Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nhìn lại 2016: Vẫn còn hy vọng cho TPP

Đăng ngày:

Kinh tế Nhật không lệ thuộc vào xuất cảng như kinh tế Trung Quốc. Sau Mỹ, Nhật là nước tiên tiến nhất về công nghệ sản xuất hiện đại. Nằm giữa chuỗi cung ứng toàn cầu vì thiếu nguyên nhiên vật liệu, lại phải đối mặt với chính sách bành trướng của Bắc Kinh, Tokyo vẫn cố gắng xúc tiến hiệp ước TPP vì lý do sinh tử là kinh tế và an ninh.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) vui vẻ với các nghị sĩ sau khi Quốc hội thông quan Hiệp định TPP ngày 10/11/2016.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) vui vẻ với các nghị sĩ sau khi Quốc hội thông quan Hiệp định TPP ngày 10/11/2016. JIJI PRESS / AFP
Quảng cáo

2016 : Kinh tế Mỹ đã thực sự phục hồi. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được « kết nạp » vào rổ tiền tệ của IMF. Châu Mỹ La Tinh lún sâu vào khủng hoảng xã hội khi kinh tế đi xuống. Trái với mọi dự báo, cử tri Anh đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Các nước dầu hỏa điêu đứng vì vàng đen mất giá. Tăng trưởng của kinh tế Pháp còn mong manh, thị trường lao động chưa thực sự khởi sắc trở lại. 

Trên đây là một vài sự kiện nổi bật trong phần tin thời sự kinh tế thế giới trong năm 2016 sắp khép lại. Tuy nhiên vào hai tháng cuối năm, mọi chú ý đều dồn về Hoa Kỳ sau thắng lợi bất ngờ của ứng viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đích thân ông Trump đã thông báo : Một trong những biện pháp đầu tiên của tổng thống Mỹ thứ 45 là rút lui khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Chỗ trống Mỹ để lại

Hơn một chục ngày sau khi đắc cử, ông vua bất động sản New York Donald Trump tuyên bố, quyết định đầu tiên khi chính thức bước vào Nhà Trắng sẽ là « rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định TPP ». Mười một đối tác còn lại của Washington không ngạc nhiên vì trước đó chính quyền Obama đã thông báo đình chỉ thủ tục phê chuẩn TPP. Dù vậy từ Brunei đến New Zealand, từ Úc đến Singapore, từ Chilê tới Malaysia hay Perou … đều không khỏi bối rối trước ý định của tổng thống Mỹ tương lai.

Nhật Bản bị « lỡ trớn » vì đã dấn thân quá sâu vào những cam kết của TPP. Một thành viên khác là Việt Nam, trước bầu cử Mỹ đã hoãn phê chuẩn văn bản được coi là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa Hà Nội với Washington trong bối cảnh quan hệ Việt –Trung căng thẳng vì Biển Đông.

Tương lai TPP đi về đâu ?

Câu hỏi đặt ra là liệu TPP đã « chết yểu » sau hơn 7 năm thương lượng gay go và 21 vòng đàm phán ? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California không bi quan như vậy khi cho rằng, dù không có Mỹ, TPP vẫn có cơ may tồn tại, nhờ vai trò đầu tàu của Nhật Bản.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Thành hình giữa bốn nước trên vành cung Thái Bình Dương vào năm 2005, Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP đã mở rộng với sự tham dự của Hoa Kỳ cùng 11 nước khác, kể cả Nhật Bản. Ngày nay Mỹ đã đổi ý nên TPP được ký kết sẽ không thành. Nhưng biết đâu là sẽ có một TPP khác vì Nhật Bản.

Kinh tế Nhật không lệ thuộc vào xuất cảng như kinh tế Trung Quốc và sau Mỹ thì Nhật là nước tiên tiến nhất về công nghệ sản xuất hiện đại và tự động vì dân số bị lão hóa quá nhanh. Nhưng Nhật nằm giữa chuỗi cung ứng toàn cầu vì thiếu nguyên nhiên vật liệu trong lãnh thổ của mình lại đối diện với một Trung Quốc hung hăng bành trướng. Vì vậy, khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP vì chuyện nội bộ, tôi nghĩ là Tokyo vẫn cố gắng xúc tiến hiệp ước này, lý do sinh tử là Nhật Bản phải củng cố cả sức mạnh kinh tế lẫn an ninh của mình tại Đông Á trước mối nguy Trung Quốc.

TPP còn có thể kết nạp thêm Hàn Quốc, nền kinh tế thứ tư của châu Á, và một nền kinh tế năng động khác của khu vực là Đài Loan. Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa :

Nguyễn Xuân Nghĩa : Kịch bản thấp là Nhật Bản vẫn thúc đẩy hiệp ước TPP giữa 11 nước còn lại, dù sao cũng có sản lượng đáng kể là 16% của toàn cầu chứ không ít và TPP đã đi tới thỏa thuận sau cùng. Kịch bản cao hơn thì Nhật có thể mời Hàn Quốc và thậm chí Đài Loan tham gia Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương.

Khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc giữa nhiều sóng gió kinh tế khiến chính quyền lâm thời và sau này của Seoul phải tìm thành quả khác để khôi phục niềm tin. Việc Hàn Quốc gia nhập TPP đã được nói tới từ trước, nên sẽ có hy vọng cao hơn trong năm 2017.

Về Đài Loan thì nền kinh tế này có nằm trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Nam Hàn và Đông Nam Á. Dù không được nhiều nước công nhận là một quốc gia, Đài Loan vẫn là đối tác kinh tế đáng kể.

Nếu Nhật Bản vận động Đài Loan tham dự Hiệp ước TPP thì có lẽ chính Hoa Kỳ dưới thời Trump sẽ là một nước ngầm ủng hộ vì lý do an ninh chiến lược.

Kịch bản sau cùng là dăm ba năm nữa, sau khi giải quyết xong những mâu thuẫn bên trong, Hoa Kỳ có thể xin gia nhập TPP. Chúng ta nên quen dần với thói dở chứng của lãnh đạo Hoa Kỳ. Sau cùng, và đây là chuyện Việt Nam : Hiệp ước TPP có lợi nhất cho nền kinh tế lạc hậu nhất và bị lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất, đó là Việt Nam. Khi thấy thiên hạ đòi khai tử TPP thì vì lợi ích của quốc gia, Việt Nam vẫn nên cố cải cách bên trong theo tiêu chuẩn của Hiệp ước này.

Sau cùng ông Nguyễn Xuân Nghĩa không loại trừ khả năng, Hoa Kỳ sẽ “đổi giọng” khi thấy TPP vẫn có những lợi thế nhất định.

Pháp : cơ hội bị bỏ lỡ ?

Vào lúc Hoa Kỳ vững tâm với tỷ lệ tăng trưởng trong năm giao động từ 2,2 đến 2,4 % theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì Pháp chật vật lắm vẫn chưa bảo đảm tổng sản phẩm nội địa trong năm 2016 tăng được dù chỉ là 1,3 %.

Lại cũng chính quyền Paris kỳ vọng vào hai yếu tố thuận lợi là lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục và giá dầu trong 9 tháng đầu năm dưới ngưỡng 40 đô la một thùng để tạo đà cho tăng trưởng, tiêu thụ và đầu tư, qua đó khai thông cho thị trường lao động. Vào những tuần lễ cuốn 2016, các thống kê cho thấy chính phủ Pháp chưa được toại nguyện.

Các doanh nghiệp Pháp có khuynh hướng đầu tư trở lại nhưng vẫn thận trọng ; tiêu thụ của tư nhân có tăng nhưng còn thấp xa mức 2,5 % như trong giai đoạn 2007/2008, tức là trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Nhìn đến tỷ lệ thất nghiệp, tình hình có vẻ sáng sủa hơn vào cuối nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông François Hollande nhưng do không « đảo ngược được tình huống » lần đầu tiên trong lịch sử nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, một vị tổng thống tuyên bố không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

Tháng 10/2016 tại Pháp vẫn còn 3,5 triệu người không có việc làm. So với hồi tháng 5/2012 khi François Hollande vừa bước vào điện Elysée, thì đã có thêm 556.000 người bị gạt ra ngoài thị trường lao động.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.