Vào nội dung chính
NHẬT - NGÂN SÁCH

Dân số - gánh nặng cho ngân sách Nhật Bản

Tăng trưởng thấp kèm theo chi tiêu xã hội tăng mạnh đã đè nặng lên ngân sách của Nhật. Nhật báo Le Figaro cho biết Nhật là quốc gia có số nợ tính theo đầu người cao nhất thế giới: 85.700 đô la/người, cao gấp đôi số nợ tính theo đầu người ở Pháp (35.800 đô la).

Ông Haruhiko Kuroda, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương của Nhật.
Ông Haruhiko Kuroda, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương của Nhật. REUTERS/Yuya Shino
Quảng cáo

Bộ Tài Chính Nhật dự tính kế hoạch chi tiêu cho năm tài khóa 2017-2018 - bắt đầu từ tháng 04 năm tới - là 97,4 tỉ yên (794 tỉ euro) - một mức cao kỷ lục. Dự án ngân sách này được đệ trình lên Hội Đồng Bộ Trưởng vào ngày hôm nay. Theo đánh giá của Le Figaro, đây là khoản tiền rất lớn trong bối cảnh nợ công tăng và dân số hiện nay của Nhật giảm, số người ở độ tuổi lao động cũng giảm mạnh. Trong khi tăng trưởng “ì ạch” thì chi phí chăm sóc sức khỏe lại tăng mạnh. Le Figaro dự báo Nhật sẽ không đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách sơ bộ vào năm 2020.

Nhưng dường như Tokyo không lo ngại về mức nợ công cao kỷ lục thế giới: Từ các chính khách cho tới giới báo chí, không ai nói tới chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Dường như ai cũng trông chờ vào kế hoạch hồi phục kinh tế của nhà nước.

Hy vọng duy nhất để phục hồi tài chính công là năng suất tăng theo như lời hứa của thủ tướng Shinzo Abe. Thế nhưng, sau 4 năm ông Abe lãnh đạo đất nước, năng suất của Nhật vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Trong một nghiên cứu mới đây, nhà kinh tế Richard Kats đánh giá: “Cứ theo đà này, cho tới năm 2060, tổng sản phẩm quốc nội của Nhật sẽ giảm 28%”.

Nhưng nếu “túng tiền” thì đã có Ngân Hàng Trung Ương và thống đốc Haruhiko Kuroda lo. Liệu có doanh nghiệp nào, cá nhân nào lại không muốn có một vị thống đốc ngân hàng “dễ dãi” tới như vậy?

Được thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm, từ 4 năm nay, thống đốc ngân hàng trung ương Haruhiko Kuroda đã ủng hộ chính sách cải cách kinh tế “táo bạo” Abenomics của ông Abe : Mua hầu như toàn bộ trái phiếu mà bộ Tài Chính phát hành với lãi suất gần như bằng 0.

Hiện nay, Ngân Hàng Trung Ương Nhật đang nắm giữ tới 40% số trái phiếu đang lưu hành so với con số 10% tại Pháp. Các quan chức cấp cao của Ngân Hàng Trung Ương Nhật đang phản đối chính sách này. Một người cho biết: “Chính sách này có thể chấp nhận được vào thời điểm năm 2012. Nhưng hiện giờ, nó không còn phù hợp nữa. Vấn đề là sẽ phải cố gắng trong vòng 30 năm để thoát ra được khỏi chính sách lãi suất 0% này. (…) Từ nay đến năm 2020, chúng tôi phải thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nhưng còn sau đó, phải liệu chừng việc kinh tế Nhật lại trượt dốc.”

Nước Đức sau vụ khủng bố ở Berlin

Vụ tấn công khủng bố tại Berlin vẫn chiếm nhiều trang bài của các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay.

Nhật báo Libération giật tít lớn “Cuộc vây bắt ở châu Âu”, cho biết lệnh truy nã Anis Amri, nghi can số 1 trong vụ khủng bố ở Berlin hôm nay đã được phát trên toàn châu Âu. Nhà chức trách Đức treo giải 100.000 euro cho ai cung cấp thông tin cho phép bắt giữ được nghi phạm Anis Amri 24 tuổi, người Tunisia.

“Merkel bị chỉ trích sau vụ khủng bố ở Berlin” là tít lớn trên trang nhất báo Le Monde. Trong khi hung thủ đâm xe vào chợ Noel ở Berlin vẫn đang bị truy lùng ráo riết, thì thủ tướng Angela Merkel bị chỉ trích nặng nề về chính sách tiếp nhận di dân. Nhật báo Le Monde hôm nay cho biết đảng cánh hữu AFD và các đảng cực hữu khác của Đức hôm qua đã kêu gọi biểu tình trước phủ thủ tướng để phản đối chính sách di dân của bà Merkel.

Nhật báo Le Figaro đi tìm lời đáp cho câu hỏi: “Tại sao mối đe dọa từ Hồi Giáo cực đoan ngày càng tăng ở Đức”. Đối với Merkel, Đức là nước lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, tham gia vào liên minh chống Daech. Vì thế, sự bất ổn của Đức cũng là một mục tiêu của khủng bố Hồi Giáo. Ngoài ra, Daech đã lợi dụng con đường di dân tới Đức để xâm nhập vào châu Âu. Nước Đức cũng là một nước mà các tín đồ Hồi Giáo Salafi không chỉ đông mà còn tăng nhanh, tạo điều kiện cho xu hướng cực đoan phát triển.

Còn nhật báo công giáo La Croix thì cho biết sau vụ khủng bố, nước Đức đang tranh cãi về các biện pháp an ninh. Không phải ai cũng ủng hộ việc thắt chặt an ninh. Nước Đức đang bị giằng xé giữa an ninh và quyền tự do cá nhân.

Trong khi đó “Cuộc sống đã quay trở lại ở các chợ Noel ở Berlin” như tiêu đề một bài viết trên Le Figaro. Tờ báo cho biết sau vụ tấn công khủng bố hôm thứ Hai 19/12, hôm nay các khu chợ Noel đã được mở cửa trở lại, nhưng vắng khách hơn trước đây. Nhiều người dân nói họ chỉ buồn chứ không sợ hãi. Còn thị trưởng Berlin thì kêu gọi người dân không nên “tự giam mình trong nhà” và khuyến khích họ quay trở lại nhịp sống bình thường. Đối với người Đức, chợ Noel có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Người ta đi chợ Noel không phải chỉ để mua quà Noel, mà đó còn là nơi vui chơi, hẹn hò, gặp gỡ của nhiều người.

Pháp tăng cường tuần tra các điểm đông người

Sau vụ khủng bố nhắm vào một khu chợ Noel tại Berlin, chính phủ Pháp đã yêu cầu tăng cường cảnh giác, nâng báo động từ mức cao lên mức đặc biệt cao, nhất là tại các chợ Noel và những nơi tập trung đông người, để bảo vệ dân chúng. Bộ trưởng Nội Vụ Bruno Le Roux tuyên bố: « Tôi muốn người dân đi ra khỏi nhà và vui chơi, nhưng tôi muốn họ thận trọng”.

Vài giờ trước khi xảy ra vụ khủng bố ở Berlin, Bộ trưởng Nội Vụ Pháp cho Le Monde biết ông đã tăng cường triển khai các lực lượng cơ động. Số binh lính được huy động tăng từ 7000 lên 8500 người. Tuần tra được tăng cường tại tất cả các địa điểm tập trung đông người, nhưng đặc biệt là các nhà thờ Thiên Chúa Giáo trong hai ngày 24 và 25/12.

Ở thành phố Strasbourg, nơi có một trong những khu chợ Noel lớn nhất nước Pháp, các biện pháp bảo vệ an ninh cũng đã được tăng cường, chẳng hạn bố trí thêm nhiều xe tải trọng lớn chắn ngang hoặc các khối bê tông lớn để làm vật cản. Chợ Noel ở Strasbourg vẫn được duy trì đến 18h ngày 24/12 theo đúng dự kiến ban đầu. Bộ trưởng Nội Vụ đã tới kiểm tra an ninh tại khu chợ và tỏ ra hài lòng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo là phải điều chỉnh các biện pháp an ninh từng ngày cho phù hợp.

Tại Nice, 5 tháng sau vụ khủng bố trên đại lộ La promenade des Anglais, khu làng Noel cũng được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt. Theo lời giải thích của người đứng đầu vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur trên kênh truyền hình RTL, mô hình an ninh được áp dụng ở khu làng Noel ở Nice giống như ở khu vực “fanzone” cho người hâm mộ bóng đá mà Pháp đã thử nghiệm ở giải Euro mùa hè 2016, với các cánh cổng điện tử có người canh gác, với biện pháp kiểm tra người và đồ vật.

Facebook bị cáo buộc lừa Liên Hiệp Châu Âu trong vụ mua lại WhatsApp

Sau Google và Apple, giờ tới lượt Facebook bị Ủy Ban Châu Âu « sờ gáy ». Le Monde cho biết bà Margrethe Vestager, ủy viên châu Âu phụ trách mảng cạnh tranh ngày 20/12 đã cáo buộc Facebook cung cấp thông tin « sai lệch » « lừa đảo » để được Ủy Ban Châu Âu cho phép mua lại dịch vụ nhắn tin WhatsApp với giá 22 tỉ đô la.

Bruxelles nhắc lại là vào năm 2014, Facebook đã khẳng định không có khả năng tự động kết nối tài khoản Facebook và tài khoản WhatsApp của cùng một người dùng với nhau. Tuy nhiên, theo Bruxelles, vào năm 2014, Facebook đã có khả năng làm điều đó. Ủy Ban Châu Âu đã yêu cầu Facebook cung cấp lại thông tin chính xác.

Còn Facebook thì đã bác bỏ cáo buộc của Bruxelles. Phát ngôn viên của hãng công nghệ Facebook cho biết đã cung cấp thông tin chi tiết về khả năng kỹ thuật và ý định của hãng. Facebook tin là một cuộc kiểm tra toàn diện sẽ khẳng định hãng này đã làm đúng quy định.

Facebook có thể sẽ bị phạt tới 1% của khoản doanh thu gần 18 tỉ đô la năm 2015. Đây là một tin xấu đối với Facebook. Mạng xã hội này đang gặp nhiều rắc rối ở châu Âu, chẳng hạn như gần đây, Facebook bị chỉ trích là không thể ngăn cản « thông tin sai lệch » lan truyền.

Thuốc diệt chuột ở Paris

Theo ước tính, ở Paris hiện có 3-6 triệu con chuột cống. Người ta có thể nhìn thấy chuột chạy khắp nơi, từ các công viên, vườn hoa cho tới dọc bờ sông Seine. Vào đầu tháng 12, thành phố đã triển khai chiến dịch diệt chuột với nhiều biện pháp như tạm thời đóng cửa các công viên, đặt bẫy chuột, lấp hang chuột. Nhưng theo đánh giá của nhật báo Libération, dường như các biện pháp này không đạt hiệu quả lắm.

Đây không phải một chiến dịch mới vì vào mùa xuân hàng năm, Paris vẫn tổ chức diệt chuột theo yêu cầu của sở cảnh sát thành phố. Tuy nhiên, chương trình diệt chuột lần này có quy mô lớn hơn rất nhiều. Và theo tờ báo Libération, việc Ủy Ban Olympic Quốc Tế dự kiến tới thăm Paris vào tháng 05/2017 đã củng cố quyết tâm diệt chuột của chính quyền thành phố.

Paris đã huy động 50 nhân viên cho chương trình diệt chuột, cho ra mắt một ứng dụng trên Internet và trên điện thoại di dộng để người dân báo cho chính quyền địa điểm họ nhìn thấy chuột, và tuyển dụng thêm 1 bác sĩ thú y cho cơ quan môi trường của thành phố.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ chương trình diệt chuột mà thành phố đề ra. Nhiều người cho rằng giết chuột không phải giải pháp hay. Thay vì diệt chuột, thành phố nên ưu tiên xử lý rác thải để hạn chế nguồn thức ăn cho chuột. Nhiều người khác thì phê phán thói quen cho chuột ăn trong các công viên. Dường như một số người dân Paris coi việc cho chuột ăn là một thú vui, giống như thú vui cho chim bồ câu ăn vậy.

Vào đầu thế kỷ XX, sau dịch hạch năm 1920, Paris đã có “cảnh sát diệt chuột” và một phòng nghiên cứu về chuột. Từ năm 1928 đến năm 1931, có hai hội thảo quốc tế về chuột đã được tổ chức tại Paris.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.