Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - LỊCH SỬ KINH TẾ

Bí ẩn kỳ thú về sự « lu mờ » của Trung Quốc - Phần I

Vào thế kỷ XVIII, nước Anh bé nhỏ tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp trong lúc đế chế Trung Hoa khổng lồ bắt đầu đi xuống. Vì sao như vậy ?

(wikipedia)
(wikipedia)
Quảng cáo

Cây bút xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos, Jean-Marc Vittori, trong bài viết « Bí ẩn kỳ thú về sự lu mờ của Trung Quốc », ngày 14/10/2016 (cập nhật ngày 20/10), đã viện dẫn đến Marco Polo, Adam Smith, Max Weber và Karl Marx để làm sáng tỏ bức màn bí ẩn. Và giải thích làm thế nào Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước khác vào cuối thế kỷ XX.

PHẦN I

Một bên là quốc đảo xa lắc xa lơ với 6 triệu dân, tức là bằng dân số của Liban bây giờ, ở đó, một vương quân không được thần phục tiến hành nhiều cuộc chiến tranh tàn phá tốn kém, mức lương của người lao động cao kìm hãm các hoạt động, công nghệ thì cổ điển. Bên kia là một đế chế rộng lớn bao la nằm ở ngay trung tâm cái thế giới văn hóa của mình, có tới 260 triệu dân, tức là nhiều hơn dân số Brazil bây giờ, có đường biên giới hầu như được bình định, bộ máy cai trị hoạt động, thuế thu đầy đủ, có truyền thống phát minh từ lâu đời… Thế rồi trong có vài thập niên, một bên đã thay đổi nền kinh tế, làm đảo lộn thế giới và áp đặt quyền uy của mình đối với bên kia. Theo bạn thì đó là bên nào ? Cái quốc đảo nhỏ bé đấy.

Đó là vào giữa thế kỷ XVII, một thời điểm quan trọng, khi cuộc cách mạng công nghiệp đang hừng hực diễn ra, sản xuất thép và vải sợi được cơ giới hoá với việc sử dụng các loại máy mới và làm chủ được nguồn năng lựợng. Chính vào thời điểm đó, Anh quốc cất cánh còn Trung Quốc thì tuột dốc. Ấy vậy mà cũng vào lúc đó, đế chế châu Á mê hoặc châu Âu. Adam Smith, người sáng lập ngành khoa học kinh tế, đưa ra tấm gương mô hình kinh tế Trung Quốc dựa trên ưu thế của ngành nông nghiệp. Thậm chí, đồng nghiệp của ông là Francois Quesnay viết đến 100 trang ca tụng Chủ nghĩa chuyên chế Trung Hoa (Despotisme de la Chine) – vì thế ông còn được mệnh danh là « Khổng tử của châu Âu ». Và quả thực là đế chế Trung Hoa thời đó gây nhiều mơ tưởng. Còn Marco Polo, vào cuối thế kỷ XVIII, sau chuyến thám hiểm trở về, đã bị choáng ngợp vì sự phong phú ngoài sức tưởng tượng những phát minh quan trọng như giấy bạc ngân hàng, hoặc thành phố đông dân gấp 10 lần thành phố Venise quê hương của ông, được quy hoạch theo « một sơ đồ đẹp và tuyệt vời đến nỗi không có cách nào để tả được ». Trung Quốc lúc bấy giờ đã phát minh ra la bàn, thuốc nổ và nghề in, ba phát minh mà sau này theo quan điểm của Karl Marx kiến tạo nên kỷ nguyên công nghiệp. Trung Quốc năm 1500 có mức thu nhập đầu người cao hơn Anh quốc.

Vậy mà mọi thứ đã đảo lộn sau thế kỷ XVIII. Năm 1842, nước Anh, về mặt quân sự, đã đánh bại nước Trung Hoa trong cuộc chiến tranh thuốc phiện đầu tiên. Vào lúc đó, thu nhập đầu người tại Anh cao gấp 6 lần so với tại Trung Quốc. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của một « thế kỷ nhục nhã ». Trung Quốc trở nên đồng nghĩa với tình trạng trì trệ, như Charles Dickens từng viết : « Hàng ngàn năm đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc đóng chiếc thuyền đầu tiên, thế mà chiếc thuyền được hạ thủy gần đây nhất cũng chẳng có gì tốt hơn ». Phải đợi đến cuối thế kỷ XIX, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Trung Quốc mới liếc nhìn sang hướng tây. Một trí thức Trung Quốc, ông Nghiêm Phục (Yan Fu) mới dịch Adam Smith ra tiếng Hoa để cho mọi người « hiểu rõ nguồn cội của sự giàu có » phương Tây. Năm 1913, một nghị viện đoản thọ, theo mô hình phương Tây, được thiết lập tại Trung Quốc. Năm 1980, thu nhập đầu người tại Anh cao hơn 30 lần so với tại Trung Quốc. Phải đợi đến lúc này, Đặng Tiểu Bình, người kế thừa mãi về sau này của các vị hoàng đế, mới quyết định phải đuổi kịp phương Tây, với một nhịp độ chóng mặt chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc tính theo đầu người đã bằng 1/3 của Anh quốc.

Hai quốc gia đối mặt với nhau

Nhưng chuyện gì đã xảy ra trong nửa cuối thiên niên kỷ vừa qua giữa nước Anh nhỏ bé và nước Trung Quốc rộng bao la ? Tại sao một nước thì tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, còn nước kia lại không ? Đó chính là ẩn số của sự « khác biệt vĩ đại », quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử kinh tế. Nói đúng ra, thế kỷ XX không phải là tâm điểm của ẩn số. Vào thời kỳ đó, sự tương phản giữa hai nước thật là dữ dội. Anh quốc đã có những định chế chính trị ổn định, các thị trường hoạt động hiệu quả (lao động, vốn, hàng hóa…), các ngành công nghiệp năng động, các ngân hàng mạnh. Tuy nước Anh trải qua nhiều thử thách (các cuộc chiến tranh thế giới, vai trò bá chủ thế giới rơi vào tay Hoa Kỳ, khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, kinh tế trì trệ trong những năm 1970 buộc nước này xin IMF trợ giúp), nhưng nền kinh tế Anh quốc có tăng trưởng mạnh và sức bật đáng kinh ngạc. Người Anh vững chãi đi theo hướng hiện đại hóa nền kinh tế, ngược hẳn với người Trung Quốc. Năm 1912, sau khi hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi (Puyi), thoái vị lúc 6 tuổi, đất nước Trung Hoa đã bị rúng động hơn bao giờ hết kể từ thiên niên kỷ đầu tiên sau Công Nguyên. Nào là các cuộc đối đầu giữa các lãnh chúa, Nhật Bản xâm lược, rồi Mao Trạch Đông lên cầm quyền, tập thể hóa nhà xưởng và đất đai, cuộc « Đại Nhảy Vọt » dẫn đến nạn đói giết chết hàng chục triệu người dân, các cuộc thanh trừng trí thức, và cuối cùng là Cách Mạng Văn Hóa…. Tiến trình nhanh chóng công nghiệp hóa bị thất bại. Hậu quả là nền kinh tế và cả đất nước đông dân nhất hành tinh đều lay lắt.

Thế nhưng trước đó, vào cuối thế kỷ XVIII, tình hình khác hẳn. Hai quốc gia không quay lưng lại với nhau, mà đối mặt với nhau. Ở đỉnh cao huy hoàng sau những chiến thắng chống Napoleon, Anh quốc thống trị thế giới bằng vũ khí, nhà xưởng và tàu chiến. Thu nhập tính theo đầu người tăng từ 0,3%/năm lên hơn 1%. Đế chế Trung Hoa bao la cung cấp cho Anh quốc nguyên liệu rẻ tiền. Hạm đội hoàng gia Anh nã pháo vùng Quảng Đông buộc đế chế Trung Hoa phải mở cửa biên giới. Đầu tiên là thị trường thuốc phiện mà thực dân Anh đưa từ Ấn Độ sang, rồi sau đó rộng ra hơn là thương mại quốc tế. Karl Marx kể lại như sau : « Hàng ngàn chiến thuyền của Anh và Mỹ giong buồm thẳng tiến về Trung Quốc (…) Ngành công nghiệp Trung Hoa sụp đổ trước sự cạnh tranh của việc dùng máy móc thay sức người ». Đà thăng tiến của Luân Đôn dẫn đến sự suy tàn của Bắc Kinh. Thắng lợi của nước Anh đã làm lung lay đế chế nhà Thanh có từ bao đời, dẫn đến sự sụp đổ của triều đại này vài thập niên sau đó. Tại một quốc gia bị rối loạn như vậy, không thể đầu tư, xây dựng nhà máy, hiện đại hóa kinh tế. Nhưng phải ngược dòng thời gian xa hơn nữa thì mới hiểu được những động lực của sự « khác biệt vĩ đại » này. Chính trong quá khứ xa xôi đó, bức màn bí ẩn lại thêm dày đặc, các con số trở nên kém thuyết phục, các nhà sử học đối đầu với nhau một cách dữ dội. Tất cả những điều đó xóa bỏ các xác tín về dân số, năng lượng, cạnh tranh…

Trung Quốc tự giam hãm

Ngay từ năm 1780, Thomas Bentley đưa ra giải thích về cuộc cách mạng công nghiệp. Nhà công nghiệp Anh này, lúc đó làm việc với Josiah Wedgwood trong một xưởng sản xuất đồ sứ, đã giải thích sự phát triển của máy móc tại Anh quốc như sau : « Khi giá lao động tại một quốc gia tăng nhiều hơn so với các nước đối thủ, thì quốc gia có chi phí lao động cao đó sẽ bị mất thị trường và suy tàn nếu như họ không tìm cách bù lại giá lao động cao bằng cách dựa vào những phát minh máy móc quan trọng ». Thế mà mức lương tại Anh lại tăng. Nước Anh sau trận « đại dịch hạch – hắc tử bệnh » giết chết gần phân nửa dân số nước này vào giữa thế kỷ XIV, nguồn lao động đã trở nên khan hiếm và đắt đỏ. So với những nơi khác, nước Anh có nhiều phụ nữ phải làm việc ở trang trại và các lãnh chúa buộc họ không được có con, và điều đó lại kềm hãm mức tăng dân số. Và do vậy, giá lao động cũng như giá thực phẩm lại càng đắt đỏ. Ngược lại, Trung Quốc thời kỳ đó lại bị giam hãm trong cái bẫy malthus – phương tiện nuôi dân tăng không kịp theo mức tăng dân số. Bởi vì, theo như giải thích của Montesquieu, ở đó « phụ nữ có khả năng sinh nở cao và dân số tăng nhanh đến mức đất đai cho dù được canh tác như thế nào, hầu như không đủ để nuôi sống người dân ».

Sử gia kinh tế người Anh, ông Robert Allen bổ sung vào bức họa : Tại Vương quốc Anh, « lương nhân công quá cao và giá năng lượng quá rẻ ». Bởi vì dưới lòng đất có nguồn than đá dồi dào dễ khai thác cũng như dễ vận chuyển đến các thành phố lớn, nằm dọc theo các bờ sông – trái ngược với nhiều thành phố của Pháp từ lâu đời đã nằm trong các khu vực phòng thủ. Khi vua George IV lên ngôi vào năm 1820, nước Anh nhỏ bé tiêu thụ than đá nhiều gấp 5 lần so với toàn bộ phần còn lại của châu Âu ! Đối với Allen, « cuộc cách mạng công nghiệp đã được phát minh tại Anh quốc vào thế kỷ XVIII bởi vì đó là nơi phù hợp, trong khi chưa chắc cuộc cách mạng này là có ích nếu xẩy ra ở các thời kỳ khác và tại những nơi khác ». Về điểm này, Trung Quốc ngày nay mới là quốc gia xuất khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới. Nhưng vào thế kỷ XVIII, rất khó cho Trung Quốc khai thác than đá với những kỹ thuật thời bấy giờ và các khu quặng mỏ lại rất xa chốn đô thị.

(Còn nữa)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.