Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - KHÔNG GIAN

Bình Nhưỡng quyết chinh phục Mặt trăng, bất chấp đói nghèo

Chính quyền Bắc Triều Tiên dường như vô cảm trước những nghị quyết trừng phạt quốc tế. Càng bị trừng phạt, Bình Nhưỡng càng cho bắn thử tên lửa, thực hiện những công trình tốn kém bất chấp nạn đói “rình rập” ở những vùng xa thành phố.

Một vụ thử động cơ tên lửa đưa vệ tinh địa tĩnh tại Trung tâm Không gian Sohae. Ảnh do KCNA cung cấp không ghi rõ ngày tháng vụ thử.
Một vụ thử động cơ tên lửa đưa vệ tinh địa tĩnh tại Trung tâm Không gian Sohae. Ảnh do KCNA cung cấp không ghi rõ ngày tháng vụ thử. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Theo Philippe Mesmer, đặc phái viên của L’Express (12-18/10/2016), Bình Nhưỡng đã quyết định chinh phục Mặt trăng. Tháng 08/2016, lãnh đạo Kim Jong Un ra lệnh cho các nhà khoa học của Cơ quan Không gian Bắc Triều Tiên (Nada) hoàn thiện một tàu không gian để đưa một người lên cắm quốc kỳ Cộng hoà Dân chủ Triều Tiên trên Mặt trăng vào trước năm 2026.

Căn cứ vào những tiến bộ của quốc gia khép kín này, đặc biệt là vụ thử động cơ tên lửa ngày 19/09/2016, thì thông báo của nhà lãnh đạo trẻ đầy tham vọng có vẻ thực hiện được. Theo các chuyên gia quốc tế, Bình Nhưỡng không dừng ở đó, mà còn nhiều dự án khác, như cải tiến công nghệ tên lửa xuyên lục địa với tham vọng là trang bị đầu đạn hạt nhân.

Trả lời phóng viên tờ L'Express, một nhà ngoại giao tại Bình Nhưỡng nhận định các biện pháp trừng phạt quốc tế vẫn không ngăn cản những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ không gian của Bắc Triều Tiên, vì “chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt áp đặt lên chúng tôi từ vài chục năm nay" .

Lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc

Tuy nhiên, cấm vận quốc tế đã khiến nền kinh tế Bắc Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng minh truyền thống và chiếm đến 90% trao đổi mậu dịch. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 08/2016 về tác dụng của các biện pháp trừng phạt, ngoài đường chính ngạch, Bắc Triều Tiên còn có nhiều hoạt động buôn bán ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, thông qua các công ty thương mại có hoạt động ít nhiều hợp pháp hay núp dưới danh tính giả.

Hậu quả của các nghị quyết trừng phạt quốc tế dường như không để lại dấu ấn trên đường phố Bình Nhưỡng. Những thiếu nữ cắt tóc hiện đại giống ca sĩ của nhóm nhạc pop Moranbong nổi tiếng của đất nước, điện thoại di động gắn chặt tai và đi chợ ở siêu thị trong khu Kwangbok, khai trương từ tháng 01/2012. Các cửa hiệu và nhà hàng nở rộ ở thủ đô Bắc Triều Tiên, nơi người ta có thể ăn bánh pizza, uống rượu vang Ý hay bia Đức.

“Cuộc chiến 200 ngày”

Bên cạnh hình ảnh hoa lệ của Bình Nhưỡng là thực tế “phũ phàng” hơn với những tấm áp-phích cổ động “cuộc chiến 200 ngày” được thực hiện từ sau đại hội Đảng Lao động lần thứ 7 diễn ra vào tháng 05/2016, với lời kêu gọi trở thành “một nền kinh tế lớn theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên thực tế, “cuộc chiến” bắt mọi công dân Bắc Triều Tiên, đặc biệt là quân nhân phụ trách những công trình lớn, làm việc cả tuần. Ngày “Thu hoạch” 15/09 là một ngày lễ truyền thống của Bắc Triều Tiên, thế nhưng các nhóm lao động trên công trường Ryomyong vẫn không được nghỉ. Những người lính, cả nam lẫn nữ, gần như kiệt sức vì làm việc tay chân do thiếu công cụ, phải khẩn trương hoàn thiện toà nhà 70 tầng, cao nhất đất nước, vào tháng 10 để cung cấp chỗ ở cho các nhà khoa học. Vì khoa học giải quyết được các vấn đề về kinh tế, thậm chí cả trong công nghiệp.

Còn ở nông thôn, điện vẫn hiếm. Con trâu cái bừa vẫn là chuẩn mực. Đâu đó người ta nhìn thấy một chiếc máy cày có từ gần nửa thế kỷ nhọc nhằn vượt qua những con đường gồ ghề. Vào mùa thu, những cánh đồng rực rỡ đang chờ được thu hoạch. Thế nhưng, theo Tổ chức Nông-Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), hơn 4/10 người dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng : vào quý 2, khẩu phần ăn hàng ngày do chính phủ phân phát không vượt quá 350 gr, thấp hơn mức 410 gr vào cùng kỳ năm 2015 và vẫn chưa đạt chỉ tiêu 600 gr mà tổ chức Nông-Lương đặt ra. Ngoài các vấn đề về khí hậu, như hai vụ hạn hán năm 2016, ngành nông nghiệp sẽ còn bị tác động vì khai thác quá mức đất canh tác và lạm dụng phân bón hoá học.

Chênh lệnh lớn giữa trung tâm và các khu vực lân cận đã ngấm ngầm nuôi những căng thẳng. Tại Bình Nhưỡng, một đại diện của chế độ nhìn thấy trong sự phồn thịnh là “sự tiên phong của một xã hội mà chúng tôi hướng đến”. Trong khi đó, nhà báo Pháp Philippe Pons lại nhắc đến “một nỗi oán giận sâu sắc đối với tầng lớp được ưu ái và những cán bộ của một hệ thống bị nạn mua quan bán chức gậm nhấm”.

Tinh thần bất khuất của làng Ô Khảm bị Bắc Kinh hạ gục

Chuyển sang Trung Quốc, Ô Khảm (Wukan), ngôi làng nhỏ ở tỉnh Quảng Đông, biểu tượng cho các cuộc bầu cử dân chủ và phản đối tham nhũng vào năm 2012, trở thành mục tiêu đàn áp của Bắc Kinh. Theo một nhà báo Hồng Kông, thuộc tờ Duanchuanmei (The Initium) và được Courrier international trích dẫn, Trung Quốc không dễ gì nhân nhượng mọi tư tưởng dân chủ.

Năm 2012, dân làng Ô Khảm sống trong hy vọng. Đứng đầu là những thanh niên gan dạ, dân làng đã loại bỏ được những thành viên tham nhũng và độc đoán trong chi bộ đảng của làng. Họ chuẩn bị tổ chức bầu cử dân chủ và nuôi hy vọng có thể lấy lại được những mảnh đất bị ép bán. Vào thời kỳ đó, chính quyền Bắc Kinh đang trải qua một giai đoạn tế nhị, lãnh đạo địa phương tỏ thái độ hòa giải và câu chuyện của ngôi làng bên bờ biển trở thành một biểu tượng.

Thế nhưng, câu chuyện đẹp lại không có kết cục như mong muốn. Sau các cuộc bầu cử được đưa tin rầm rộ vào tháng 02/2012, những người hùng đại diện cho hy vọng lại không có chiếc đũa thần kỳ; họ không có phương tiện để đáp ứng những nguyện vọng của dân làng. Tác giả bài báo cho biết, chỉ cần đi một vòng quanh làng là có thể nghe được những lời phàn nàn và thất vọng.

Giai đoạn “tự chủ” của Ô Khảm chỉ diễn ra trong thời gian hoài nghi và không rõ ràng trong bối cảnh chuyển đổi. Ngay sau khi Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc năm 2012, những người đứng đầu phong trào biết rằng sớm muộn thời điểm thanh toán cũng sẽ đến. Một người, tranh thủ chuyến du lịch sang Hoa Kỳ, đã xin tị nạn chính trị. Hai cựu anh hùng của cuộc đấu tranh, Thụy Hồng Chiếu (Hong Ruichao) và Dương Sắc Mạo (Yang Semao) bị tống giam. Cuộc biểu tình vào tháng 09/2016 của dân làng nhanh chóng bị dập tắt và không thay đổi được tình hình. 

Chính xu hướng đàn áp, bắt bớ này cũng khiến giới luật sư bảo vệ nhân quyền, các tổ chức dân sự, các trí thức đại diện cho quá trình từng bước tự do hóa tại Trung Quốc lần lượt bị suy yếu. Riêng những nhà báo tham gia vào quá trình gọt giũa “mô hình Ô Khảm” phải chịu những quấy rối chưa từng có. Những người từng đưa tin, làm phóng sự điều tra hay chỉ trích lần lượt thay đổi công việc hay bị mất tích. Người dân dường như bị tước mọi khí giới trước cơ quan công quyền dù ở bất kỳ cấp độ nào.

Giải mã chứng tự kỷ

Trên lĩnh vực y tế, số lượng người mắc chứng tự kỷ tăng nhanh một cách đáng báo động trong vòng 50 năm gần đây. Hiện tại Mỹ, cứ 68 trẻ em có một em bị tự kỷ, trong khi tỉ lệ này là 1/100 trong thập niên 1990 và 1/5.000 trong những năm 1970.

Theo cảnh báo của các nhà khoa học nổi tiếng, được tuần báo L’Obs trích trong bài viết « Phải chăng đang có 'dịch' tự kỷ ? », những tác hại do ô nhiễm hóa học có mối liên hệ với chứng rối loạn này. Trong khi Hoa Kỳ là nước duy nhất trên thế giới thống kê chi tiết về căn bệnh, việc này vẫn còn hiếm tại một số nước phát triển, như Anh, Pháp, Hàn Quốc…

Phải nói là quan niệm về chứng tự kỷ ngày nay khác với phát hiện đầu tiên vào năm 1943 của nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em người Mỹ Leo Kanner. Với nhà nghiên cứu Mỹ, chứng rối loạn này được « gắn » cho những trẻ có cử chỉ lặp lại, hoảng sợ khi tiếp xúc và thay đổi, không có khả năng giao tiếp. Ngày nay, các triệu chứng tự kỷ gồm cả hội chứng rối loạn phát triển Asperger, có nghĩa là những người có trí thông minh cao, có khiếu tính nhẩm hay học ngoại ngữ, hay những trẻ thiểu năng trí tuệ và xã hội.

Theo nhận định của ông Michael Rosnoff, giám đốc khoa học của hội Autisme Speaks, trẻ em da trắng xuất thân trong các gia đình khá giả dường như bị mắc chứng này nhiều hơn là trẻ em da đen hay gốc Tây Ban Nha. Cha mẹ của những em này thường được thông tin tốt hơn và giúp các em được điều trị tốt hơn.

Vậy đâu là những nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn này ? Trước hết là yếu tố di truyền. Tiếp theo là tuổi của cha mẹ : « Trở thành cha khi tuổi cao cũng có nhiều rùi ro » là lời cảnh báo của bác sĩ nhi khoa di truyền học Arnold Munnich, về phía người mẹ « rủi ro còn rõ ràng hơn ». Ngoài ra, rất nhiều nhà khoa học cũng nhắc đến yếu tố ô nhiễm môi trường. Phụ nữ bị tiếp xúc nhiều với phân bón hóa học có tỉ lệ sinh con mắc chứng tự kỷ cao hơn. Hút thuốc lá và uống rượu trong thời gian mang thai cũng gây nguy hiểm và tăng nguy cơ rối loạn cho bào thai.

Theo lời khuyên của nhà nghiên cứu Barbara Demeneix, thuộc Bảo tàng Con người Paris, « các bà mẹ tương lai nên cố ăn tối đa thực phẩm sạch, hạn chế dùng mỹ phẩm, tắm bằng các loại xà phòng, sử dụng các chất tẩy vô hại. Vì khi tiếp xúc với các loại kem, chất tẩy rửa, bột giặt, phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm các phân tử hóa học cao gấp 6 lần đàn ông ». Cuối cùng, phải nhắc đến i-ốt, chất có chức năng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển não.

Coca-cola, chất nghiện của người Mêhicô

Mêhicô chỉ đứng sau Mỹ về tỉ lệ người mắc bệnh béo phì. Người dân nước này ngày càng trở nên nghiện và uống không kiềm chế loại nước soda có đường, đến mức bùng nổ số người mắc bệnh tiểu đường (diabetes).

Theo nhật báo El País (Tây Ban Nha), được Courrier international (số 1354) trích dịch, nhiều cộng đồng thiểu số và nghèo khó, trong đó có người mazahua, có tỉ lệ người béo phì và mắc tiểu đường cao nhất Mêhicô. Có những ngôi nhà không có nước sạch, nhưng trên bàn luôn có những chai coca dung tích lớn. Họ mời nhau bằng loại nước uống có đường này và từ chối lời mời luôn là một điều khiếm nhã.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người Mêhicô là những người tiêu thụ soda nhiều nhất, trung bình hàng năm mỗi người uống 163 lít và có tỉ lệ chết vì bệnh tiểu đường cao nhất Nam Mỹ. Nếu như trước đây, tiểu đường chỉ là bệnh di truyền, thì trong vòng 6 năm gần đây, một nửa triệu người Mêhicô chết vì căn bệnh này.

Điều đáng nói là bệnh tiểu đường có thể điều trị được, nhưng do thiếu cơ sở chăm sóc và chi phí điều trị cao, không được bảo hiểm xã hội hoàn trả, người dân đành « sống chung » với căn bệnh này. Tại một số địa phương, phải mất một tiếng đi bộ để đến trạm xá duy nhất, hoặc hơn 1 giờ đi xe hơi để đến được bệnh viện gần nhất. Thế nhưng, chi phí xét nghiệm và điều trị bệnh tiểu đường khá đắt so với đời sống của người dân, từ 2.000 đến 6.000 peso/buổi (285 euro). Năm 2017, Mêhicô đã chi đến 5,6 tỉ đô la để điều trị bệnh tiểu đường.

Như một số nước khác, Mêhicô đã đánh thuế vào các loại nước uống có đường (soda). Nhưng cho đến giờ, chỉ có kho bạc nhà nước là có lợi, trong khi lượng tiêu thụ soda vẫn không hề giảm.

Hồi giáo hệ phái Salafi nở rộ tại Pháp

Còn tại Pháp, sau những « nhà tiên phong » ngoại quốc, một thế hệ Hồi Giáo salafi mới bắt đầu hình thành ngay trong lòng đất nước. Trường học, hiệu sách, internet, những thành phần cực đoan của đạo Hồi liên tục phát triển cách thức tuyên truyền tư tưởng của họ.

Theo tuần báo L’Express, có khoảng 50 ngôi trường Hồi giáo salafi với khoảng vài nghìn học sinh trên toàn lãnh thổ Pháp. Giữa những năm 2000, Liên hiệp các Hiệp hội Hồi giáo Pháp (UOIF) đưa ra ý tưởng lập các trường tiểu học và trung học cơ sở để đào tạo « tinh hoa » nhằm hình thành những mạng lưới có ảnh hưởng trong xã hội. Tuy nhiên, đối với bộ Nội Vụ Pháp, « việc lập các cơ sở trên sẽ dẫn đến kết quả là thái độ ly khai đối với xã hội ».

Ngoài giảng đạo tại đền thờ Hồi giáo, các tu sĩ salafi còn có kênh truyền đạo riêng trên internet, thông qua các blog, website, Youtube hay Facebook để có thể đến được những nhóm nhỏ sống tản mát trên khắp nước Pháp.

Từ sau loạt khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, những tín đồ salafi, bị cáo buộc có hệ tư tưởng giống những kẻ khủng bố, đã cố tỏ ra ôn hòa. Tuy nhiên, theo bài báo, sau nhiều năm không quan tâm, người dân Pháp tỏ ra cảnh giác hơn với những người và các nhóm Hồi giáo hệ phái salafi. Điều này có nguy cơ dẫn đến việc tín đồ salafi sống kín đáo hơn và như vậy, càng khó đánh giá được sức ảnh hưởng của họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.