Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Bóng đá Trung Quốc : Cuộc « vạn lý trường chinh » khởi đầu nan

Đăng ngày:

Phát triển bóng đá như một ưu tiên của quốc gia đưa Trung Quốc trở thành cường quốc của bóng đá thế giới. Để thực hiện giấc mơ Trung Hoa đó của chủ tịch Tập Cận Bình, tiền đã ùn ùn đổ vào đầu tư cho bóng đá trong nước, cũng như cho các cuộc thôn tính bên ngoài. Giấc mơ vĩ đại của bóng đá Trung Quốc như một cuộc « vạn lý trường chinh » mới chỉ bắt đầu, đó là một sự khởi đầu không dễ dàng.

Đội tuyển Trung Quốc và Syria trong trận đấu vòng loại Cúp Bóng đá Thế giới 2018, Tây An, Trung Quốc ngày 06/10/2016.
Đội tuyển Trung Quốc và Syria trong trận đấu vòng loại Cúp Bóng đá Thế giới 2018, Tây An, Trung Quốc ngày 06/10/2016. REUTERS
Quảng cáo

Ông Tập Cận Bình từ những ngày đầu lên nắm quyền đã khẳng định quyết tâm làm tất cả để Trung Quốc phải có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, một lần Cúp thế giới được tổ chức tại Trung Quốc và tiến tới dành Cúp vàng thế giới. Để thực hiện giấc mơ lớn của lãnh đạo tối cao, đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch 50 điểm để đưa bóng đá Trung Quốc lên tầm cường quốc vào năm 2050. Trong vòng 4 năm, Trung Quốc sẽ có 20 nghìn trường đào tạo bóng đá và môn bóng tròn sẽ phải được phổ cập trong trường học để có được 30 triệu người chơi bóng đá chuyên nghiệp.

Và cũng như để làm hài lòng lãnh đạo, hàng loạt các tập đoàn đã nhanh chóng hưởng ứng đổ cả đống tiền để mua lại các câu lạc bộ bóng đá của châu Âu, hay đưa những ngôi sao hàng đầu của bóng đá thế giới về chơi trong giải vô địch quốc gia. Theo thống kê của Bloomberg, từ năm 2015, hai tập đoàn giầu nhất Trung Quốc Đại Liên Vạn Đạt và Alibaba đã bỏ ta tới 1,7 tỷ đô la cho bóng đá.

Thế nhưng, kết quả đầu tiên của đội tuyển quốc gia đã khiến người hâm mộ và các nhà quản lý ở Trung Quốc thất vọng lớn. Đội tuyển của họ vừa có một chiến dịch vòng loại cho Cúp Bóng đá Thế giới 2018 tệ hại, không một chiến thắng trong bốn trận : Thua Hàn Quốc 2-3, Syria 0-1, hòa Iran 0-0 và thất bại 2-0 trước đội tuyển Ouzbekistan. Cơ hội được tham dự ngày hội bóng đá thế giới 2018 gần như không còn đối với đội tuyển Trung Quốc. Cho đến giờ, bóng đá Trung Quốc mới duy nhất 1 lần được tham dự vòng chung kết Cúp thế giới, đó là vào năm 2002.

Báo chí chính thức của chế độ Bắc Kinh, vốn vẫn thích vuốt ve niềm tự hào dân tộc qua những thành tích thể thao, dường như đã mất kiên nhẫn với trình độ bết bát của đội tuyển bóng đá quốc gia vừa qua, ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích gay gắt đội tuyển quốc gia và cách thức đầu tư cho bóng đá như là ném tiền qua cửa sổ. Trên mục diễn đàn của mình tờ báo đảng Nhân dân nhật báo đặt vấn đề : « Bóng đá Trung Quốc nên chăng phải làm lại từ đầu ?». Còn trên mạng xã hội thì sôi sục mang đội tuyển ra « đánh tơi tả ». Một chặng đường dài mới chỉ bắt đầu nhưng người Trung Quốc đã thất vọng lớn với đội tuyển mà thực lực chỉ có vậy.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, cách làm bóng đá của Trung Quốc là dài hơi, còn phải cần thời gian nữa mới đánh giá đúng được hiệu quả của nó và người hâm mộ cũng như các lãnh đạo Trung Quốc sẽ còn phải mất ít nhất một thập kỷ nữa thất vọng với kết quả của đội tuyển quốc gia.

Theo chuyên gia Marcus Luer, chủ tịch Công ty Tiếp thị Thể thao Total Sport Asia thì bóng đá Trung Quốc có tất cả những yếu tố để thành công. Họ có « nguồn lực con người vô tận, có tiền bạc, có quyết tâm chính trị và các cầu thủ tài năng ». Phần còn lại là « quản lý những yếu tố đó ra sao. Để có được kết quả, trong thể thao thường phải tính đến ít nhất 10 năm ».

Phải chăng bóng đá Trung Quốc đang vỡ mộng lớn làm cường quốc thế giới, hay còn quá sớm để đánh giá một tham vọng dài hơi đó ? Trình độ hiện tại của bóng đá Trung Quốc ra sao ? Tạp chí thể thao Chủ nhật có cuộc trao đổi với chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui.

06:16

Ông Trần Văn Mui

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.