Vào nội dung chính
HÀN QUỐC

Hàn Quốc: Vận động tranh cử ngầm sau vụ Quốc Hội truất phế tổng thống

Tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc chưa chính thức bị truất phế, nhưng các cuộc vận động để thay thế bà Park Geun Hye đã “ngầm mở ra”. Một số ứng viên chính thức lên tiếng muốn ra tranh cử, số khác vẫn trong bóng tối chờ đợi thời cơ. Ở hậu trường các ứng viên chính thức và không chính thức đã bắt đầu lao vào một “cuộc đọ sức không tên”.

Tổng thống Park Geun Hye đúng hôm 09/12/2016, khi Quốc Hội họp để truất phế bà.
Tổng thống Park Geun Hye đúng hôm 09/12/2016, khi Quốc Hội họp để truất phế bà. News1 via REUTERS
Quảng cáo

Vụ tai tiếng liên quan đến bà thầy bói pháp sư cố vấn cho tổng thống Park Geun Hye đã làm xáo trộn lịch vận động tranh cử tổng thống của Hàn Quốc. Về mặt chính thức, Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư của Châu Á, sẽ chỉ bầu lại tổng thống vào tháng 12/2017. Thế nhưng quyết định của Quốc Hội ngày 09/12/2016 đòi nữ tổng thống Park Geun Hye ra đi, đã khiến chính giới xứ Hàn phải gấp rút thay đổi chiến lược.

Trên nguyên tắc, Tòa Bảo Hiến có tới sáu tháng, để ra phán quyết có phế truất bà Park Geun Hye hay không. Nhưng theo giới quan sát, Tòa sẽ sớm lên tiếng về vụ tai tiếng này, tránh để khủng hoảng chính trị kéo dài. Bước kế tiếp là Hàn Quốc có thể bầu lại tổng thống trong vòng 60 ngày. Nhiều người chờ đợi, Hàn Quốc sẽ bầu lại tổng thống ngay từ tháng 3/2017.

Câu hỏi đặt ra là hiện nay có những ai đang nhòm ngó chiếc ghế tổng thống đang bị bỏ trống ?

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, một trong những người được cử tri tín nhiệm nhất hiện nay đang là ông Ban Ki Moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm. Ông Ban có thể đại diện cho đảng thuộc cánh bảo thủ của bà Park. Tuy nhiên ông Ban Ki Moon đang vấp phải nhiều trở ngại.

Con đường đầy chông gai

Thứ nhất là ông vẫn còn đứng đầu Liên Hiệp Quốc cho đến tận ngày 31/12/2016, trong khi đó, các đối thủ của ông đã sẵn sàng lao vào cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc.

Nhân vật chính trị theo sát nút ông Ban Ki Moon trong các cuộc thăm dò dư luận là thị trưởng thành phố Seongnam, ông Lee Jae Myung. Thuộc đảng Mingju, có khuynh hướng xã hội-tự do, ông này từng tuyên bố chủ trương cần “kết án chung thân bà Park Geun Hye”. Lập luận này được một phần lớn công luận Hàn Quốc ủng hộ. Theo một cuộc thăm dò dư luận do viện Gallup của Mỹ thực hiện, có tới 18% những người được tham khảo, có ý định ủng hộ ông Lee.

Trở ngại thứ nhì đối với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sắp mãn nhiệm Ban Ki Moon là ông trở về nước, tìm lại đảng bảo thủ Saenuri trong bối cảnh đảng này bị suy yếu vì tai tiếng liên quan đến bà Park Geun Hye và bà quân sư Cho Soon Sil, nội bộ đảng lại bị chia rẽ.

Theo phân tích của giáo sư Hahn Kyu Sup, Đại học Quốc gia Seoul, Ban Ki Moon, 72 tuổi, khó có thể một mình lập nên chiến thắng, bởi lẽ ông Ban đã khá cao tuổi trong mắt thành phần cử tri còn khá trẻ ở Hàn Quốc.

Thêm một yếu tố nữa được giới quan sát về tình hình chính trị ở Seoul ghi nhận đó Ban Ki Moon từng là ngoại trưởng trong thời gian từ 2004 đến 2006. Đâu đó ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của giới quyền thế, mà công luận thì đã quá chán ngán tầng lớp này, nhất là sau những tiết lộ về vụ bà “quân sư Choi Soon Sil” lạm dụng quan hệ cá nhân với tổng thống Park Geun Hye để làm giàu.

Chính vì thế, kể từ khi xì căng đan “Choi gate” bị phơi bày ra ánh sáng, điểm tín nhiệm với ông Ban Ki Moon đã bị giảm sụt và ngôi sao đang lên là ông Moon Jae In, cựu lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập. Đảng này đã thua đảng bảo thủ Saenuri của bà Park Geun Hye trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2012.

Ông Moon Jae In chủ trương cải tổ sâu rộng đường lối quản lý của các đại công ty Chaelbol, mối liên hệ giữa các tập đoàn này với chính giới. Trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, cựu lãnh đạo đảng Dân Chủ Hàn Quốc quan niệm giải pháp duy nhất là Seoul phải đối thoại với Bình Nhưỡng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.