Vào nội dung chính
VATICAN - TRUNG QUỐC

Khả năng Vatican nhân nhượng Bắc Kinh quá nhiều gây lo ngại

Cắt đứt bang giao từ năm 1951, Vatican và Trung Quốc dường như đang xích lại gần nhau, nhưng một số người trong giới linh mục, giám mục tại nước này quan ngại là Tòa Thánh nhân nhượng Bắc Kinh quá nhiều, tức là sẽ vẫn chấp nhận để Nhà nước Trung Quốc kiểm soát cộng đồng Công giáo tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Nhà thờ ở làng Bạch Cổ Truân (Bai Gu Tun), tỉnh Thiên Tân, Trung Quốc (ảnh chụp ngày 17/12/2012)
Nhà thờ ở làng Bạch Cổ Truân (Bai Gu Tun), tỉnh Thiên Tân, Trung Quốc (ảnh chụp ngày 17/12/2012) REUTERS
Quảng cáo

Kể từ khi được bầu vào năm 2013, Giáo hoàng Phanxicô vẫn nỗ lực xích lại gần chế độ Cộng sản Bắc Kinh, với hy vọng tái lập mối liên hệ với cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc, mà hiện còn bị chia thành hai khối, một bên vẫn trung thành với Tòa Thánh, còn được gọi là Giáo hội thầm lặng và bên kia là Giáo hội chính thức do Nhà nước lập ra, dưới tên gọi là Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc.

Linh mục người Bỉ, cha Jeroom Heyndrickx, cho AFP biết, vào đầu tháng 11 này, một phái đoàn của Trung Quốc sẽ đến Roma để tham gia “vòng đàm phán cuối cùng” với Tòa Thánh. Trong những tháng gần đây, các đặc sứ Trung Quốc cũng đã nhiều lần đến Vatican để cố giải quyết hồ sơ gay góc nhất, đó là vấn đề bổ nhiệm các giám mục.

Hiện nay, hàng giám phẩm trong “Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc” là do đảng Cộng sản chọn, nhưng không được Vatican thừa nhận, còn bên phía Giáo hội không chính thức thì các giám mục là do Tòa Thánh bổ nhiệm, không được Bắc Kinh công nhận, nhưng cũng không bị cấm hoạt động.

Theo thỏa thuận đang được chuẩn bị, Giáo hoàng sẽ công nhận 4 giám mục của Hội Công giáo Yêu nước trong số 8 vị mà cho tới nay Ngài vẫn không chịu chuẩn y. Như vậy là chính quyền Bắc Kinh sẽ có thể bổ nhiệm các giám mục mới cho giáo phận Sơn Tây và Tứ Xuyên, với sự đồng ý của Vatican.

Hai bên dường như cũng sẽ đồng ý với nhau về thủ tục bổ nhiệm giám mục, cụ thể là Tòa Thánh có thể chấp nhận một cơ chế theo đó quyền bổ nhiệm sau cùng là thuộc Giáo hoàng. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ vẫn chưa giải quyết tình trạng của khoảng 30 giám mục do Vatican bổ nhiệm nhưng không được Bắc Kinh công nhận.

Khi đàm phán như vậy, mong muốn của Vatican là đem lại hòa bình cho nội bộ Giáo hội Công giáo Trung Quốc. Nhưng hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), cựu giám mục Hồng Kông và là nhân vật chống lại việc Vatican xích gần lại Trung Quốc, đã thẳng thừng tuyên bố: “ Không có tự do, không thể có hòa bình”.

Theo cựu giám mục Hồng Kông, nếu Tòa Thánh công nhận Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, nhiều giáo dân của Giáo hội không chính thức sẽ được khuyến khích gia nhập Giáo hội chính thức, nhưng họ sẽ làm điều này một cách miễn cưỡng. Hồng y Trần Nhật Quân cũng lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ cảm thấy là họ được toàn quyền tiêu diệt Giáo hội thầm lặng.

Dầu sao, theo ông Francesco Sisci, nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, sự hòa giải giữa Vatican với Trung Quốc chưa hẳn là sẽ dẫn đến việc tái lập bang giao giữa hai bên, cho dù bản thân Giáo hoàng Phanxicô vẫn mơ một ngày nào đó đến thăm Trung Quốc. Hồng y Trần Nhật Quân ghi nhận Giáo hoàng vẫn rất lạc quan, rất nhiệt tình, nhưng thực tế đôi khi rất cay nghiệt. Cựu giám mục Hồng Kông nghĩ rằng khác với cố Giáo hoàng Gioan Phaolồ đệ nhị, Giáo hoàng Franxicô chẳng hiểu gì về Cộng sản, vì Ngài chưa bao giờ sống dưới chế độ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.