Vào nội dung chính
MỸ- CHÂU Á

Chính sách biệt lập của Donald Trump, ẩn số cho châu Á

Châu Á phải làm gì trước bài toán “Thêm Trung Quốc, bớt Hoa Kỳ ” ? Mỹ với tổng thống Trump có còn là tấm gương dân chủ trong lúc Bắc Kinh đã lên giọng dậy cho chính quyền mới ở Washington những bài học về kinh tế tư bản ? Giáo sư Dominique Moisi, trường đại học King’s College –Luân Đôn, trên tờ báo kinh tế Les Echos, đã nêu ra hai câu hỏi trên. 

Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại bộ Quốc Phòng ngày 27/01/2017.
Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại bộ Quốc Phòng ngày 27/01/2017. Reuters
Quảng cáo

Pháp hãnh diện giành chức vô địch thế giới môn bóng ném, đánh bại Na Uy với tỷ số 33-26, đoạt huy chương vàng lần thứ 6 ngay trên sân nhà. Cánh tả mở rộng chính thức cử đại diện ra tranh cử tổng thống : Benoit Hamon thuộc đảng Xã Hội. Ở phần trang quốc tế, sắc lệnh của tổng thống Trump cấm cửa công dân từ 7 nước Hồi Giáo vào Mỹ vẫn là đề tài chiếm nhiều trang các tờ báo ngày 30/01/2017 với những bài viết xoáy vào khía cạnh, " tổng thống Mỹ Donald Trump khiêu khích thế giới ".

Riêng với các đồng minh Á Châu, giáo sư Dominique Moisi, đại học King’s College- Luân Đôn trên nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật vấn đề : từ hàng chục năm nay, sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á nhằm làm đối trọng với một nước Trung Hoa ngày càng lớn mạnh. Phải chăng mọi việc đã thay đổi kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ ?

“Thất bại tương đối của chính sách xoay trục sang châu Á được chính quyền Obama khởi động, có nguy cơ trở thành một thực tế nguy hiểm hơn bội lần với Donald Trump” ở Nhà Trắng.

“Thêm Trung Quốc, bớt Mỹ”

Trong mắt chuyên gia về địa chính trị này, tham vọng và sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc đã khiến các nước trong vùng cần có sự che chở của Mỹ nhiều hơn. Không chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc mà cả từ Việt Nam đến Philippines, từ Indonesia đến Singapore và cả Đài Loan đều trông đợi nhiều vào Hoa Kỳ.

Khúc mắc nằm ở chỗ vào lúc mà sự hiện diện của Trung Quốc đang lớn dần trong khu vực thì phía Mỹ lại bị “thu hẹp lại”, điều mà giáo sư Moisi thu gọn trong một công thức ông gọi là “thêm Trung Quốc, mà bớt Hoa Kỳ”.

Trước khi nhà tỷ phú địa ốc Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, chính quyền mới ở Philippines đã tỏ thái độ xa lánh Mỹ để xích lại gần Trung Quốc. “Cuộc cách mạng về phương diện ngoại giao” đó của Manila, theo tác giả bài phân tích, cho thấy châu Á ngày càng hoài nghi về hào quang của Hoa Kỳ trong khu vực.

Thế rồi việc ông Trump gián tiếp nêu lên khả năng ngưng dùng chiếc ô hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc, đã mở ra viễn cảnh đẩy châu Á lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nhiều thí dụ khác, điển hình là việc rút Mỹ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP, hay việc xích lại gần với Đài Bắc, chọc giận Bắc Kinh cho thấy chính sách đối với châu Á của tổng thống Trump đang rối mù.

Nước Mỹ của ông Trump muốn gì ? Họ muốn trông thấy các quốc gia trong khu vực này liên kết với nhau, để trong tương lai sẽ thành lập một Liên Hiệp, tương tự như mô hình của châu Âu hay, hay chỉ đơn giản là Washington phủi tay với châu Á ?

Vẫn theo giáo Moisi, King’s College- Luân Đôn, trong mọi trường hợp, đường lối của Mỹ như thêm củi lửa cho tham vọng của Bắc Kinh. Có điều, chính sách cai trị với bàn tay sắt của Tập Cận Bình ở Bắc Kinh cộng thêm với những đòn khiêu khích của Donald Trump ở Washington, có nguy cơ dẫn đến tai họa.

Giáo sư Moisi không khỏi chua xót nêu câu hỏi : vào lúc nước Mỹ “xây tường” ở biên giới với Mêhicô liệu rằng tượng Nữ Thần Tự Do mà phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989 dựng nên có còn ý nghĩa gì nữa hay không ? Nói cách khác, Hoa Kỳ dưới năm tháng Donald Trump có còn là tấm gương dân chủ nữa hay không ? trong khi đó thì chính Trung Quốc lại lên giọng dậy cho nước Mỹ của ông Trump về kinh tế tư bản như điều chúng ta đã thấy ở Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos vừa qua.

Bão tố trong tuần lễ đầu tiên ở Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ muốn gì, cũng là câu hỏi nhiều tờ báo Pháp tìm cách trả lời. Trở lại với làn sóng phản kháng lan rộng cả trên lãnh thổ Hoa Kỳ lẫn khắp nơi trên toàn cầu, sau sắc lệnh đóng cửa nước Mỹ với công dân của 7 nước đa số theo đạo Hồi, Le Monde ghi nhận : “Donald Trump khiêu khích thế giới”.

Nội trong tuần lễ đầu tiên ở Nhà Trắng, tổng thống Trump đã bước vào “Vùng bão tố”, làm dấy lên “phẫn nộ” và “lo âu” trong công luận, tựa trên Le Figaro. Sắc lệnh của ông Trump khơi lại tinh thần bài Mỹ ở Trung Đông. Một công dân mạng lưu ý : 15 trong số 19 thủ phạm vụ vấn công Hoa Kỳ ngày 11/09/2001 là người Ả Rập Xê Út, nhưng vương quốc dầu hỏa này lại không nằm trong danh sách đen của chính quyền Mỹ. Qatar, Tunisia cũng không. Le Figaro nhắc lại lời một số nhà quan sát theo đó, Nhà Trắng chỉ đưa vào sổ đen những quốc gia nào mà tập đoàn Donald Trump Organization không có chi nhánh ở đó.

Vết thương không thể hàn gắn của xã hội Mỹ ?

Ngoài những phản ứng ở hải ngoại, thông tín viên Libération tại New York nhấn mạnh đến “Hai bộ mặt của nước Mỹ ngày càng xa lạ với nhau” : những cuộc biểu tình ở khắp nơi trên toàn quốc trong hai ngày cuối tuần vừa qua cho thấy Hoa Kỳ đang bị chia rẽ sâu rộng giữa một bên là những người Mỹ kỳ thị đang sống trong nỗi sợ hãi, sẵn sàng quay lưng lại với những giá trị nền tảng từng làm nên lịch sử của một đất nước “hợp chủng”.

Bên kia là nước Mỹ giàu lòng nhân ái, vị tha sẵn sàng để cho mọi người cùng có cơ hội đổi đời. Từ nhiều năm qua, hai bộ mặt đó của cùng một nước Mỹ chung sống với nhau trên một mảnh đất nhưng họ không còn liên lạc với nhau nữa, hai phần ấy của nước Mỹ không còn biết đến nhau. Để đến nỗi, như kế luận của bài báo : chưa khi nào hố sâu chia cách hai phần của một nước Mỹ lại rõ nét như từ sau sắc lệnh của tổng thống Trump hôm 27/01/2017 và cũng chưa bao giờ khả năng hàn gắn hai thành phần đó lại mong manh như lúc này.

Mỹ vẫn là thiên đường so với Trung Quốc

Trong lúc thế giới rúng động trước việc Hoa Kỳ đóng cửa với công dân 7 nước Hồi Giáo, ngưng “vô hạn định” chính sách đón nhận người tị nạn Syria, các công ty Trung Quốc vẫn xem nước Mỹ của tổng thống Trump là “thiên đường”.

Trang kinh tế của nhật báo Le Monde đơn cử trường hợp của tập đoàn Đài Loan Foxconn. Chủ nhân Foxconn, hãng gia công cho tập đoàn tin học Apple cuối 2016 thông báo ý định đầu tư 7 tỷ đô la vào Mỹ để xây dựng một nhà máy ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Đơn giản là theo nhà tỷ phú Đài Loan này, tính đi tính lại, làm ăn mở Mỹ cho phép Foxconn giảm 35 % tiền thuế so với ở Trung Quốc. Hơn nữa, sản xuất tại chỗ để phục vụ khách hàng Mỹ, hãng này sẽ giảm được 40 % chi phí giao thông thay vì sản xuất ở một nước có nhân công rẻ như Trung Quốc. Về phần ông vua nước ngọt “made in China”, Wahaha, ông chủ tập đoàn này khen ngợi Donald Trump hết lời và đã không ngần ngại cho rằng, tổng thống Trump thực sự quan tâm đến đời sống kinh tế thiết thực hàng ngày của người dân và doanh nghiệp.

Chính trị Pháp : Tập hợp cánh tả, nhiệm vụ bất khả thi

Về thời sự Pháp, nhân vật trong ngày là Benoit Hamon, người đại diện cho cánh tả mở rộng ra tranh cử tổng thống năm nay.

Trong cuộc tuyển cử sơ bộ hôm qua, ông Hamon về đầu với gần 59 % số phiếu, dễ dàng loại cựu thủ tướng Manuel Valls. Libération thân tả hài lòng : Benoit Hamon “chính hiệu là ứng viên cảnh tả”. Le Figaro thiên hữu cũng hài lòng không kém qua hàng tựa : “Benoit Hamon gây thêm khó khăn cho đảng Xã Hội” trên con đường chinh phục điện Elysée.

Le Monde trung lập và báo công giáo La Croix cùng nhấn mạnh : “tập hợp”, “hàn gắn cánh tả” trên chính trường Pháp, “nhiệm vụ bất khả thi” của ứng viên Hamon.

Danh tính các ứng cử viên tổng thống Pháp 2017 đã rõ ràng, Le Figaro công bố kết quả thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu : bà Marine Le Pen, đảng cực hữu có tinh thần bài ngoại và chống Châu Âu đang dẫn đầu cuộc đua (25 %). Ứng viên của đảng Những Người Cộng Hòa -LR cánh hữu, François Fillon và ứng cử viên của phong trào “Tiến Bước- En Marche”, Emmanuel Macron ngang ngửa với ý định bỏ phiếu (21 và 23 %). Về thứ tư là đại diện Mặt Trận Cánh Tả ông Jean-Luc Mélenchon. Ứng cử viên của đảng Xã Hội Benoit Hamon chỉ về hạng 5 bị loại từ vòng đầu.

Bóng ném Pháp “trên đỉnh cao”

Trái hẳn với những lời bình bi quan về thời sự chính trị Pháp và quốc tế, báo chí Paris rất hào hứng với sự kiện đội tuyển bóng ném Pháp giành chức vô địch thế giới ngay trên sân nhà, trong trận chung kết hôm qua ở sân vận động Paris Bercy. Hình ảnh những cầu thủ Pháp rạng rỡ, nâng chiếc cúp vô địch trên tờ Le Figaro, ở bên dưới hàng tựa “Đội tuyển Áo Xanh, vi vút trong số các vì sao”, bởi mỗi lần đoạt danh hiệu vô địch thế giới, trên chiếc áo của các cầu thủ được thêu thêm một ngôi sao. Pháp đã 6 lần vô địch thế giới.

“Handball, những ông vua ngự trị trên làng bóng ném thế giới”, tựa của La Croix và nhắc lại từ 2008 tới nay, đội tuyển “Áo Xanh” đoạt 8 giải vô địch trên tổng số 13 trận tranh tài quốc tế. Còn với báo Libération, trận đấu chiều hôm qua cho phép đội bóng Pháp “rửa hận” sau thất bại hồi năm ngoái đánh mất chiếc mề đai vàng Thế Vận Hội Olympic ở Rio.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.