Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - BRICS

Thượng đỉnh BRICS khai mạc trong bối cảnh khó khăn kinh tế

Thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 mở ra trong hai ngày 15 và 16/10/2016 tại Goa, miền tây nam Ấn Độ. Năm nền kinh tế đang trỗi dậy gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi họp thượng đỉnh trong bối cảnh, BRICS không còn sức hấp dẫn như 15 năm trước, khi vừa được hình thành. Ngoại trừ nước chủ nhà là Ấn Độ, kinh tế của bốn đối tác còn lại trong khối đang bị chựng lại.

Thượng đỉnh khối BRICS khai mạc tại thành phố Goa, tây nam Ấn Độ, ngày 15/10/2016.
Thượng đỉnh khối BRICS khai mạc tại thành phố Goa, tây nam Ấn Độ, ngày 15/10/2016. REUTERS/Danish Siddiqui
Quảng cáo

Thông tín viên đài RFI từ New Delhi, Sébastien Farcis giải thích :

« Các nền kinh tế mới trỗi dậy đến dự thượng đỉnh Goa trong tình trạng suy yếu. Nước Nga đang hồi suy thoái do giá dầu khí giảm. Brazil cũng bị ảnh hưởng vì giá nhiên nguyên liệu tụt giảm và cùng lúc, phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Còn tại Trung Quốc, sản xuất công nghiệp đang bị chựng lại.

Nhưng nhóm BRICS vẫn muốn đưa một nền tảng chiến lược hữu ích cho các nền kinh tế đang vươn lên. Nga và Trung Quốc muốn một khối BRICS vững mạnh làm đối trọng với phương Tây.

Còn Ấn Độ, suốt cuối tuần này, sẽ vận động để lên án khủng bố với mục tiêu cô lập Pakistan trên phương diện ngoại giao. Theo quan điểm của New Delhi, Pakistan ủng hộ các nhóm thánh chiến Hồi giáo chống lại Ấn Độ.

Trong lĩnh vực kinh tế, thành công đầu tiên của khối BRICS là đã thiết lập được một ngân hàng đầu tư. Ngân hàng này sẽ tài trợ những dự án đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với tổng số tiền là 735 triệu euro. Ngân hàng đầu tư mới của BRICS cần bơm một khoản tiền hơn 3 tỷ euro để phát triển các cơ sở hạ tầng mới.

Giờ phải chờ xem tình hình tài chính mong manh hiện nay của năm nước này có đủ sức để vượt qua được thách thức đó hay không ».

Hiệp định năng lượng, quốc phòng Ấn – Nga

Bên lề thượng đỉnh BRICS, hôm nay (15/10/2016) tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết các hiệp định trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước được thắt chặt thêm.

Trong số các hiệp định đó, có hiệp định về việc Matxcơva cung cấp cho New Dehli hệ thống tên lửa phòng không mới nhất, S-400. Là quốc gia nhập khẩu thiết bị quốc phòng hàng đầu thế giới, Ấn Độ hiện đang tiến hành nâng cấp các thiết bị quân sự có từ thời Liên Xô, với kinh phí lên tới 100 tỷ đôla, nhằm bảo vệ các đường biên giới với Pakistan, kẻ thù không đội trời chung, và với Trung Quốc, một cường quốc ngày càng hùng mạnh.

Thủ tướng Modi và tổng thống Putin cũng sẽ ký các hiệp định về năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhiên liệu và điện của nền kinh tế Ấn Độ, đang tăng trưởng mạnh.

Vào thời chiến tranh lạnh, Ấn Độ đã là đồng minh quân sự thân cận nhất của Liên Xô và một trong những nước nhập khẩu thiết bị của Liên Xô nhiều nhất. Nhưng trong những năm gần đây, New Dehli đã quay sang mua các thiết bị quân sự của Hoa Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.