Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC - THƯƠNG MẠI

Hoa Kỳ : Hiệp định RCEP của Trung Quốc sẽ được lợi nếu TPP thất bại

Chính quyền Obama ngày 04/11/2016 lại lên tiếng cảnh báo về những rủi ro nếu Quốc Hội Mỹ không thông qua Hiệp Định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, cho rằng hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ có thể bị mất đi nếu Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) do Trung Quốc chủ trương có hiệu lực.

Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) do Trung Quốc chủ trương. Hình minh họa.
Hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) do Trung Quốc chủ trương. Hình minh họa. Wikipedia
Quảng cáo

Theo các quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, chỉ riêng tại Nhật Bản, 35 lĩnh vực công nghiệp của Hoa Kỳ với doanh số 5,3 tỷ đô la và 4,6 triệu công nhân, có nguy cơ bị thất thế nặng nề trước các đối thủ Trung Quốc và nước khác.

Khảo sát của Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế Nhà Trắng ước tính rằng với hiệp định RCEP, hàng hóa Trung Quốc sẽ được giảm thuế từ 5-10% khi xuất sang Nhật Bản. Trong khi đó, nếu TPP không được Quốc Hội Mỹ thông qua, các công ty Mỹ sẽ bị Nhật Bản áp mức thuế bình quân cao gấp đôi so với các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc.

Từ lâu nay, chính quyền Obama luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ nắm quyền lãnh đạo kinh tế châu Á, đặt ra những chuẩn mực thương mại thứ cấp cho khu vực, nếu TPP không được thông qua. Bản khảo sát của Nhà Trắng nhằm mục tiêu định lượng các tác động của việc Nhật Bản hạ thuế trong khuôn khổ Hiệp Định RCEP.

Mỹ đã ký TPP với 11 nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, tuy nhiên việc thực thi hiệp định này cần phải được Quốc Hội thông qua. Còn Trung Quốc đang thương lượng RCEP với 16 nước châu Á, trong đó có 7 thành viên TPP gồm Nhật Bản, Úc, New Zealand, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.