Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - NGUYÊN TỬ

Trò chơi nguyên tử nguy hiểm của Kim Jong Un

Le Monde hôm nay 14/09/2016 nhận định « Nguyên tử, chiến lược nguy hiểm của Bắc Triều Tiên » : Bình Nhưỡng hy vọng sở hữu các hỏa tiễn có thể bắn sang tận lãnh thổ của kẻ thù Mỹ.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gặp các nhà khoa học và kỹ thuật viên nguyên tử. Ảnh của KCNA ngày 09/03/2016.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gặp các nhà khoa học và kỹ thuật viên nguyên tử. Ảnh của KCNA ngày 09/03/2016. KCNA/Files via Reuters
Quảng cáo

Tờ báo quay lại với quá khứ : đó là tháng 10/1992, khi đế chế xô-viết vừa bị tan rã. Tại sân bay Cheremetievo ở Matxcơva, một nhóm hành khách gồm 36 người Nga là chuyên gia về chế tạo hỏa tiễn, chuẩn bị cùng với gia đình sang sinh sống ở Bình Nhưỡng. Họ làm việc tại « văn phòng Makeiev » gần thành phố Tcheliabinsk ở Oural, nơi sản xuất ra R-27 Zyb, một loại hỏa tiễn đạn đạo tầm trung để bắn đi từ tàu ngầm.

Với sự tan rã của Liên Xô, lương của các chuyên gia này giờ chỉ còn bằng mức lương công nhân, trong khi Bình Nhưỡng hứa hẹn một cuộc sống thoải mái cho họ. Gió đã đổi chiều : Nga quyết định xích lại gần Hàn Quốc để đối lấy viện trợ tài chính, bỏ mặc người anh em Bắc Triều Tiên tự xoay sở.

Việc nhóm chuyên gia bị kiểm tra an ninh, được báo chí Nga thời đó đưa lại, là bằng chứng cụ thể duy nhất cho việc Bắc Triều Tiên lén lút mua công nghệ đạn đạo của Liên Xô cũ. Còn bao nhiêu kỹ sư khác đã bí mật vượt biên giới đến làm việc cho phòng thí nghiệm của vương quốc nhà họ Kim ? Không ai có thể biết được.

Hôm 22/6, sau bốn vụ bắn thử thất bại trong hai tháng trước đó, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã phóng đi hai hỏa tiễn Musudan, cùng loại với R-27 được Bình Nhưỡng chú ý một phần tư thế kỷ trước nhưng là phiên bản bắn từ mặt đất. Một hỏa tiễn đã bay lên được độ cao 1.000 km và đạt được đoạn đường 400 km về hướng Nhật Bản. Rõ ràng đây là một tiến bộ.

Thử hỏa tiễn 30 tháng nhiều hơn cả 30 năm trước

Trong khi người cha Kim Jong Il có tiếng là luôn tìm kiếm vũ khí nguyên tử, người con Kim Jong Un muốn sở hữu loại hỏa tiễn có thể bay đến tận đất Mỹ. Từ đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã cho bắn tên lửa 20 lần, kể cả các vụ bắn thất bại.

Kỹ sư hàng không Markus Schiller ghi nhận : « Trong vòng 30 tháng, họ đã tiến hành số vụ bắn thử nhiều hơn cả 30 năm qua. Kim Jong Un có vẻ theo phương pháp khác hẳn người cha. Ông ta muốn chứng tỏ với thế giới là mình có chương trình hỏa tiễn, và đây là mối đe dọa thực sự ».

Chương trình nguyên tử Bắc Triều Tiên tiến triển nhờ lợi dụng sự bất đồng giữa hai đại cường Mỹ-Trung. Đối với Hoa Kỳ, chỉ có Bắc Kinh mới có thể siết lại Bình Nhưỡng. Về phía Trung Quốc thì từ chối gánh lấy rủi ro chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ, nhắc nhở rằng chính Washington mới cảm thấy mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Những tiến bộ về nguyên tử giúp biện minh cho những hy sinh áp đặt cho người dân, và là niềm tự hào của chế độ. Antoine Bondaz, điều phối viên chương trình Triều Tiên của Asia Centre tóm lược : « Bắc Triều Tiên hoàn toàn lép vế trong tương quan lực lượng với Hàn Quốc, nên để tránh thống nhất Triều Tiên theo mô hình miền Nam, chế độ phải dùng đến nguyên tử để bảo đảm an toàn cho mình ». Không có lý do nào để phải từ bỏ.

Vụ thử hạt nhân lần thứ năm gây dấu ấn với « đầu đạn nguyên tử thu nhỏ » sẵn sàng để gắn vào hỏa tiễn, như vậy chế độ đã có khả năng gây tác hại nghiêm trọng. Bắc Triều Tiên đầu tư vào hai hướng nguy hiểm, mà hàng đầu là hỏa tiễn đạn đạo tầm xa có thể bay đến lục địa Mỹ. Về lâu về dài, Kim Jong Un đang mơ sở hữu một hạm đội tàu ngầm.

« Nhà nước côn đồ » : Sự hung hăng và tính chính danh

Bên cạnh đó, Le Monde có bài phân tích mang tựa đề « Bắc Triều Tiên, trò chơi khôn ngoan của một Nhà nước du kích ». Theo thông tín viên của tờ báo tại Tokyo, việc xếp Bắc Triều Tiên vào hàng « Nhà nước côn đồ », bị cô lập với các nước khác, đã khuyến khích chế độ Bình Nhưỡng theo đuổi một chính sách ngoại giao thảm họa.

Theo tờ báo, từ cuộc chiến « du kích quân sự » chống Nhật rồi Mỹ, Hàn trước đây, Bắc Triều Tiên đã chuyển sang « du kích chính trị », nhờ đó chế độ họ Kim có được tính chính danh để huy động dân chúng « đang trong một thành trì bị bao vây ». Họ dùng chiến thuật nắm đấm : khiêu khích xong lại nghỉ ngơi một thời gian, sau đó lại lên giọng.

Chưa hề ký hiệp ước đình chiến với miền Nam sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953 nên chế độ duy trì được tâm trạng « bị bao vây thường trực » đối với người dân. Các lãnh đạo Bình Nhưỡng không muốn lao vào một cuộc chiến tranh mà họ biết trước là sẽ thất bại, nhưng lợi dụng nguy cơ này để dọa nạt địch thủ. Cảm giác bị đe dọa cộng với tình cảm ái quốc được phóng đại, giúp chế độ tuyên truyền rằng những đau khổ của người dân là do quốc tế trừng phạt.

Số phận của Saddam Hussein và Mouammar Kadhafi càng củng cố thêm quyết tâm về nguyên tử của Bình Nhưỡng. Được ghi vào Hiến pháp từ năm 2013, vũ khí hạt nhân đã trở thành « bản sắc » của Bắc Triều Tiên. Đối với Bình Nhưỡng, vấn đề này là không thể thương lượng ; và nếu có, chỉ là việc tạm thời đóng băng chương trình nguyên tử, và phải song song với vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc.

Lụt lội khiến nạn đói đe dọa Bắc Triều Tiên

Cũng liên quan đến đất nước khép kín này, nhật báo công giáo La Croix chú ý đến một khía cạnh khác : « Bắc Triều Tiên bị chìm dưới làn nước dòng sông Đồ Môn ».

Theo tổng kết của Liên Hiệp Quốc, có 133 người chết, 395 người mất tích, trên 100.000 người bị mất nhà và 35.000 căn nhà bị hư hại tại miền đông bắc Bắc Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc. Một phái đoàn Hồng thập tự đến tại chỗ cho rằng những trận lụt đã gây ra « một thảm họa trầm trọng và phức tạp ».

Tại một số làng mà đoàn đã đến thăm ở gần Hoeryong, sát biên giới Trung Quốc, « không có một tòa nhà nào còn đứng vững ». Trên 600.000 người đang thiếu nước uống, và 16.000 hecta đất nông nghiệp đã bị chìm dưới nước trong khi chỉ vài tuần nữa là thu hoạch lúa, bắp. Bóng ma nạn đói đang đe dọa, sau trận đói đã giết hại trên một triệu người Bắc Triều Tiên năm 1995 khi không còn viện trợ của Liên Xô.

Bắc Kinh bóp nghẹt cuộc nổi dậy Ô Khảm

Cũng tại châu Á, « Bắc Kinh bóp nghẹt cuộc nổi dậy Ô Khảm ». Thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh nhận định, sau khi kết án người đứng đầu làng chài nổi tiếng, công an còn câu lưu thêm 13 người dân, và như vậy đã đặt dấu chấm hết cho mô hình dân chủ mà dân làng đã khổ nhọc đấu tranh để giành lấy.

Trung Quốc của Tập Cận Bình không dung thứ được lâu cuộc phiêu lưu dân chủ có một không hai của ngôi làng chài gần Hồng Kông. Đã 5 năm nay, ngôi làng yên bình với 13.000 dân bị nằm trong tầm ngắm của chế độ. Ô Khảm được toàn thế giới biết đến sau khi « trường kỳ kháng chiến » chống công an và cán bộ đảng tham nhũng, rốt cuộc Bắc Kinh đã đặc cách chấp nhận cho dân làng tự bầu lên chủ tịch mới là ông Lâm Tổ Loan.

Nhưng đó là hồi năm 2011, trước khi Tập Cận Bình nắm lấy quyền lực, và trước những ý tưởng chớm nở đòi độc lập từ Hồng Kông. « Hoàng đế đỏ » họ Tập tiêu diệt từ trong trứng nước tất cả những dạng thức phản kháng. Làng Ô Khảm bị công an phong tỏa hôm thứ Ba 13/9 và internet bị chặn. Nhà xã hội học Zhou Xiaozheng nhận định : « Chiến lược của đảng Cộng Sản là ngăn chận thông tin và bí mật đàn áp biểu tình, kinh nghiệm cho thấy biện pháp này rất hiệu quả ».

Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục chịu áp lực của Bắc Kinh

Một « kẻ thù » khác của Bắc Kinh : lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng - Đạt Lai Lạt Ma, mà chuyến thăm Pháp lần này của ngài được nhiều tờ báo đề cập đến. Libération ví von : « Đạt Lai Lạt Ma tại Paris, một ngôi sao nhạc pop giữa hào quang và sự lúng túng ». Các nhân vật trong chính quyền Pháp ngại không dám tiếp, ngài chỉ giới hạn hoạt động trong lãnh vực tinh thần, nhưng vấn đề rất chính trị là người kế tục đang được đặt ra.

Tờ báo mô tả Đạt Lai Lạt Ma, gầy yếu hơn, bị ung thư, đi lại phải có người dìu, nhưng ánh hào quang vẫn nguyên vẹn. Bình tĩnh và vui vẻ bông đùa, việc tổng thống Pháp không tiếp chẳng ảnh hưởng gì, ngài vẫn thanh thản nói : « Chuyến đi của tôi không mang tính chính trị, tôi đã từ bỏ mọi chức vụ. Cuộc chiến của tôi là để bảo vệ văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng ».

Tuy vậy theo Libération, chuyến viếng thăm Pháp năm ngày của Đạt Lai Lạt Ma đã bị chính quyền Trung Quốc đang chiếm đóng đất nước nhỏ bé của ngài, gây áp lực nặng nề. Bắc Kinh đã buộc trường đại học danh giá Science-Po của Pháp hủy cuộc nói chuyện của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng. Nhưng nhiều nhân vật nổi tiếng vẫn tìm đến, như nữ nghệ sĩ Marion Cotillard, hay cựu bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron…còn Luật sư đoàn Pháp không chịu nhượng bộ, vẫn tiếp đón ngài.

Người về hưu Pháp tại Cam Bốt : Thoải mái nhưng đừng đau ốm

Cũng liên quan đến châu Á nhưng trên lãnh vực xã hội, La Croix nói về « Cuộc sống thứ hai của những người về hưu Pháp tại Cam Bốt ».

Hiện nay, 20% trên tổng số 4.757 người Pháp có kê khai tại đại sứ quán Pháp tại Cam Bốt là người về hưu, nhưng thực tế gấp đôi vì nhiều người không muốn đăng ký. Để thu hút, chính quyền Cam Bốt vừa loan báo một loại visa mới (ER) thời hạn một năm có thể gia hạn. Ngược với các nước láng giềng như Việt Nam, Cam Bốt tỏ ra cởi mở hơn : luật pháp cho phép người ngoại quốc được sở hữu nhà và lập công ty.

Tuy nhiên theo bác sĩ Patrick Galmiche làm việc tại Phnom Penh, thì « người về hưu phải có sức khỏe tốt nếu muốn sinh sống tại Cam Bốt ». Hệ thống y tế công rệu rã, còn với y tế tư nhân thì một cuộc giải phẫu có thể tốn đến 12.000 – 18.000 euro. Chủ tịch hiệp hội AEFC chuyên tương trợ kiều dân Pháp tại Cam Bốt cho biết : « Một số người ngỡ đây là thiên đường, nhưng sau một cơn bệnh hay đối mặt với tham nhũng, họ bị mất hết ». Thống kê cho biết phân nửa số người Pháp về hưu đã rời Cam Bốt sau ba năm.

Sự bất công đối với bà Hillary Clinton

Nhìn sang nước Mỹ, tình trạng sức khỏe của ứng cử viên Dân Chủ được nhiều tờ báo Paris quan tâm. Le Figaro cho rằng « Bà Clinton khó thuyết phục được cử tri », còn nhật báo Le Monde trong bài xã luận đã nhận định « Bà Hillary Clinton trước thử thách minh bạch ».

Tờ báo cho rằng bà Hillary đã phải chịu đựng bất công : đòi hỏi về sự minh bạch đối với bà cao hơn rất nhiều so với đối thủ Cộng Hòa là Donald Trump, đặc biệt là từ phía truyền thông. Ông Trump đã « nói dối thành thần » nên mãi rồi người ta cũng chẳng màng chất vấn – và đó cũng là một phần trong cách thức của Trump.

Bà Hillary Clinton đã công bố toàn bộ hồ sơ thuế của mình, còn Donald Trump từ chối. Bà cũng đã công khai nhiều thông tin về sức khỏe hơn ông Trump. Ứng cử viên Dân Chủ 68 tuổi bị cho là yếu sức hơn đối thủ Cộng Hòa 70 tuổi, trong khi nhịp độ chiến dịch tranh cử là khủng khiếp đối với cả hai. Thật là không công bằng đối với bà, và theo Le Monde, cách duy nhất để đối phó là nói sự thật, và chỉ có sự thật.

Tựa chính báo Pháp

Le Monde hôm nay chạy tựa trang nhất « Điều tra về việc hàng triệu người Pháp phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống ». La Croix đăng hình một người đang cầm tấm hộ chiếu Syria và tập tài liệu hướng dẫn dành cho người tị nạn với tựa lớn : « Chào đón ? ». Le Figaro chú ý đến « Thách thức về việc ‘‘giải độc’’ cho những người Hồi giáo cực đoan ».

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nói về « Diesel, cuộc điều tra gây lo ngại cho các nhà sản xuất xe hơi ». Còn Libération quan tâm đến việc nhà máy của tập đoàn Alstom ở Belfort có nguy cơ đóng cửa, nói về cuộc đấu tranh để cứu vãn « 450 việc làm và 137 năm lịch sử » : nhà máy được thành lập từ năm 1879, và đây là nơi sản xuất ra đầu máy xe lửa chạy bằng diesel và điện năm 1939.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.