Vào nội dung chính
MALAYSIA - BẮC TRIỀU TIÊN

Vụ ám sát Kim Jong Nam: Nhiều ẩn số chưa được giải đáp

Hôm nay là đúng một tháng xảy ra vụ ám sát bằng một chất độc cực mạnh ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 13/02/2017.

Cảnh sát canh gác cẩn mật nhà xác bệnh viện ở Kuala Lumpur, nơi giữ thi thể Kim Jong Nam. Ảnh chụp ngày 21/02/2017.
Cảnh sát canh gác cẩn mật nhà xác bệnh viện ở Kuala Lumpur, nơi giữ thi thể Kim Jong Nam. Ảnh chụp ngày 21/02/2017. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Vụ án mạng này đã gây ra khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa Malaysia với Bắc Triều Tiên, đến mức Bình Nhưỡng đã cấm kiều dân Malaysia rời khỏi Bắc Triều Tiên, khiến Kuala Lumpur trả đủa bằng biện pháp tương tự và như vậy là công dân hai nước trở thành con tin của nhau. Hai bên cũng đã trục xuất đại sứ của nhau, đồng thời hủy bỏ việc miễn visa cho công dân của nhau. Hôm nay chúng ta hãy cùng điểm lại những kết quả điều tra cho đến nay và diễn tiến tình hình từ một tháng qua.

Chuyện gì đã xảy ra ?

Ngày 13/02/2017, tại sân bay Kuala Lumpur, ông Kim Jong Nam chuẩn bị lấy máy bay để đi Macao. Theo các hình ảnh do camera an ninh quay lại, ông Kim Jong Nam đang đi thì bổng có hai phụ nữ tiến đến gần ông, một trong hai người phụ nữ đó ôm lấy ông từ phía sau và chụp một mảnh vải lên mặt ông, người kia thì xịt một chất lỏng vào mặt ông.

Khoảng 20 phút sau đó, nạn nhân tử vong ngay tại trạm xá của sân bay. Các dấu vết của VX, một chất độc thần kinh cực mạnh, bị xem là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt bị Liên Hiệp Quốc cấm, đã được phát hiện trên mặt của ông Kim Jong Nam, khi các bác sĩ pháp y khám nghiệm tử thi.

Hai nữ nghi can, Đoàn Thị Hương, người Việt Nam và Siti Aishah, người Indonesia, đã bị bắt giữ ngay sau đó và đã bị truy tố về tội giết người. Hai cô này sẽ bị đưa ra tòa ngày 13/04 tới và nếu bị buộc tội, họ có thể lãnh án tử hình bằng treo cổ.

Ai đứng đằng sau vụ này ?

Ngay từ đầu, Hàn Quốc đã cáo buộc chính quyền Bắc Triều Tiên, khẳng định chính ông Kim Jong Un đã ra lệnh thủ tiêu người anh cùng cha khác mẹ, nhân vật mà cho tới nay vẫn chỉ trích chế độ Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên đã bác bỏ những lời cáo buộc đó, nhưng cho tới nay vẫn không hề xác nhận nạn nhân chính là ông Kim Jong Nam. Bình Nhưỡng vẫn gọi nạn nhân là Kim Chol, tên ghi trên hộ chiếu mà ông Kim Jong Nam mang theo người khi bị ám sát. Thứ sáu tuần trước, cảnh sát Malaysia xác nhận Kim Chol và Kim Jong Nam là một người.

Theo hãng tin Kyodo hôm qua, Nhật Bản đã cung cấp cho phía Malaysia dấu vân tay và những thông tin khác của ông Kim Jong Nam để phục vụ cho cuộc điều tra. Các viên chức cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Nhật đã lấy dấu vân tay của Kim Jong Nam vào năm 2001 khi tạm giữ ông tại sân bay quốc tế Narita, sau khi người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un tìm cách nhập cảnh Nhật Bản với một hộ chiếu giả.

Cũng theo Kyodo, Hoa Kỳ và những nước khác đã tham gia vào cuộc điều tra của Malaysia hoặc tham gia vào việc bảo vệ an ninh cho gia đình ông Kim Jong Nam.

Điều tra đã đi đến đâu ?

Cảnh sát Malaysia cho tới nay vẫn truy lùng 7 người Bắc Triều Tiên. Bốn trong số này đã rời khỏi Malaysia ngay vào ngày xảy ra vụ ám sát ông Kim Jong Nam. Ba người kia dường như vẫn còn trốn trong đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Kuala Lumpur, trong đó có bí thư thứ hai của sứ quán, Hyon Kwang Song và một nhân viên hãng hàng không Bắc Triều Tiên, Kim Uk Il.

Vì sao gia đình ông Kim Jong Nam từ chối đến Malaysia ?

Sau vụ ám sát ông Kim Jong Nam, vợ con của người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã biến mất, có lẻ vì sợ người con trai 21 tuổi Kim San Hol cũng sẽ bị thủ tiêu. Nên nhớ rằng, kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền vào năm 2011, chính quyền Bình Nhưỡng đã liên tục thanh trừng các đối thủ của vị lãnh đạo trẻ này.

Trong một đoạn video được phát trên mạng vào đầu tháng này, Kim San Hol cho biết anh đang ở cùng với mẹ và chị, nhưng không nói là đang ở đâu và cũng không đòi trao trả thi hài của bố. Hiện giờ chưa có ai trong gia đình Kim Jong Nam đến để xác nhận danh tính của nạn nhân, có lẻ vì sợ cho tính mạng của họ.

Những ẩn số chưa được giải đáp

Ai là kẻ đã chỉ đạo vụ ám sát ông Kim Jong Nam ? Hai nữ nghi phạm Indonesia và Việt Nam khai với các nhà điều tra rằng họ đã bị lừa. Cô Siti Aishah cho biết đã nhận được số tiền tương đương với 90 đôla để tham gia vào điều mà cô tưởng rằng là một trò chơi truyền hình theo kiểu « camera quay lén », và tưởng rằng chất lỏng phun vào mặt ông Kim Jong Nam là dầu xoa cho em bé. Cô Đoàn Thị Hường cũng đã khai tương tự với cảnh sát Malaysia. Thế nhưng cảnh sát Malaysia vẫn khẳng định rằng hai nữ nghi phạm này hoàn toàn biết rõ chuyện mình làm. Dầu sao thì đây chỉ là hai kẻ thừa hành, chứ kẻ chủ mưu thì dường như là người Bắc Triều Tiên.

Nhưng chất độc VX được sử dụng để ám sát ông Kim Jong Nam là từ đâu đến ? Bắc Triều Tiên đang nắm trong tay loại chất độc bị cấm này, nhưng các nhà điều tra chưa biết rõ làm cách nào mà hai nữ nghi phạm có được chất độc đó. Theo các chuyên gia, chất độc VX gần như chắc chắn là đã được sản xuất trong một phòng thí nghiệm vũ khí của Nhà nước Bắc Triều Tiên.

Vì sao quan hệ giữa Malaysia và Bắc Triều Tiên đã xấu đi nhanh chóng ?

Từ nhiều năm qua, Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur vẫn có quan hệ rất tốt, đến mức mà công dân hai nước được miễn visa của nhau. Nhưng căng thẳng đã gia tăng nhanh chóng kể từ khi Bắc Triều Tiên chỉ trích cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia, tố cáo Kuala Lumpur muốn làm tổn hại uy tín của Bình Nhưỡng. Họ cũng nhiều lần khẳng định là ông Kim Jong Nam chỉ bị lên cơn đau tim chứ không hề bị sát hại.

Nhưng Malaysia hy vọng sẽ nhanh chóng thương lượng với Bắc Triều Tiên để công dân của họ được rời khỏi Bình Nhưỡng. Hiện giờ còn tổng cộng 9 người gồm ba nhân viên sứ quán Malaysia và thân nhân còn kẹt lại ở thủ đô Bắc Triều Tiên. Kuala Lumpur cũng muốn giải quyết vấn đề thi hài của nạn nhân. Cho tới nay Malaysia vẫn từ chối trao trả thi hài ông Kim Jong Nam cho phía Bắc Triều Tiên theo yêu cầu của họ, tuyên bố chỉ giao thi hài này cho một người trong gia đình. Theo tin mới nhất thì chính phủ Kuala Lumpur sẽ cho gia đình của ông Kim Jong Nam thời hạn từ 2 đến 3 tuần để đến đòi thi hài của ông, trước khi quyết định xử lý như thế nào về thi hài này.

Vụ này nay không chỉ còn là chuyện giữa hai nước mà đã trở thành một vấn đề quốc tế. Tổ chức quốc tế cấm vũ khí hóa học ( OICA ) thứ sáu tuần trước đã lên án việc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam, đồng thời tuyên bố sẳn sàng trợ giúp kỷ thuật cho nhà chức trách Malaysia, nếu được yêu cầu, trong cuộc điều tra về vụ án mạng này.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.