Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - CHÍNH TRỊ

Hồng Kông : Hai chính trị gia trẻ đòi độc lập bị truất quyền nghị sĩ

Hôm nay 15/11/2016, Tòa án tối cao của đặc khu Hồng Kông quyết định truất quyền dân biểu đối với hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), sau vụ hai chính trị gia trẻ tuổi có quan điểm đòi độc lập cho Hồng Kông, không tuân thủ các quy định về tuyên thệ, giương khẩu hiệu « Hồng Kông không phải là Trung Quốc » trong buổi lễ nhậm chức ngày 12/10/2016. 

Hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) (phải) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) họp báo sau phiên tòa, Hồng Kông, 15/11/2016.
Hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) (phải) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) họp báo sau phiên tòa, Hồng Kông, 15/11/2016. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

AFP dẫn lời thẩm phán Âu Khánh Tường (Thomas Au Hing-cheung), theo đó, lý do mà Tòa khai trừ hai nghị sĩ nói trên là vì hai người đã không thực hiện tuyên thệ nhậm chức đúng qui định, và vì vậy tuyên thệ của họ « không có giá trị pháp lý », hai dân biểu bị phế truất buộc phải rời khỏi Nghị Viện. Trước đó, ngày 07/11, Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc dựa vào điều 104 của Luật Căn Bản, tức Hiến pháp Hồng Kông, để yêu cầu loại trừ các nghị sĩ có quan điểm ly khai với Trung Quốc.

Báo Hong Kong Free Press cho biết, theo thẩm phán Âu Khánh Tường, Tòa án Hồng Kông chắc chắn vẫn ra một phán quyết như trên, cho dù không có sự can thiệp của Quốc Hội Trung Quốc. Và đây cũng là quan điểm của chính quyền đặc khu Hồng Kông.

Vẫn theo Hong Kong Free Press, về phía hai nghị sĩ, trong một phát biểu trước đó ít hôm, luật sư của nữ dân biểu Du Huệ Trinh khẳng định việc Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc giải thích luật nội bộ của Hồng Kông nói trên có thể coi như là hành động « sửa đổi Hiến pháp của đặc khu mà không thông qua các thủ tục pháp lý, được dự kiến trong điều 159 của Luật Căn Bản » và Tòa án của đặc khu hoàn toàn có quyền bác bỏ mọi can thiệp của Quốc Hội Trung Quốc.

Vụ hai nghị sĩ Hồng Kông vừa đắc cử, thuộc đảng Youngspiration/Thanh Niên Tân Chánh, sử dụng lễ tuyên thệ ngày 12/10/2016 để giương cao khẩu hiệu « Hồng Kông không phải là Trung Quốc », khẳng định quan điểm độc lập, là tâm điểm của đời sống chính trị Hồng Kông từ cả tháng nay.

Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) cảnh báo sẽ không khoan dung việc đòi độc lập, trong lúc Bắc Kinh gia tăng áp lực lên giới đấu tranh dân chủ Hồng Kông. Trong những ngày gần đây, liên tục diễn ra nhiều cuộc biểu tình lớn để phản đối sự can thiệp của Trung Quốc, trong đó có cuộc biểu tình của hàng trăm luật sư ngày 08/11. Bên cạnh đó cũng có các biểu tình ủng hộ Bắc Kinh.

Việc một số nhà hoạt động có quan điểm đòi độc lập, trong đó có hai chính trị gia trẻ Lương Tụng Hằng và Du Huệ Trinh, lọt được vào Nghị Viện Hồng Kông trong cuộc bầu cử tháng 9/2016, là một hiện tượng mới trong đời sống chính trị đặc khu. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.