Vào nội dung chính
G20

Nhóm G20 đau đầu vì những hiệp định tự do mậu dịch mất lòng dân

Tề tựu về Hàng Châu (Trung Quốc) nhân hai ngày họp thượng đỉnh (4-5/09/2016), các lãnh đạo lãnh đạo nhóm G20 đang tìm những hướng đi nhằm đối phó với thái độ nghị kỵ ngày càng lớn của dân chúng họ trước xu hướng toàn cầu hóa và tự do mậu dịch. Trong số các hướng này có việc ngưng thương lượng những hiệp định mới, phân chia tài sản đồng đều hơn hay âm thầm áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch.

Hiệp định TTIP vấp phải sự phản đối tại nhiều nước.
Hiệp định TTIP vấp phải sự phản đối tại nhiều nước. REUTERS/Ralph Orlowski
Quảng cáo

Theo giới quan sát, cho dù tuyên bố cuối cùng ở Hàng Châu vào hôm nay cho thấy một đồng thuận bề mặt để hỗ trợ thương mại thế giới và thúc đẩy tăng trưởng, nhưng từ 7 năm qua, chưa bao giờ nhóm G20 lại đặt ra nhiều biện pháp mới như vậy để giới hạn việc tư do trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Nhịp độ phát triển trao đổi thương mại thế giới đã sụp xuống dưới ngưỡng 3% từ cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 đến nay, trong lúc trong hai thập kỷ trước đó, mức tăng lên đến hơn 7%. Trung Quốc, nước chủ nhà Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 lần này, đã bị Châu Âu và Hoa Kỳ tố cáo là đã lũng đoạn thị trường thép thế giới khi làm tràn ngập thế giới bằng sản xuất dư thừa khổng lồ của mình.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, một người tham gia Hội nghị, xin giấu tên, tiết lộ : « Ở Hàng Châu, tất cả các lãnh đạo G20 đều thừa nhận là đang có khủng hoảng về lòng tin, người dân không thấy những lợi ích của toàn cầu hóa ? »

Sau vụ Brexit – Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu - lãnh đạo G20 phải ra sức trấn an công luận, nhất là những nước đứng trước hạn bầu cử quan trọng như Đức và Pháp năm tới đây. Nhưng xu hướng co cụm được thấy rõ nhất là ở Mỹ. Không chỉ ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump mà cả ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton cũng tỏ thái độ chống lại những hiệp định tự do mậu dịch mới như hiệp định đang thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu (TTIP).

Nếu tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hàng Châu để thúc đẩy việc đúc kết hiệp định với Bruxelles trước khi ông rời Nhà Trắng vào tháng Giêng tới đây, thì François Hollande, đồng nhiệm Pháp của ông, lại muốn trì hoãn. «Nước Pháp ủng hộ toàn cầu hóa, nhưng với điều kiện là phải có nguyên tắc, có chuẩn mực, nhất là về môi trường, về vấn đề xã hội.» AFP trích lời tổng thống Pháp lúc ông vừa đến Hàng Châu.

Trong những ngày trước Hội nghị G20, chính phủ Pháp đã tỏ thái độ cứng rắn hẳn về TTIP. Thủ tướng Valls đòi « đình chỉ dứt khoát » các cuộc thương lượng. Tuy nhiên, phía Ủy Ban Châu Âu, như theo lời chủ tịch Jean-Claude Juncker, cũng tại Hàng Châu, xác định là không có thay đổi, các cuộc đàm phán sẽ vấn tiếp diễn và Ủy Ban có thẩm quyền thương lượng, cho dù Pháp và Đức có thái độ phản đối.

Bộ trưởng kinh tế Đức Sigmar Gabriel, thuộc đảng Dân Chủ Xã hội, đánh giá là trên thực tế, hiệp định TTIP đã thất bại, vì Châu Âu không nhượng bộ trước những đòi hỏi của Hoa Kỳ. Thủ tướng Đức có vẻ tiếp tục bảo vệ Hiệp định cho dù Đức đứng trước bầu cử quan trọng vào năm tới, nhưng với thắng lợi quan trọng của đảng dân túy AfD, trong cuộc bỏ phiếu hôm qua tại một vùng ở Đông Đức cũ, bà Merkel, giờ đây đã lên tiếng bảo vệ sự phân chia công bằng lợi nhuận thương mại.

Tại Hội Nghị G20, thủ tướng Đức đã khẳng định : « Toàn cầu hóa không phải chỉ có một âm hưởng tích cực, mà nó cũng mang theo bất bình đẳng nhiều hơn giữa các nhóm khác nhau, giữa các dân tộc (…). Chống lại sự bất bình đẳng là một chủ đề quan trọng để gắn bó một cách bền vững tăng trưởng với công bằng xã hội. »

Theo AFP, đây cũng là quan điểm của thủ tướng Canada Justin Trudeau. Với đánh giá là các « tầng lớp trung lưu làm việc căng thẳng hơn bao giờ hết mà có cảm giác vẫn không đủ để sống », cho nên tại Hàng Châu, ôngTrudeau cũng chủ trương chia sẻ đồng đều hơn thành quả của toàn cầu hóa.

Lời lẽ của ông cũng được đưa ra trong lúc hiệp định tự do mậu dịch Canada và Châu Âu (CETA) đang bị chống đối, nhất là ở Đức. Một đơn kiện nhắm vào hiệp định thương mại này, trình lên Tòa Bảo Hiến Đức đã được 125.000 chữ ký.

Tuy nhiên ông Trudeau cũng đưa ra lời cảnh báo đối với những người có những chủ trương khép cửa như Donald Trump : « Tự cô lập, xây tường quanh mình hay khép mình, sẽ không tạo cơ hội, tăng trưởng, lợi nhuận cho tầng lớp trung lưu ». Thủ tướng Canada ám chỉ bức tường mà ông Trump muốn xây ở biên giới giữa Mỹ và Mêhicô.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.