Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ROHINGYA

Miến Điện: Nhiều giải Nobel Hòa Bình đòi LHQ giúp dân Rohingya

Hơn 10 nhân vật đoạt giải Nobel Hòa Bình vào ngày 29/12/2016, đã lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp cho số phận người Hồi Giáo Rohingya tại Miến Điện. Họ đồng thời chỉ trích thái độ thụ động của bà Aung San Suu Kyi, cũng từng được giải Nobel Hòa Bình.

Trại tị nạn của người Rohingya Miến Điện ở Teknaf, Bangladesh, ngày 27/11/2016.
Trại tị nạn của người Rohingya Miến Điện ở Teknaf, Bangladesh, ngày 27/11/2016. K M Asad/LightRocket via Getty Images
Quảng cáo

Theo AFP, trong một bức thư ngỏ gởi đến Hội Đồng Bảo An, các nhân vật từng đoạt giải Nobel Hòa Bình đã bày tỏ thái độ lo ngại trước « thảm kịch đối với người Rohingya, không khác gì một cuộc thanh lọc chủng tộc và tội ác chống nhân loại, đang diễn ra tại Miến Điện ».

Từ tháng 10, sau vụ tấn công đồn biên phòng Miến Điện ở vùng biên giới với Bangladesh, quân đội nước này đã mở chiến dịch đàn áp người Hồi Giáo ở miền tây bắc Miến Điện : 27.000 người, đa số thuộc sắc tộc Rohingya đã chạy lánh nạn ở Bangladesh và kể lại những « tội ác » của quân đội Miến Điện, từ những vụ hảm hiếp, tra tấn cho đến sát nhân.

Bức thư nhấn mạnh là « người Rohingya nằm trong những cộng đồng thiểu số bị truy bức nhất thế giới », và tỏ ý rất thất vọng trước thái độ của bà Aung San Suu Kyi. Theo những người ký tên vào thư ngỏ, với tư cách là lãnh đạo Miến Điện, bà Suu Kyi phải có trong trách đối với số phận người Rohingya trên đất nước mình.

Bức thư ngỏ thúc giục Liên Hiệp Quốc can thiệp, gây sức ép để chính quyền Miến Điện bãi bỏ các hạn chế trợ giúp nhân đạo cho người Rohingya và đồng thời mở điều tra quốc tế về số phận cộng đồng thiểu số Hồi Giáo này.

Bức thư được 23 nhân vật tên tuổi ký tên, trong đó có 11 người đoạt giải Nobel Hòa Bình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.