Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện điều tra về một vụ cảnh sát đàn áp người Rohingya

Chính quyền Miến Điện vào hôm nay, 02/01/2016, thông báo mở điều tra sau khi một đoạn video cho thấy cảnh sát đánh đập người Rohingya. Theo các nhà quan sát, đây là lần đầu tiên mà chính quyền công nhận tình trạng truy bức và đàn áp sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo ở miền tây bắc Miến Điện.

Một người tị nạn Rohingya tại trại tạm cư ở Ukhyia (Bangladesh) ngày 25/11/2016.
Một người tị nạn Rohingya tại trại tạm cư ở Ukhyia (Bangladesh) ngày 25/11/2016. MUNIR UZ ZAMAN / AFP
Quảng cáo

Trong những tuần lễ qua có đến 50.000 người Hồi Giáo Rohingya chạy lánh nạn sang Bangladesh trước chiến dịch trả đũa của quân đội sau đợt đồn biên phòng bị tấn công. Đến Bangladesh, những người chạy loạn này đã kể lại nhiều hành vi tội ác như tra tấn, giết người của quân đội Miến Điện.

Cho đến nay, chính phủ Miến Điện vẫn bác bỏ những lời tố cáo này và cho là tình hình nằm trong tầm kiểm soát và yêu cầu quốc tế ngưng việc « nuôi dưỡng ngọn lửa thù hận ».

Nhưng lần đầu tiên từ tháng 10/2016 đến nay, chính quyền đã thay đổi giọng điệu, và trong một thông cáo, cam kết đưa ra biện pháp trừng trị những « cảnh sát dường như là đã đánh dân làng trong chiến dịch tháo gỡ mìn ngày 05/11 ở làng Kotankauk ».

Hình ảnh trên video cho thấy cảnh sát đánh một thanh niên bị bắt ngồi cùng với hàng chục người khác trong làng, tay để trên đầu. Sau đó 3 sĩ quan dùng gậy đánh một người khác nằm dưới đất và đá vào mặt người này.

Từ tháng 10, hàng chục video tố cáo những hành vi tương tự được đưa lên mạng, nhưng theo AFP, vì khu vực bị cấm đối với nhà báo, nhất là báo giới nước ngoài và các hiệp hội, cho nên rất khó kiểm chứng.

Tuần qua, 11 giải Nobel Hòa Bình đã gởi thư ngỏ yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp để chấm dứt thảm kịch mà trong mắt họ không khác gì « một cuộc thanh lọc chủng tộc, một tội ác chống nhân loại. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.