa chính trị trong quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước lân cận ».

Juliette Morillot, chuyên gia về tình hình bán đảo Triều Tiên, đồng tác giả cuốn « 100 câu hỏi chung quanh Bắc Triều Tiên – La Corée du Nord en 100 questions », nhà xuất bản Tallendier ra mắt công chúng năm 2016.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.