Vào nội dung chính
TRIỀU TIÊN - XUNG ĐỘT

Bán đảo Triều Tiên trước nguy cơ xung đột vũ trang

Căng thẳng trong khu vực Đông Á tăng lên mức báo động sau vụ ám sát Kim Jong Nam, anh cũng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, bằng chất độc thần kinh VX tại Kuala Lumpur, tiếp đến là vụ bắn thử bốn quả tên lửa của Bình Nhưỡng ngày 06/03/2017, trong đó ba quả rơi xuống khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Theo nhận định của bài xã luận của nhật báo Le Monde, số ra ngày 09/03/2017, lần này, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đưa ra những quyết định thật sự về chính sách đối ngoại, chứ không chỉ dừng lại ở tin nhắn Tweet.

Vụ phóng tên lửa của các đơn vị pháo binh Hwasong thuộc Lực lượng Chiến lược của quân đội Bắc Triều Tiên, ngày 07/03/2017.
Vụ phóng tên lửa của các đơn vị pháo binh Hwasong thuộc Lực lượng Chiến lược của quân đội Bắc Triều Tiên, ngày 07/03/2017. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Vụ bắn thử tên lửa ngày 06/03, một lần nữa, thể hiện chiến lược của Kim Jong Un, mà tác giả bài xã luận gọi là « nhà độc tài Bình Nhưỡng », và được hình thành một cách rõ ràng trong năm vừa qua : tăng cường các vụ thử hạt nhân để đặt cộng đồng quốc tế vào « thế đã rồi ». Theo giới chuyên gia phương tây, vụ thử mới nhất còn chứng minh Bắc Triều Tiên đạt đến khả năng thực hiện được các vụ thử tên lửa trong thời gian ngắn như thế nào. Ngoài kho vũ khí nguyên tử, vụ ám sát Kim Jong Nam được cho là sử dụng loại chất độc thần kinh VX bị cấm tuyệt đối càng làm gia tăng mối lo ngại về việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hóa học.

Sự kiện trên đã buộc Seoul và Washington nhanh chóng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Quyết định trên khiến chính quyền Bắc Kinh phẫn nộ và đưa ra những lời cảnh cáo về khả năng chạy đua vũ trang trong khu vực dẫn đến nguy cơ thay đổi sự cân bằng chiến lược trong vùng. Tuy nhiên, theo Le Monde, dường như Trung Quốc quan ngại ý đồ của Mỹ tại Đông Á hơn là mối đe dọa từ các chương trình vũ khí đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Vì sự phi lý của chế độ Bình Nhưỡng, mối quan hệ trong vùng bỗng trở nên sôi sục và có nguy cơ bùng nổ sớm hơn dự tính của Washington. Thực vậy, đội ngũ ngoại giao và an ninh của chính quyền Donald Trump còn chưa hoàn chỉnh và đường lối đối ngoại của tân tổng thống Mỹ vẫn chưa được định hình rõ ràng. Về phía Trung Quốc, từ lâu Bắc Kinh luôn khéo léo duy trì sự mập mờ trong mối quan hệ với Bình Nhưỡng, có nghĩa là vẫn lên tiếng cáo buộc mọi hành động gây hấn của Bắc Triều Tiên nhưng lại không đưa ra biện pháp có thể tác động đến những hành động này.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc dự trù một cuộc họp khẩn vào thứ Tư 08/03 tại New York. Thế nhưng, theo bài xã luận, hai trong số năm thành viên thường trực, Washington và Bắc Kinh, phải là những bên hành động trước tiên và phải tỏ ra có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng này. Đã đến lúc Mỹ và Trung Quốc phải sử dụng mọi phương tiện có trong tay ở trong khu vực để làm giảm bớt căng thẳng.

Bắc Kinh phải từ bỏ chiến lược nước đôi và tập trung vào Bình Nhưỡng, nguồn gốc của vấn đề. Như vậy, không những là một cường quốc kinh tế, Trung Quốc còn có cơ hội thể hiện là một sức mạnh ngoại giao năng động. Còn tổng thống Donald Trump phải chứng tỏ cùng có trách nhiệm và đưa ra giải pháp với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Bài viết kết luận, đã đến lúc Donald Trump hành xử như một tổng thống Hoa Kỳ.

Bắc Kinh sốt sắng làm trung gian giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ

Lo ngại trước nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân ngay biên giới, « Bắc Kinh cố tránh leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên », theo nhận định của nhật báo Le Figaro.

Trong cuộc họp báo thường niên bên lề kỳ họp Quốc Hội, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không ngần ngại so sánh Bắc Triều Tiên và Mỹ như « hai con tầu đang tăng tốc xông vào nhau mà chẳng bên nào chịu nhường bước ». Nếu xảy ra « tai nạn », Trung Quốc cũng sẽ bị hứng chịu thiệt hại. Để từng bước làm dịu cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh đề xuất Bình Nhưỡng « trong thời gian đầu, tạm ngừng chương trình hạt nhân, đạn đạo, đổi lại Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận trên quy mô lớn ».

Về phần mình, theo Le Monde, « Hoa Kỳ cố làm dịu những lo ngại của Trung Quốc » về hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner khẳng định hệ thống đang được lắp tại Hàn Quốc chỉ mang tính « phòng thủ » trước « thái độ khiêu khích » của Bình Nhưỡng. Ông công nhận tính nghiêm khắc của các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên nhưng những biện pháp này chỉ có hiệu lực một khi được áp dụng. Vì vậy, theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, « chừng nào chưa áp dụng triệt để các biện pháp trừng phạt, chúng ta chỉ có thể gây sức ép nếu thấy cần thiết đối với Bắc Triều Tiên ».

Theo Le Figaro, kịch bản một giải pháp ngoại giao dường như là điều khó xảy ra ở thời điểm này. Chính quyền của tổng thống Donald Trump, dù hiện chưa hoàn chỉnh, đã khẳng định « cam kết » đứng sau Nhật Bản và Hàn Quốc và đe dọa Bắc Triều Tiên phải gánh « những hậu quả nghiêm trọng ».

Có cần sợ khối nợ của Trung Quốc không ?

Một số định chế tài chính thế giới, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI), rung chuông báo động về khối nợ của Trung Quốc, tăng nhanh trong 10 năm gần đây. Theo bài phân tích trên chuyên mục « Ý kiến-Thảo luận » của nhật báo kinh tế Les Echos, dù Trung Quốc có nhiều lợi thế để tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính trong ngắn hạn, thì sự bấp bênh vẫn còn tồn tại.

Với dự tính ấn định mức tăng trưởng ở 6,5% cho năm 2017, Bắc Kinh muốn đưa ra tín hiệu là ưu tiên hiện nay sẽ tập trung nhiều hơn vào các rủi ro tài chính và hỗ trợ hoạt động trong ngắn hạn.

Thực vậy, theo thống kê của ngân hàng UBS, tổng nợ của Trung Quốc đã tăng vọt trong những năm gần đây, chiếm 277% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2016, có nghĩa là tăng thêm 130 điểm kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Vậy liệu cuộc khủng hoảng tài chính sắp tới sẽ bắt nguồn từ Trung Quốc ? Chưa chắc ! Vì theo các chuyên gia được cho là lạc quan nhất, « Trung Quốc có nhiều yếu tố riêng để tránh cuộc khủng hoảng nợ có hệ thống ».

Một số lý giải thường được đưa ra là tổng nợ của Trung Quốc vẫn còn thấp hơn Nhật Bản và còn cách xa Hoa Kỳ. Hơn nữa, trường hợp của Trung Quốc không giống Hy Lạp và nợ công không ở mức thái quá. Trung Quốc cũng không phụ thuộc các chủ nợ quốc tế vì 95% số nợ là những khoản cho vay trong nước. Ngoài ra, Trung Quốc giữ một khối tiết kiệm khổng lồ dưới hình thức tiền gửi ngân hàng. Bắc Kinh cũng duy trì kiểm soát các dòng vốn ; ngân hàng trung ương thì giữ nguồn ngoại hối dồi dào, trong khi chính phủ luôn theo dõi nền kinh tế bị quản lý, như vậy cho phép chính phủ kịp thời vạch ra được kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế và làm trong sạch tình hình tài chính ngân hàng.

Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, bên cạnh những ưu thế trên vẫn tồn tại một số trở ngại, như nợ của các doanh nghiệp Nhà nước tăng gấp đôi kể từ năm 2008 và vượt quá Hoa Kỳ, khu vực đồng euro và Nhật Bản. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đánh giá khoảng 15% các khoản vay của các doanh nghiệp Trung Quốc mang tính rủi ro.

Trước nguy cơ trên, Bắc Kinh đưa ra một số giải pháp như hứa giảm sản lượng dư thừa trong lĩnh vực luyện thép và than đá. Tuy nhiên, việc tiến hành cải cách các doanh nghiệp Nhà nước vẫn giẫm chân tại chỗ. Để giảm bớt mức tín dụng nguy hiểm, Bắc Kinh hiện mới chỉ sử dụng lại những biện pháp cũ, như hoán đổi nợ của doanh nghiệp thành cổ phiếu do các ngân hàng nắm giữ… Một số kinh tế gia đánh giá những biện pháp trên vẫn nửa vời, còn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì nhận định các tiến bộ còn quá « chậm chạp ». Hệ thống ngân hàng Trung Quốc còn phải đối mặt với một rủi ro khác là luồng tiền chui, nằm ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước.

Bầu cử tổng thống Pháp : Chương trình tranh cử tiếp tục được phân tích

Chủ đề được các nhật báo Pháp tập trung phân tích vẫn là chương trình tranh cử tổng thống của các ứng viên.

Trang nhất của Le Monde đề cập đến « Dự án về trường tiểu học của các ứng viên » « Muôn mặt của François Fillon ». Ứng viên của đảng Những Người Cộng Hòa cuối cùng nhận được sự ủng hộ của đảng để thể hiện tình đoàn kết. Le Monde dẫn lại miêu tả của những người thân cận ông về một nhân vật nhiều góc cạnh với các bí mật của riêng mình.

Le Figaro mổ xẻ đề xuất « Rút nước Pháp khỏi khu vực đồng euro », một điểm trong chương trình tranh cử của ứng viên cực hữu đảng Mặt Trận Quốc Gia, bà Marine Le Pen. Với Le Figaro, tương lai sẽ là « một kịch bản đen đối với nước Pháp nếu rút khỏi khu vực đồng tiền chung ». Bài xã luận còn đi xa hơn khi nhận định đó là « cú nhảy thiếu dù ».

Nhật báo Libération thì quan tâm đến « sự minh bạch trong đời sống chính trị ». Về điểm này, theo tờ báo, mọi ứng viên tranh cử tổng thống Pháp đều đưa ra cam kết, trừ mỗi ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon đang bị dính vào tai tiếng tạo việc làm giả cho vợ con.

Riêng nhật báo La Croix đặt câu hỏi : « Liệu có thể bỏ qua được năng lượng nguyên tử không ? » Vấn đề từ bỏ năng lượng hạt nhân trở lại trong chương trình tranh cử tổng thống, nhưng không ai có thể trả lời được loại năng lượng nào sẽ thay thế được trong tương lai. Theo nhật báo, những bắt buộc về tài chính, kỹ thuật và môi trường khiến hồ sơ này trở nên phức tạp.

Tập đoàn LVMH xây bảo tàng mới dành cho nghệ thuật dân gian

Sau Fondation Vuitton, tập đoàn LVMH, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, rượu Hennessy, chuỗi thương xá Printemps…, mở rộng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa với quyết định xây dựng một bảo tàng mới dành cho các loại hình nghệ thuật dân gian.

Theo nhật báo Le Figaro, buổi lễ có sự tham gia của chủ tịch tập đoàn Bernard Arnault và bà đô trưởng Paris Anne Hidalgo. Viện bảo tàng mới có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc tế, được hình thành trên cơ sở một bảo tàng cũ về Nghệ thuật và Truyền thống Dân gian (MATP), nằm cạnh Quỹ Vuitton ở Neuilly-sur-Seine.

Nhật báo Libération cho biết từ khi các bộ sưu tập của bảo tàng này được chuyển về Bảo tàng Các nền Văn minh châu Âu và vùng Địa Trung Hải ở Marseille vào năm 2015, tòa nhà trở thành một nơi trống trải và không có hồn. Trong khi đó, tòa nhà lại là một đặc trưng của kiến trúc thời hậu chiến mà cả thành phố Paris là chủ sở hữu và Nhà nước là người thuê, không biết phải làm gì trước số tiền trùng tu quá lớn.

Được ký ngày 03/03, thỏa thuận giữa ba bên, Quỹ LVMH, nhà nước Pháp và thành phố Paris, sẽ giúp mang lại hơi thở mới cho tòa nhà. Được đặt tên là Nhà Di sản Tài năng Nghệ thuật LVMH, công trình sẽ dành cho các nghệ sĩ, loại hình kịch sống và các nghề liên quan đến nghệ thuật và thủ công và được hy vọng mở cửa trở lại vào đầu năm 2020.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.