Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ASEAN

Miến Điện: ASEAN họp khẩn bàn về khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya

Hôm nay, 19/12/2016, các nước thuộc Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN) triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Rangoon, Miến Điện để bàn về cuộc khủng hoảng sắc dân Hồi Giáo Rohingya tại miền tây bắc nước này.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và bà Aung San Suu Kyi rời cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN về vấn đề Rohingya tại Rangoon (Miến Điện), ngày 19/12/2016.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và bà Aung San Suu Kyi rời cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN về vấn đề Rohingya tại Rangoon (Miến Điện), ngày 19/12/2016. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Số phận sắc tộc thiểu số Rohingya bị ngược đãi nhiều năm nay đã là vấn đề lớn về nhân quyền đối với chính phủ Miến Điện. Hơn hai tháng trở lại đây, vấn đề này đã trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự với bạo lực liên tục diễn ra ở miền tây bắc Miến Điện.

Cuối tuần qua, phái viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad Al Hussein đã chỉ trích gay gắt phản ứng chậm trễ của chính phủ Miến Điện trước các vụ bạo lực nhằm vào người Rohingya.

Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế và tình hình ngày càng nghiêm trọng, hôm nay, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi đã phải trực tiếp gặp các đồng nghiệp ASEAN trong một cuộc họp khẩn nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Trong số các nước Hiệp Hội Đông Nam Á, ngoại trừ Malaysia, không mấy thành viên đứng lên chỉ trích trực diện chính quyền Miến Điện về hồ sơ người Rohingya.

Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman, tại hội nghị, kêu gọi các nước ASEAN phối hợp trợ giúp nhân đạo cho người Rohingya đồng thời điều tra các tội ác man rợ nhằm vào sắc dân theo Hồi Giáo này.

Cuộc khủng hoảng này đã gây căng thẳng trong quan hệ Malaysia-Miến Điện. Thủ tướng Najib Razak không ngần ngại so sánh các vụ bạo lực nhắm vào người Rohingya như là một « cuộc diệt chủng » và yêu cầu bà Aung San Suu Kyi phải hành động.

Trong thông cáo kết thúc cuộc họp hôm nay, ngoại trưởng Miến Điện, Aung San Suu Kyi đề nghị " phải có thêm thời gian để những cố gắng của chính phủ (Miến Điện) mang lại hiệu quả" vì đây là "vấn đề phức tạp". Không có một quyết định cụ thể nào được đưa ra sau phiên họp.

Trong đất nước có tới 90% dân theo Phật Giáo như Miến Điện, sắc dân thiều số Rohingya theo Hồi Giáo luôn bị coi là người nước ngoài. Nhiều người dù đã sống tại Miến Điện qua nhiều thế hệ nhưng vẫn không được chính quyền thừa nhận trên giấy tờ hành chính. Họ trở thành những người vô tổ quốc, không được hưởng các quyền tối thiểu.

Bên cạnh đó, những thành phần Phật Giáo cực đoan gần đây đã dấy lên phong trào thù nghịch nhằm vào người Rohingya. Mỗi năm có hàng ngàn người Rohingya phải bỏ chạy ra nước ngoài, chủ yếu tìm đường sang Malaysia. Đã có những thảm cảnh nhân đạo xảy ra trong cuộc di cư này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.