Vào nội dung chính
CHÂU Á - QUÂN SỰ

Thái Lan nhờ Trung Quốc giúp sản xuất vũ khí

Hôm qua, 20/12/2016, một phát ngôn viên bộ Quốc phòng Thái Lan thông báo là nước này hiện đang thảo luận với Trung Quốc về việc xây dựng các cơ sở sửa chữa và bảo trì vũ khí ở Thái Lan, cũng như muốn nhờ Trung Quốc giúp sản xuất vũ khí, một dấu hiệu mới cho thấy quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Bắc Kinh với đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á.

Bộ trường Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự Thái Lan Prayuth Chan-ocha (phải), Bangkok, 6/2/2015.
Bộ trường Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự Thái Lan Prayuth Chan-ocha (phải), Bangkok, 6/2/2015. REUTERS/Thailand Government House
Quảng cáo

Quan hệ giữa Thái Lan và Hoa Kỳ đã xấu đi kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Quân đội Thái Lan cho rằng cuộc đảo chính này là cần thiết nhằm chặn đứng tình trạng hỗn loạn đã kéo dài nhiều tháng trời, với những cuộc biểu tình rầm rộ dẫn đến việc lật đổ một chính phủ dân cử.

Washington đã nói rõ rằng quan hệ với Bangkok chỉ có thể trở lại bình thường một khi nền dân chủ ở Thái Lan được tái lập. Các tướng lãnh cầm quyền đã hứa sẽ tổ chức bầu cử vào năm tới, bây giờ phải chờ xem cuộc bầu cử này có sẽ đáp ứng những yêu cầu của Hoa Kỳ hay không.

Kể từ sau cuộc đảo chính 2014, chính quyền quân sự Bangkok đã tìm một đối trọng với quan hệ với Hoa Kỳ bằng cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Chính là theo chiều hướng đó mà bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đã gặp đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn khi đến thăm Bắc Kinh vào tuần trước.

Theo thông báo của phát ngôn viên bộ Quốc phòng Thái Lan hôm qua, ông Prawit Wongsuwan đã nói với ông Thường Vạn Toàn rằng Bangkok rất quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở để sửa chữa và bảo trì các thiết bị quân sự Trung Quốc mà quân đội Thái Lan đang có trong tay. Cũng theo lời phát ngôn viên nói trên, Thái Lan còn muốn phía Trung Quốc giúp sản xuất các vũ khí nhỏ và các thiết bị an ninh như máy bay không người lái.

Ngoài dự định nói trên, trước đây Thái Lan đã mua xe tăng của Trung Quốc và cũng đã chọn Bắc Kinh thực hiện hợp đồng hàng tỷ đôla đóng các tàu ngầm đầu tiên cho Thái Lan. Không quân của hai nước cũng đã lần đầu tiên tập trận chung vào năm 2015.

Bangkok buộc phải dựa ngày càng nhiều vào Bắc Kinh bởi vì kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Hoa Kỳ đã đình chỉ mọi trợ giúp về quốc phòng và an ninh cho Thái Lan. Washington cũng đã giảm bớt quy mô của các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với đồng minh châu Á này.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ khiến mọi người lo ngại là Mỹ sẽ từ bỏ chính sách “xoay trục” sang châu Á mà tổng thống Obama đã thực hiện trong những năm qua. Hãng tin AFP hôm nay trích lời một giáo sư chính trị học, ông Thitinan Pongsudhrak, thuộc Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nhận định rằng: “ Nếu Hoa Kỳ không thể đảm trách vai trò khu vực của họ, các nước trong khu vực không còn con đường nào khác là phải ngả theo Bắc Kinh.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.