Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Điện ảnh Trung Quốc chưa thể « soán ngôi » Hoa Kỳ

Đăng ngày:

Các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 07/01/2017: Điện ảnh Trung Quốc : Giấc mơ « soán ngôi Hoa Kỳ » chưa thành hiện thực. Trung Quốc sẽ làm thay đổi thị trường cà phê thế giới. Mein Kampf của Hitler : Một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Đức. Israel : Vô địch thế giới về sản xuất « nước ngọt nhân tạo ». Ấn Độ : Các ngôi sao lên tiếng về tệ nạn phụ nữ bị tấn công tình dục.

Một rạp chiếu phim ở Bắc Kinh.
Một rạp chiếu phim ở Bắc Kinh. AFP/Frédéric J. Brown
Quảng cáo

Điện ảnh Trung Quốc : Giấc mơ « soán ngôi Hoa Kỳ » chưa thành hiện thực

Ngày 02/01/2017, cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc cho biết trong khi doanh thu của các rạp chiếu phim của nước này vào năm 2015 tăng 48% thì con số này chỉ tăng có 3,7% vào năm 2016. Với tỉ lệ tăng trưởng thấp như vây, điện ảnh Trung Quốc vẫn chỉ đứng thứ hai thế giới chứ chưa thể vượt lên trên Hoa Kỳ để dẫn đầu thế giới như mong muốn của nhà chức trách.

Năm 2016, không một bộ phim nào của Trung Quốc được giới phê bình điện ảnh cũng như công chúng đánh giá cao. Thêm vào đó, kinh tế trì trệ, các rạp phim cũng không còn nhiều chương trình khuyến mãi giá vé như trước đây. Tất cả những điều này khiến nhiều người không còn « mặn mà » với phim ảnh.

Tỉ lệ tăng trưởng thấp như vậy cũng có thể được giải thích phần nào là do cuộc chiến của nhà chức trách Trung Quốc chống nạn gian lận của các nhà phát hành hoạc các rạp chiếu phim. Trước đây, một số hãng phim hoặc rạp chiếu phim tìm cách tăng danh tiếng bằng việc « thổi phồng » doanh thu từ bộ phim, thậm chí tự mua vé để đánh lừa công chúng là bộ phim thu hút được rất nhiều khán giả.

Tuy nhiên, nếu tính theo số rạp phim, số phòng chiếu phim thì có lẽ Trung Quốc đã vô địch thế giới, đứng trước cả Mỹ. Tính đến cuối năm 2016, Trung Quốc có tổng cộng 41.000 phòng chiếu phim, còn theo thống kê vào tháng 05/ 2016, Hoa Kỳ có 40.725 phòng chiếu. Trong khi số rạp phim ở Hoa Kỳ không tăng nhiều, thì tính trung bình, vào năm 2016, ở Trung Quốc, mỗi ngày có thêm 27 phòng chiếu, so với con số 10 phòng chiếu/ ngày trong suốt năm năm gần đây.

Năm 2016, nhiều tập đoàn của Trung Quốc đã hợp tác với các hãng phim Hollywood để sản xuất phim. Nhờ đó, các bộ phim này sẽ dễ dàng được cấp giấy phép trình chiếu của Trung Quốc. Vì hiện nay, mỗi năm nhà chức trách Trung Quốc chỉ cho phép chiếu 34 bộ phim nước ngoài ở các rạp phim. Các bộ phim được duyệt phải là những bộ phim « phù hợp với phẩm cách, danh dự, lợi ích của người Trung Quốc » và phải « truyền tải được sâu sắc giá trị xã hội chủ nghĩa ».

Trung Quốc sẽ làm thay đổi thị trường cà phê thế giới

Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ trà hàng đầu thế giới, giờ bắt đầu tăng cường đầu tư vào cà phê. Tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đã tăng rất nhanh, trung bình 15-20%/năm. Theo dự báo, trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ tiêu thụ cà phê nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới.

Trong bối cảnh này, Trùng Khánh, đô thị lớn miền Tây Nam Trung Quốc với 30 triệu dân, đang tận dụng cơ hội để có thể trở thành trung tâm thương mại quốc tế về cà phê. Mặc dù cây cà phê không được trồng ở các vùng quanh Trùng Khánh, nhưng chính quyền thành phố vẫn hy vọng sẽ vươn lên là thị trường « vàng đen » lớn thứ ba trên toàn thế giới, sau New York và Luân Đôn.

Vì ngành công nghiệp sản xuất, chế biến cà phê ở Trung Quốc còn yếu kém, nên Trùng Khánh dự tính phải nhập một triệu tấn cà phê từ Việt Nam và Indonésia. Thành phố cũng đã đầu tư 144 triệu euro vào một nhà máy để chế biến hạt cà phê nhập từ Đông Nam Á thành cà phê bột.

Để đạt được mục tiêu sản xuất 10.000 tấn cà phê hòa tan/năm, Trung Quốc dự tính đầu tư vào dây chuyền sản xuất, đưa một nhà máy vào hoạt động trong vòng 18 tháng nữa và sẽ bán buôn cà phê hòa tan sang châu Âu.

Con đường tơ lụa mới mà Bắc Kinh đang có kế hoạch xây dựng có thể sẽ làm đảo lộn thị trường cà phê trên thế giới. Nhờ tuyến đường sắt nối liền Trùng Khánh với thành phố Duisbourg của Đức, chỉ mất có 14 ngày là cà phê chế biến từ Trung Quốc sẽ tới được thị trường châu Âu.

Mein Kapmf của Hitler : Một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Đức

Mein Kampf, tạm dịch là « Cuộc tranh đấu của tôi » là tiêu đề cuốn sách do nhà độc tài Adolf Hitler viết năm 1924-1925 trong thời gian bị cầm tù do đảo chính bất thành. Cuốn sách giới thiệu hệ tư tưởng của Hilter, nền tảng của Đức Quốc Xã. Đó là sát nhập các nước láng giềng để giành thêm không gian sống cho người Đức và truyền bá lòng hận thù người Do Thái. Cuốn sách được tái bản lần cuối cùng vào năm 1945, dưới thời Đức Quốc Xã.

Từ sau khi Đức Quốc Xã thua trận, Chiến Tranh Thế Giới II kết thúc, cuốn sách thuộc quyền quản lý của chính quyền thành phố Bayern. Và trong suốt 70 năm, Bayern luôn phản đối việc cho tái bản cuốn sách này.

Vào tháng 01/2016, lần đầu tiên kể từ sau năm 1945, cuốn sách được tái bản, nhưng với 3.500 mục chú giải của các nhà sử học, nhằm tránh mọi hiểu lầm và tránh cho việc cuốn sách bị dùng vào mục đích tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít. Ban đầu, Viện Lịch Sử Đương Đại Munich chỉ cho xuất bản 4000 cuốn, nhưng sau 1 năm, cuốn sách với chú thích của giới chuyên môn đã được tái bản tới 6 lần. Đây là một thành công ngoài sức tưởng tượng của Viện Lịch Sử Đương Đại Munich. Với 85.000 bản đã bán ra trên thị trường, Mein Kampf đã trở thành một trong số ấn phẩm bán chạy nhất tại Đức.

Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut cho biết :

« Cuốn sách dày 2000 trang, nặng 5 kg, với những dòng chữ viết rất khó đọc, kèm theo 3500 mục chú thích khô khan của các nhà sử học, tất cả với giá chỉ vỏn vẹn có 59 euro. Cuốn sách thu hút sự chú ý của rất nhiều thư viện và các chuyên gia, nhưng lại không thu hút được nhiều độc giả. Tuy nhiên, ấn bản Mein Kampf với chú giải của giới sử học được xuất bản cách đây một năm đã lọt vào danh sách của tạp chí Der Spiegel trong suốt 20 tuần về các cuốn sách bán chạy nhất.

Các tác giả của ấn bản này, các sử gia của Viện Lịch Sử Đương Đại ở thành phố Munich, không bao giờ nghĩ là chỉ trong một năm mà có thể bán được tới 85.000 bản.

Theo giải thích của Viện Lịch Sử Đương Đại Munich, những người mua sách không phải là những người tiếc nuối chế độ Đức Quốc Xã hay những người theo chủ nghĩa phát xít mới. Họ là những người quan tâm tới chính trị và lịch sử, trong đó có rất nhiều người là giáo viên.

Thành phố Bayern giữ quyền quản lý cuốn sách của Hitler trong vòng suốt 70 năm, có thể sẽ đưa vào sử dụng trong trường học một số đoạn trích có chú giải. Các thư viện chưa bao giờ bị cấm lưu trữ cuốn sách Mein Kampf. Cũng không quá khó để có được bản gốc, đặc biệt là trên Internet. »

Từ năm 2015, nước Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu di dân, người tị nạn và đã đối mặt với nhiều nguy cơ khủng bố của Hồi Giáo cực đoan. Trong bối cảnh đó, đảng dân túy cực hữu AfD phát triển mạnh. Kể từ sau Chiến Tranh Thế Giới II, chưa có đảng cực hữu nào ở Đức lại phát triển mạnh như AfD. Và để tránh mọi hiểm họa, nhà chức trách Đức vẫn cương quyết khởi kiện tất cả những ai có ý định tái bản cuốn sách của nhà độc tài Hitler mà không kèm theo chú giải của các sử gia.

Israel, vô địch thế giới về sản xuất nước sạch

Sản xuất nước sạch là một câu hỏi sống còn cho nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán kéo dài và thường xuyên. Làm thế nào để duy trì sản xuất nông nghiệp trong khi nguồn nước ngày càng cạn kiệt ? Đối với Israel, giải pháp là tái sử dụng nước thải và rửa mặn nước biển, biến nước biển thành nước ngọt.

Về xử lý nước thải, không ai có thể phủ nhận vị thế hàng đầu của Israel trên thế giới. Theo một báo cáo mới đây của chính phủ Israel, 87% nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình được xử lý, làm sạch và sử dụng cho nông nghiệp. Con số này vượt xa tỉ lệ 20% ở Tây Ban Nha cho dù Tây Ban Nha là quốc gia đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới về xử lý nước thải.

Từ năm 2005 đến năm 2012, Israel đã bị hạn hán nặng, các nguồn nước ngọt dần cạn kiệt, căng thẳng trong khu vực cũng tăng cao vì nhiều quốc gia cùng sử dụng chung một nguồn nước ngọt. Mực nước trong hồ Tibériade đã xuống thấp tới mức nguy hiểm, mực nước được gọi là «giới hạn đỏ ».

Để đáp ứng nhu cầu nước ngọt của người dân, Israel đã đầu tư phát triển công nghệ rửa mặn nước biển, biến nước biển thành nước ngọt. Trong 10 năm qua, 5 nhà máy lọc nước biển đã được đưa vào khai thác. Hiện nay, hơn 50% lượng nước ngọt của Israel có nguồn gốc từ nước biển. Đây là thành tựu của một chính sách dài hạn và ngày càng được củng cố trong suốt 10 năm qua. Nhưng Israel vẫn chưa muốn dừng tại đó. Mục tiêu đề ra là tăng năng suất của các nhà máy này thêm 50% nữa.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại việc « sản xuất nước ngọt nhân tạo » cũng có thể tác động tới hệ sinh thái biển : hàng tỉ trứng cá và ấu trùng đã bị bơm hút và giết chết trong quá trình rửa mặn nước biển. Còn về xử lý nước thải sinh hoạt để phục vụ nông nghiệp, một số vùng không có hồ chứa, nên nếu không được sử dụng ngay thì số nước đã qua xử lý này lại bị đổ vào các nguồn nước gần đó.

Mặc dù có một vài hạn chế, nhưng phương thức sản xuất nước ngọt của Israel đã thu hút được nhiều quốc gia trên thế giới. Năm ngoái, Israel đã xuất khẩu được công nghệ « sản xuất nước ngọt nhân tạo » với tổng giá trị lên tới 2 tỉ 100 triệu euro. Và con số này sẽ còn tăng thêm nhiều vào những năm tới. Hiện nay, Ai Cập và Ấn Độ đang thương thuyết để mua lại công nghệ lọc nước ngọt của Israel.

Ấn Độ : Các ngôi sao lên tiếng sau khi nhiều phụ nữ bị tấn công tình dục trong đêm giao thừa

Cảnh sát Ấn Độ tuyên bố đã bắt được 4 nghi phạm quấy rối tình dục phụ nữ trong đêm Giao thừa trên đường phố ở Bangalore. Hình ảnh những vụ tấn công tình dục phụ nữ đã làm công chúng nổi giận, họ đòi chính quyền phải có biện pháp trừng phạt thích đáng tội quấy rối tình dục. Nhiều ngôi sao điện ảnh, vận động viên thể thao nổi tiếng tại Ấn Độ cũng đã chỉ trích tình trạng này.

Từ New Dheli, thông tín viên RFI Sébastien Farcis kể lại :

« Nhiều đoạn băng vidéo do người đi đường ghi lại hoặc lấy từ caméra giám sát trên đường đã được phát trên truyền hình. Đoạn băng gây sốc nhất ghi lại cảnh một phụ nữ bị hai người đàn ông tấn công trong đêm giao thừa. Một trong hai người đàn ông hung hăng lao vào ôm cô gái, lôi cô về phía chiếc xe gắn máy rồi quẳng cô xuống đất một cách tàn nhẫn khi cô chống cự. Những hình ảnh này đã làm dấy lên cơn phẫn nộ, cũng giống như sau khi một nữ sinh ở New Dheli bị hãm hiếp tập thể cách đây 4 năm.

Những hình ảnh này cũng bị nhiều nhân vật nổi tiếng chỉ trích. Anh Akshay Kumar, một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất Bollywood, đã giận dữ khẳng định xã hội Ấn Độ đang thụt lùi, con người cư xử như con vật. Còn anh Virat Kohli, đội trưởng đội bóng cricket và là vận động viên được ngưỡng mộ nhất ở Ấn Độ, trên Twitter có 13 triệu người theo dõi, thì cảm thấy xấu hổ vì phải sống trong một xã hội mà đàn ông cho rằng tấn công tình dục phụ nữ là bình thường, chẳng có gì sai, chỉ vì phụ nữ mặc váy ngắn. Đối với anh, người Ấn Độ phải thay đổi suy nghĩ. Đàn ông và phụ nữ đều phải được đối xử bình đẳng.

Các vận động viên cricket và các ngôi sao Bollywood rất nổi tiếng và có ảnh hưởng tới thanh niên nước này, những người hiện đang bị chỉ trích là không biết cách cư xử với phụ nữ. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.