Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

Bóng ma Mao vẫn bao trùm lên Trung Quốc

Ngày 09/09/2016 tới đây, Bắc Kinh kỷ niệm 40 năm ngày Mao Trạch Đông qua đời. 40 năm đã trôi qua nhưng « Bóng ma Mao vẫn bao trùm lên Trung Quốc ». Đây cũng là bài nhận định của La Croix, số ra ngày 06/09/2016.

Ảnh chân dung Mao Trạch Đông trước cổng Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc
Ảnh chân dung Mao Trạch Đông trước cổng Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc Pixabay
Quảng cáo

Tại Trùng Khánh, Dorian Malovic, đặc phái viên của nhật báo công giáo đã có dịp tiếp xúc với nhiều nhân chứng, những người đã trải qua giai đoạn đen tối nhất và tàn khốc nhất dưới thời Mao Trạch Đông. Giai đoạn Đại Nhảy Vọt 1957-1961, một thời kỳ điên rồ nhất của chủ nghĩa Mao-ít. Người Cầm Lái Vĩ Đại đã ấn định mục tiêu phải vượt qua Liên Xô và Anh quốc về sản lượng thép.

Nông dân phải rời bỏ ruộng đồng, cày, cuốc để đến nung chảy từng gram kim loại trong những lò nung nhỏ bé. Ruộng bị bỏ hoang, không người chăm sóc trở nên khô cằn không thể canh tác. Lương thực cũng bắt đầu thiếu thốn và nạn đói thảm khốc nhất đã xảy ra. Theo ước tính, có lẽ có hơn 45 triệu người bị chết đói. Đó là chưa tính đến thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, làm ít nhất 10 triệu người chết…

Nhưng đối với những người còn sống sót, điều đáng buồn nhất là cảm giác bị lãng quên. Trong những quyển sách sử dày đặc về những năm tháng Mao, về vị lãnh tụ lớn của Trung Quốc, lại không có đến một hàng chữ nhắc đến những sự kiện đau thương này, những người chết vì đói. Theo lời kể của một nhân chứng với phóng viên La Croix, bà đã từng chứng kiến người dân trong làng phải ăn cả thịt người vì chết đói.

Đương nhiên, các giáo trình sử học đều bị đảng cộng sản kiểm duyệt. Ở trường học, học sinh được dạy là Mao đã đem lại niềm tự hào cho Trung Quốc khi đánh đuổi được phát xít Nhật và các đạo quân tham ô của Quốc Dân đảng ; rằng ông chính là người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vào ngày 01/09/1945 trên quảng trường Thiên An Môn.

Tuyệt đối không một dòng về cách thức đẫm máu mà Mao Trạch Đông tiến hành để chiếm lấy quyền hành và nhất là cách ông giữ lấy quyền lực trong suốt những năm sau đó. Chỉ có vài dòng nói về « 3 năm khó khăn » liên quan đến thời kỳ Đại Nhảy Vọt và nạn đối khốc liệt sau đó.

Trao đổi với giới trẻ ngày nay, những người có điều kiện đi du học ở nước ngoài, tác giả nhận thấy là họ cũng không dễ bị đánh lừa. Dù vậy, họ cũng tỏ ra rất giữ ý khi nhìn nhận rằng Mao Trạch Đông không chỉ có những điểm tốt, rằng « không ai là hoàn hảo, ai cũng có sai lầm ».

Thái độ thận trọng đó không phải là ngẫu nhiên. « Bản tổng kết về Mao » do đảng Cộng sản công bố năm 1981 đã tuyên bố là những gì Mao Trạch Đông thực hiện có « 70% là tích cực và 30% là tiêu cực ». Đó cũng chính là những gì được giảng dạy tại các trường học trong suốt 40 năm qua.

Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, không có chuyện phủ nhận chủ nghĩa Mao-ít. Mao Trạch Đông vẫn luôn là giá đỡ quyền lực cho Đảng Cộng sản, mà ở đó chủ nghĩa tôn thờ cá nhân trường tồn tại dưới muôn mặt của xã hội Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã trở thành một thần tượng luôn sống mãi cùng với thời gian.

Mỗi năm, có hàng trăm ngàn người dân ùn ùn đổ về làng Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam, để viếng thăm quê hương của Mao. Hay như đến thăm lăng Mao chủ tịch tại Thiên An Môn. Hình ảnh của Mao hiện diện khắp nơi. Bức chân dung lớn được treo ngay trên cửa Tử Cấm Thành. Đâu đâu cũng thấy tượng Mao kích cỡ khác nhau (từ quảng trường, bờ kè, đại học, nhà ga…). Đương nhiên hình ảnh của ông còn xuất hiện trên cả những tờ giấy bạc.

Người kế thừa Mao chủ tịch là Đặng Tiểu Bình, ba lần bị thanh trừng và ba lần được hồi phục, còn phải nghiêng mình kính cẩn trước nhân vật đáng kính này. Ông Đặng tôn vinh những thành quả, giảm nhẹ tối đa các sai lầm của Mao, để không làm suy yếu tính chính đáng của Đảng Cộng sản, tạo thế ổn định cho chế độ.

Dù vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí người dân, nhưng dưới thời 3 nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Mao chủ tịch đã tạm thời rơi vào lãng quên. Ông Tập Cận Bình, lên cầm quyền năm 2012, dường như muốn làm sống lại ký ức về Mao, hay nói đúng hơn là để sở hữu Mao, bài viết kết luận.

Hồng Kông : « Những chiếc dù vàng » tại Hội đồng Lập pháp

Kết quả bầu cử Hội đồng Lập pháp tại Hồng Kông là đề tài được bàn luận nhiều nhất trên báo Paris. « Tại Hồng Kông, những chiếc dù vàng bước vào Hội đồng », « Giới trẻ cấp tiến Hồng Kông vào Hội đồng » lần lượt là tựa bài viết trên Libération và Le Monde. Đối với Les Echos, « Giới trẻ đòi độc lập trỗi dậy tại Hồng Kông ».

Libération nhận định : Một cú tát mạnh dành cho Bắc Kinh. Giới chính trị truyền thống bị bẽ mặt. Tuy chỉ mới 23 tuổi, La Quán Thông (Nathan Law), biểu tượng của « phong trào dù vàng » đã trúng cử vào Hội đồng Lập pháp LegCo với số phiếu bầu cao trong cuộc bầu cử tổ chức hôm Chủ Nhật 04/09/2016.

Đây còn là « thắng lợi của giới trẻ chống Bắc Kinh », như nhận xét của Le Figaro. Lần đầu tiên các đảng chính trị mới chống đối lại Trung Quốc cộng sản được bầu vào Hội đồng này. Tờ báo trích dẫn nhận định của ông Jean-Pierre Cabestan, nhà Trung Quốc học, thuộc đại học Hồng Kong : « Đây là một thất bại và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Phản ứng của người dân quá rõ ràng : họ hoàn toàn bác bỏ những áp đặt của Trung Quốc ».

Báo Les Echos : Việt Nam là một đất nước năng động

Rời thượng đỉnh G20, « Tổng thống Hollande dừng chân tại Việt Nam, một nước năng động », vì đây là quốc gia duy nhất trong khu vực có sức tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sang cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ » theo như nhận xét của ông Raphael Charponniere, giám đốc viện Asia Centre được báo Les Echos trích dẫn.

Việt Nam được xem như là một trong những đầu mối xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực dệt may, điện tử cho các công ty đa quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đánh giá của Les Echos, với hơn 90 triệu dân, Việt Nam có thị trường lao động rẻ, trong khi tại Trung Quốc giá nhân công ngày càng tăng. Theo thống kê, cứ ba chiếc điện thoại thông minh Samsung Galaxy, thì có một chiếc được sản xuất tại Việt Nam.

Nhưng tờ báo cũng ghi nhận là Việt Nam chưa hẳn là một thiên đường. Ông Charlie Carre, chuyên gia phân tích thuộc Công ty Bảo hiểm Ngoại thương Pháp Coface, cảnh báo : « nợ xấu do các ngân hàng nhà nước nắm giữ, chiếm đến 15% trong bảng tổng kết, vẫn còn là một điều đáng bận tâm ».

Tháp tùng với ông Hollande, còn có khoảng 50 chủ các doanh nghiệp. Trang nhất của Les Echos dành một góc nhỏ để báo tin vui :« Airbus trong mùa tựu trường năm nay, đã thu hoạch được đơn đặt hàng khổng lồ tại Việt Nam ». Hãng chế tạo máy bay châu Âu này hôm nay sẽ ký với Việt Nam một đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ đô la.

Bên cạnh lĩnh vực hàng không, Pháp và Việt Nam sẽ ký kết nhiều hợp đồng hợp tác khác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng và y tế. Pháp xếp hạng thứ 17 trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và chiếm chưa tới 1% lượng nhập khẩu vào nước này.

Xung đột Syria : Sự thất bại triền miên của Obama và Putin

Về thời sự quốc tế, xã luận báo Libération có bài : « Xung đột Syria : Sự thất bại triền miên của Obama và Putin ». Cuộc gặp tại Hàng Châu hôm thứ Hai, 05/09/2016, chắc chắn là đối thoại trực tiếp cuối cùng giữa tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin bàn về hồ sơ Syria.

Đây là dịp để ông Obama tìm cách giải quyết -hoặc ít ra là tìm được một lối thoát trong danh dự- trên một hồ sơ mà ông đã thất bại. Hai bên hoàn toàn có thể đạt được một số biện pháp như thỏa thuận hưu chiến trên toàn lãnh thổ Syria, xóa bỏ phong tỏa thành phố Aleppo, phi quân sự hóa vùng phía bắc thành phố này…

Thế nhưng cuộc gặp tại Hàng Châu đã thất bại. Mỹ tố cáo Nga thay đổi lập trường trên một số điểm đàm phán. Libération rằng, Nga thoái lui vì ông Putin luôn tỏ ra hoài nghi Mỹ, trong khi đó, Washington không muốn ông Obama dính líu đến những thỏa thuận mà khó có thể được tôn trọng trên thực địa.

Trước cuộc gặp giữa hai nguyên thủ, tổng thống Mỹ đã tuyên bố : « Các cuộc trao đổi của chúng tôi với Nga là quan trọng bởi vì không có Nga, thì Bachar al Assad không thể duy trì chiến dịch tấn công quân sự ». Đây là một sự thừa nhận của Mỹ, theo đó, với các phương tiện quân sự triển khai trên thực địa từ gần một năm nay, Nga làm chủ hồ sơ Syria.

Hậu quả là tổng thống Obama đã buộc phải có thái độ không nhượng bộ, không đối đầu. Báo Libération nhấn mạnh : từ 5 năm nay, lập trường này của Obama được thể hiện rõ vào những thời điểm quan trọng trong cuộc khủng hoảng Syria. Và cho đến nay, Obama chỉ mới có được một quyết định quan trọng, thể hiện sự kiên quyết: đó là từ bỏ việc trừng phạt chế độ Damas vào năm 2013. Trớ trêu thay, trước đó, chính ông Obama đã vạch ra lằn ranh đỏ, cảnh báo là sẽ trừng trị Damas nếu chế độ của Bachar al Assad sử dụng vũ khí hóa học giết hại thường dân Syria.

Libération nhắc lại nhận định của tờ báo Mỹ New York Times, số ra cuối tuần qua, trước ngày nguyên thủ Mỹ và Nga gặp nhau tại Hàng Châu : « Đối với Washington, Syria trở thành một thảm họa xa xôi chứ không phải là một cuộc khủng hoảng khẩn cấp ».

Hiện nay, nước Mỹ đang trong thời kỳ vận động tranh cử tổng thống. Syria không thu hút chú ý của công luận Hoa Kỳ. Tờ báo cay đắng kết luận, người dân Syria ở thành phố Aleppo cũng như ở những nơi khác hãy cố chờ đợi tân chính quyền Mỹ và từ nay đến đó, hãy cố mà sống sót.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.