Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Mỹ - Trung bất đồng tạo thuận lợi cho tham vọng hạt nhân Bắc Triều Tiên

Ngày 09/09/2016, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm, bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế đang đè nặng lên đất nước khép kín nhất hành tinh. Theo quan điểm của nhật báo Anh quốc The Guardian, ngày 11/09/2016, sở dĩ “Tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên tồn tại được là do có khoảng cách trong quan hệ Mỹ -Trung”.

Một vụ bắn thử tên lửa đạn đạo từ tầu ngầm của Bình Nhưỡng. (Ảnh tư liệu).
Một vụ bắn thử tên lửa đạn đạo từ tầu ngầm của Bình Nhưỡng. (Ảnh tư liệu). KCNA/File Photo via REUTERS
Quảng cáo

Kể từ sau lần thử hạt nhân đầu tiên vào tháng 10/2006, đường lối phát triển chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên ngày càng rõ nét từ hơn một thập niên qua. Tuy nhiên nhịp độ phát triển đã trở nên nhanh hơn, với hai vụ thử hạt nhân và các đợt phóng thử tên lửa đạn đạo, đến mức làm giảm thời gian cảnh báo và nâng cao đáng kể khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Phản ứng đầu tiên của chính quyền Obama, có tên gọi là “kiên nhẫn chiến lược”, đã tăng cường mức độ răn đe và dẫn đến việc Liên Hiệp Quốc ra một loạt các nghị quyết trừng phạt nhằm gia tăng áp lực quốc tế. Mục tiêu của Hoa Kỳ là buộc Kim Jong-un phải thay đổi các tính toán chiến lược của mình khi chỉ cho ông thấy là vũ khí hạt nhân gây tổn hại đến sự sống còn của chế độ.

Thế nhưng các trừng phạt kinh tế đó đã làm cho Bắc Kinh trở thành tác nhân gần như chủ chốt gây áp lực với Bình Nhưỡng, trong lúc sự nghi kị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng lớn xung quanh việc triển khai hệ thống phòng thủ lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc và việc Bắc Kinh đơn phương tiến hành cải tạo các đảo đá trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, động cơ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của ông Kim Jong-un lại gắn liền với tính chính đáng của ông ta ở trong nước. Phát triển song hành kinh tê và hạt nhân là hai mục tiêu chiến lược chính của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Việc thông qua nhanh chóng nghị quyết cứng rắn của Hội Đồng Bảo An nhắm vào Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm là cách thức nhanh nhất để cho thấy là cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển hạt nhân. Trung Quốc tham gia tích cực hơn nữa vào các lệnh trừng phạt trước đó cũng là một điều quan trọng.

Thế nhưng, nếu chỉ có riêng những biện pháp này thôi thì cũng chưa đủ để buộc Kim Jong-un quay trở lại tiến trình phi hạt nhân hóa, trừ phi là Bắc Kinh, bất chấp các lợi ích cốt lõi của mình về sự ổn định, đưa ra tín hiệu sẵn sàng đe dọa sự tồn tại của chế độ Bắc Triều Tiên, thông qua việc phối hợp với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế, để gây áp lực mạnh mẽ hơn về kinh tế.

Hơn nữa, bởi vì Bắc Triều Tiên tận dụng khoảng trống do việc Trung Quốc và Hoa Kỳ mất lòng tin chiến lược và vì mối đe dọa nguy hiểm nhất cho tính chính đáng của chế độ họ Kim là đến từ Hàn Quốc, cho nên hợp tác chiến lược ba bên Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là cách thức có hiệu quả nhất để báo cho Kim Jong Un biết rằng sự sống còn của chế độ Bình Nhưỡng lệ thuộc vào việc phi hạt nhân hóa.

Chiến lược này có thể là một tối hậu thư ngoại giao có phối hợp, dựa trên các hoạt động cụ thể và có phối hợp, để gởi đi một tín hiệu rõ ràng tới Kim Jong-un rằng cả ba nước này sẵn sàng chia sẻ với nhau tin tức tình báo với mục đích thành lập một ban lãnh đạo thay thế tại một nước Bắc Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận phi hạt nhân.

Vì mục tiêu chính của Trung Quốc là tránh sự bất ổn cho bán đảo Triều Tiên và hành vi đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng đang trở thành cội nguồn gây bất ổn cho khu vực Đông Bắc Á, cả ba nước này biết rõ là con đường hòa bình duy nhất dẫn đến sự ổn định lâu dài trong khu vực là phải làm cho ông Kim Jong-un thay đổi suy nghĩ và thực hiện phi hạt nhân hóa.

Cách tiếp cận này là một thách thức lớn do mức độ nghi kỵ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng cao, nhưng vấn đề Bắc Triều Tiên vẫn luôn là cơ may tốt nhất cho Washington và Bắc Kinh thiết lập một sự hợp tác cụ thể về an ninh khu vực. Một chiến lược như thế có thể tạo ra cơ hội để tránh phải trả một cái giá quá đắt cho một cuộc chiến Triều Tiên thứ hai và tạo cơ sở cho sự thay đổi chế độ thông qua phát triển kinh tế với sự hỗ trợ của quốc tế, xóa bỏ đi tham vọng phát triển hạt nhân Kim Jong-un.

Việc chối bỏ một tối hậu thư ngoại giao như thế sẽ giúp khẳng định giả thuyết là dưới sự cai trị của Kim Jong-Un thì không có còn đường hòa bình dẫn tới việc phi hạt nhân hóa và con con đường duy nhất dẫn đến sự ổn định lâu dài cho Đông Bắc Á là thay đổi chế độ. Nhưng điều đó cũng cho thấy là việc các nước cùng nhau xử lý các chi phí gần đến hạn thanh toán đòi hỏi phải chấp nhận các khoản « tạm ứng » và trên thực tế, điều này sẽ giúp tăng cường triển vọng về sự ổn định lâu dài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.