Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Người già Trung Quốc cảm thấy bị xã hội bỏ rơi

Đăng ngày:

Trong tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 05/11/2016, chúng tôi xin giới thiệu các chủ đề : Người cao tuổi Trung Quốc có cảm giác bị xã hội bỏ rơi. Samsung, nhãn hàng được người Nga ưa chuộng 6 năm liên tục. Phóng viên, nghề nguy hiểm ở Afghanistan. Du lịch Ai Cập ảm đạm. Nhiều trẻ em Mỹ nhập viện vì uống thuốc giảm đau có chất gây nghiện quá liều. Vidéo clip « Gangnam style » phiên bản Nhật lập kỷ lục Guinness.

Người cao tuổi Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Người cao tuổi Trung Quốc. Ảnh minh họa. REUTERS/W.HONG
Quảng cáo

Có nhiều thời gian rảnh rỗi, nhiều người cao tuổi ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, thường tụ tập trong quán cà phê của siêu thị nội thất nổi tiếng Ikea. Thậm chí, nhiều người có thói quen ngồi chơi ở đó cả ngày mà chẳng gọi đồ ăn thức uống. Thói quen này khiến Ikea chẳng kiếm được mấy tiền từ những người cao tuổi và Ikea đã quyết định thay đổi. Người già ở Trung Quốc vốn đã có cảm giác bị xã hội bỏ rơi do tình trạng lão hóa dân số, nay lại càng cảm nhận rõ hơn điều này.

Thông tín viên RFI Angélique Forget tại Thượng Hải kể lại :

« Ở lối vào quán cà phê, hai nhân viên quan sát khay đồ ăn thức uống của khách hàng. Ông Dương 70 tuổi là một khách quen của quán. Nhưng hôm nay, chỉ một ly cà phê thôi là chưa đủ, ông phải gọi thêm một món ăn thì mới được vào ngồi trong quán. Ông chia sẻ : « Đã 5 năm nay, cứ sáng thứ Ba và thứ Năm hàng tuần là tôi đến đây! Tôi với bạn bè tụ tập ở đây vì chúng tôi chẳng có chỗ nào khác để đi. Thế mà bây giờ Ikea lại ép chúng tôi phải chi thêm tiền ».

Nhiều người coi quy định này là sự phân biệt đối xử với người cao tuổi. Trung Quốc hiện đang thiếu cơ sở hạ tầng cho người cao tuổi nên họ cảm thấy ngày càng bị bỏ rơi. Ông Li, 67 tuổi nói : « Tôi cảm thấy cô độc và chẳng có gì để làm. Tôi không thể làm việc nữa, tôi già rồi, chẳng ai muốn tuyển tôi làm việc cả. Có những phòng chơi mạt chược cho người già, nhưng tôi lại không thích chơi mạt chược ».

Tại Trung Quốc, cứ 1.000 người cao tuổi thì mới chỉ 25 chỗ trong trại dưỡng lão. Vì thế, theo luật, con cái phải chăm sóc cha mẹ. Nhưng anh Cố, người sống cùng với bố thấy điều này không công bằng. Anh nói : « Không phải ai cũng làm được như tôi. Có rất nhiều người sống ở thành phố lớn còn cha mẹ họ thì sống ở quê nhà. Nhà nước phải xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho người cao tuổi, chẳng hạn các trại dưỡng lão. Con cái họ phải được quyền chọn lựa ».

Từ nay đến năm 2030, người cao tuổi sẽ chiếm 1/4 dân số Trung Quốc ».

Samsung, nhãn hàng được người Nga ưa chuộng 6 năm liên tục

Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của Viện Online Market Intelligence của Nga công bố ngày 30/10/2016, Samsung là nhãn hiệu được ưa chuộng nhất tại Nga trong 6 năm liên tục. Về vị trí thứ hai là Adidas, rồi đến Sony. Apple bị tụt một một bậc xuống hạng 4, sau đó là Nike.

Samsung cũng đã đoạt giải Good Design Award 2016 được tổ chức tại Nhật cho dòng sản phẩm tivi thông minh Serif, do hai anh em kỹ sư người Pháp Ronan và Erwan Bouroullec thiết kế, với khung bằng gỗ, nhựa hoặc kim loại, hài hòa với khung cảnh xung quanh, và có thể dùng như một món đồ trang trí nội thất.

Phóng viên, nghề nguy hiểm ở Afghanistan

2016 là năm đặc biệt nguy hiểm đối với nhiều phóng viên tại Afghanistan. Tính từ đầu năm tới giờ, đã có 13 nhà báo thiệt mạng, thêm vào đó bạo lực nhắm vào họ cũng gia tăng. Thế nhưng, các hung thủ lại không hề bị trừng phạt.

Từ Kaboul, thông tín viên RFI Sonia Ghezali kể lại :

« Phóng viên là một nghề nguy hiểm tại Afghanistan. Hassan Sabery là chủ một đài truyền hình tư nhân và một đài phát thanh dành cho phụ nữ có trụ sở tại Kunduz. Thành phố miền đông bắc Afghanistan đã nhanh chóng rơi vào tay quân Taliban vào tháng trước. Ông nói : « Họ vào các phòng làm việc và đập phá trang thiết bị của chúng tôi ».

Nhân viên đã kịp chạy trốn trước khi các phiến quân có vũ trang đến, nên không ai bị thương hay thiệt mạng. Nhưng đây không phải lần đầu tiên nhà báo Hassan Sabery phải đối mặt với chuyện này. Ông chia sẻ : « Xe hơi của tôi đã bị Taliban nhắm bắn, nhưng may mắn thay, các viên đạn đi chệch sang bên cạnh. Tôi đã bị tấn công tổng cộng bốn lần. Nhưng điều tồi tệ là chính phủ chẳng giúp đỡ gì cho chúng tôi cả ».

Trong vòng 15 năm trở lại đây, đã xảy ra 600 vụ tấn công nhắm vào các nhà báo, nhưng không vụ nào được tư pháp điều tra. Nader Nadery là một trong số các cố vấn phủ tổng thống. Ông cho biết : « Cách đây 8 tháng, tổng thống đã cho ban hành một sắc lệnh cho phép lật lại tất cả các hồ sơ này và để chấm dứt việc hung thủ tấn công nhà báo mà không bị trừng phạt. Một ủy ban gồm các thành viên chính phủ và công đoàn nhà báo cùng hợp tác để mở lại các hồ sơ này. »

Trong số 600 trường hợp được ghi nhận, có 60 vụ sát hại nhà báo và hơn 40 vụ tấn công bạo lực và bắt cóc ».

Du lịch Ai Cập ảm đạm

Du lịch vốn rất phát triển ở Ai Cập và là một trong những nguồn thu chủ yếu và đáp ứng khoảng 20% nhu cầu ngoại tệ của nước này.

Thế nhưng, từ vài năm trở lại đây, du lịch Ai Cập đã mất khách do khủng hoảng chính trị kéo dài, kèm theo vụ phế truất cựu tổng thống Hosni Boubarak vào năm 2011. Vào tháng 06/2015, cảnh sát Ai Cập phá được một âm mưu khủng bố gần một điểm du lịch hấp dẫn là đền thờ Karnak Louxor, khi đó bên trong đền thờ đang có tới 600 khách thăm quan. Ba tháng sau đó, 8 du khách Mêhicô thiệt mạng vì bị binh lính Ai Cập bắn nhầm.

Đến ngày 31/10/2015, sự kiện một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Nga Metrojet bị bắn rơi ở Sinaï, gần khu bãi biển nổi tiếng Charm-el-Cheikh, khiến 224 người thiệt mạng, đã khiến du lịch Ai Cập càng thêm mất mùa. Ngay sau đó, Matxcơva đã hủy các chuyến bay tới Ai Cập, nước Anh cũng hủy các chuyến bay tới Charm-el-Cheikh. Trong khi đó, du khách Nga và Anh chiếm tới 40% du khách nước ngoài ở Ai Cập.

Một năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Nga Metrojet bị bắn rơi ở Sinaï, du lịch Ai cập vẫn đang ở « điểm chết », khiến nước này thất thu. Trong số ít du khách nước ngoài đến thủ đô Cairo, có một người đến từ Trung Quốc nhân chuyến đi công tác với ông chủ. Anh này chia sẻ không muốn bỏ lỡ cơ hội tới thăm những địa danh nổi tiếng nhất như các kim tự tháp hay phu phố cổ ở Cairo. Còn bộ Ngoại Giao Trung Quốc thì khuyến cáo công dân nước minh không nên tới thăm Sinaï và không đi chơi quá khuya. Theo lời chủ một cửa hàng bách hóa, chẳng có mấy khách du lịch nước ngoài tới đây, và nếu có đến thì họ cũng chẳng mua gì.

Theo các con số chính thức, từ năm 2010 đến năm 2015, số du khách tới thăm Ai Cập đã giảm hơn 50%, từ 15 triệu khách xuống còn 6,3 triệu khách. Năm 2015, doanh thu từ du lịch giảm 15% xuống còn 6,2 tỉ đô la.

Trước đó, vào năm 2013, khi tổng thống Abdel-Fattah al-Sissi lật đổ cựu tổng thống Mohamed Morsi, chính quyền đã tuyên truyền trên nhiều kênh truyền hình nhà nước là « Ai Cập đang chống khủng bố ». Nhưng một nhân viên phục vụ trong một nhà hàng nổi tiếng cho biết để thu hút khách du lịch nước ngoài thì đây là một ý tưởng quá tồi vì « chẳng du khách nào muốn tới Ai Cập nếu biết chúng tôi đang chống khủng bố ».

Tuy nhiên, chính phủ Ai Cập ước tính sẽ thu hút được khoảng 20 triệu khách vào năm 2020. Và để đạt được mục tiêu này, năm 2015, chính phủ đã thông báo kế hoạch tung ra một chiến dịch quảng bá là đất nước đã ổn định trở lại.

Mỹ : Nhiều trẻ em nhập viện vì uống thuốc giảm đau có chất gây nghiện quá liều

Theo công bố của tạp chí Y khoa JAMA Pediatrics, trong vòng 15 năm, từ năm 1997 đến năm 2012, số trẻ nhỏ và thanh thiếu niên nhập viện vì uống thuốc giảm đau có chất gây nghiện quá liều đã tăng gần như gấp đôi.

Đối với các em nhỏ từ 0-4 tuổi, hiện tượng này chủ yếu là tai nạn : Bố mẹ và người thân trong gia đình để thuốc trong tầm tay của các em nhỏ nên các em vô ý uống thuốc. Còn phần lớn các trường hợp nhập viện ở thanh thiếu niên trên 15 tuổi là do các em có ý định tự tử. Một lý do khác là trẻ vị thành viên bị nghiện thuốc giảm đau.

Uống thuốc quá liều là một trong những lý do chính gây tử vong khi một người bị thương. Trên thực tế, điều này xuất phát từ việc bùng nổ việc sử dụng thuốc giảm đau trong dân chúng những năm gần đây. Chính vì thế, chính quyền liên bang Mỹ đã buộc phải gióng hồi chuông báo động về thực trạng nghiện thuốc giảm đau và uống thuốc giảm đau quá liều.

Vidéo clip « Gangnam style » phiên bản Nhật lập kỷ lục Guinness

Vidéo clip « Pen-Peneapple-Apple-Pen » dài 45 giây của DJ Nhật Piko-Taro đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness dành cho bài hát ngắn nhất thế giới. Được trình làng trên Youtube vào tháng 07/2016, vidéo clip này đã được ví như một loại « virus » lan truyền nhanh chóng trên mạng. Fan hâm mộ lớn nhất chính là ca sĩ nổi tiếng Justin Bieber. Ngày 27/09/2016, ngôi sao người Canada có 80 triệu người theo dõi trên trang xã hội Twitter đã viết : « Đây là bài hát yêu thích của tôi trên mạng Internet » kèm theo rất nhiều icon mặt cười.

Từ lâu nay, những thứ kỳ cục chẳng làm ai khó chịu. Không ngoa nếu nói rằng trên Youtube, một thứ vô nghĩa nhất cũng có thể thu hút nhiều người xem và « hái ra tiền ». DJ Kosaka Daimao với biệt danh Piko-Taro hiểu điều đó và đã bắt chước phong cách của người hàng xóm Hàn Quốc Psy trong bài hát « Gangnam style ». Với trang phục họa tiết báo gấm, lời bài hát chẳng làm hại nơ-ron thần kinh của bất cứ ai, phong cách này chẳng giống ai và cũng chẳng khiến ai có thể thờ ơ.

Lời bài hát chỉ có năm câu, tạm dịch là : « Tôi có một cái bút. Tôi có một quả táo. Tôi có một cái bút. Tôi có một quả dứa. Tôi có một cái bút quả dứa ». Minh họa cho lời bài hát là vài cử chỉ và động tác uốn éo người. Ấy thế mà cũng có tới 130 triệu lượt người xem trên Youtube ! Quả đúng là một loại virus ! Nó lan truyền nhanh tới mức nhiều cư dân mạng đã nhại lời bài hát một cách hài hước. Piko-Taro cũng có một phiên bản mới với lời « Một cái chảo, một chút bột, và thế là bạn có một cái bánh Pancake ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.