Vào nội dung chính
NHẬT - TRUNG - HÀN

Oanh tạc cơ Trung Quốc xâm nhập vùng ADIZ Nhật, Hàn

Hôm qua, 09/01/2017, Nhật Bản và Hàn Quốc phải cho nhiều máy bay chiến đấu cất cánh, sau khi Trung Quốc đưa một đội phi cơ, gồm nhiều oanh tạc cơ chiến lược xâm nhập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của hai nước tại eo biển Triều Tiên.

Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc. Reuters
Quảng cáo

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, khoảng 10 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã đi vào vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc KADIZ trong nhiều giờ (từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều), buộc không quân nước này phải đưa 10 chiến đấu cơ, bao gồm F-15Ks và KF-16s, lên để ngăn chặn. Máy bay Hàn Quốc đã gửi tín hiệu cảnh báo đến phi cơ Trung Quốc. Cùng lúc đó, Không Quân Hàn Quốc cũng báo động phía Trung Quốc, qua đường dây nóng giữa lực lượng không quân hai nước.

Các phi cơ Trung Quốc xâm nhập vào khu vực ADIZ của Hàn Quốc, gần cụm đảo đá Ieo (trên quốc tế là Socotra), cách tỉnh đảo Jeju của Hàn Quốc khoảng 150 km về phía tây nam. Cụm đảo đá Ieo do Hàn Quốc kiểm soát.

Trong khi đó, kênh truyền thông Nhật Bản NKH TV, dẫn lại nguồn tin từ bộ Quốc Phòng nước này, cho biết trong phi đội Trung Quốc nói trên có 6 oanh tạc cơ chiến lược H-6. Đội máy bay Trung Quốc bay xuyên qua eo biển Triều Tiên về hướng biển Nhật Bản, trước khi trở về Biển Hoa Đông. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cũng khẳng định nhiều chiến đấu cơ đã được lệnh cất cánh để canh chừng, cho dù máy bay Trung Quốc không xâm phạm không phận Nhật Bản.

Việc chiến đấu cơ Trung Quốc đi qua eo biển Triều Tiên không phải là hiếm. Hồi tháng Giêng năm ngoái, hai máy bay Trung Quốc đã đi qua khu vực này, và ba chiếc khác hồi tháng 8/2016. Nhưng đây là lần đầu tiên gần đây nhất Trung Quốc cử một số lượng lớn máy bay như vậy.

Theo báo chí Hàn Quốc, vùng nhận dạng phòng không không được coi là thuộc chủ quyền quốc gia của nước nào, nhưng theo thông lệ quốc tế, các máy bay quân sự khi đi qua khu vực này cần « xin phép ».

Báo Chosun Ilbo Hàn Quốc dẫn một nguồn tin chính phủ theo đó, « vụ xâm nhập này dường như là nhằm để gửi các tín hiệu cảnh cáo đến Hàn Quốc, sau khi Seoul chấp thuận kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Hoa Kỳ ».

Diễn biến nói trên xảy ra không lâu sau loạt tập trận rầm rộ với đạn thật của hải quân Trung Quốc tại các vùng biển giáp với Hàn Quốc và Nhật Bản, cuối năm 2016. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.