Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ

Biển Đông: Trung Quốc hoan nghênh Mattis nhấn mạnh giải pháp ngoại giao

Chính quyền Bắc Kinh, hôm nay, 06/02/2017, đã hoan nghênh phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, theo đó cần ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và chưa cần có những hành động quân sự quan trọng để ngăn chặn những hành vi áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis trong cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/02/2017.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis trong cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/02/2017. Toru YAMANAKA / AFP
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang), được Reuters trích dẫn, tuyên bố, việc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh đến các biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông « có giá trị như lời khẳng định » và tình hình trong khu vực đang từng bước trở lại bình thường.

Theo đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc, thì « điều này phù hợp với các lợi ích chung của Trung Quốc và tất cả các nước trong khu vực », đồng thời, Trung Quốc cũng mong muốn « các nước ngoài khu vực tôn trọng những lợi ích và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực ».

Trong khi đó, xã luận tờ Nhật Báo Trung Hoa (China Daily) cho rằng phát biểu của bộ trưởng Mattis như « một viên thuốc an thần », giúp « xóa tan những đám mây chiến tranh mà nhiều người lo ngại là đang tích tụ trên bầu trời Biển Đông ».

Hôm thứ Bẩy, 04/02, trong chuyến công du Nhật Bản, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis chỉ trích Trung Quốc « đã phá nát niềm tin của các quốc gia trong khu vực ». Tuy vậy, lãnh đạo Lầu Năm Góc lại cho rằng Hoa Kỳ không cần phải có những hành động quân sự tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.