Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Ngân hàng Trung Quốc đứng trước « đại họa »

Đăng ngày:

Bắc Kinh có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính ngân hàng trong ba năm sắp tới. Nợ Trung Quốc cao gấp ba lần so với mức báo động của Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế BIS/BRI. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime Trung Quốc là quả bom đang cận kề, với sức công phá nguy hiểm hơn so với khủng hoảng 2007 ở Mỹ.

Một chi nhánh Ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc ở Thượng Hải (ảnh chụp ngày 28/08/2014)
Một chi nhánh Ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc ở Thượng Hải (ảnh chụp ngày 28/08/2014) JOHANNES EISELE / AFP
Quảng cáo

Vụ Lehman Brothers vỡ nợ vào tháng 9/2008, với những hậu quả vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục, không thấm vào đâu so với những gì sẽ xảy tới nếu ngành tài chính ngân hàng Trung Quốc vỡ tung.

Sau một loạt các tiếng chuông báo động từ phía Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, từ phía Viện Nghiên Khoa Học Xã Hội của Trung Quốc, ngày 18/09/2016 đến lượt Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế BIS/BRI cảnh cáo Bắc Kinh trước nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong vòng ba năm sắp tới.

Căn cứ vào tỷ lệ tín dụng so với tổng sản phẩm nội địa, Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế chỉ ra rằng, với Trung Quốc chỉ số đó đã lên tới 30,1 % trong quý 1/2016, biến nước này thành mối lo ngại hàng đầu trong số 43 quốc gia được BIS/BRI quan tâm trong báo cáo 2016, đứng trước cả Mỹ, Hy Lạp hay Anh Quốc.

Nợ tăng quá nhanh, trong thời gian quá ngắn

BIS/BRI quy định một nền kinh tế đứng trước nguy cơ khủng hoảng ngân hàng tài chính nếu như tỷ lệ tín dụng vượt quá ngưỡng 10 % so với GDP. Trong trường hợp của Trung Quốc, chỉ số này đã cao gấp ba lần mức báo động. Điều đáng lo ngại hơn cả trong mắt các chuyên gia Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế là mức nợ của của Trung Quốc đã tăng quá nhanh trong một thời gian quá ngắn.

Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Khoa Học Xã hội Trung Quốc, tổng số nợ của nước này vào cuối năm 2015 đã lên tới 168.480 tỷ nhân dân tệ, tức 25.000 tỷ đô la, tương đương với 249 % GDP của nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới.

Tháng 8/2016 bốn ngân hàn thương mại Trung Quốc được đặt dưới sự quản lý của nhà nước cũng đã báo động vì nợ khó đòi tăng quá nhanh trong ba tháng đầu năm. Trong ba năm qua, ngân hàng nhà nước đã phải xóa nợ 300 tỷ đô la. Một chỉ số không mấy lạc quan khác là theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cuối 2008 nợ của Trung Quốc tương đương với 147 % GDP của quốc gia này. Cuối 2015 tỷ lệ đó đã vọt lên tới 255 %. Thêm vào đó là cách nay 8 năm Trung Quốc cần huy động 1,5 đô la để tạo ra 1 đô la tài sản. Giờ đây Trung Quốc cần đến 3 đô la mới có thể tạo ra thêm được một đô GDP. Nói cách khác năng suất của đồng tiền đổ vào guồng máy sản xuất Trung Quốc đã tuột dốc đáng kể.

Trả lời đài RFI Việt ngữ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu lên những yếu tố mới trong toàn cảnh Trung Quốc gây lo ngại, nhưng trước hết ông nhắc lại bức tranh u ám với hiểm họa khủng hoảng tài chính treo lơ lửng trên đầu nhân loại, mà ở đó Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất :

Nguyễn Xuân Nghĩa : Nói chung, thế giới chưa ra khỏi hiệu ứng của vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 khi tổ hợp đầu tư Lehman Brothers và nhiều doanh nghiệp tài chánh khác sụp đổ tại Hoa Kỳ và nạn tổng suy trầm lan rộng sau đó. Thế rồi, thất bại trong chánh sách kích thích của các nước khiến các ngân hàng trung ương đều hạ lãi suất tới số không, thậm chí xuống số âm, và ráo riết bơm tiền qua việc mua trái phiếu nên gây ra nhiều vấn đề khác, được che giấu dưới đà tăng giá của cổ phiếu.

Ngày nay, các nước đều cố thoát hiểm bằng cách gia tăng xuất cảng và tiết giảm nhập cảng nhưng chẳng thành công, vì xứ nào cũng muốn tăng xuất cảng vào Mỹ mà số nhập cảng của thị trường Mỹ cũng giảm.

Vì vậy, ta thấy nổi lên trào lưu chống toàn cầu hóa để lui về chủ trương bảo hộ mậu dịch, và các nền kinh tế lệ thuộc nhiều nhất vào xuất cảng đều bị rủi ro nặng. Đó là trường hợp của Đức và Trung Quốc.

Trong bối cảnh u ám đó, định chế tài chánh có chức năng theo dõi và cảnh báo là Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS/BRI mới khuyến cáo rằng hệ thống tài chánh thế giới đang bị rủi ro lớn.

Một chỉ dấu đáng ngại là hiện tượng phân rẽ giữa lãi suất và hối suất hay tỷ giá ngoại tệ trên các thị trường quốc tế. Hiện tượng ấy phản ảnh mối lo của các hệ thống ngân hàng. Nhưng phúc trình của Ngân hàng BIS còn chú ý đến đà tăng tốc của lượng tín dụng tại Trung Quốc và cảnh báo rằng xứ này có thể bị khủng hoảng tài chánh trong vòng ba năm tới.

RFI : Vì sao lại có báo động liên tục của các tổ chức nghiên cứu và mới nhất là lời cảnh báo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Nếu theo dõi tình hình kinh tế chính trị Trung Quốc từ lâu thì ta không nên ngạc nhiên về lời cảnh báo đó. Gần đây, hồi tháng 6/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo Bắc Kinh là phải giải quyết hồ sơ nợ nần càng sớm càng hay để tránh khủng hoảng.

Nói chung, từ đã lâu, Ngân hàng BIS vẫn so sánh số tín dụng và xuất lượng kinh tế của các nước và chỉ ra lằn ranh báo động: khi sai số giữa tín dụng và sản lượng lên tới 10 thì đấy là lúc dễ khủng hoảng. Nôm na cho dễ hiểu thì lý luận hàm chứa trong cách tính đó là người ta đi vay để sản xuất kiếm lời, nhưng khi vay quá nhiều so với sản lượng thì đấy là nạn đầu cơ đầy rủi ro, và quá cái ngưỡng đó thì đấy là tín dụng ảo của một cái tháp lừa đảo thể nào cũng sụp đổ. Trung Quốc đã lao vào đầu cơ và thổi lên bong bóng rồi lên tới gấp ba của mức hiểm tai đáng sợ.

RFI : Một cách cụ thể thì Ngân hàng Thanh toán Quốc tế này tính thế nào để chỉ ra dấu hiệu đáng lo ngại đó ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ngân hàng BIS cảnh báo rằng hệ số tín dụng và sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã tăng gấp ba trong ba năm, từ 6,7 vào năm 2011 vọt lên 22,1 vào năm 2014, là gấp đôi ngưỡng báo động. Đã vậy, đà cho vay còn tăng mạnh hơn từ hai năm qua vì hệ số hiểm tai đã lên tới 24,5 vào năm ngoái và tính tới tháng 3/2016 thì lên tới 30,1, là gấp ba cái ngưỡng báo động là số 10. Chúng ta không quên rằng Hoa Kỳ cũng đã vượt hệ số này, lên tới 10,6 vào năm 2007, trước khi bị khủng hoảng tài chánh năm 2008.

Dấu hiệu đáng lo ở đây là chẳng những lượng tín dụng đã tăng mà còn là tăng mạnh trong một thời gian ngắn và số dư nợ hiện lên tới ngạch số tương đương với 28 ngàn tỷ đô la, cao hơn tổng số nợ các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Hệ thống tài chánh Trung Quốc như con thiêu thân đang bay nhanh vào nơi nóng nhất. Khi xứ này bị khủng hoảng thì tất nhiên là các nền kinh tế khác cũng bị hiệu ứng và có người ví von rằng so với vụ khủng hoảng sắp tới của Trung Quốc thì vụ tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ ngày 15/09/2008 chỉ là một chuyến du ngoạn. Thật ra, khi tìm hiểu thêm thì ta còn thấy ra nhiều chỉ dấu đáng ngại khác.

Về lượng thì tín dụng tăng mạnh – như theo báo cáo hôm 14/09/2016 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thì số tín dụng cấp phát trong thasng/2016 đã gấp đôi tháng 7, lên tới 142 tỷ đô la, trong khi các khoản tài trợ ngoại ngạch hay ngân hàng chui thì lên gấp ba với rủo ro mất nợ rất cao, mà số đầu tư lại chẳng tăng cùng mức độ.

Thế thì tiền trút vào đâu? Khi đó ta xét về phẩm: hơn 71% số tín dụng lớn lao ấy trút vào các hộ gia đình, mà đa số dưới dạng tín dụng gia cư. Tức là Bắc Kinh không bơm tiền để nâng đầu tư sản xuất mà để người dân có tiền mua nhà. Chiều hướng này đã lặng lẽ khởi sự từ hai năm qua. Điều ấy có nghĩa là Trung Quốc có thể lãnh một vụ khủng hoảng gia cư như nước Mỹ vào các năm 2007-2008. Mặt kia, nếu sản lượng sụt giảm và doanh nghiệp vỡ nợ, như tuần qua ta vừa thấy ở tỉnh Quảng Tây sau nhiều vụ vỡ nợ khác, thì thất nghiệp tăng và lợi tức sụt khiến nhiều hộ gia đình cũng không thể trả được nợ gia cư.

RFI : Câu hỏi sau cùng, thưa anh, nếu Trung Quốc đổ giàn thì sự thể sẽ ra sao ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tất nhiên là khủng hoảng tài chánh sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế và nền kinh tế thứ nhì thế giới mà suy thoái hay hạ cánh nặng nề thì các nền kinh tế khác cũng bị họa lây. Tuy nhiên, vì số nhập cảng của Trung Quốc đang tiếp tục giảm nên hậu quả ấy thật ra chẳng ghê gớm bằng trường hợp khủng hoảng của Hoa Kỳ tám năm về trước.

Thứ hai, đa số các khoản nợ đáng sợ của Trung Quốc đều là nợ nội địa, với hệ thống ngân hàng là tay chân của đảng và nhà nước, tài trợ các doanh nghiệp cũng của đảng và nhà nước, nên họ có thể cho áp dụng chánh sách đổi nợ thành vốn để chủ nợ sẽ thành chủ đầu tư và nhà nước mất ngàn tỷ đắp nợ. Tuy nhiên, khoản nợ gia cư cho các hộ gia đình lại khác.

Nếu quản lý không khéo thì nhiều hộ không chỉ xù nợ mà còn mất nhà. Chuyện ấy sẽ thành một vấn đề xã hội khi uy tín quốc tế hay thể thống quốc gia cũng suy sụp, là điều Bắc Kinh coi như vấn đề chính trị của chế độ.

Sau cùng, ta không quên là chế độ đã tung ra nhiều kế hoạch lớn lao như Con Đường Tơ Lụa trên lộ và ngoài biển, hoặc Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á Châu, cho nên ngàn tỷ vào đây ngàn tỷ vào đó thì cũng làm hao hụt dự trữ và rốt cuộc vẫn trôi vào bài toán tiền tệ, hối đoái và thất nghiệp với những hậu quả chính trị đáng ngại khi lãnh đạo chuẩn bị Đại hội khóa 19 cho năm tới. Đây mới là chuyện ly kỳ nên theo dõi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.