Vào nội dung chính
CHÂU Á - TRUNG QUỐC - THỂ THAO

Làm bóng đá kiểu Trung Quốc, quyết tâm chính trị đặt trên kinh tế

Nếu như thị trường bóng đá Trung Quốc ngày càng trở thành điểm thu hút các cầu thủ danh tiếng đó là nhờ các khoản tiền lương cực lớn hơn hẳn mọi trung tâm bóng đá khác của thế giới. Việc đổ cả núi tiền vào bóng đá để phục vụ mục đích chính trị nhiều hơn là làm ăn kinh tế. Nhưng vấn đề đáng quan tâm nữa là họ lấy tiền từ đâu để ném vào cuộc chơi bóng đá.

Tiền vệ quốc tế người Brazil, Oscar (phải) tới sân bay Thượng Hải ngày 02/01/2017, bắt đầu cuộc phiêu lưu với bóng đá Trung Quốc.
Tiền vệ quốc tế người Brazil, Oscar (phải) tới sân bay Thượng Hải ngày 02/01/2017, bắt đầu cuộc phiêu lưu với bóng đá Trung Quốc. REUTERS/Aly Song
Quảng cáo

Trước khi khép lại năm 2016, Trung Quốc một lần nữa khiến cả làng bóng đá thế giới sử sốt các thương vụ đình đám của câu lạc bộ Thượng Hải Thân Hoa ( Shanghai Shenhua) bỏ ra 38 triệu euro chỉ để trả lương năm cho tiền đạo người Achentina Carlos Tevez.

Đó chỉ mà một trong những một minh họa mới nhất cho sự bùng nổ thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá ở Trung Quốc mà theo các nhà phân tích thì đó là điều phi lý về mặt kinh tế. Một sự phi lý bắt nguồn từ quyết tâm chính trị của chế độ Bắc Kinh.

Cũng cần nói thêm là hai tên tuổi lớn nhất làng bóng đá thế giới hiện nay là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo cũng mới chỉ có được mức lương 20 triệu euro mỗi năm.  Trước Tevez là thương vụ hôm 23/12 kéo danh thủ người Brazil Oscar từ câu lạc bộ lớn của Anh Chelsea về Thượng Hải với cái giá 71 triệu euro, một kỷ lục ở châu Á cho đến lúc này.

Như vậy là trong năm 2016, thị trường bóng đá Trung Quốc đã vượt thị trường bóng đá Anh với mức chi tiêu là 1,1 tỷ euro. Theo ghi nhận của trang mạng Transmarkt chuyên thông tin về thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngay khi ở mùa chuyển nhượng đông đầu năm 2016, các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc đã vượt các đội bóng Anh. Họ bỏ ra tới 331 triệu euro để kéo 163 cầu thủ từ khắp nơi trên thế giới về chơi trên các sân cỏ Trung Quốc.

Ông Mark Dreyer, thuộc hãng truyền thông China Sport Inside, nhận thấy, năm ngoái, “ cả thế giới đã bị bất ngờ” nhưng giờ đây thì “hiệu ứng bất ngờ không còn nữa » thế giới đã quen với những vụ mua bán như vậy của người Trung Quốc.

Còn ông Marcus Luer, tổng giám đốc cơ quan tiếp thị thể thao Total Sport Asia nhận định : « Các ông chủ tỷ phú muốn đi trước hết nước cờ này đến nước cờ khác và còn tiếp tục lôi cuốn những tên tuổi lớn khác ».

Các câu lạc bộ Trung Quốc không còn chơi hàng thải

Nếu như trước đây các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc chủ yếu chỉ lôi kéo được các cầu thủ Brazil chưa nổi danh hay các tên tuổi đã ở vào cuối chiều của sự nghiệp như kiểu danh thủ Pháp Nicolas Anelka, thì giờ đây họ bắt đầu nhằm tới các ngôi sao sáng nhất trên sân cỏ thế giới.

Chỉ trong vòng hơn một năm trở lại đây, sân cỏ Trung Quốc đã xuất hiện các ngôi sao lớn thực sự như : Oscar, Gervinho, Hulk, Lavezzi, Jackson Martinez, Fredy Guarin, Ramirez, Alex Teixeira, Carlos Tevez. Đó là những cái tên vẫn luôn là sự thèm muốn của các câu lạc bộ lớn ở châu Âu.

Nhằm tới cả CR7

Sau Oscar và Tevez, người Trung Quốc đang nghĩ đến việc lôi kéo Mario Balotelli, Wayne Rooney, Angel Di Maria… và thâm chí cả Cristiano Ronaldo. Tuy nhiên, Jorge Mendes, người đại diện của Ronaldo, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Sky Sport Italia mới đây đã khẳng định là Quả bóng vàng 2016 đã từ chối đề nghị mức lương 100 triệu euro một năm để về chơi cho một câu lạc bộ Trung Quốc. Ông này bình luận « tiền không làm nên tất cả mọi thứ được ».

Bên cạnh cách thương vụ mua sắm khổng lồ, các nhà đầu tư Trung Quốc còn không ngại ngần mở hầu bao đề giành quyền phát sóng truyền hình các giải vô địch quốc gia của nước ngoài và tìm cách sở hữu các câu lạc bộ ở những làng bóng lớn. Bằng cách góp chút vốn, các ông chủ Trung Quốc đã có các cổ phần ở những câu lạc bộ Pháp như Lyon, Auxerre hay Sochaux, ở Tây Ban Nha thì có Espanyol Barcelona, Inter Milan của Ý, West Bromwich Albion, Aston Villa của Anh...

Có điều rõ ràng là các khoản đầu tư khổng lồ đó với người Trung Quốc không mang nặng ý nghĩa kinh tế. Các khoản thu từ các trận bóng đá trong giải ngoại hạng Trung Quốc Super League ( CSL) không hề cao. Bản quyền truyền hình cũng rất thấp mà cũng không mang lại lợi nhuận nào đáng kể.

Chuyên gia Mark Dreyer khẳng định bóng đá Trung Quốc không thể nào lấy thu bù chi được khi mà họ đã bỏ rất nhiều tiền để mua sắm các cầu thủ đỉnh cao của thế giới. Chiến lược làm ăn kiểu đó chỉ nhằm đáp ứng quyết tâm chính trị của chế độ và của cá nhân chủ tịch Trung Quốc Tấp Cận Bình,với mục đích chuẩn bị « sân bãi » để một ngày nào đó Trung Quốc được đăng cai Cúp bóng đá thế giới và còn cả tham vọng đưa đội tuyển quốc gia lên ngôi vô địch thế giới.

Đầu tư nhiều, nhưng vẫn không cải thiện trình độ đội tuyển

Mặc dù vậy chân trời hy vọng của bóng đá Trung Quốc cũng như củacác nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn còn quá xa. Bởi lẽ, Trung Quốc mới chỉ có một lần được dự Cúp bóng đá thế giới, đó là vào năm 2002. Hiện tại đội tuyển quốc gia vẫn lẹt đẹt đứng ở thứ 82 trong bảng xếp hạng của FIFA. Tức là đất nước đông dân nhất thế giới với hơn 1,3 tỷ người này vẫn còn xếp sau quần đảo Cap Vert, chỉ có khoảng 300 nghìn dân.

Thế nhưng, những người làm bóng đá Trung Quốc vẫn cứ hy vọng. Để vực dậy đội tuyển quốc gia đã trên đà bị loại khỏi Cúp thế giới 2018, họ đã không tiếc tiền mới ông thầy người Ý Marcelo Lippi về làm huấn luyện viên. Kết quả là đội tuyển Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng cuối bảng đấu loại và hầu như không còn hy vọng gì.

Bởi thế mà trên mạng xã hội ở Trung Quốc, có bình luận đã ví von việc mời chiến lược gia nổi tiếng người ý về dạy dỗ các tuyển thủ quốc gia Trung Quốc không khác gì với việc một gia đình giàu có mời một giáo sư đại học Havard về kèm cặp cho đưa con bị thiểu năng trí tuệ.

Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận là các cầu thủ đỉnh cao của nước ngoài đã mang lại sức năng động cho giải Ngoại hạng Trung Quốc, khiến các trận đấu trở nên hấp dẫn hơn, thế nhưng họ cũng tạo ra gánh nặng kinh tế đối với các câu lạc bộ đồng thời làm giảm cơ hội được rèn luyện của ác cầu thủ nội.

Tiền đầu tư cho bóng đá lấy ở đâu ?

Sau những thương vụ mua sắm cầu thủ vụ đình đám như vậy, câu hỏi được nhiều người quan tâm là các câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc lấy tiền ở đâu để làm mưa làm gió trên thị trường bóng đá thế giới ?

Chiến phát triển bóng đá của chính phủ là nhà nước và nhân dân cùng làm. Chính phủ hỗ trợ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Để tránh bị FIFA quy kết có sự can thiệp của chính trị vào bóng đá, chính phủ huy động các tập đoàn lớn nhảy vào đầu tư. Đứng sau vụ chuyển nhượng Oscar là Cảng Quốc Tế Thượng Hải.

Cảng quốc tế Thượng Hải nằm trong sô 50 tập đoàn lớn nhất nước, và có 61% vốn của Nhà nước. Cảng Quốc Tế Thượng Hải chỉ là một trong nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào bóng đá Trung Quốc. Ngoài ra còn có sự tham gia của các tổ chức tài chính và ngân hàng khác trên khắp đất nước.

Người ta có thể thấy các nhân vật giàu nhất nhì Trung Quốc như Mã Vân, ông chủ của tập đoàn bán hàng trên mạng Albaba và Vương Kiện Lâm, không hiểu có phải những người mê bóng đá không nhưng cũng đã đổ cả núi tiền cho môn bóng tròn mà không cần tính chuyện lỗ lã. Người giàu làm bóng đá không ít trên thế giới. Nhưng bỏ tiền mang ngôi sao lớn về cho nền bóng đá nước nhà thì chỉ có các tỷ phú Trung Quốc.

Theo tạp chí danh tiếng Forbes, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỉ lệ tỷ phú đô la cao nhất thế giới. Một khi những tỷ phú này ủng hộ tham vọng của chính quyền thì việc Trung Quốc trở thành miền đất hứa mới với các siêu sao bóng đá là điều không còn gì là lạ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.