Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung : kịch bản ít có khả năng xảy ra

Đăng ngày:

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa : Vì cần Mỹ để kiếm lời, Bắc Kinh sẽ đấu dịu với chính quyền Trump. Là người thực dụng, tổng thống tương lai của nước Mỹ chơi trò “dọa” trước, “dụ” sau để mặc cả với Trung Quốc. Viễn cảnh Hoa Kỳ dưới chính quyền Trump khai chiến với “cơ xưởng sản xuất của thế giới” ít có khả năng xảy ra.

Ảnh minh họa: Công nhân làm việc ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Ảnh minh họa: Công nhân làm việc ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. STR / AFP
Quảng cáo

Lý do thứ nhất, đành rằng đã hứa với cử tri đánh thuế 45% hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, nhưng điều đó không cấm cản doanh nhân Trump, trước khi đắc cử đã làm ăn rộng rãi với Trung Quốc. Theo như điều tra của hãng tin Pháp AFP, năm 2016 tập đoàn Trump đăng ký để giữ bản quyền đối với 45 sản phẩm mang dấu ấn nhà tỷ phú địa ốc New York, và hiện có tới 72 mặt hàng có nhãn hiệu Trump đã lưu hành trên xứ của ông Tập Cận Bình.

Lý do thứ hai khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế số 1 và 2 trên thế giới không xảy ra do Mỹ là “con bò sữa” của các nhà đầu tư, của giới sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc. Về điểm này, nhìn từ California, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh : cả về thương mại lẫn tài chính, Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào Mỹ hơn là Hoa Kỳ cần đến “cơ xưởng sản xuất của thế giới”.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Xin nói về bối cảnh trước. Thứ nhất, Trung Quốc hết là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ từ tháng 11/2016. Ngôi vị đó thuộc về Nhật Bản. Thứ hai, Bắc Kinh là chủ nợ của Hoa Kỳ khi mua công khố phiếu Mỹ vì :

Thứ nhất, không có cách đầu tư nào an toàn và có lợi hơn khi các thị trường Eurozone, Nhật Bản, Anh, hay Thụy Sĩ không an toàn bằng hoặc lại quá nhỏ.

Thứ hai là mua công khố phiếu Mỹ làm phân lời và lãi suất Hoa Kỳ giảm khiến dân Mỹ càng dễ mua hàng rẻ của Trung Quốc.

Thứ ba, trong quá khứ có lúc Bắc Kinh tưởng mình nắm trong tay vũ khí tài chánh khi là chủ nợ của Mỹ nhưng đấy là ảo giác. Năm qua, Bắc Kinh bán ra 11% số đầu tư vào công khố phiếu và trái phiếu Hoa Kỳ mà chẳng làm thị trường Mỹ nhúc nhích.

Thứ tư, theo thống kê sau cùng của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ tính đến cuối tháng 10/2016, Bắc Kinh nắm trong tay 1.150 tỷ đô la công khố phiếu, và nếu kể thêm các loại trái phiếu hay chứng khoán tư doanh thì đến tháng 6/2016, họ nắm tổng cộng 1.840 tỷ đô la, con số thật ra không đáng kể so với tổng số công trái Hoa Kỳ là gần 20 ngàn tỷ Mỹ kim.

Thứ năm, từ gần bốn ngàn tỷ Mỹ kim vào đầu năm 2015, dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã mất 20% và tính đến tuần qua thì chỉ còn ba ngàn mốt thôi. Họ đang bị nạn tẩu tán tài sản. Sau cùng, kho đạn của Trung Quốc hết còn dồi dào như trước nhưng tỷ trọng Mỹ kim trong kho đạn ấy vẫn cao nhất sau quyết định kiểm soát tư bản vào tuần qua, và khó chịu nhất đối với Trung Quốc là vẫn phải ràng giá đồng bạc vào tiền Mỹ, mà trị giá đô la lên hay xuống lại chẳng do Bắc Kinh quyết định. Chính Trung Quốc mới bị mất thế chủ động. Với các đấng con trời tại Bắc Kinh thì chuyện đó rất quan trọng.

Chính quyền Trump và ông khổng lồ Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ta hãy nhìn vào trận thế kinh tế giữa hai nước nếu chính quyền Donald Trump thực hiện những điều đã nói khi tranh cử : Đầu tiên, khi đôi bên khai chiến về mậu dịch thì cả hai đều bị thiệt hại, nhưng Trung Quốc bị nặng hơn vì cần kinh tế Mỹ hơn là kinh tế Mỹ cần Trung Quốc. Lý do đơn giản là kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào xuất cảng nhiều hơn, gấp đôi nước Mỹ khi so với tổng sản lượng. Thống kê tuần qua cho thấy xuất cảng của Trung Quốc đã giảm trong hai năm liền và đấy là điều rất đáng ngại, trong khi ấy kinh tế Mỹ không cần hàng rẻ của Trung Quốc bằng kinh tế Bắc Kinh cần sản phẩm cao cấp của Mỹ.

Mỹ không để bị bắt bí

Nguyễn Xuân Nghĩa : Trong trận đánh này, Bắc Kinh có thể chiếm một lợi thế là giữ vị trí gần như độc quyền về đất hiếm, hay kim loại quý cần thiết cho công nghiệp cao cấp, vì sản xuất chừng 89% của sản lượng toàn cầu, nhưng kinh tế Mỹ vẫn có nguồn cung cấp khác ngay trong nước và đã khởi động việc này sau 15 năm lãng quên khi thấy Bắc Kinh dùng đất hiếm để bắt bí Nhật Bản mấy năm trước.

Hoa Kỳ còn dư công xuất về kỹ nghệ chế biến và có thể tìm ra thị trường xuất cảng khác nếu Bắc Kinh đóng cửa thị trường của mình. Thứ nữa, lãnh đạo Bắc Kinh đang có nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị trong nội bộ nên chưa chắc đã muốn gây chiến với Mỹ, trong khi ban tham mưu do ông Trump bổ nhiệm đều đầy kinh nghiệm đàm phán và luật pháp để sẵn sàng lâm chiến.

Cho nên, lần đầu tiên từ gần 40 năm nay, Bắc Kinh gặp một chính quyền liều lĩnh hơn tám đời tổng thống Mỹ ! Chính vì vậy mà tôi nói ngược : Bắc Kinh tìm cách dàn xếp để tránh chiến tranh mậu dịch với Hoa Kỳ. Các kinh tế gia Âu-Mỹ cứ sợ sự hung hãn của Donald Trump thật ra chẳng hiểu gì một doanh gia có máu con buôn còn lạnh lùng hơn đám lãnh đạo lý tài của Bắc Kinh.

Cuộc đọ sức với các đại gia ngành công nghệ xe hơi

Một hồ sơ khác đang gây chú ý trong những ngày cuối cùng trước khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng đó là khả năng can thiệp của chính quyền Mỹ đối với ngành công nghiệp xe hơi. Ford từ bỏ dự án đầu tư 1,6 tỷ đô la vào Mêhicô, dùng một phần khoản tiền nói trên để nâng cấp nhà máy đã có sẵn tại Flat Rock, bang Michigan, với mục đích tạo thêm 700 chỗ làm cho người lao động Mỹ. Quyết định này được đưa ra vài giờ sau khi tổng thống tương lai của Hoa Kỳ dọa một đại gia trong ngành xe hơi khác là GM với vỏn vẹn thông điệp trên Twitter : “Hoặc là sản xuất tại Mỹ, hoặc là đóng thuế”.

Không chỉ thị uy với các hãng xe Mỹ, ông Trump còn dọa luôn cả các tập đoàn xe hơi ngoại quốc : nạn nhân đầu tiên của ông là Toyota, kế tới hãng xe Đức BMW cũng trong tầm ngắm của Donald Trump. Đấy chỉ là những lời hăm dọa suông hay ông Trump có phép lạ đem lại việc làm cho công nhân Mỹ ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Từ khi thắng cử và trước khi nhậm chức, Donald Trump đã vừa dọa vừa dụ cả chục tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ không chỉ trong ngành xe hơi mà trong nhiều địa hạt khác và thực tế thì có đạt kết quả biểu kiến, về hình thức, khi các doanh nghiệp này đều nhượng bộ. Số việc làm thật ra không nhiều nhưng cho thấy một luật chơi khác.

Luật chơi ấy có phần “dọa” vì lấy quan điểm quần chúng và tinh thần ái quốc làm áp lực khiến các tổ hợp lớn sợ bị mang tiếng là ham làm giầu mà không thương người lao động. Mặt bên kia của luật chơi là phần “dụ”, bằng đòn bẩy thuế khóa qua kế hoạch cải tổ thuế khóa rộng lớn để giảm thuế cho doanh nghiệp loại vừa và nhỏ và để khuyến khích các tập đoàn lớn hồi hương khoảng 2.500 tỷ đô la đầu tư ở hải ngoại nhờ sẽ được thuế suất thấp hơn.

Trump, một thách thức đối với bên Lập Pháp và truyền thông ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Kỹ nghệ chế biến của Mỹ có năng suất rất cao nên sản xuất nhiều hơn mà cần ít nhân công hơn vì vậy vấn đề là khoa học và tổ chức sản xuất chứ không phải là vì mậu dịch. Do đó, việc đem lại việc làm cho công nhân Mỹ chỉ có giới hạn chứ không thể giải quyết theo kiểu ép buộc như vậy mà còn phải đi cùng chánh sách giáo dục, đào tạo và huấn nghệ.

Tuy nhiên, Quốc Hội Mỹ cũng do dân bầu ra và năm tới có 435 dân biểu và hơn 30 nghị sĩ cần tái tranh cử và sợ thất cử nếu không làm gì cho giới lao động, người thất nghiệp và dân nghèo. Khi phóng các thông điệp qua Twitter như “người khùng”, thật ra Donald Trump muốn nói thẳng với quần chúng qua đầu truyền thông báo chí và các chính trị gia để dùng đòn bẩy của quần chúng gây sức ép với giới chính trị sẽ phải xin phiếu cử tri !

Cũng phải nói đa số Cộng Hòa không ưa tinh thần bảo hộ mậu dịch như ông Trump làm bộ chủ trương, nhưng bên Dân Chủ thì nhiều người hậu thuẫn chủ trương bảo hộ và đồng ý với việc chính quyền can thiệp vào doanh trường vì mục tiêu xã hội ông Trump vẫn còn đòn bẩy, dù chưa thể tạo ra phép lạ.

Nếu ông Trump đạt một số kết quả khả quan trong năm nay thì qua năm tới ta mới thấy hết đòn phép kinh tế chính trị của nhân vật kỳ lạ này. Nếu không, Donald Trump chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ và qua năm 2020 ta mới thấy một tổng thống khác sẽ phải giải quyết những vấn đề quá lớn của nước Mỹ đã khiến ông Trump đắc cử. Đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu mà thôi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.