Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - NGA

Chủ quyền Kuril : Tokyo đổi chiến thuật đòi lại biển đảo

Chính phủ Shinzo Abe đang xem xét một phương án mới để ký với Matxcơva một hiệp định hoà bình cũng như thỏa thuận thu hồi hai trên bốn đảo trong quần đảo Kuril đang bị Nga kiểm soát từ thế chiến thứ hai. Tokyo thẩm định thời cơ thuận lợi đã đến.

Tổng thống Nga  Vladimir Putin (T) và thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Sochi, Nga, ngày  6/05/2016.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Sochi, Nga, ngày 6/05/2016. Sergei Guneev/Sputnik/Kremlin via Reuters
Quảng cáo

Theo hãng tin Jiji trích dẫn một nguồn tin chính phủ Nhật, thủ tướng Shinzo Abe hy vọng có thể giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo kéo dài từ nhiều thập niên với Matxcơva từ thời Liên Xô cũ.

Nhà lãnh đạo, mang đai đen Judo hai đẳng, đang cân nhắc một chiến thuật ôn nhu mềm dẻo để tiếp cận hồ sơ « lãnh địa phương bắc » nằm ở phía bắc Hokkaido (Bắc Hải Đạo), bị Hồng quân lợi dụng thời cơ chiếm lấy vào lúc quân đội Thiên Hoàng thua trận.

Vào tháng 11 tới, thủ tướng Nhật Bản sẽ gặp tổng thống Nga bên lề Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Châu Á Thái Bình Dương APEC tại Peru và tháng 12 sau đó là Thượng đỉnh Nhật-Nga tại Nagato, Nhật Bản.

Theo nguồn tin chính phủ, Tokyo dự trù qua hai cơ hội thảo luận này, một là sẽ đạt được hiệp định hoà bình với Matxcơva để « chính thức kết thúc thế chiến thứ hai giữa Nga và Nhật ». Mục tiêu thứ hai là đạt được một thỏa thuận với Nga « thu hồi » hai đảo nhỏ là Habomai và Shitokan nằm sát Hokkaido. Còn hai đảo lớn là Etorofu và Kunashiri, chính thủ Abe sẽ đề nghị với Nga cùng « quản lý » chung với sự giúp đỡ của Tokyo phát triển kinh tế và du lịch. Còn chuyện thương thuyết để đòi lại hai đảo này sẽ tính sau. Dân chúng Nhật cũng sẽ được chính phủ khuyến khích du lịch, thăm viếng.

Thái độ của Nga từ khi Putin lên cầm quyền đến nay là luôn luôn từ khước mọi đề nghị thương thuyết về bốn đảo mà Nhật gọi là « lãnh địa phương bắc ». Theo giới phân tích, ngoài lý do tài nguyên thiên nhiên dồi dào từ hải sản cho đến dầu khí, quần đảo Kuril còn có địa thế chiến lược. Không kiểm soát Kuril, hải thuyền của Nga từ Vladivostok không thể đi ra Thái Bình Dương. Vào mùa đông, biển Okhoskt đóng băng, tàu phải đi vòng xuống phía nam để ra biển khơi.

Vào tháng 07/2009, Hạ viện Nhật biểu quyết một đạo luật khẳng định « chủ quyền trên bốn đảo » và tuyên bố « sẽ bằng biện pháp sớm nhất thu hồi bốn đảo, lãnh thổ bất khả phân ».

Thời cơ

Tuy nhiên trước thái độ cứng rắn của chính quyền Putin cũng như phản ứng quyết liệt của xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở hai nước, Tokyo thay đổi chiến thuật để vượt qua bế tắc, chia nỗ lực đòi lại chủ quyền thành hai giai đoạn : hoà bình và lấy lại đảo nhỏ trước, còn hai đảo lớn khoan nói đến.

Cũng theo nguồn tin chính phủ Nhật thì cơ may đạt được thỏa thuận với Nga tăng cao vì thời cơ thuận lợi. Một là vì Nga, sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, đang gặp khó khăn kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Tây phương. Matxcơva kêu gọi Tokyo hợp tác. Ngoài ra, hai ông Shinzo Abe và Vladimir Putin đã sưởi ấm quan hệ đôi bên và cho rằng trong khi Hoa kỳ đang bận tâm bầu cử, tạo ra « khoảng trống chính trị thế giới », sẽ rất thuận lợi cho Nhật cơ may đạt được một thỏa thuận với Nga.

Công luận Nhật

Tuy nhiên, theo hãng tin Jiji, thủ tướng Shinzo Abe được cảnh báo coi chừng phản ứng của công luận Nhật vì hai đảo lớn, rộng 10.000 km vuông, chiếm đến 93% diện tích chung bốn đảo. Họ khó có thể chấp nhận giải pháp « chờ cho mai sau ».

Hơn thế nữa, ngay những người lạc quan nhất cũng không dám tin rằng Nga sẽ trả lại hai đảo Etorofu và Kunashiri sau khi ký được hiệp định hoà bình với Nhật. Một trợ lý của thủ tướng nhận định : chúng ta không thể chờ Nga trao trả hải đảo, đặc biệt là Etorofu đã được quân sự hóa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.