Vào nội dung chính
MỸ - TRIỀU TIÊN - QUÂN SỰ

Mỹ lại biểu dương lực lượng trên báo đảo Triều Tiên

Hôm nay, 21/09/2016, một oanh tạc cơ siêu âm của Mỹ lại đáp xuống Hàn Quốc, mà theo lời Washington là nhằm nhắc nhở Bình Nhưỡng về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong vùng. 

Máy bay ném bom chiến lược Mỹ B-1B cất cánh từ căn cứ Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 21/09/2016
Máy bay ném bom chiến lược Mỹ B-1B cất cánh từ căn cứ Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 21/09/2016 REUTERS
Quảng cáo

Cuộc biểu dương lực lượng này diễn ra sau khi hôm qua Bình Nhưỡng loan báo thử nghiệm thành công một động cơ tên lửa. Các chuyên gia xem thành công này là một bước tiến mới trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.

Nhiều đài truyền hình Hàn Quốc đã chiếu các hình ảnh 2 oanh tạc cơ B-1B bay bên trên căn cứ quân sự Mỹ Osan, cách Seoul 64km về phía Nam. Theo hãng tin Yonhap, một trong hai chiếc oanh tạc cơ này sau đó đã bay trở về căn cứ không quân Mỹ Andersen trên đảo Guam, còn chiếc kia thì đáp xuống căn cứ Osan.

Vào tuần trước, hai chiếc B-1B cũng đã bay bên trên lãnh thổ Hàn Quốc, vài ngày sau vụ thử nghiệm hạt nhân thứ năm của Bắc Triều Tiên. Hai chiếc này sau đó đã bay trở về căn cứ ở đảo Guam.

Hàn Quốc nêu vấn đề tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc của Bắc Triều Tiên

Bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại New York, vào hôm qua, 20/09/2016, ngoại trưởng Hàn Quốc đã nêu bật câu hỏi là liệu Bắc Triều Tiên có xứng đáng là thành viên Liên Hiệp Quốc hay không ? Lý do là chế độ Bình Nhưỡng đã liên tục coi thường các nghị quyết nghiêm cấm của Hội Đồng Bảo An và tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, ông Yun Byung Se đã không đi đến mức đòi trục xuất Bắc Triều Tiên ra khỏi Liên Hiệp Quốc, nhưng cho rằng Bình Nhưỡng đã vi phạm các điều khoản làm cơ sở cho việc kết nạp cả hai miền Triều Tiên vào định chế quốc tế này cách đây 25 năm.

Đối với ngoại trưởng Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã trở thành nước duy nhất vẫn tiến hành thử bom nguyên tử trong thế kỷ 21 này, và đã phải chịu đến năm nghị quyết trừng phạt từ phía Hội Đồng Bảo An. Trong tình hình đó, ông Yun Byung Se cho rằng « tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc phải tự hỏi là liệu Bắc Triều Tiên thực sự có tư cách của một thành viên hay không ».

Mệnh danh Bắc Triều Tiên là một « kẻ vi phạm liên hoàn » (serial ofender), ngoại trưởng Hàn Quốc nghĩ rằng Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cần phải sửa chữa các sơ hở hiện nay lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng, và áp đặt các biện pháp cứng rắn sau cuộc thử nghiệm nguyên tử thứ năm gần đây nhất của Bình Nhưỡng.

Đối với ông Yun Byung Se, đây là một điều cần thiết vì vụ nổ ngày 09/09, với cường độ của quả bom ném xuống Hiroshima trước đây, kèm theo với khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và những tiến bộ trong năng lực phóng tên lửa, đã biến Bắc Triều Tiên thành một mối đe dọa hủy diệt thực sự, không chỉ đối với Hàn Quốc, hay Nhật Bản, mà cả đối với Mỹ và hầu hết các thành viên của cộng đồng quốc tế.

Nạn lụt Bắc Triều Tiên : Hồng Thập Tự kêu gọi viện trợ khẩn 15,5 triệu đô la

Hội Hồng Thập Tự hôm nay 21/09/2016 đã kêu gọi đóng góp khẩn cấp 15,5 triệu đô la để giúp đỡ các nạn nhân bị lụt lội tại Bắc Triều Tiên nhằm tránh một « thảm họa » mới.

Có ít nhất 138 người thiệt mạng và khoảng 400 người bị mất tích do những trận lụt ở miền đông bắc Bắc Triều Tiên vào cuối tháng Tám. Theo Liên Hiệp Quốc, có 140.000 người đang cần được trợ giúp ; còn Hồng thập tự quốc tế và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (FICR) ước tính khoảng 70.000 người Bắc Triều Tiên bị mất nhà ở.

FICR cho biết một số vùng bị lụt nhận được rất ít viện trợ vì đất lở và đường sá bị hư hại. Quỹ cứu trợ khẩn cấp sẽ dùng để mua lều bạt, thuốc men, dựng tạm nhà và mua than đá để sưởi ấm.

Ông Chris Staines, trưởng phái đoàn Hồng Thập Tự tại Bắc Triều Tiên nói rằng tỉnh Hamgyong nằm gần biên giới Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề, trong khi mùa đông sắp tới, nhiệt độ có thể xuống đến âm 30°C. Theo ông, nếu không có ngay lập tức số viện trợ cần thiết, có thể diễn ra một « thảm họa » tiếp theo.

Báo chí nhà nước Bắc Triều Tiên tuần rồi nhận định trận lụt vừa rồi là « thảm họa tệ hại nhất » kể từ Đệ nhị Thế chiến, cho biết quân đội và cư dân đã được huy động đông đảo để tái thiết.

Do cơ sở hạ tầng thiếu thốn và quy hoạch không phù hợp, Bắc Triều Tiên khó chống chọi được thiên tai, đặc biệt là lụt lội do nạn phá rừng cây trên các ngọn đồi. Mùa hè năm 2012, mưa lớn gây lụt và lở đất đã làm 169 người chết, 400 người mất tích và 212.200 người phải sơ tán, 650 km2 đất nông nghiệp bị tàn phá. Nạn lụt cũng gây ra trận đói lớn năm 1994-1998 làm hàng trăm ngàn người chết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.