Vào nội dung chính
HẠT NHÂN - ĐÔNG BẮC Á

Bắc Triều Tiên : Thách thức quốc tế đầu tiên của Trump

Ngay sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có bài diễn văn nhân dịp đầu Năm Mới 2017, nhấn mạnh đến việc tăng tốc chương trình tên lửa xuyên lục địa, tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, hôm 02/01, đưa lên trên twitter một thông điệp rất ngắn : « (...) Điều đó sẽ không xảy ra (tức tên lửa Bắc Triều Tiên sẽ không thể bắn tới Mỹ)». Câu nói chung chung của ông Donald Trump được các chuyên gia lý giải theo nhiều hướng khác nhau, nhưng dù lý giải thế nào, dự cảm chung của rất nhiều người là vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ trở thành một thách thức quốc tế hàng đầu của tân chính quyền Hoa Kỳ.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (trái), tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (trái), tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump REUTERS/KCNA và Reuters/Lucas Jackson
Quảng cáo

Theo nhà nghiên cứu Ankit Panda, trong một bài viết được mạng The Diplomat đăng tải hôm 03/01/2017, thông điệp khá mơ hồ trên của twitter ông Trump có thể được hiểu ít nhất theo hai cách hoàn toàn trái ngược. Thứ nhất là, đối với tổng thống tân cử Mỹ, Bắc Triều Tiên không có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân trực tiếp đe dọa nước Mỹ. Đó là một « lằn ranh đỏ » không thể vượt qua. Tuy nhiên, câu viết nói trên cũng có thể được hiểu là tuyên bố đầu năm mới của Kim Jong-un chỉ là « một lời nói xạo », Bình Nhưỡng không bao giờ có được một vũ khí tối tân như vậy.

Ông Strobe Talbott, chủ tịch viện tư vấn Brookings, có trụ sở tại Hoa Kỳ, nguyên thứ trưởng Ngoại Giao dưới thời Bill Clinton, đặt một câu hỏi đầy lo ngại trên twitter : « Phải chăng tổng tư lệnh tương lai của chúng ta, 18 ngày trước khi nhậm chức, hứa hẹn sẽ tiến hành một cuộc chiến phủ đầu nhắm vào Bắc Triều Tiên ? ».

Trong khi đó trả lời AFP, chuyên gia người Pháp Philippe Le Corrre, cũng thuộc viện Brookings, nhận xét : « Nếu tấn công Bắc Triều Tiên, đó sẽ là một sự điên rồ. Tôi không nghĩ đây sẽ là một trong các biện pháp của ông ấy (…) Hoặc Hoa Kỳ thương lượng với Bắc Triều Tiên, điều đó có nghĩa là sẽ có một thỏa hiệp vào một lúc nào đó. Hoặc quốc tế sẽ gia tăng trừng phạt ».

Đã từ lâu tồn tại hai quan điểm trong phương thức ứng xử với chế độ Bắc Triều Tiên : hoặc dùng đe dọa quân sự, trừng phạt kinh tế để trực tiếp làm áp lực buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự, hoặc coi đây là các điều kiện cho phép tái khởi động các cuộc đàm phán ngoại giao « phi hạt nhân hóa », vốn bị đình chỉ từ năm 2009.

Theo nhiều chuyên gia, trong hai nhiệm kỳ của mình, bản thân tổng thống Obama đã cố gắng kết hợp cả hai tiếp cận này : vừa trừng phạt kinh tế, gây áp lực quân sự, và tìm cách nối lại cuộc đàm phán « Sáu bên » về phi hạt nhân hóa, với sự tham gia của hai miền Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Nhưng các nỗ lực của Mỹ bị nhiều nhà quan sát cho là đã « không thành công ».

Cuối tháng 10/2016, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cựu lãnh đạo tình báo Mỹ, ông James Clapper, thừa nhận rằng thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự « chắc chắn là một mục tiêu không thể đạt được », bởi đây là « phương tiện sống còn » của chế độ Bình Nhưỡng. Đây cũng là ý kiến của chuyên gia Pháp Philippe Le Corre, theo đó, Kim Jong-un không có cách nào khác ngoài việc sử dụng « lá bài » hạt nhân, « để bảo vệ chế độ độc đoán và khép kín của ông ta ».

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng với đà tiến hiện nay, khả năng Bắc Triều Tiên có thể dùng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tấn công trực tiếp Hoa Kỳ sẽ trở thành hiện thực trong hai, ba năm tới. Có nghĩa là chuyện rất gần. Đây là nhận định tổng hợp ý kiến của ông Robert Einhorn, là cố vấn của bộ Ngoại Giao Mỹ về lĩnh vực không phổ biến hạt nhân cho đến năm 2013 (1).

Cựu cố vấn hạt nhân Mỹ cũng cùng chung nhận định : « chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên là không thể thương thuyết được », và Bình Nhưỡng đã quyết « đi đến cùng ». Ông Robert Einhorn nói rõ hơn là, tân chính quyền Trump sẽ phải trả lời cho câu hỏi : Liệu có thể tiếp tục chiến lược của chính quyền Obama ? Chiến lược vốn đã mang lại thành công trong trường hợp Iran, với thỏa thuận hạt nhân giữa Iran vào nhóm 5+1 năm 2015.

Tuy nhiên, trường hợp Bắc Triều Tiên rất khác. Trong năm 2016 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân, trong đó có một vụ có sức công phá lớn nhất từ trước đến nay (ngày 09/09), và khoảng 20 vụ thử tên lửa liên lục địa, bất chấp mọi trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc.

Bốn câu hỏi lớn với ông Trump

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Sungtae Jacky Park, cộng tác với trung tâm tư vấn chính sách công Council Foreign Relations, có trụ sở tại New York, có bài phân tích « Bắc Triều Tiên : Bốn vấn đề lớn đối với chính quyền Trump », được mạng The Diplomat, có trụ sở tại Nhật Bản, đăng tải hôm 03/01/2017.

Nhà nghiên cứu Council Foreign Relations khẳng định ông Trump sẽ không thể tiếp tục chính sách của các chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, trước khi tìm ra một hướng đi khác, chính quyền Trump sẽ phải đối diện, cân nhắc và làm sáng tỏ bốn vấn đề lớn, trong đó bao gồm một số gợi ý mà tác giả cho là quan trọng, để giải quyết hồ sơ này.

Điều thứ nhất là : Đâu là vị trí của vấn đề Bắc Triều Tiên trong chính sách quốc tế của chính quyền Trump ? Bắc Triều Tiên luôn được coi là « một đe dọa thực sự », thế nhưng, từ thời Clinton, các chính phủ Mỹ thường để bị các mối đe dọa khác làm sao lãng. Chính quyền Bush bị vụ tấn công 11/09, và can thiệp tại Trung Đông sau đó. Chính quyền Obama, bất chấp chính sách tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương, vẫn bị vướng lại trong các khủng hoảng tại Trung Đông, trong quan hệ với Nga. Việc giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên đòi hỏi đầu tư rất lớn, liệu chính phủ ông Trump có sẵn sàng ?

Vấn đề lớn thứ hai được nhà nghiên cứu nêu lên là : Nếu chấp nhận Bắc Triều Tiên là hồ sơ hàng đầu, liệu chính quyền Trump có chấp nhận quan hệ với Trung Quốc trở nên tồi tệ, để gia tăng áp lực về kinh tế đối với Bắc Triều Tiên ? Cho đến nay, Trung Quốc chỉ hưởng ứng một cách rất có chừng mực các biện pháp trừng phạt theo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, bởi Bắc Kinh phản đối mọi biện pháp có thể dẫn chế độ Bắc Triều Tiên đến chỗ sụp đổ. Như vậy, một giải pháp cần tính đến về mặt này là gia tăng trừng phạt nhắm vào các cá nhân, cơ sở và có thể là cả một số khu vực kinh tế có quan hệ làm ăn với Bắc Triều Tiên. Điều này chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Trung Quốc.

Vấn đề lớn thứ ba liên quan đến khả năng « can thiệp quân sự để phá hủy hoàn toàn hoặc làm suy yếu đáng kể sức mạnh tấn công hạt nhân của Bắc Triều Tiên », cũng được tác giả nêu ra. Tác giả đặt câu hỏi : Nếu mọi biện pháp đều thất bại, Bắc Triều Tiên có khả năng sở hữu thực sự tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, thì liệu chính quyền Trump có phải đặt vấn đề tấn công quân sự Bắc Triều Tiên hay không ?

Trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, vấn đề thứ tư mà nhà nghiên cứu Sungtae Jacky Park cho rằng chính quyền Trump cần phải xem xét. Đó là khả năng đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Theo tác giả, con đường mà chính quyền Mỹ nên tính đến là cử một đặc phái viên cao cấp, một người mà ông Kim Jong-un sẵn sàng tiếp, để thảo luận riêng với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Việc Hoa Kỳ chấp nhận đối thoại với Kim Jong-un chắc chắn sẽ là một dịp để Bình Nhưỡng sử dụng để tuyên truyền đánh bóng hình ảnh của chế độ, thế nhưng theo tác giả, đây dường như là « con đường duy nhất có thể thúc đẩy một tiến bộ ngoại giao với Bình Nhưỡng ».

Kết thúc bài viết, nhà nghiên cứu cảnh báo tân chính quyền Mỹ cần phải cân nhắc đầy đủ các mặt được và mất, để không làm cho Bắc Triều Tiên có nguy cơ « trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn đối với Hoa Kỳ và các đồng minh trong tương lai ».

Ngoại giao twitter và hình ảnh võ sĩ hung hăng

Khép lại chuyên mục về vấn đề « chính quyền Trump và hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên », xin giới thiệu một góc nhìn khác qua một bài phân tích trên The Washington Post, ngày 03/01/2017.

Tờ báo dẫn lại các nhận định của nhà nghiên cứu Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện tư vấn chính trị quốc tế Lowy, có trụ sở tại Sydney, Úc. Ông Graham cũng dự đoán Bắc Triều Tiên sẽ là « cuộc khủng hoảng đặc biệt đầu tiên » của chính quyền Trump, ít nhất là tại châu Á.

Nhà nghiên cứu Úc đồng thời dự báo, giải pháp của ông Trump về vấn đề Bắc Triều Tiên đã nằm chính trong  một thông điệp twitter khác cũng hôm 02/01. Ông Trump rất có thể sẽ buộc Trung Quốc phải nỗ lực hơn trong các trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng. Trong thông điệp nói trên, ông Trump chê trách : « Trung Quốc đã thu về hàng khối lợi nhuận tiền bạc và tài sản qua buôn bán với Mỹ…. Thế mà Bắc Kinh không làm gì để giúp Mỹ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên. Hay thật !  ».

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Úc lo ngại, phong cách « ngạo mạn » của ông Trump hiện nay rất có thể bị chính quyền Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền với cộng đồng quốc tế rằng « chính họ mới là nhân tố đáng tin cậy của hoà bình khu vực » trước một võ sĩ Hoa Kỳ « hung hăng, lỗ mãng ».

Bài viết không quên nhắc lại rằng, chính Donald Trump từng có lúc nêu ra giải pháp « mời Kim Jong-un ăn bánh hamburger và thuyết phục ông ta từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân ». 

----

* Về nội tình Bắc Triều Tiên, giới chuyên gia Pháp gần đây chú ý đến cuốn "Corée du Nord. Un Etat-guérilla en mutation" (Bắc Triều Tiên. Một Nhà nước du kích trên đường biến chuyển), của Philippe Pons, NXB Gallimard 2016. 

1) Sau phát biểu của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ, hôm qua 03/01/2017, tuyên bố : hệ thống lá chắn của Hoa Kỳ hiện nay hoàn toàn đủ để bảo vệ các đồng minh và nước Mỹ trước các đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Người phát ngôn Lầu Năm Góc từ chối trả lời câu hỏi liệu Hoa Kỳ có chuẩn bị « các kịch bản can thiệp quân sự để ngăn chặn việc Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân », nhưng nhấn mạnh Mỹ « liên tục điều chỉnh sách lược tùy theo mức độ đe dọa từ Bắc Triều Tiên ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.