Vào nội dung chính
LUẬT PHÁP - HỒNG KÔNG

Giới luật gia Hồng Kông phản đối Bắc Kinh can thiệp vào tư pháp

Giới luật gia Hồng Kông hôm qua, thứ Hai 9 tháng Giêng 2017, đồng loạt bày tỏ thái độ lo ngại trước việc chính quyền Trung Quốc can thiệp vào hệ thống tư pháp của đặc khu trong thời gian gần đây, đặc biệt với các áp lực nhằm phê truất hai dân biểu, đắc cử hồi tháng 9/2016.

Luật gia Mã Đạo Lập (bên trái), người đứng đầu ngành tòa án Hồng Kông, phát biểu nhân dịp đầu năm mới ngày 09/01/2017.
Luật gia Mã Đạo Lập (bên trái), người đứng đầu ngành tòa án Hồng Kông, phát biểu nhân dịp đầu năm mới ngày 09/01/2017. REUTERS/Bobby Yip
Quảng cáo

Ngày 07/11/2016, Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc dựa vào điều 104 của Luật Căn Bản, tức Hiến pháp Hồng Kông, yêu cầu tư pháp đặc khu loại trừ các nghị sĩ có quan điểm ly khai với Trung Quốc. Hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), có quan điểm đòi độc lập cho Hồng Kông, bị một tòa án cấp dưới của Hồng Kông phế truất, với lý do không tuân thủ các quy định về tuyên thệ, khi giương khẩu hiệu « Hồng Kông không phải là Trung Quốc » trong buổi lễ nhậm chức ngày 12/10/2016.

Phát buổi trong buổi lễ khai mạc năm mới hành chính, chủ tịch Hiệp hội Luật Gia Hồng Kông, nữ luật gia Winnie Tam khẳng định việc Quốc Hội Trung Quốc can thiệp trực tiếp giải thích luật như trên là « không cần thiết ». Bà cũng khuyến cáo chính giới Hồng Kông không để cho thể chế nhà nước pháp quyền bị xâm phạm.

Về phần mình, người đứng đầu ngành tòa án Hồng Kông, ông Geffroy Ma, tức Mã Đạo Lập (Ma Tao-li), không trực tiếp nhắc đến việc Quốc Hội Trung Quốc diễn giải luật Hồng Kông nói trên, nhưng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là ngành tư pháp và các thẩm phán, khi thực thi các phận sự trên cơ sở Hiến pháp, phải tuân thủ những nguyên tắc hết sức căn bản, trong đó có nguyên tắc « độc lập tư pháp ». Ông Mã Đạo Lập là người đứng đầu Tòa án chung thẩm, tức tòa án cấp cao nhất của Hồng Kông.

Phát biểu trước các luật sư, người phụ trách tư pháp của chính quyền Hồng Kông, ông Rimsky Yuen, tức Viên Quốc Cường (Yuen Kwok-keung), cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không nên can thiệp vào vụ việc các nghị sĩ có những phát biểu chống lại Trung Quốc trong lễ tuyên thệ. Theo người phụ trách tư pháp Hồng Kông, những vấn đề này tốt nhất là nên được xử lý « trong nội bộ hệ thống tư pháp hay hệ thống pháp lý Hồng Kông ».

« Phản đối việc diễn giải điều 104 Luật Căn Bản » cũng là một khẩu hiệu chính trong cuộc tuần hành đòi dân chủ, đòi quyền tự quyết, nhân ngày đầu năm mới, mùng một tháng Giêng 2017, được hàng ngàn người dân Hồng Kông tham gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.