Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Bóng đá Pháp chinh phục miền đất hứa Trung Quốc

Đăng ngày:

Sau các ngôi sao bóng đá thế giới liên tục đổ về các sân cỏ Trung Quốc, giờ đến lượt các nhà làm bóng đá chuyên nghiệp Pháp bắt đầu nhảy vào cắm chân ở đất nước đang có tham vọng trở thành cường quốc bóng đá. Hôm thứ Năm trong tuần (16/02/2017) Liên Đoàn Bóng Đá Pháp (FFF) và Liên Đoàn Bóng Đá Chuyên Nghiệp (LFP) đã chính thức khai trương văn phòng đại diện chung tại Bắc Kinh để khai thác thị trường bóng đá mầu mỡ đang thời kỳ bùng nổ ở Trung Quốc.

Đội tuyển bóng đá Pháp tại trung tâm huấn luyện Clairefontaine, gần Paris, ngày 30/08/2016.
Đội tuyển bóng đá Pháp tại trung tâm huấn luyện Clairefontaine, gần Paris, ngày 30/08/2016. FRANCK FIFE / AFP
Quảng cáo

Đây là sự hiện diện đầu tiên của các nhà quản lý chuyên môn bóng đá Pháp tại Trung Quốc. Mục đích đề ra là quảng bá danh tiếng của bóng đá Pháp, hỗ trợ các câu lạc bộ Pháp phát triển tại Trung Quốc và tham gia vào hợp tác đào tạo, huấn luyện viên, giảng viên bóng đá và cầu thủ ở Trung Quốc.

Ông Victoriano Melero, phó tổng giám đốc của FFF nhấn mạnh thêm : « Nhiệm vụ đầu tiên là xuất khẩu kiến thức tinh hoa của Pháp trong lĩnh vực đào tạo. Bởi Pháp là nước xuất khẩu bóng đá hàng đầu thế giới. Ý tưởng là kèm cặp các cơ cấu trong hệ thống bóng đá Trung Quốc như trường học, liên đoàn, câu lạc bộ » giúp họ đào tạo ra những cầu thủ giỏi nhất nhờ vào những huấn luyện viên có bằng cấp của Liên đoàn.

Gần đây, người ta nói nhiều về Giấc mơ Trung Hoa trong bóng đá của chủ tịch Tập Cận Bình, một người hâm mộ cuồng nhiệt môn túc cầu và là người quyết định nâng tầm phát triển bóng đá lên thành một « sự nghiệp của quốc gia ».

Giấc mơ đó là từ nay đến năm 2050 Cúp Bóng đá Thế giới phải được tổ chức ở Trung Quốc. Mục tiêu trước mắt, trong vòng 4 năm tới, Trung Quốc phải xây dựng được 20 nghìn học viện đào tạo bóng đá và 5 nghìn giáo viên bóng đá, môn thể thao này phải được phổ cập cho 30 triệu học sinh. Tuy nhiên hiện tại, đất nước của hơn 1,3 tỷ dân vẫn xếp thứ 86 trong bảng xếp hạng của FIFA, đội tuyển quốc gia đang bì bõm ở vòng đấu loại khu vực châu Á khó có thể lọt được vào Cúp Thế giới 2018.

Bộ trưởng Thể Thao Pháp Patrick Kanner, có mặt tại lễ khai trương văn phòng ở Bắc Kinh giải thích, đó là lý do vì sao bóng đá Pháp có thể đóng vai trò ở Trung Quốc: « Hiện nay, Trung Quốc không phải là một cường quốc bóng đá. Mục tiêu của họ là đứng ở tốp đầu thế giới trong 20 năm tới. Điều đó có ý nghĩa là cần phải có sự đầu tư rất lớn trong lĩnh vực đào tạo. Ở điểm này, khả năng chuyên môn của Pháp là rất lớn ».

Thách thức vẫn là vấn đề đào tạo và Pháp không phải là quốc gia duy nhất đến giúp người Trung Quốc. Ông Raymond Domenech, cựu huấn luyện viên đội tuyển Pháp, nay là chủ tịch nghiệp đoàn các huấn luyện viên Pháp cho biết :

« Đức đã cắm chân ở đây, người Ý cũng đã làm rồi, Tây Ban Nha cũng thế. Chúng ta hơi chậm chân nhưng vẫn có một thị trường như vậy. Trung Quốc muốn có ngày được tổ chức Cúp Thế giới. Để làm được thế họ phải có một đội bóng vững mạnh.

Đào tạo tức là để có được đội tuyển có khả năng cạnh tranh từ nay đến 15 -20 năm tới. Ngay từ giờ cần phải chuẩn bị những lứa cầu thủ có độ tuổi từ 5 đến 10 tuổi để có được một đội tuyển có khả năng cạnh tranh thi đấu trong 16 hay 20 năm tới ».

Bóng đá Pháp cũng như đội tuyển quốc gia Pháp vẫn được người hâm mộ Trung Quốc yêu mến, đặc biệt qua hai giải đấu lớn gần đây, World Cup 2014 và Euro 2016. Những tên tuổi, Antoine Griezmann, Karim Benzema, Olivier Giroud, Paul Pogba đã trở nên thân thuộc với người hâm mộ Trung Quốc. Tuy vậy, nói gì thì nói các đội tuyển Tây Ban Nha hay Đức vẫn là những đội bóng được biết đến nhiều nhất.

Trên phương diện hình ảnh, giải Vô địch Quốc gia Pháp Ligue 1 mới chỉ chiếm thị phần nhỏ trên truyền thông Trung Quốc. Các trận đấu của Ligue 1 mới chỉ được truyền qua các kênh truyền hình số trả tiền. Trái lại, các trận đấu của các giải như Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Serie A (Ý) hay Bundesliga (Đức) vẫn được đều đặn truyền miễn phí trên các kênh truyền hình phổ thông.

Không sợ người Trung Quốc

Trong chiều ngược lại, Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt vào bóng đá châu Âu. Nhiều câu lạc bộ lớn đã chuyển qua nằm dưới sự kiểm soát của các ông chủ Trung Quốc như ở Pháp có Auxerre, Sochaux, ở Anh có Aston Villa, West Bromwich, ở Ý có Inter Milan hay ở Tây Ban Nha có Espanyol Barcelone, Grenade. Tập đoàn Trung Quốc Vạn Đạt (Wanda) hiện đã chiếm 20% cổ phần của câu lạc bộ Atletico Madrid.

Những vụ thôn tính của người Trung Quốc không làm cho bà tân chủ tịch LFP Nathalie Boy de la Tour lo ngại. Bà giải thích : « Chúng ta đang ở trong một xã hội mang tính toàn cầu, chúng tôi rất vui vì thấy các câu lạc bộ của chúng ta gây được chú ý ở bên ngoài biên giới ».

Còn bộ trưởng Thể Thao Pháp Patrick Kanner nói thêm : « Pháp không sợ sự hiện diện của Trung Quốc dù cho đó là trong thể thao hay trong kinh tế. Tất nhiên chúng ta phải biết giữ nét đặc thù của Pháp ».

Budapest bỏ cuộc tổ chức Olympic 2024

Có thể cuộc đua xin đăng cai Thế Vận Hội mùa hè Olympic 2024 hiện sẽ chỉ còn lại cuộc đấu tay đôi giữa Paris và Los Angeles. Thủ đô Hungary có thể sẽ buộc phải rút khỏi cuộc đua do một cuộc trưng cầu dân ý. Hôm thứ Sáu (17/02/2017) một phong trào chống tổ chức Thế Vận Hội lấy tên gọi là « Nolimpia » thông báo đã thu thập được hơn 200 nghìn chữ ký vào bản kiến nghị chính phủ phải lấy ý kiến dân về việc tổ chức Thế Vận Hội Olympic mùa hè 2024.

Phong trào Nolimpia – Không có Thế Vận Hội Olympic- được sự ủng hộ của các đảng chính trị đối lập, lấy lý do chính phủ nên dành tiền tổ chức sự kiện này cho giáo dục, y tế thì hơn. Tổ chức Thế Vận Hội vừa tốn kém mà chỉ tạo điều kiện cho phe cánh cầm quyền tham nhũng, làm giàu. Theo nhận định của thông tín viên RFI tại Budapest, Florence La Bruyère, nguyên nhân sâu xa chính là sự phản kháng nhằm vào chính phủ cánh hữu theo đường lối dân tộc cực đoan của thủ tướng Orban.

" Sáng kiến chống Olympic là một thất bại lớn cho chính phủ của thủ tướng Viktor Orban. Phong trào do 150 thanh niên khởi xướng và được sự ủng hộ của hàng trăm người tình nguyện đã tập hợp được 266 nghìn chữ ký đòi tổ chức trưng cầu dân ý, tức là gấp đôi số chữ ký cần thiết.

Nếu cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức, người dân thủ đô Hungary phải trả lời câu hỏi : « Quý vị có muốn thành phố rút đơn xin tổ chức Thế Vận Hội 2024 ? » Theo một thăm dò dư luận hôm 9 tháng Hai, 52% dân Budapest chống việc tổ chức Thế Vận Hội tại thành phố của họ. Trong khi đó, con số này là 31% trong một cuộc thăm dò dư luận khác được làm hồi tháng 9 năm 2016.

Không chắc cuộc trưng cầu dân ý này sẽ diễn ra. Bởi ông Istvan Torlos, thị trưởng Budapest, thuộc đảng cánh hữu cầm quyền, đã cho biết sẽ tự rút đơn xin đăng cai của thành phố. Có thể đây là cách đánh lạc hướng nhằm phá sáng kiến của phong trào chống Thế Vận Hội. Phong trào này đòi thị trưởng và thủ tướng không nên hèn nhát, hãy chấp nhận tham khảo ý kiến dân qua trưng cầu dân ý.

Vấn đề tổ chức Thế Vận Hội đã là một lý do để huy động người dân Hungary. Phong trào công dân này giờ đây đang chuẩn bị chuyển thành một đảng chính trị để có thể thách thức ông Viktor Orban trong các cuộc bầu cử sắp tới. "

Trong cuộc chạy đua đường dài giành quyền đăng cai Thế Vận Hội mùa hè 2024, các thành phố của Đức Hambourg và Kiel cũng đã phải rút lui sau một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hồi tháng 12 năm 2015. Thủ đô Roma của Ý, đến tháng 9 năm ngoái cũng đã phải bỏ cuộc vì sức ép chính trị, sau khi hội đồng thành phố có thay đổi đa số.

So với hai ứng viên Paris và Los Angeles, thủ đô Hungary chỉ là chú lùn với ngân sách đầu tư khiêm tốn giới hạn ở mức 2,4 tỷ euro. Tính từ kỳ Thế Vận Hội đầu tiên trong kỷ nguyên của phong trào Olympic đương đại, Hungary đã 5 lần nộp đơn xin đăng cai tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này, thế nhưng chưa một lần đi tới đích.

Tuy nhiên nhìn vào bảng thành tích Olympic, đất nước của 9,9 triệu dân Hungary xếp hàng thứ 8 với tổng số 168 huy chương vàng, 148 huy chương bạc và 170 huy chương đồng. Tên của thành phố chủ nhà Thế Vận Hội Olympic 2024 sẽ được biết trong phiên họp bầu chọn của Ủy ban Olympic Quốc Tế (CIO) tại Lima, Peru vào ngày 13/09/2017.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.