Vào nội dung chính
THỤY SĨ - TRUNG QUỐC

Chủ tịch Trung Quốc khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos

Thứ Ba 17/01/2017, ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, trung tâm trượt tuyết nổi tiếng của Thụy Sĩ. Trước 3000 doanh nhân, kỹ nghệ gia, lãnh đạo các đại tập đoàn và chính trị, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi « tái cân bằng toàn cầu hóa kinh tế » trong bối cảnh nạn thất nghiệp làm xu hướng bảo hộ mậu dịch thắng thế tại Mỹ và châu Âu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ, ngày 17/01/2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ, ngày 17/01/2017. REUTERS/Ruben Sprich
Quảng cáo

Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi tường thuật :

" Ban tổ chức không tiết kiệm phương tiện đến mức dời ngày khai mạc Diễn đàn kinh tế thường niên sớm hơn một tuần lễ để lãnh đạo Trung Quốc có thể tham dự mà không bị xáo trộn chương trình đón Tết âm lịch.

Ông Tập Cận Bình sẽ đọc diễn văn khai mạc. Bên cạnh chủ tịch Trung Quốc có nhiều đại gia Trung Quốc như Mã Vân, sáng lập viên đại công ty thương mại trên mạng Alibaba hay Trương Á Cần, chủ tịch Bách Độ (Baidu), công cụ tìm kiếm đối thủ của Google.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng khá vững chắc, 6,7% trong năm 2017 theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế trong giai đoạn biến chuyển và phải đương đầu với nhiều thử thách mà nghiêm trong nhất là nợ của các xí nghiệp, chiếm gần 170% tổng sản lượng quốc gia GDP. Ông Tập Cận Bình đến Davos để cam kết với thế giới về quyết tâm cải cách nền kinh tế thứ hai của địa cầu.

Trung Quốc tham gia Davos với một phái đoàn hùng hậu để khẳng định sức mạnh mậu dịch, qua kiên trì xây dựng mạng lưới « con đường tơ lụa mới ». Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhân cơ hội này để tự quảng cáo vai trò bảo vệ tự do thương mại trong ngôi đền toàn cầu hóa là Davos vào thời điểm Hoa Kỳ, theo đà chiến thắng của Donald Trump, tỏ dấu hiệu co cụm trong khi châu Âu phải đối phó với hệ quả Brexit.

Thường xuyên bị các đối tác thương mại tố cáo chính sách hỗ trợ xuất khẩu bất chính, Bắc Kinh muốn bảo vệ tầm nhìn về một nền kinh tế toàn cầu hóa phân phối đồng đều. Lập luận này không phải là nghịch lý duy nhất tại Davos. "

Trong phần phát biểu, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi thực hiện toàn cầu hóa kinh tế một cách « cân bằng » để kinh tế thế giới « vững bền hơn, chia sẻ đồng đều hơn ». Theo ông Tập Cận Bình, không thể vì nạn thất nghiệp, di dân và khủng hoảng tài chính mà tìm cách cản trở tự do đầu tư, tự do thương mại và trao đổi công nghệ. Lời chỉ trích gián tiếp nhắm vào chủ nhân mới tại Nhà Trắng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.