Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Công nhân Bắc Triều Tiên: Nô lệ thời hiện đại ngay tại châu Âu

Đăng ngày:

Khoảng 50 000 người Bắc Triều Tiên làm việc khắp nơi trên thế giới và mỗi năm, mang lại cho chế độ Bình Nhưỡng từ một đến hai tỷ euro. Tuy nhiên, nhiều tổ chức phi chính phủ tố cáo các quốc gia tiếp nhận, trong đó có một số nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đã tiếp tay Bình Nhưỡng bóc lột các lao động cưỡng bức đến từ quốc gia khép kín nhất hành tinh.

Một xưởng đóng tàu biển ở Ba Lan. Đa số lao động Bắc Triều Tiên làm việc tại các trang trại, công trường xây dựng, xưởng đóng tàu biển.
Một xưởng đóng tàu biển ở Ba Lan. Đa số lao động Bắc Triều Tiên làm việc tại các trang trại, công trường xây dựng, xưởng đóng tàu biển. Getty Images/Eddie Gerald
Quảng cáo

Đầu tháng 07/2016, tổ chức phi chính phủ « Liên minh châu Âu vì nhân quyền tại Bắc Triều Tiên – EAHRNR » đã công bố một báo cáo tựa đề : « Lao động cưỡng bức Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Châu Âu : Trường hợp Ba Lan ». Những nô lệ thời hiện đại này thường làm việc tại « các nước anh em bạn bè » : đó là những nước cộng sản cũ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với chế độ độc tài Bắc Triều Tiên. Do mức lương tại Liên Hiệp Châu Âu cao hơn mức trung bình, nên thị trường châu Âu rất được chế độ Bình Nhưỡng chú ý tới.

Nô lệ thời hiện đại

Theo phóng sự của thông tín viên RFI Maya Szymanowska thì tại Ba Lan, hiện có khoảng 1500 lao động Bắc Triều, làm việc trong các nông trại, công xưởng đóng tàu biển, công trường xây dựng…Số tiền mà chế độ Bình Nhưỡng thu được qua nguồn xuất khẩu lao động sang Ba Lan là 13 triệu euro.

Trên một công trường ở ngoại ô Vacxava, công nhân Ba Lan làm việc cùng với lao động Bắc Triều Tiên, thế nhưng, rất khó tiếp cận và nói chuyện với họ. Một công nhân Ba Lan cho biết :

« Có thể cùng lắm lương của họ bằng một nửa lương của chúng tôi. Hàng sáng, có một xe khách đến đón tất cả những người lao động Bắc Triều Tiên và đưa họ đến công trường. Họ làm việc 12 tiếng liên tục, thậm chí 19 tiếng và chỉ có 30 phút nghỉ, từ 12h đến 12h30, để ăn trưa ».

Những người lao động Bắc Triều Tiên tránh mọi tiếp xúc và lại càng trở nên kín tiếng hơn kể từ khi sự hiện diện của họ tại Ba Lan làm dấy lên nhiều chỉ trích. Tổ chức phi chính phủ Liên minh vì nhân quyền tại Bắc Triều Tiên đã chú ý đến điều kiện làm việc của lao động Bắc Triều Tiên tại Ba Lan sau khi xẩy ra vụ tai nạn chết người trên một công trường đóng tàu biển vào năm 2014.

Nạn nhân là một thợ hàn Bắc Triều Tiên, Chon Kyongsu. Người này đã phải làm việc liên tục 12 tiếng mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần, không được phép đi lại ở Ba Lan, ngoài hành trình từ nơi ở đến chỗ làm việc, chỉ nhận được mức lương tối thiểu để tồn tại. Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế, làm việc trong những điều kiện như vậy là lao động cưỡng bức. Về phần mình, tổ chức phi chính phủ Liên minh vì nhân quyền tại Bắc Triều Tiên cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng đã áp đặt một cách có hệ thống các điều kiện làm việc như vậy đối với những người Bắc Triều Tiên đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động Bắc Triều Tiên : Nguồn nhân công rẻ mạt

Thế nhưng, từ nhiều tháng qua, các tổ chức công đoàn Ba Lan đã lên tiếng báo động về tình trạng này. Piotre Szumlewicz thuộc công đoàn OPZZ cho biết :

« Nếu chiểu theo luật lao động của Ba Lan, có thể nói đó là bóc lột lao động. Họ phải làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần, trong lúc tại Ba Lan, quy định là 40 giờ/tuần. Họ không được trả tiền khi làm thêm giờ. Họ được trả lương thấp và kiệt sức vì làm việc quá nhiều. Hơn nữa, các quy định về an toàn lao động không được tôn trọng ».

Một công nhân Bắc Triều Tiên, xin ẩn danh, làm việc tại một nước trong Liên Hiệp Châu Âu, kể lại với đại diện tổ chức Liên minh vì nhân quyền tại Bắc Triều Tiên : « Một người quản lý đã nói với chúng tôi rằng các doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng chúng tôi do giá nhân công rẻ, họ có thể khấu trừ tiền mua vé máy bay, nhà ở, điện, khí đốt trong tiền lương hàng tháng. Họ không bao giờ cho biết lương của chúng tôi là bao nhiêu. Chính vì thế, không ai trong chúng tôi biết được là mình bị bóc lột như thế nào ».

Có muốn giúp đỡ những người lao động Bắc Triều Tiên cũng khó. Ngoài rào cản về ngôn ngữ, họ lại không muốn tiếp xúc, nói về điều kiện làm việc, cuộc sống của mình. Nhà hoạt động công đoàn Piotr cho biết :

« Họ lo sợ, họ sợ phải nói chuyện với thanh tra lao động và với công đoàn. Công việc của chúng tôi trở nên phức tạp và khó để có thể tiếp xúc với các lao động Bắc Triều Tiên ».

Một nguồn ngoại tệ quan trọng cho chế độ

Nếu như những người lao động Bắc Triều Tiên luôn luôn sợ hãi vì họ thực sự là những nô lệ của chế độ Bình Nhưỡng. Một nhân chứng khác cho tổ chức Liên minh vì nhân quyền tại Bắc Triều Tiên biết là để có thể được đi lao động ở nước ngoài, thì đó phải là người đã kết hôn, vợ hoặc chồng và con cái phải sinh sống tại Bắc Triều Tiên. Đây là phương tiện gây sức ép đối với những người đi lao động ở nước ngoài. Người thân của họ bị đe dọa nếu họ không tỏ thái độ thuần phục, hợp tác.

Mặt khác, hộ chiếu của công nhân Bắc Triều Tiên bị thu lại vào giao cho sứ quán quản lý. Thế nhưng, sự bóc lột, khống chế không chỉ dừng lại ở mức độ này. Ông Nicolas Lévy, thuộc Viện Khoa học Vacxava, chuyên gia về hồ sơ lao động Bắc Triều Tiên, cho biết :

« Đối với những người lao động Bắc Triều Tiên tại Ba Lan, thì một phần lương của họ bị chính quyền Bình Nhưỡng giữ lại và đây là nguồn dự trữ ngoại tệ, cung cấp tài chính cho các phe phái trong giới lãnh đạo chóp bu ở Bắc Triều Tiên ».

Theo thẩm định của các tổ chức phi chính phủ cũng như lời chứng của những người đào thoát, thì những người lao động Bắc Triều Tiên phải nộp cho Nhà nước tới 80% lương của họ. Tại Ba Lan, họ được trả lương 400 euro mỗi tháng, nhưng chỉ nhận được 100 euro. Chế độ Kim Jong Un khai thác nguồn nhân lực này để có được ngoại tệ, do Bắc Triều Tiên bị quốc tế cấm vận, trừng phạt.

Một dạng nô lệ hợp pháp ?

Trong phần lớn các trường hợp, chính những doanh nghiệp Bắc Triều Tiên phụ trách tuyển dụng nhân công để cung cấp cho các công ty Ba Lan nguồn nhân lực rẻ tiền này. Việc sử dụng nguồn nhân lực này không hẳn là bất hợp pháp. Các giấy phép lao động được cấp hợp lệ. Sứ quán Bắc Triều Tiên tại Vacxava trả lời điện thoại cộc lốc : « Các doanh nghiệp Ba Lan cần và sử dụng những người lao động này. Không ai lấy tiền của họ cả. Họ làm việc và được trả lương ».

Theo một phóng sự của đài truyền hình Arte, đại diện của Solidarnosc, công đoàn nổi tiếng tại Ba Lan, thì công nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại cảng Gdansk đều có hợp đồng lao động. Chính Nhà nước Ba Lan và các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực này phải chịu trách nhiệm về tình trạng bóc lột lao động.

Trong năm 2016, cơ quan chức năng Ba Lan đã tiến hành 16 cuộc thanh tra lao động, nhưng rõ ràng, vấn đề người lao động Bắc Triều Tiên không phải là chủ đề ưu tiên của họ. Ông Jaroslaw Cieslewicz, phụ trách hồ sơ lao động nước ngoài, giải thích :

« Liên quan đến việc tôn trọng luật Lao động Ba Lan, tình hình của những người lao động Bắc Triều Tiên đang được cải thiện. Đúng là các thanh tra đã không thẩm vấn trực tiếp những người lao động Bắc Triều Tiên và không kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ. Công việc thanh tra dựa trên những tài liệu mà các doanh nghiệp cung cấp. Họ không thấy cần thiết phải nói chuyện trực tiếp với các lao động Bắc Triều Tiên. Hơn nữa lại có rào cản về ngôn ngữ ».

Bị cấm vận do thực hiện chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử, Bắc Triều Tiên gia tăng xuất khẩu lao động để có nguồn thu ngoại tệ. Nga và Trung Quốc là hai nơi có nhiều lao động Bắc Triều Tiên nhất. Tuy nhiên, đây lại là hai quốc gia quan hệ « hữu nghị, anh em » với chế độ Bình Nhưỡng nên vấn đề cưỡng bức lao động, bóc lột lao động hầu như không được nêu ra. Tình hình cũng tương tự tại các nước Trung Đông như Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Koweit, Libya, Qatar…

Cuối tháng 9/2016, lần đầu tiên trong cuộc họp thường niên, tại Vacxava, Ba Lan, Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu đã chính thức đề cập đến vấn đề người lao động Bắc Triều Tiên tại châu Âu. Ông Willy Fautré, giám đốc tổ chức Nhân quyền không biên giới đã nêu ra những trường hợp vi phạm nhân quyền mà nạn nhân là những người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, như tại Ba Lan, Hà Lan, Malta. Trong lúc Rumani, Bulgari, Cộng Hòa Séc chấm dứt, thì một số quốc gia khác, như Áo, vẫn tiếp tục đón nhận lao động Bắc Triều Tiên, ít ra là cho đến các năm 2014, 2015.

Các tổ chức phi chính phủ tố cáo sự thờ ơ của chính quyền Ba Lan. Giới hoạt động bảo vệ nhân quyền không chấp nhận buông xuôi và mong muốn thành lập một công đoàn bao gồm cả các thành viên là những người lao động bị bóc lột này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.