Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Vương quốc Thái, con thuyền cũ trong cơn bão dữ

Đăng ngày:

Sau 70 năm trị vì, quốc vương Bhumibol Adulyade- Rama 9, từ trần ngày 13/10/2016 làm dấy lên mối lo ngại Thái Lan bước vào thời kỳ đầy bất trắc. Dân chúng xúc động, quốc tang kéo dài trong một năm. Một sự kiện bất ngờ đã xảy ra : thái tử Vajiralongkorn không muốn lên ngôi ngay tức khắc. Tương lai vương quốc Đông Nam Á này thêm mờ mịt. Ai sẽ kẻ thủ lợi trong khoảng trống chính trị này, quân đội hay hoàng gia ?

Thái tử Maha Vajiralongkorn (áo trắng, đeo băng tang đen). Ảnh ngày 20/10/2016.
Thái tử Maha Vajiralongkorn (áo trắng, đeo băng tang đen). Ảnh ngày 20/10/2016. Reuters
Quảng cáo

Nước mắt của hàng triệu người Thái Lan đổ ra không phải chỉ vì tiếc thương một vị vua tài đức mà còn biểu hiện mối lo ngại cho tương lai. Trên đây là nhận định của giới phân tích, báo chí quốc tế và Bangkok trong bối cảnh thái tử Maha Vajiralongkorn, cho dù đã được chuẩn bị từ 40 năm nay, bất ngờ xin « một thời gian » trước khi làm lễ đăng quang.

Trong khi chờ đợi, vương triều do đại tướng hồi hưu 96 tuổi, Prem Tinsulanonda, cố vấn thân cận của vua Bhumibol Adulyadej làm Nhiếp chính vương. Từ sau cuộc đảo chính vào tháng 05/2014, quyền lực chính trị nằm trong tay tướng Prayut Chan-O-Cha, lãnh đạo tập đoàn quân sự kiêm thủ tướng.

Trong 9 đời vua của triều đại Chakri, sự kiện « cha truyền con nối » đúng nghĩa gần đây nhất diễn ra vào năm 1901. Đến năm 1946, hoàng tử Bhumibol, được triệu về nước để lên thay hoàng huynh Ananda khi anh trai chết một cách bí ẩn (tự tử hay bị ám sát trong phòng riêng ?).

Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, tốt nghiệp sĩ quan tại Úc, mang cấp bậc tướng trong quân đội, nhưng sống ở Đức từ nhiều chục năm nay và có vẻ không thích lên làm vua.

Báo chí Thái Lan cũng như quốc tế lo ngại cho tương lai của vương quốc. Theo nguồn tin của Bangkok Post, rất có thể thái tử Maha sẽ tạm thời nhận làm « phó vương ».

Theo một nhà báo Tây phương hoạt động tại Thái Lan từ 20 năm nay, vương triều ngày nay như con thuyền cũ kỹ. Tuy được vá đắp nhưng vỏ thuyền đã mục .

Vì sao chuyện có vẻ đơn giản lại trở thành phức tạp? Ai sẽ kẻ thủ lợi trong khoảng trống chính trị này ?

Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok phân tích :

Arnaud Dubus : Đầu tiên hết, rõ ràng nhất là hiện nay chỉ có một người có thể lên ngôi, với điều kiện là người này, thái tử Maha Vajiralongkorn, chấp thuận. Quốc vương Bhumibol đã chính thức chọn người con trai này làm thái tử nối ngôi từ năm 1972.

Giả thuyết trao chiếc vương miện cho công chúa Sirindhorn, được dân Thái yêu mến hơn, cũng đã được nói đến trong nhiều năm qua. Nhưng để đưa con gái lên ngôi, quốc vương phải đề nghị sửa đổi luật truyền ngôi vẫn cấm phụ nữ lên làm vua. Thế mà quốc vương Bhumibol đã không làm khi còn tại thế.

Tiến trình truyền ngôi ở Thái Lan phải qua hai giai đoạn. Giai đoạn một chỉ là thủ tục mang tính pháp lý. Chủ tịch Quốc hội mời thái tử nhận vương miện. Vào đúng thời điểm đó, thái tử Maha Vajiralongkorn trở thành vua.

Bước thứ hai là nghi lễ đăng quang, có thể chờ một vài năm sau. Thế mà thái tử Maha Vajiralongkorn lại không muốn Quốc hội mời ông lên ngôi. Do vậy phải lập ghế « nhiếp chính vương ». Đây là tình huống có một không hai bởi vì vào năm 1934, khi vua Rama 7 thoái vị, một vị vua khác là Ananda, anh trai của quốc vương Bhumibol đã lập tức lên ngôi tuy còn thơ ấu (10 tuổi) và được một nhiếp chính vương hỗ trợ.

RFI : New York Times bi quan : vì vua của dân đã bỏ thần dân cho giới tướng lãnh. Trong khi đó, The Guardian hy vọng trong cái rủi có cái may. Quốc gia Thái sẽ hồi sinh. Có thể dự báo những kịch bản nào có thể xẩy ra trong tương lai ?

Arnaud Dubus : Có ba giả thuyết. Hoặc thái tử Maha Vajiralongkorn tương đối nhanh chóng chấp thuận lời mời của Quốc hội lên ngôi vua, trong hai tháng nữa chẳng hạn. Trong trường hợp này, mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió trở lại và lễ đăng quang sẽ được tổ chức vào độ hơn một năm sau, tức là sau tang lễ một thời gian.

Giả thuyết thứ hai, từ nay đến tang lễ, thái tử vẫn chưa nhận lời. Trong trường hợp này, Thái Lan sẽ đi vào một thời kỳ bất trắc kéo dài và với những căng thẳng chính trị dữ dội hơn.

Kịch bản thứ ba là thái tử từ chối làm vua. Thái Lan sẽ bị cuốn vào một tương lai bất định. Giả thuyết này lại rất có thể xảy ra. Luật nối ngôi sẽ được sửa đổi để có thể trao vương miện cho một thành viên khác của hoàng gia.
Nhưng cũng cần phải nói rõ thêm là theo tuyên bố của thủ tướng Prayut Chan-O-Cha thì nhân vật chắc chắn sẽ lên ngôi là thái tử Maha Vajiralongkorn.

RFI : Truyền thông hay nói là thái tử Maha Vajiralongkorn không được dân chúng mến mộ như phụ vương vừa từ trần. Hư thực ra sao ?

Arnaud Dubus : Đây là vấn đề nhạy cảm ở Thái Lan. Nếu so sánh với vua cha, hoàng hậu và các chị em gái thì thái tử Maha không tham gia vào các họat động, các dự án phát triển của hoàng gia giúp đỡ người dân kém may mắn nhất. Thái tử kết hôn ba lần và ly hôn ba lần và những sự kiện này làm tổn thương hình ảnh của hoàng gia trong lòng người dân Thái luôn xem trọng danh giá bên ngoài.

Thái tử sống tại Đức với người vợ thứ tư. Do vậy, không gần gũi với dân chúng.

RFI : Về phần nhiếp chính vương Prem Tinsulanonda, 96 tuổi, được xem là « bộ não » của quốc vương Bhumibol. Viên tướng giàu kinh nghiệm chính trị này có thể làm gì để giúp Thái Lan không rơi vào khủng hoảng định chế ?

Arnaud Dubus : Nhiếp chính vương Prem Tinsulanonda là một cựu tướng quân đội, nắm ghế thủ tướng trong 8 năm từ 1980 đến 1988. Ông là một đại quan cực bảo thủ và bảo hoàng. Tướng Prem Tinsulanonda giựt dây cuộc đảo chính năm 2006, lật đổ chính phủ của thủ tướng Thatsin Shinawatra, nhà tỷ phú rất được lòng dân nông thôn.

Nhiếp chính vương Prem không có mối giao hảo tốt với thái tử Maha Vajiralongkorn. Theo một số điện thư mà mạng Wikileak tiết lộ, ông Prem Tinsulanonda không ngần ngại chỉ trích thái tử trong các cuộc trò chuyện với giới ngoại giao quốc tế. Đây là một tình thế bất bình thường,với một vị nhiếp chính vương, có chức vụ như là một quốc trưởng lâm thời, và một quốc vương tương lai, không thuận hòa với nhau.

Trong tình hình phức tạp này, chính phủ quân sự ở thế thượng phong. Nhưng các tướng lãnh Thái Lan bị « tréo giò » vì thái độ khước từ làm vua ngay tức khắc của thái tử. Chưa biết tập đoàn quân sự sẽ làm gì để thích nghi với hoàn cảnh ngoài tiên liệu.

RFI : Ai sẽ được hưởng lợi trong tình hình trống vắng chính trị này ? Quốc vương lúc sinh thời được quân đội kính nể vì họ biết quốc vương có dân ủng hộ.

Arnaud Dubus : Rất có thể, trong trung hạn, quân đội sẽ được lợi nhiều nhất. Nếu thái tử lên làm vua thì tân vương sẽ bị phe quân nhân kiểm soát vì họ nắm thực quyền. Thái tử không có uy tín lớn như phụ vương do vậy rất khó làm đối trọng với quân đội. Nếu thái tử từ chối hẳn thì sẽ tạo ra khoảng trống chính trị và chỗ trống này sẽ bị quân đội lấn chiếm. Trong cả hai trường hợp trên, vương triều sẽ yếu dần và quyền lực của quân đội sẽ được củng cố. Một cách cụ thể, hệ quả đầu tiên là bầu cử dự trù vào cuối năm 2017 có thể bị hoãn lại.

Thái Lan có nguy cơ bị chính quyền quân sự cai trị lâu dài

Hình ảnh phe quân đội bị “tréo giò” mà nhà báo Arnaud Dubus mô tả rất có thể là cơ may của Thái Lan. Thái tử và nhiếp chính vương, dường như ý thức được quyền lợi chung, đã thể hiện tinh thần đoàn kết khi tiếp kiến thủ tướng Chan-O-Cha tại điện Dusit. Đây là một thế “chân vạc” trên thượng tầng lãnh đạo, tuy không nói ra. Để phá thế thượng phong của chính quyền quân sự, thái tử không lên ngôi tức khắc, báo hiệu Thái Lan sẽ do ba người quyết định, quân đội chỉ là một thành tố.

Theo tiên đóan của chuyên gia Christian Lewis, thuộc cơ quan Nghiên cứu rủi ro Âu-Á Eurasia Group, thì việc nối ngôi cuối cùng sẽ suôn sẻ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.