Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC-BẮC TRIỀU TIÊN

« Trừng phạt » Bắc Triều Tiên, tính toán của Trung Quốc

Phải mất 82 ngày sau vụ Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mới nhất trí thông qua nghị quyết gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên. Theo chuyên gia về an ninh và quốc phòng Pháp, Marianne Péron-Doise, viện nghiên cứu IRSEM- Paris, Bắc Kinh đã khéo léo đứng về phía cộng đồng quốc tế mà không để ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un thăm một đơn vị Không quân. Ảnh hãng KCNA cung cấp ngày 04/12/2016.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un thăm một đơn vị Không quân. Ảnh hãng KCNA cung cấp ngày 04/12/2016. Reuters
Quảng cáo

Trang mạng tạp chí chuyên về châu Á, Asialyst.com, ấn bản ngày 05/12/2016 đăng bài viết của chuyên gia Marianne Péron-Doise, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự– Quận 7 Paris. Tác giả trở lại với nghị quyết 2321 đã được 15 thành viên Hội Đồng Bảo An nhất trí thông qua ngày 30/11/2016.

Cộng đồng quốc tế gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5, ngày 09/09/2016. Theo lời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon, đây là những biện pháp « cứng rắn nhất, có tầm cỡ quan trọng nhất » từ trước tới nay để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên bao gồm những gì ?

Nghị quyết 2321 được gói gọn trong 17 trang, đặc biệt chú ý đến các hoạt động xuất khẩu than đá của Bình Nhưỡng mà khách hàng lớn nhất là Trung Quốc. Cụ thể hơn, Bắc Triều Tiên chỉ được phép xuất khẩu tối đa 7,5 triệu tấn than đá một năm. Thu nhập của Bắc Triều Tiên từ các nguồn xuất khẩu than đá, như vậy đang từ 700 triệu đô la/ năm, rơi xuống còn 40 triệu.

Theo như ghi nhận của chuyên gia Pháp, Marianne Péron-Doise chỉ riêng trên hồ sơ than đá, để đạt được điều khoản này tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Mỹ đã trải qua nhiều đợt đàm phán cam go. Bắc Kinh bị nghi ngờ qua việc nhập than của Bắc Triều Tiên, gián tiếp hỗ trợ chế độ Kim Jong Un phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

So với nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng 2270 được thông qua vào tháng 3/2016, Liên Hiệp Quốc lần này đã siết chặt gọng kềm với chính quyền Kim Jong Un.

Ngoài việc giới hạn mức xuất khẩu than đá, quốc tế còn ban hành lệnh cấm vận nhắm vào nhiều dịch vụ mua bán kim loại của Bình Nhưỡng, như đồng, chì, hay bạc và nickel. Các khoản giao dịch này cho phép chế độ Kim Jong Un thu vào đến 100 triệu đô la một năm.

Một lĩnh vực khác trong tầm ngắm của nghị quyết 2321 liên quan đến những cơ sở địa ốc đang được Bắc Triều Tiên cho quốc tế thuê. Hội Đồng Bảo An cũng yêu cầu các thành viên giảm bớt nhân sự tại các văn phòng đại diện ở Bình Nhưỡng, giới hạn các dịch vụ tài chính ngân hàng với Bắc Triều Tiên.

Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc vừa đưa vào danh sách trừng phạt 11 nhân vật và 10 cơ sở Bắc Triều Tiên bị tình nghi có liên quan đến các chương trình hạt nhân của nước này.

Đâu là những dụng ý từ việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên ?

Trong bài phân tích, chuyên gia Pháp về các vấn đề an ninh, quốc phòng bà Marianne Péron-Doise nêu lên câu hỏi : cộng đồng quốc tế chờ đợi gì ở Bắc Triều Tiên ? Liên Hiệp Quốc muốn Bình Nhưỡng nối lại đàm phán 6 bên để tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ? Muốn Kim Jong Un từ bỏ chương trình chế tạo tên lửa và vũ khí nguyên tử hay muốn chế độ Bắc Triều Tiên cáo chung ?

Việc cộng đồng quốc tế mất đến 82 ngày sau vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 5, để tìm ra đồng thuận, cho ra đời nghị quyết 2321 là bằng rõ rệt nhất cho thấy quốc tế thiếu đoàn kết trên hồ sơ Bắc Triều Tiên. Để so sánh, năm 2006 khi Bình Nhưỡng lần đầu thử hạt nhân, Hội Đồng Bảo An chỉ mất có 5 ngày để ban hành các biện pháp trừng phạt.

Bên cạnh đó tác giả bài viết cho rằng, cộng đồng quốc tế đã tập trung vào các hoạt động xuất nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên, nhưng lại để ngỏ nhiều khoảng trống trong các hoạt động kinh tế khác của quốc gia rất khép kín này.

Kim Jong Un đã khởi động kế hoạch kinh tế 5 năm với mục đích chính là hiện đại hóa kinh tế Bắc Triều Tiên. Tại thủ đô Bình Nhưỡng, tủ kính của chế độ, có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế đang từng bước được cải thiện. Số xe lưu hành trên đường phố có đông hơn, các hoạt động tại những công trường xây dựng cũng có vẻ nhộn nhịp hơn.

Giới quan sát cũng chưa biết phải diễn giải những tín hiệu đó như thế nào.

Một ẩn số khác được Marianne Péron-Doise đề cập tới là Trung Quốc : không ai biết một cách chính xác Trung Quốc bán bao nhiêu dầu hỏa cho Bắc Triều Tiên, hỗ trợ cho Bình Nhưỡng đến mức độ nào ; giao thương giữa hai nước qua ngả biên giới là bao nhiêu.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng duy nhất của chế độ Bình Nhưỡng, bên cạnh một vài bạn hàng khác như Nga, Ấn Độ và Thái Lan. Không chỉ hiện diện trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, tháng 9/2016 Trung Quốc còn viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên sau lũ lụt thiên tai tàn phá tỉnh Hamgyong ở miền bắc nước này.

Tiếng nói quyết định của Bắc Kinh

Trong bối cảnh chính sách của tân chính quyền Mỹ đối với Bắc Triều Tiên còn chưa định hình, dự án thiết lập hệ thống phòng thủ THAAD của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Hàn Quốc gây căng thẳng trong bang giao giữa một bên là Trung Quốc với Hàn Quốc và bên kia là Trung Quốc với Hoa Kỳ, Bắc Kinh vẫn là điểm tựa chính của Bình Nhưỡng.

Chuyên gia về an ninh, quốc phòng thuộc viện nghiên cứu IRSEM, Marianne Péron-Doise đã đưa ra nhận định như trên. Theo bà, đó là một sự ủng hộ « kiên trì, nhưng sáng suốt » của Bắc Kinh đối với một chế độ mà về mặt chính trị không còn mấy gần gũi với Trung Quốc.

Nhìn từ Bắc Kinh, Bắc Triều Tiên luôn là cái cớ để Trung Quốc theo dõi các động thái của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong vùng Đông Bắc Á.

Đành rằng một mặt Trung Quốc đã trừng phạt một tập đoàn quốc gia, bị tình nghi hỗ trợ Bắc Triều Tiên thực hiện các chương trình hạt nhân, nhưng mặt khác, khó mấy ai tin được là Bắc Kinh tích cực giới hạn các hoạt động buôn bán ở khu vực sát biên giới với Bắc Triều Tiên. Bởi các hoạt động ấy có lợi cho kinh tế của ba tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang.

Ngoài ra Trung Quốc hiện đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng tại phía đông tỉnh Liêu Ninh để chuẩn bị mở cơ sở hạ tầng cho toàn bộ khu chung quanh con sông Đồ Môn, ranh giới giữa Trung Quốc – Bắc Triều Tiên và cả với nước Nga.

Sau cùng về mặt chính trị, như tác giả bài phân tích ghi nhận, Bắc Kinh và đảng Cộng Sản Trung Quốc không thể đoạn tuyệt với đảng Lao Động Bắc Triều Tiên và cũng không có lợi gì khi chế độ Kim Jong Un bị tan rã.

Quốc tế tiếp tục và cô lập và làm suy yếu Bắc Triều Tiên liệu có phải là những biện pháp hiệu quả để thuyết phụ Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân hay không ?

Theo chuyên gia Pháp Marianne Péron-Doise, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự– Quận 7 Paris, thì câu trả lời là không bởi nhiều lý do. Thứ nhất, cộng đồng quốc tế càng siết chặt gọng kềm lên chính quyền của ông Kim Jong Un, thì lại càng là cái cớ để Bình Nhưỡng mở rộng các chương trình hạt nhân, khi mà đây sẽ là lá bùa hộ mạng cho chế độ.

Lý do thứ hai là nhiều trường hợp cụ thể đã chứng minh, các biện pháp trừng hạt kinh tế sẽ thất bại nếu không được đi kèm với những biện pháp cứng rắn về phương diện ngoại giao. Cuba là trường hợp điển hình.

Ngay trong trường hợp của Bắc Triều Tiên, chính sách chìa bàn tay thân thiện Vầng Thái Dương được cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đề xuất đã đem lại những thành quả tốt đẹp bất ngờ.

Do vậy theo bà Péron-Doise, Bình Nhưỡng càng bị dồn vào chân tường thì tinh thần thù nghịch của chế độ này đối với cộng đồng quốc tế lại càng lớn, tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên qua đó cũng lớn theo.

Tác giả bài viết nêu lên khả năng, biết đâu, tai tiếng chính trị đang bùng lên ở Seoul lại mở đường cho một chu kỳ mới trong quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên.

Nhìn rộng ra hơn, nếu thế giới không tạo điều kiện thuận lợi để nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, thì coi như cộng đồng quốc tế phủ nhận trách nhiệm trên hồ sơ này : đổ lỗi cho Bắc Triều Tiên thiếu thiện chí ngồi vào bàn đàm phán và mặc nhiên coi thành công hay thất bại trong mục đích phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là tùy thuộc vào việc Trung Quốc đồng ý hay không thông qua các nghị quyền trừng phạt chế độ của dòng họ Kim.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.