Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ

Ấn Độ : ‘‘Make in India’’ bước đầu thành công

Về thời sự châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay, 05/10/2016, có bài nhận định về thành công bước đầu của chính sách « Make in India » (Sản xuất tại Ấn Độ), được thủ tướng Modi khởi sự cách nay vừa tròn hai năm. Trung Quốc lo ngại việc các nhà đầu tư nước này ồ ạt chuyển cơ sở sản xuất sang nước láng giềng Nam Á.

Buổi khởi động sáng kiến "Make in India", New Delhi, ngày 25/09/2014.
Buổi khởi động sáng kiến "Make in India", New Delhi, ngày 25/09/2014. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Bài « Kế hoạch ‘‘Make in India’’ đã có những kết quả đầu tiên » mở đầu với câu hỏi : Sau khi nhấn chìm Ấn Độ trong biển giầy dép, đèn, đồ chơi và đủ loại hàng hóa tiêu dùng khác, phải chăng sẽ đến lượt Trung Quốc bị các sản phẩm Ấn Độ chinh phục ? Báo động của tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, được báo chí Ấn Độ đăng tải rộng rãi, có đoạn : « Bắc Kinh cần phải xem xét một nguy cơ rất có thể trở thành hiện thực là Trung Quốc sẽ mất nhiều việc làm, nếu các tập đoàn điện thoại di động chuyển cơ sở sang Ấn Độ ».

Dù hiện tại chưa phải một làn sóng di chuyển ồ ạt, mà chỉ là một đợt sóng nhẹ, nhưng có thể nói chương trình « Make in India », nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển sản xuất tại địa phương của thủ tướng Narendra Modi đã kéo được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Ví dụ như hãng Hoa Vi (Huawi) vừa khánh thành tuần này một cơ sở sản xuất tại miền nam Ấn Độ. Hãng điện thoại di động Trung Quốc có tham vọng sản xuất tại Ấn Độ 3 triệu chiếc từ đây tới năm 2017. Hoa Vi cũng nối tiếp Xiaomi, với việc sản xuất ngay tại Ấn Độ những phụ kiện, trước đây vốn được nhập từ Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư vào Ấn Độ gấp sáu lần so với năm 2014, với số tiền là 870 triệu đô la. Tuy nhiên, số đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm 2,2% của tổng số 32 triệu đô la năm 2015 (tăng 26% với năm trước). Rõ ràng là Trung Quốc không muốn để bị chậm chân so với rất nhiều tập đoàn điện tử tin học quốc tế như GE, Siemen, Vodafone, Google hay Microsoft.

Theo ngân hàng Nhật Japan Bank for International Cooperation (JBIC), Ấn Độ giờ đây đang trở thành một trong các hướng ưu tiên của vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Riêng trong tháng 9/2016 vừa qua, đơn đặt hàng các sản phẩm tại Ấn Độ tăng với tỉ lệ cao nhất trong vòng 14 tháng, bất chấp việc chỉ số sản xuất công nghiệp PMI hạ xuống 52,1 (so với 52,6 của tháng 8).

Theo các nhà kinh tế, để đạt mục tiêu tạo được 90 triệu việc làm, từ nay đến 2025, Ấn Độ phải loại bỏ được các yếu tố kìm hãm nền công nghiệp địa phương, đặc biệt là vấn đề nợ xấu, lãi suất cho vay quá cao. Theo một chuyên gia của Capital Economists, tình hình có vẻ cải thiện sau khi Quốc Hội bỏ phiếu thông qua luật về thuế Tài sản và Dịch vụ (Good and Service Tax). Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề này, Ấn Độ còn phải đối mặt với tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém.

Ân xá thuế mang lại gần 4 tỉ euro

Theo Le Monde, để có thêm tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chính phủ Modi có chính sách ân xá thuế đối với những người không khai báo tài sản tại nước ngoài. Chương trình kéo dài 14 tháng chấm dứt hôm 30/09. Hơn 64.000 công dân Ấn Độ đã khai báo tổng cộng 625 tỉ rupi, tương đương 8,7 tỉ euro. Năm tới, New Delhi dự kiến sẽ có thêm gần 4 tỉ euro tiền thuế từ các tài sản mới khai báo.

Chiến dịch nói trên được Le Monde đánh giá là « thành công vừa phải ». Rất nhiều người Ấn cất giữ tài sản ở nước ngoài mà không muốn khai báo, một phần do thuế quá cao. Le Monde nêu một số ví dụ được coi là thành công hơn trong thời gian gần đây, nhờ biện pháp ân xá thuế, đó là Indonesia với tổng tài sản khai báo 246 tỉ hay Achentina với 71 tỉ euro.

Syria : Rất ít khả năng Mỹ can thiệp

Khả năng tìm ra giải pháp hòa bình cho Syria rơi vào bế tắc với việc Mỹ Nga cắt đứt đối thoại là một tiêu điểm thời sự quốc tế của Le Monde. Hợp tác giữa hai siêu cường quân sự trở lại mức tối thiểu, tức tránh đụng độ giữa các phi cơ quân sự. Dân cư phía đông thành phố Aleppo đang bị bỏ mặc cho bom đạn của quân đội Damas và Nga.

Bài tổng hợp « Washington cắt đứt với Nga trong vấn đề Syria » dự báo, cho dù các thiệt hại nhân mạng và chính trị do các cuộc tấn công tại Aleppo là khủng khiếp, nhưng rất ít có khả năng tổng thống Obama xem xét lại quan điểm « không can thiệp », ba tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Trong bài diễn văn từ biệt tại Liên Hiệp Quốc hôm 15/09, tổng thống Mỹ khẳng định « không có bên nào có thể giành được thắng lợi quyết định tại Syria ».

Đối với phía Nga, mấu chốt của vấn đề là thái độ không rõ ràng của Mỹ đối với lực lượng Mặt Trận Al Norsa, thề trung thành với Al Qaida. Lực lượng này vừa tuyên bố tách khỏi Al Qaidavà đổi tên là Fatah Al Cham. Hôm thứ Hai, 03/10, bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết hạ thủ một lãnh đạo Mặt Trận Al Norsa cũ, như một dấu hiệu cho thấy thái độ dứt khoát của Washington. Hiện tại, Nga chưa có phản ứng.

Cùng với quyết định cắt đứt đối thoại, quan hệ Mỹ-Nga ngày càng trở nên căng thẳng, với việc Nga bãi bỏ thỏa thuận năm 2000 về ngừng tái sử dụng plutonium vì mục tiêu quân sự, hay quyết định sử dụng căn cứ không quân Hmeimim, Syria, « với thời gian không hạn chế ».

Aleppo : Sự tàn bạo của Nga

Về tình hình tại Aleppo, nơi chiến sự diễn ra hết sức dữ dội trong những tuần gần đây, báo Le Figaro cho biết, « để hạ được Aleppo, Nga sử dụng cùng một chiến thuật quân sự, hết sức tàn bạo, đã được dùng tại Tchetchenia ». Đủ loại bom đã được không quân Nga sử dụng để hậu thuẫn cho quân đội Damas, như bom chùm, bom phốt pho, bom mang theo vũ khí, bom khoan hầm…

Le Figaro dẫn lời nhà sử học Pháp Michel Goya, chiếm lại Aleppo là ưu tiên trong chiến lược quân sự của Matxcơva tại Syria. Và điều này đã hội đủ điều kiện « về mặt chính trị » khi tổng thống Nga và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận. Nga chấp thuận cho Thổ Nhĩ Kỳ lập vùng đệm tại phía bắc Syria, ngược lại Ankara đồng ý để Matxcơva tiến chiếm Aleppo, và hậu thuẫn cho Bachar al-Assad tiếp tục làm tổng thống. Vẫn theo nhà sử học Goya, cộng đồng quốc tế đã thất bại khi để Nga tham chiến tại Syria, « điều muốn làm đáng lẽ phải làm từ trước, giờ đã quá muộn ».

Cũng về Syria, báo La Croix thương xót « Cư dân phía đông Aleppo bị kẹt giữa hai chiếc bẫy ». Chiếc bẫy thứ nhất là các khu phố bị tấn công, nơi 250.000 cư dân, trong đó có 100.000 trẻ em vẫn đang bị bao vây. Tuy nhiên, một khi có được phép ra khỏi thành phố, họ cũng chưa biết đi về đâu. Thổ Nhĩ Kỳ là gần nhất, nhưng nước này đã quyết định đóng cửa biên giới, với một bức tường bê tông dài 200 km, cao ba mét, dày hai mét. Tường dự kiến sẽ kéo dài 900 km.

Con đường đến Liban vô cùng xa xôi, người tị nạn phải vượt qua rất nhiều khu vực thuộc quyền kiểm soát của các lực lượng đối địch. Liban cũng đã quá tải, bởi người tị nạn Syria chiếm ¼ dân số nước này. Đại diện của HRW tại Liban kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ Liban, để quốc gia đang trong tình trạng hết sức khó khăn này có thể tiếp tục thực hiện được nghĩa vụ hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh.

3.000 người cứu trợ nhân đạo đáng Nobel Hòa bình

Vẫn liên quan đến Syria, Les Echos dẫn ý kiến của nhật báo Ý Corriere Della Sera, đề nghị nên trao giải Nobel Hòa Bình cho 3.000 người thuộc lực lượng tình nguyện cứu hộ nhân đạo, làm việc không quản thân mình tại Syria. Mới đây truyền thông đặc biệt chú ý đến hình ảnh em bé Omran được một người tình nguyện « mũ trắng » cứu thoát khỏi đống đổ nát, do bom đạn.

Hồi tháng 9/2016, những người Mũ Trắng đã được trao giải Right Livelihood Award, được coi là tương đương với giải Nobel, do một nghị sĩ Thụy Điển lập ra cách nay 30 năm.

Hậu Brexit : Giải mã lập trường của Anh

Về thời sự châu Âu, báo chí Pháp tìm cách giải mã lập trường Brexit của nữ thủ tướng Anh Theresa May. Xã luận Le Monde, với tựa đề « Theresa May, hơi hướng của một quan điểm Brexit cứng rắn », nhận định, thông tin rõ ràng duy nhất mà thủ tướng Anh đưa ra trong phát biểu hôm 02/10 vừa qua là thời điểm khởi động thủ tục rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, trước cuối tháng 3/2016. Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn có lẽ là thủ tướng Anh muốn « ly dị » với châu Âu theo cách nào : chia tay hoàn toàn hay vẫn còn duy trì một quan hệ đặc biệt ?

Theo Le Monde, với quan điểm một nước Anh « Global Britain », thủ tướng May dường như đang ngả theo phe bảo thủ muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ với châu Âu, cụ thể là chia tay hoàn toàn với « thị trường châu Âu thống nhất ». Điều đó có nghĩa là các công dân châu Âu cũng không được phép đi lại tự do qua Anh như trước. Một vấn đề khác hiện còn để ngỏ là việc liệu Anh có rút khỏi liên minh thuế quan với Liên Hiệp Châu Âu hay không ?

Nếu Anh rời khỏi châu Âu hoàn toàn để trở thành một « Singapore tại eo biển Manche », thì vấn đề rất đơn giản. Quan hệ thương mại giữa các nước châu Âu và Anh sẽ phải tuân thủ các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Ngược lại, vấn đề trở nên phức tạp với châu Âu hơn nhiều, nếu Anh muốn duy trì một « chế độ đặc biệt », bởi giải pháp này để ngỏ cho khả năng một số thành viên khác của Liên Hiệp sẽ nối gót nước Anh.

Anh và Liên Hiệp Châu Âu có sáu tháng để chuẩn bị các đề nghị thương thuyết, trước khi thủ tục ly dị được khởi sự.

Pháp : Kế hoạch cứu Alstom bị lên án

Trở lại tình hình nước Pháp, vụ chính phủ Pháp thông báo một kế hoạch tài trợ quy mô nhỏ, để cứu cơ sở Belfort của công ty vận tải Alstom, bị rất nhiều chỉ trích. Chính phủ quyết định mua 15 tầu cao tốc TGV để sử dụng trên hai tuyến đường Bordeaux-Marseille và Montpellier-Perpignan, vốn không phải là đường cao tốc.

Tờ báo thiên hữu Le Figaro lên án với hàng tựa mỉa mai : « Alstom : chủ nghĩa cơ hội tranh cử tốc độ cao ». Còn Libération nhận xét : « Vụ Alstom là một ví dụ hoàn hảo cho thấy chính sách thay đổi như chóng chóng của chính quyền trong lĩnh vực công nghiệp trong thời gian gần đây ». Tờ báo thiên tả than thở, « Chính giới hoàn toàn không còn quan tâm đến công nghiệp, trừ khi sắp phải bước vào một cuộc bầu cử quan trọng, lúc đó thì ứng cử viên nào cũng sẽ đội lên đầu chiếc mũ công trường… Dần dần với thời gian, Nhà nước mất vai trò của nhà hoạch định chiến lược, mà chỉ còn làm công việc của lính cứu hỏa ».

Tuy nhiên, Libération cũng chú ý đến một tin lạc quan, đó là một báo cáo mới đây cho thấy số lượng cơ sở công nghiệp tại Pháp đã ổn định, sau thời kỳ 7 năm liên tục suy giảm mạnh. Tuy nhiên, khu vực này hiện vẫn còn chưa tạo được nhiều việc làm.

Pháp : Thực phẩm sạch phát triển mạnh

Trong lĩnh vực thực phẩm, Libération cho biết hàng Bio tức « thực phẩm sạch/tự nhiên » hay « đồ hữu cơ/organic » (tức sản phẩm của nông nghiệp không phân bón hóa học, thuốc trừ sâu) phát triển mạnh trong năm nay. Trong quý một 2016, thị trường nay tăng 20%. Dự kiến năm 2016, tổng doanh thu là 6,9 tỉ, tăng 1 tỉ so với cùng kỳ. Thực phẩm organic tăng mạnh tại Pháp là điều rất đáng chú ý, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp nhìn chung gặp khó khăn.

Trong sáu tháng đầu tiên năm nay, mỗi ngày lại có thêm 21 nông trại thực phẩm tự nhiên mới ra đời, với tổng số hơn 31.000 nông trại tính đến tháng 6. Theo dự kiến của cơ quan Agence Bio, từ nay đến cuối năm, diện tích đất trồng thực phẩm organic sẽ vượt quá 1,5 triệu hecta, chiếm hơn 5,8% đất nông nghiệp Pháp.

Tăng trưởng của thực phẩm sạch đặc biệt mạnh trong ngành chăn nuôi bò sữa, lĩnh vực đặc biệt bị khủng hoảng giá sữa ảnh hưởng. Hiện tại ngành thực phẩm sạch sử dụng tổng cộng 100.000 lao động.

Theo thăm dò dư luận của Agence Bio CSA/2015, 78% người Pháp cho rằng nông nghiệp không thuốc trừ sâu, phân hóa học là « một giải pháp cho các vấn đề môi trường ». 63% ủng hộ việc sử dụng để « bảo vệ sức khỏe », và 56% cho rằng thực phẩm này « ngon hơn ».

Ra mắt tập 8 Harry Potter

Báo La Croix giới thiệu với thính giả cuốn truyện mới về Harry Potter, chín năm sau khi thiên tiểu thuyết dài tập kết thúc. Thiên truyện Harry Potter rất rất hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt qua 7 tập phim, cho dù nhân vật cậu bé học làm phù thủy nay đã 37 tuổi. Hơn 450 triệu cuốn Harry Potter đã được bán trên thế giới. Tập 8 Harry Potter sẽ chính thức ra mắt độc giả Pháp đêm 13 qua ngày 14/10, vào đúng nửa đêm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.