Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Davos 2017 : Cách mạng công nghệ thế hệ 4.0 và Trung Quốc

Đăng ngày:

Tập Cận Bình và Mã Vân, hai « ngôi sao » tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos lần thứ 47 vừa khép lại tại Thụy Sĩ. Chủ tịch Trung Quốc bất ngờ khoác lên mình chiếc áo của một luật sư bảo vệ quyền tự do giao thương trên thế giới. Chủ nhân Alibaba là hiện thân của cuộc « Cách mạng công nghệ thế hệ 4.0 ».

Jack Ma- Mã Vân, gương mặt tiêu biểu của tư bản TQ thế kỷ 21 tại Diễn đàn Davos 2017.
Jack Ma- Mã Vân, gương mặt tiêu biểu của tư bản TQ thế kỷ 21 tại Diễn đàn Davos 2017. Reuters
Quảng cáo

Mới chỉ 5 năm trước đây, không ai có thể tin rằng, tầng lớp tinh hoa trong số những doanh nhân thành đạt của thế giới tư bản, của các nền dân chủ phương Tây chẳng những đã mở rộng cửa mà lại con chen lấn nhau để có được một chỗ trong buổi nói chuyện của lãnh đạo số 1 đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Diễn đàn Davos.

Chắc chắn là chẳng một ai thất vọng khi thấy ông Tập Cận Bình ra sức bảo vệ mô hình kinh tế toàn cầu hóa mà ở đó giao thương quốc tế phải được « cân bằng trở lại ». Cũng người kế thừa của Mao tại Davos đã gián tiếp đả kích chính sách « bảo hộ » của chính quyền Trump. Trong khi đó cánh chim đầu đàn của « tự do mậu dịch » là Hoa Kỳ đang vướng bận với việc thay đổi chính quyền và tân lãnh đạo Mỹ chủ trương rút lui khỏi các hiệp định tự do mậu dịch từ NAFTA với các đối tác ở Bắc Mỹ đến TPP với 11 bạn hàng trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Một cột trụ khác trong khối các nước công nghiệp giàu có nhất là châu Âu thì hoàn toàn im hơi lặng tiếng : thủ tướng Đức và tổng thống Pháp cùng vắng mặt tại Davos.

« Bài giảng » của tỷ phú Trung Quốc

Về phần ông Mã Vân (Jack Ma), một trong những doanh nhân thành đạt nhất của Trung Quốc ở hải ngoại, và cũng là một trong những người đầu tiên « ra mắt » Donald Trump từ lúc ông này còn « đóng đô » ở New York, nhà tỷ phú này tự cho phép mình dậy cho các doanh nhân ở Davos một bài học khi cho rằng « người ta biết khai mào một cuộc chiến – dù là chiến tranh thương mại, nhưng không ai biết phải kết thúc cuộc chiến đó như thế nào ».

Cũng ông vua họ Mã đang ngự trị trên thế giới công nghệ cao của Trung Quốc trực tiếp chỉ trích Hoa Kỳ lãng phí tiền của cho các chi phí quân sự, làm hao mòn tiềm lực kinh tế : « 13 cuộc chiến nuốt trôi hơn 40 ngàn tỷ đô la … Thử hỏi nước Mỹ sẽ hùng mạnh biết chừng nào nếu đem số tiền ấy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục … Không phải do các nước khác cướp đi công ăn việc làm của người dân Mỹ, mà bản thân nước Mỹ phải biết dùng đồng tiền theo một cách khác, phải có hẳn một chiến lược về chi tiêu ».

Khi được tổng thống tân cử Hoa Kỳ tiếp tại tòa tháp Trump New York, họ Mã đã hứa tạo một triệu việc làm trên thị trường lao động Mỹ bằng cách mở ra thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Mỹ qua cánh cổng của Alibaba.

Dù muốn hay không, hình ảnh một ông Tập Cận Bình trước 3.000 doanh nhân quốc tế ở Davos ngày 17/01/2017 khẳng định là Trung Quốc « tha thiết với tự do mậu dịch, và nói không với chính sách bảo hộ » đã đi vào lịch sử của kinh tế thế giới. Hình ảnh đó rất xa vời với thời kỳ Trung Quốc còn là một nền kinh tế tập trung và kế hoạch hóa.

Bản chất Trung Quốc vẫn là một nước Cộng Sản

Có điều giới chuyên gia phương Tây không vội vã cho rằng, Bắc Kinh lên tiếng bảo vệ tự do mậu dịch vì quyền lợi chung của nhân loại. Kinh tế gia Françoise Nicolas, thuộc trung tâm nghiên cứu về châu Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI nhấn mạnh đến sự khéo léo của ông Tập Cận Bình tránh nêu đích danh Hoa Kỳ, nhưng hô hào ủng hộ tự do mậu dịch là một chuyện, Bắc Kinh có thực sự mở cửa thị trường và tuân thủ luật chơi chung của thế giới hay không lại là chuyện khác.

« Tôi cho rằng qua bài diễn văn tha thiết bảo vệ toàn cầu hóa, bảo vệ tự do mậu dịch, chẳng qua ông Tập Cận Bình muốn chứng minh Trung Quốc đang trở thành một đối tác lớn và có trách nhiệm với thế giới. Tuy không nêu đích danh Hoa Kỳ hay chính quyền Trump, nhưng chủ tịch Trung Quốc muốn nói với cộng đồng quốc tế là Bắc Kinh tha thiết hơn cả Mỹ với chủ nghĩa tự do và mạnh mẽ chống đối mọi hình thức bảo hộ. Lãnh đạo Trung Quốc đã không quên nhấn mạnh rằng bất kỳ một cuộc chiến thương mại nào cũng có hại cho cả các bên.

Tuy vậy, có những cách biệt rất lớn giữa hình ảnh cởi mở mà Trung Quốc muốn gửi tới cộng đồng quốc tế như ta đã thấy ở Davos và thực tế, một khi dấn thân vào thị trường của nước này.

Trung Quốc có thực sự cởi mở như những gì ông Tập Cận Bình đã vẽ ra trước cử tọa dự diễn đàn kinh tế Davos, đấy lại là một chuyện khác. Đừng quên Trung Quốc vẫn là một nước cộng sản, mà ở đó mọi việc đều trong tay Đảng và đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện diện ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, kể cả trong mỗi công ty, xí nghiệp. Đó là chưa kể từ hơn một năm nay, trung ương đã củng cố vai trò của các chi bộ đảng trong mỗi doanh nghiệp.

Thành thử chúng ta chớ quá vội vàng cho rằng Trung Quốc nay đã là một nền kinh tế theo kiểu chủ nghĩa tư bản.
Ngoài ra tới nay, Nhà nước vẫn trực tiếp can thiệp vào thị trường, chủ yếu qua các biện pháp trợ giá.

Sau nữa tôi xin lưu ý : từ cả chục năm nay, giới cầm quyền ở Bắc Kinh luôn phải cân nhắc giữa hai mục tiêu : một là cần duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao để qua đó duy trì ổn định kinh tế, xã hội và chính trị. Hai là các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng ý thức được rằng họ cần phải hiện đại hóa guồng máy sản xuất, hiện đại hóa cỗ xe kinh tế, cần hướng về những lĩnh vực ít gây ô nhiễm cho môi trường chung quanh hơn chẳng hạn … Nhưng thực hiện mục tiêu thứ nhì, thì vô hình chung làm giảm mức độ tăng trưởng … Thành thử chúng ta thấy Bắc Kinh đã thường xuyên tỏ ra do dự. Thực tế, đây là một bài toán nan giải và Trung Quốc cần tự do hóa mậu dịch hơn bất kỳ ai hết trên thế giới ».

Bên cạnh những phát biểu gây chú ý của lãnh đạo Trung Quốc và ông chủ Alibaba, diễn đàn Davos ấn bản 2017 đã tập trung vào cuộc Cách mạng công nghệ thế hệ 4.0 mà ở đó công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, máy in ba chiều …. đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm triệu con người và đe dọa cướp đi công việc làm của 5 triệu người lao động trên thế giới .

Theo ghi nhận của tạp chí chuyên về công nghệ tin học Computerword, trong vỏn vẹn 4 ngày ở Davos (17-20/01/2017), ban tổ chức đã mở ra 24 cuộc thảo luận bàn tròn dành riêng cho chủ đề « những tác động kinh tế và xã hội công nghệ cao đem lại ».

Những tên tuổi trong làng high tech thế giới từ Mã Vân của Trung Quốc đến sáng lập viên Microsoft Bill Gates, từ giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg đến Chuck Robbins lãnh đạo tập đoàn Cisco chuyên cung cấp trang thiết bị trong ngành công nghệ tin học, từ ông vua trong lĩnh vực cloud computing là Marc Benioff đến Meg Whitman, chủ tịch eBay số 1 trong lĩnh vực bán đấu giá trực tuyến đều đã có mặt tại Davos.

Quan trọng hơn cả là cuộc cách mạng công nghệ thế hệ 4.0 còn đang dẫn tới nhiều thay đổi quan trọng khác, đem lại khái niệm mới về chiến tranh, về các tội phạm trên mạng, và đang mở ra những cuộc chiến không tên, chẳng hạn như là cuộc « chiến tranh phao tin đồn thất thiệt ».

Năm 2016, một nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy từ nay đến năm 2020, hơn 5 triệu việc làm bị công nghệ mới đe dọa tại 15 nước công nghiệp phát triển và tại các nền kinh tế đang trỗi dậy, trong đó có Trung Quốc, Brazil và cả Pháp, Đức hay Hoa Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.