Vào nội dung chính
MALAYSIA - MIẾN ĐIỆN

Thủ tướng Malaysia dẫn đầu cuộc biểu tình chống “diệt chủng” Rohingya

Bất chấp khả năng tạo nên hiềm khích với nước láng giềng Miến Điện cùng khối ASEAN, thủ tướng Malaysia vào hôm nay 04/12/2016 đã đích thân chủ trì một cuộc biểu tình tại Kuala Lumpur để phản đối điều ông gọi là nạn « diệt chủng » do chính quyền Miến Điện tiến hành nhắm vào sắc dân thiểu số người Rohingya theo Hồi Giáo.

Người Rohingya tị nạn tại Malaysia, trên nền hình ảnh thủ tướng Najib Razak, biểu tình tại Kuala Lumpur, ngày 04/12/2016.
Người Rohingya tị nạn tại Malaysia, trên nền hình ảnh thủ tướng Najib Razak, biểu tình tại Kuala Lumpur, ngày 04/12/2016. AFP
Quảng cáo

Phát biểu trước đám đông hàng ngàn người tập hợp tại một sân vận động vùng ngoại ô Kuala Lumpur, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc tích cực can thiệp để chính quyền Miến Điện chấm dứt chiến dịch đàn áp người Rohingya vì « thế giới không thể ngồi yên nhìn một cuộc diệt chủng diễn ra ». Từ « diệt chủng » được thủ tướng Malaysia sử dụng có vẻ nặng hẳn lên so với từ ngữ « thanh lọc sắc tộc » được dùng trước đây.

Ông Najib đồng thời kêu gọi các láng giềng cùng chung sức với Malaysia để bảo vệ người Rohingya. Ông đặc biệt kêu gọi tổng thống Indonesia, Joko Widodo là hãy tổ chức một cuộc biểu tình tương tự tại Jakarta để gây áp lực trên chính quyền Miến Điện. Theo ông, Hiến Chương của khối ASEAN mà cả Malaysia, Indonesia và Miến Điện đều là thành viên, đã quy định là phải bảo vệ các quyền con người.

Thủ tướng Malaysia tỏ ý tin tưởng rằng cuộc biểu tình tại Kuala Lumpur vào hôm nay sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ Miến Điện của bà Aung San Suu Kyi, cho biết là Malaysia sẽ không ngồi yên nhìn người Hồi Giáo bị đàn áp.

Cuộc biểu tình hôm nay đã nối tiếp theo một loạt những hành động khác của chính quyền Malaysia chống lại việc chính quyền Miến Điện truy bức người Hồi Giáo Rohingya. Hôm qua, trong một tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ, bộ Ngoại Giao Malaysia đã nêu bật con số 56.000 người tị nạn Rohingya ở Malaysia, và nhấn mạnh nghĩa vụ của Kuala Lumpur là phải ngăn chặn các vụ « thanh lọc sắc tộc » mà người Rohingya là nạn nhân.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng đã triệu mời đại sứ Miến Điện lên để phản đối, đồng thời hủy bỏ hai trận đấu bóng đá dự kiến với Miến Điện. Biểu tình cũng được tổ chức trước đại sứ quán Miến Điện vào tuần trước.

Theo nhận định của các nhà quan sát, khi thúc đẩy phong trào chống chiến dịch đàn áp người Rohingya tại Miến Điện, thậm chí đứng ra tổ chức biểu tình phản đối, chính quyền Malaysia đã xa rời hẳn nguyên tắc hiện hành trong ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Theo hãng tin Mỹ AP, nhiều người đã nghi ngờ là thủ tướng Najib Razak đang lợi dụng vấn đề người Hồi Giáo Rohingya để tranh thủ dư luận tại đất nước Hồi Giáo Malaysia, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự trù vào năm 2018, nhưng có thể diễn ra trước đó. Ông Najib muốn kích động tinh thần Hồi Giáo nhằm xóa nhòa việc tên tuổi ông đang bị dính líu vào vụ tai tiếng tham nhũng ở quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB.

Bạo lực nhắm vào người Rohingya tại Miến Điện cũng khiến Hoa Kỳ quan ngại

Nhân vật số một phụ trách Đông Á và Đông Nam Á trong bộ Ngoại Giao Mỹ là ông Daniel Russel, vào hôm qua 03/12/2016, đã tỏ ý lo ngại rằng đà leo thang tình hình bạo lực chống người Hồi Giáo tại Miến Điện có nguy cơ kích động chủ nghĩa cực đoan thánh chiến ở Miến Điện và Bangladesh.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đồng thời kêu gọi các nước láng giềng của Miến Điện, trong đó có Malaysia và Indonesia, là nên tránh việc tổ chức biểu tình để phản đối vì điều đó có thể kích động sự cuồng tín.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.