Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Trump rút Mỹ ra khỏi TPP, Bắc Kinh tự do tung hoành ở châu Á

Đăng ngày:

Donald Trump ứng cử viên từng cam kết, Donald Trump tổng thống đã thực hiện : Ngày 23/01/2017, tổng thống Mỹ vừa nhậm chức đã ký sắc lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi khối tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, từng được mệnh danh là « thỏa thuận thương mại của thế kỷ 21 ». Hầu hết các nhà phân tích đều tự hỏi là phải chăng khi xóa sổ TPP, tân lãnh đạo Nhà Trắng đã tạo điều kiện cho Trung Quốc lãnh đạo thương mại thế giới và áp đặt các chuẩn mực, quy tắc « made in China » tại vùng châu Á-Thái Bình Dương, điều mà chính quyền Mỹ tiền nhiệm muốn ngăn chặn với hiệp định TPP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/01/2017 đã ký lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/01/2017 đã ký lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Đối với chính quyền Obama, TPP không đơn thuần là một thỏa thuận tự do mậu dịch, mà còn là một vũ khí chiến lược để kháng lại đà vươn lên thống trị châu Á của Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu mới đây trước khi nhường chức lại cho người kế nhiệm thuộc êkíp Donald Trump, cựu Đại Diện Thương Mại Mỹ Michael Froman, người đã nỗ lực thúc đẩy hiệp định TPP cho đến lúc được đúc kết và được 12 nước ký kết – không có Trung Quốc trong số đó – đã cố cảnh báo rằng nếu không thúc đẩy những sáng kiến như TPP, điều đó « sẽ tạo ra một khoảng trống mà Trung Quốc rất sẵn lòng lấp đầy, và sẽ để cho các đồng minh quân sự gần gũi nhất cũng như các đối tác của Mỹ không còn lựa chọn nào khác là xếp hàng đi theo Trung Quốc. »

Ngay cả trong đảng Cộng Hòa, nhiều tiếng nói cũng vang lên cảnh cáo ông Donald Trump về tác hại khôn lường đối với nước Mỹ của việc rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định TPP. Trong một thông cáo không khoan nhượng, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, John McCain chẳng hạn đã khẳng định là bỏ rơi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương là « tạo cơ hội cho Trung Quốc áp đặt luật chơi trên bàn cờ kinh tế » và nhất là « bất lợi cho nhân công Mỹ ».

Món quà hậu hĩnh cho Trung Quốc

Đối với nhật báo Mỹ Los Angeles Times - trong số đề ngày 24/01 - khi hạ bút xóa tên Mỹ ra khỏi TPP, Donald Trump đã mặc nhiên dâng lên cho Trung Quốc cơ hội lớn nhất để giành ngôi vị lãnh đạo kinh tế số một của thế giới đang ở trong tay Mỹ.

Đối với các nước bên bờ Thái Bình Dương, nét bút của ông Trump đã xóa tan hy vọng của họ là kháng cự được sức hút của quỹ đạo Trung Quốc.

Theo Los Angeles Times, động thái của tân tổng thống Mỹ quả là đã khiến cho Bắc Kinh hết sức hài lòng, vì không còn phải lo âu trước một sáng kiến của Mỹ bị họ coi là âm mưu phá hoại đà vươn lên của Trung Quốc. Ngoài ra, kể từ nay Bắc Kinh có thể yên tâm thúc đẩy những kế hoạch phù hợp với ý đồ của họ hơn.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư kinh tế Lionel Fontagné, trường Đại Học Paris I, cho rằng hành động chống TPP của ông Donald Trump đồng nghĩa với việc trao quyền tổ chức thương mại thế giới lại cho Trung Quốc :

Lionel Fontagné :Hiệp định này đã được ký kết vào tháng Hai 2016, nhưng chưa được phê chuẩn, không bao gồm cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ.

Khi rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định TPP, Hoa Kỳ đã hoàn toàn để cho Trung Quốc quyền tự do hành động, tự do phát huy một hiệp định khác đang trong vòng thương thuyết : Hiệp Định RCEP, bao gồm 10 nước trong ASEAN, và 6 nước khác mà ASEAN từng có thỏa thuận tụ do mậu dịch : Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand.

Quyết định của tân chính quyền Mỹ rất quan trọng vì lẽ khi ra khỏi TPP, Hoa Kỳ trong một chừng mực nào đó đã giao quyền tổ chức thương mại thế giới lại cho Trung Quốc, quyền ấn định các chuẩn mực cạnh tranh… Trong khi mà TPP lại chính là một phương tiện được thiết kế để chống lại Trung Quốc.

Và đúng như những người bênh vực TPP lo ngại, chữ ký của Donald Trump trên sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP chưa ráo mực, thì nhiều nước đã lục tục bám víu ngay vào Trung Quốc.

Mời Trung Quốc gia nhập để cứu TPP ?

Điển hình cho xu hướng này là Úc và New Zealand, hai thành viên TPP, đã bày tỏ hy vọng là có thể cứu vãn hiệp định TPP bằng cách khuyến khích Trung Quốc và các nước châu Á khác cùng gia nhập khối.

Chilê, một thành viên khác thì đã mời bộ trưởng các quốc gia TPP cùng với đồng cấp tại Trung Quốc và Hàn Quốc đến họp bàn về giải pháp cứu TPP.

Đề nghị mời Trung Quốc gia nhập TPP không mấy được Nhật Bản tán đồng, vì Tokyo từng hy vọng là chuẩn mực cao của hiệp định sẽ tạo nên một chế độ tuân thủ chặt chẽ các luật lệ, và một khi phát huy được hiệu quả sẽ có tác dụng lôi kéo đối với Trung Quốc.

Còn mời Trung Quốc vào TPP vào lúc này là quá sớm, với khả năng Bắc Kinh đặt ra yêu sách làm loãng đi giá trị của hiệp định.

Việc Mỹ rút ra khỏi TPP đã thúc đẩy các nước châu Á quay sang Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực RCEP một sáng kiến của Bắc Kinh. Malaysia và Việt Nam là hai nước TPP được cho là sẵn sàng gia nhập hiệp định này, cho dù RCEP không giá trị bằng TPP.

Khi bác bỏ TPP cũng như là chống lại các hiệp định tự do mậu dịch đa phương nói chung, ông Donald Trump muốn phát huy các hiệp định mậu dịch song phương. Trên vấn đề này, giáo sư Lionel Fontagné rất dè dặt :

Lionel Fontagné : Đối với một nước rất lớn như Hoa Kỳ, các hiệp định song phương sẽ rất tốt ngày nào mà chính quyền Mỹ không phải đàm phán với một quốc gia rất lớn khác.

Do vậy hình thức song phương sẽ rất tốt cho Mỹ khi nước này bắt đầu thương thuyết với các quốc gia như Peru, Chilê, Malaysia chẳng hạn. Với Mêhicô thì có thể khó khăn hơn một chút, nhưng cũng được.

Nhưng nếu Mỹ muốn đàm phán tay đôi với Trung Quốc thì điều đó dĩ nhiên sẽ khó khăn hơn.

Tóm lại, như nhiều nhà phân tích ghi nhận, ông Donald Trump là một người chỉ trích rất gay gắt chính sách thương mại của Bắc Kinh. Nhưng do xu hướng bảo hộ mậu dịch và co cụm quá mức, ông đã mặc nhiên tạo điều kiện cho Trung Quốc vươn lên thành nước lãnh đạo thương mại thế giới.

Bảo hộ mậu dịch ở Mỹ : Trump không phải là người đầu tiên

Điều được giáo sư Fontagné ghi nhận là xu hướng bảo hộ mậu dịch không phải là mới trong lịch sử nước Mỹ. Cái mới là với chính quyền Trump, xu hướng này có nguy cơ trở thành một chiến lược thương mại lâu dài :

Lionel Fontagné : Trong thực tế, có hai vấn đề : Trước hết là trong lịch sử nước Mỹ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đã được lập đi lập lại nhiều lần, tựa như việc lên cơn sốt.

Vào đầu thập niên 1990, nhân cuộc vận động tranh cử vào năm 1992, đã có ứng viên Ross Perot, một người cũng na ná như Trump, cũng là tỷ phú, thuộc đảng Cộng Hòa nhưng ra tranh cử tổng thống trong tư cách ứng viên độc lập. Ông ta cũng chống lại hiệp định NAFTA, chống lại việc di dời cơ sở sản xuất qua Mêhicô, với những câu đại loại như ông ta đã nghe thấy « những tiếng kêu khủng khiếp của công ăn việc làm Mỹ bị Mêhicô hành quyết ». Dĩ nhiên là ông ta đã thua Bill Clinton.

Trước đó, vào thập niên 1970, khi ngành công nghiệp xe hơi Mỹ vấp phải sự thay đổi sở thích của người tiêu thụ Mỹ, bặt đầu thích loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn, thì chính quyền Mỹ đã áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch cực kỳ khắt khe nhằm giới hạn xe hơi nhập từ Nhật Bản.

Tóm lại, nước Mỹ đã nhiều lần lên cơn sốt bảo hộ mậu dịch. Nhưng điểm mới lần này, và đây là điều khá ngạc nhiên : Đó là lần này không phải là một cơn sốt, mà mọi sự như mang dáng dấp của một thay đổi chiến lược khá triệt để, và với chính quyền Donald Trump này, nước Mỹ có vẻ như muốn tháo gỡ hệ thống mậu dịch thế giới mà chính người Mỹ đã phải bỏ ra hàng chục năm trường để hình thành.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.