Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - CHÍNH TRỊ

Hàn Quốc : ‘‘Danh sách đen’’, công cụ kiểm duyệt văn hóa

Cựu bộ trưởng Văn Hóa Hàn Quốc bị truy tố hôm thứ Ba, 07/02/2017, vì bị cáo buộc lập danh sách đen gần 10.000 văn nghệ sĩ. Đây là một bê bối mới, thêm vào hàng loạt các bê bối chính trị - tài chính của tổng thống bị đình chỉ chức vụ Park Guen-Hye. Vụ danh sách đen mới này làm tăng thêm khả năng Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc phê chuẩn việc phế truất tổng thống Park Guen-Hye, như đề nghị của Quốc Hội hồi tháng 12/2016.

Hàn Quốc : Chính quyền ngăn chặn bộ phim tài liệu "Diving Bell" (Chuông lặn) về thảm nạn phà Sewol, tháng 4/2014.
Hàn Quốc : Chính quyền ngăn chặn bộ phim tài liệu "Diving Bell" (Chuông lặn) về thảm nạn phà Sewol, tháng 4/2014. Ảnh : Youtube
Quảng cáo

Trước hết, thông tín viên Frédéric Ojardias cho biết cụ thể về danh sách đen :

« Bà Cho Yoon-sun, cựu bộ trưởng bộ Văn Hóa, cùng với ông Kim Ki-choon, cựu chánh văn phòng của tổng thống, cả hai người bị cáo buộc đã lập ra một danh sách đen và thực thi các biện pháp trừng phạt.

Gần 10.000 nghệ sĩ, nhà văn, đạo diễn điện ảnh, họa sĩ đã bị đưa vào danh sách, vì trực tiếp phê phán tổng thống Park Guen-hy, ủng hộ đối lập… hay chỉ đơn giản là nêu lên trách nhiệm của chính phủ trong vụ đắm tàu Sewol, khiến hơn 300 người chết, cách nay ba năm.

Theo nhật báo Hankyoreh, ông Kim Ki-choon, đã từng tuyên bố muốn loại trừ hoàn toàn ‘‘các thành phần thân Bắc Triều Tiên, thống trị các lĩnh vực văn hóa (Hàn Quốc) từ 15 năm nay’’. Các thế lực chính trị bảo thủ ở Hàn Quốc thường gán cho những người đối lập danh hiệu ‘‘thân Bắc Triều Tiên’’, để làm họ mất uy tín.

Cụ thể là, những nghệ sĩ có tên trong danh sách đen không được tài trợ của chính quyền. Một số người bị loại khỏi các hoạt động văn hóa. Họ cũng nằm trong tầm ngắm của các cơ quan chính quyền, như cảnh sát hay thuế vụ. Trong số họ, có thể kể đến những nhân vật nổi tiếng như Park Chan-wook, đạo diễn đoạt giải Liên hoan Cannes, với bộ phim Old Boy, nhà viết tiểu thuyết Han Kang, hay nhà thơ Ko Un.

Bộ trưởng Văn Hóa Cho Yoon-son bị bắt giam tháng trước, và đã từ chức ».

Tổng thống Park có vai trò nào trong danh sách đen này ?

Thông tín viên Frédéric Ojardias : « Nói chung, các nhà điều tra cho rằng bà Park Guen-hye đóng vai trò ‘‘tòng phạm’’. Về phần mình, tổng thống Park Guen-hye khẳng định không hề hay biết về danh sách này. Tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục được nhiều người, bởi hai quan chức vừa bị truy tố hôm 07/02 nằm trong số những cộng sự thân cận nhất của bà tổng thống.

Tác động của thông tin về những bê bối này đối với công luận là rất lớn. Vụ xì căng đan này khiến người ta nhớ lại những năm tháng đen tối thời độc tài quân sự, trong những thập niên 1960, 1970, dưới thời tướng Park Chung-hee, cha đẻ của tổng thống Park Guen-hye. Nhiều nhà ly khai, đặc biệt là các nghệ sĩ, bị đàn áp hết sức tàn khốc, họ bị kiểm duyệt, thậm chí bị tra tấn trong thời kỳ này.

Người Hàn Quốc không tin rằng xã hội hiện nay sẽ trở lại bốn thập niên trước ».

Danh sách đen này sẽ tác động như thế nào đến thủ tục phế truất tổng thống ?

Thông tín viên Frédéric Ojardias : « Tác động sẽ lớn. Kiến nghị phế truất tổng thống được Quốc Hội Hàn Quốc thông qua hồi tháng 12/2016 vừa được điều chỉnh, để bao gồm thêm cả tội danh mới. Tổng thống Park Guen-Hye bị cáo buộc thêm là đã cách chức nhiều quan chức từ chối thi hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người bị đưa vào danh sách đen.

Chúng ta cũng biết rằng bà Park Guen-Hye cũng đồng thời bị nghi ngờ đã buộc nhiều doanh nghiệp lớn phải nộp các khoản tiền tương đương hàng triệu euro, nhờ vai trò trung gian của ‘‘quân sư’’ Choi Soon-sil.

Cuộc điều tra về danh sách đen như vậy là rất quan trọng. Kết quả điều tra ắt hẳn sẽ tác động nhiều đến quyết định của 8 thẩm phán Tòa Bảo Hiến, về việc phê chuẩn hay không đối với yêu cầu phế truất tổng thống của Quốc Hội. Quyết định có thể sẽ được đưa ra đầu tháng 3 tới, hoặc sớm hơn ».

Phim tài liệu về vụ Sewol bị chính quyền ngăn chặn

Hãng thông tấn AFP có một điều tra về thực trạng giới nghệ sĩ, cụ thể trong ngành điện ảnh, bị chính quyền thao túng. Vào cuối năm 2014, một bộ phim tài liệu nổi tiếng về vai trò của chính phủ trong thảm nạn đắm phà Sewol tháng 4 cùng năm, khiến 304 người chết, trong đó có 250 học sinh.

Tại các rạp chiếu phim Hàn Quốc, trình chiếu bộ phim này, ghế trống rất nhiều, rạp vắng đến phân nửa. Vào thời điểm đó, không ai có thể hình dung ra được là chính quyền đã can thiệp để ngăn chặn công chúng đến xem phim.

Trả lời AFP, nhà phát hành phim « Diving Bell » (Chuông lặn) Kim Il-Kwon cho biết ông hết sức sững sờ khi thấy các hàng ghế trống. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với không khí lúc đó là đi đâu cũng thấy mọi người nói về phim, rất nhiều người muốn được xem phim.

Phải đến hai năm sau, khi vụ bê bối bùng phát, bộ trưởng Văn Hóa Cho Yoon-Sun bị bắt giữ, quan chức này bị cáo buộc là đã cho mua ồ ạt vé xem bộ phim tài liệu về vụ đắm phà Sewol, để ngăn chặn khán giả Hàn Quốc.

Vụ bộ phim tài liệu về đắm phà bị nguyên lãnh đạo bộ Văn Hóa can thiệp chỉ là một trong các ví dụ. Các quan chức đã can thiệp từ trong bóng tối để trừng phạt những ai dính dáng đến « Diving Bell ». Công ty Cinema Dal của nhà phát hành Kim Il-Kwon, đã không còn nhận được các tài trợ, sau khi cho ra mắt bộ phim khiến chính quyền tức giận.

Liên hoan Busan cũng là nạn nhân

Nhà phát hành Kim Il-Kwon kể lại là đã được một số quan chức chính quyền nói thẳng về khả năng bị cắt tài trợ, nếu cố tình phát hành « Diving Bell », điều mà trong cả đời làm việc từ hai mươi năm nay, ông chưa bao giờ thấy.

Liên hoan phim quốc tế Busan, liên hoan điện ảnh lớn nhất châu Á, cũng là một nạn nhân. Từ khi chiếu phim « Diving Bell », tài trợ cho Liên hoan Busan bị cắt giảm mạnh, và ban tổ chức liên tục phải đối mặt với các cuộc điều tra, kiểm toán từ phía chính quyền.

Đồng giám đốc Liên hoan Busan, Kang Soo-Yeon, khẳng định các thành quả của điện ảnh Hàn Quốc, trỗi dậy từ những năm 1990, đang bị đe dọa.

Một chuyên gia về điện ảnh Hàn Quốc, đạo diễn Lee Jang-Ho, 71 tuổi, nhấn mạnh các trợ giúp của Nhà nước cho nền điện ảnh là rất quan trọng, thế mà giờ đây, chính quyền chỉ khuyến khích các dự án làm phim, gọi là « yêu nước », như cho thấy các chiến binh Hàn Quốc dũng cảm chống lại kẻ thù Bắc Triều Tiên, hay thành công kinh tế dưới chế độ độc tài. Điều này, theo ông, đi ngược lại « tinh thần tự do biểu đạt, vốn là nền tảng sức mạnh của văn hóa Hàn Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.